Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Suy nghĩ từ thông điệp đầu năm của Thủ tướng

Suy nghĩ từ thông điệp đầu năm của Thủ tướng
(I) Qua thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có vẻ như đã bộc lộ những tín hiệu về một sự đổi mới tình hình đất nước. Nếu căn cứ vào lời tóm tắt thông điệp: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”, có lẽ chẳng có gì đáng nói với những từ ngữ quá quen thuộc này. 
Tuy nhiên, nội dung lại có nhiều điều đáng chú ý. Từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (xem ở đây), đến cuộc giao lưu với đại biểu sinh viên toàn quốc 28/12, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (xem ở đây), nay đến thông điệp đầu năm của Thủ tướng, đã có nội dung tương đồng và toàn diện hơn, gợi lên một không khí thống nhất có phần mới mẻ từ phía Chính phủ.

Có người cho rằng đây chỉ là những lời nói “khôn ngoan” trong tình hình suy thoái kinh tế - xã hội, mà Thủ tướng là người đứng đầu nhà nước, đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị, phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt cuộc chống tham nhũng đang diễn ra trong nội bộ có phần gay gắt, mà Thủ tướng cũng là người trực tiếp gánh chịu nhiều sự phê phán.

Nói cách nào thì cũng không oan.

Nhưng sẽ là thiếu xác đáng, và cũng không đem lại hiệu quả tích cực trong tình hình đất nước hiện nay, khi quy tất cả trách nhiệm về một cá nhân, có tác dụng che lấp một thể chế đã có quá nhiều vấn đề.

Một thể chế mang những khiếm khuyết căn bản mà cả trăm năm “chưa chắc đã hoàn thiện được”, vì căn bệnh thiểu năng kéo dài nhiều thế hệ, được gọi là “lỗi hệ thống”. Đảng và Nhà nước là một hỗn hợp quyện vào nhau, càng khó phân biệt hơn cả tính hai mặt của một đồng tiền, hay sáu mặt của con xúc xắc. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt tên gọi “Nhà-nước-Đảng” (chứ không phải là “Đảng và Nhà Nước”) quả là có lý. Hai “thực thể” này không thực sự là hai. Nó chỉ là một cái hộp kín trước toàn dân, tự thân nó sản sinh ra hậu quả. Mỗi lúc có sản phẩm bất túc, phải có những ai đó, hoặc cái mơ hồ nào đó, đứng ra chịu trách nhiệm về sự sai lầm, thay cho cái tổng thể. Nay, các “nhóm lợi ích” – con đẻ của nó – được gọi là tác nhân phá hoại kinh tế đất nước. Sự suy vi toàn diện hiện nay thì có thủ phạm mang cái tên mông lung là “suy thoái tư tưởng”, hay “thế lực thù địch”. Chúng không ít và vô hình đang ăn nằm trong Đảng. Mà nguyên nhân của suy thoái lại mơ hồ hơn nữa, là tên tội phạm “nhạt phai lý tưởng” (cũng có nghĩa là “xa rời ảo tưởng!”).

Thủ phạm chính không thể che giấu mãi, mà cần được gọi đích danh, đó là thể chế đang hiện hành.

Trong bối cảnh miệt mài với vòng quay mịt mù của hệ thống thể chế đó, có tiếng nói đổi mới, cho dù chỉ là sự cố gắng cựa quậy, để đấu tranh với bảo thủ, cần nên được chú ý lắng nghe. Huống hồ tiếng nói mới mẻ đó phát ra từ một người đứng đầu chính phủ, khó tin là toàn thể, nhưng đáng tin là một lực lượng!

Thủ tướng đã nói đúng điều then chốt nhất của tình hình: mạnh mẽ thay đổi thể chế. Và lời nói đó có đáng tin cậy không?

Sự thể quan trọng này cần có tiếng vọng nghiêm túc từ phía nhân dân.

Thông điệp đã nhấn mạnh nhiều dân chủ, xác định dân chủ là nhu cầu khách quan của tiến trình lịch sử, là động lực để phát triển kinh tế và bảo vệ nền độc lập. Quyền dân chủ của nhân dân phải là nền tảng cho đổi mới thể chế. Đó là một nhận thức đúng.

Thủ tướng nhắc lại Đại hội Đảng lần VI đã chủ trương đổi mới, tạo nên một động lực đưa đất nước lên một bước phát triển, nhưng “động lực ấy không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển,nay “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Như thế là đặt vai trò của thể chế ở vị trí trung tâm, trong mối quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân và động lực phát triển xã hội. Đó là xem xét lại vấn đề thể chế đang hiện hành. Vì thể chế không dân chủ, nên bộ máy lãnh đạo hành xử tùy tiện, hủy hoại sức sống của xã hội, làm công cuộc đổi mới bị biến dạng, đưa đến trì trệ và suy thoái. Muốn khôi phục lại đà tiến đó, cần đẩy mạnh vấn đề đổi mới thể chế.

Thông điệp nêu: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại. Không thể nói đến một nhà nước pháp quyền mà không có sự cộng sinh của nền dân chủ. Dân chủ được khẳng định: quyền con người, quyền công dân, và quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở luật pháp. Và bộ luật căn bản nhất, bao trùm ba quyền trên, là Hiến pháp, mà Hiến pháp trong quan niệm hiện đại, phổ quát, là Tối Cao.

Đó là thể chế chính trị hiện đại, nó khác với nền chính trị độc tài đã bị lịch sử bỏ qua, mà hình thái lạc hậu nhất của nó là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa toàn trị, đang còn duy trì ở một vài quốc gia mang danh là chủ nghĩa xã hội, như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam ta.

Bất chấp là mô hình thể chế nào, Việt Nam vẫn đang đi, và bắt buộc phải đi, trên con đường hội nhập toàn cầu, thì phải có đủ sức cạnh tranh để tồn tại, thông điệp của Thủ tướng nêu:Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại. Chưa cần xác định tên gọi của nó là gì trong cái bẫy của từ ngữ có thể gây ra sự cố, thông điệp xác định về nội dung của thể chế trước đã, nhằm phục vụ cho sức mạnh cạnh tranh của quốc gia trong bối cảnh tất yếu của hội nhập, để không bị nhận chìm tận đáy của sự lạc hậu, bằng từ ngữ có vẻ kinh doanh một chút, và hơi lãng mạn:thể chếchất lượng cao, và nềnquản trị quốc gia hiện đại.

Đó là hai vấn đề then chốt mà người đọc có thể nhìn thấy trong thông điệp. Dư luận trong giới quan tâm thời cuộc đã tỏ ra có sự cộng hưởng tích cực, xem đây là không gian mới trong bầu không khí oi bức và chờ đợi lâu nay của phía dân sự, ít ra là vể nhận thức lý luận, từ phía công quyền, cũng là ý tưởng “đột phá tư duy để phát triển”, mà Thủ tướng Dũng đã nói cách đây vài tháng.

Thông điệp còn hé lộ thêm một bước cụ thể, nhưng trong thời điểm giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối, có những vật mờ cần cái nhìn thận trọng: “Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Giành lấy ngọn cờ dân chủ, hẳn không như là một thủ thuật chính trị, mà với ý nghĩa nghiêm túc là đi đầu thực hiện dân chủ, và quyết tâm thực hiện dân chủ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dânSự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước được hiểu theo ý nghĩa là phát huy, chứ không giảm thiểu, đè bẹp, trói cột quyền của nhân dân, là “làm tốt khả năng kiến tạo phát triển”, là tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp, và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội”, chứ không là tăng cường theo hướng độc tài. Nếu đúng như thế, thì đó là báo hiệu sự từ biệt dần cung cách lãnh đạo và quản lý theo kiểu chủ quan gia trưởng, võ đoán, làm thay, bao biện và tiếm quyền của nhân dân. Đoạn văn trên thật sự có sức khêu gợi và khá hấp dẫn.

Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò của dân chủ là cơ hội bình đẳng cho mọi công dân, không những thúc đẩy sáng tạo, mà còn vươn lên trạng thái hưng phấn, lành mạnh để vượt qua những mặc cảm tự ti, tự tôn, kể cả sự thù hận trong các bộ phận cộng đồng nhân dân do các sự kiện lịch sử để lại. Từ đó sẽ có sự gắn kết xã hội. Đó là ý tưởng về đoàn kết dân tộc và hướng về khái niệm xã hội dân sự, dân chủ. Đoàn kết dân tộc và xã hội dân sự, lại là một cặp song sinh nữa.

Với sức sáng tạo có được từ nền dân chủ, sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh. Thông điệp khẳng định: “Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”. Quan điểm dân chủ như thông điệp của Thủ tướng Dũng đã nêu, và như cách hiểu nói trên, chắc chắn sẽ có sự hưởng ứng mạnh mẽ, rộng lớn; dù có sự hoài nghi nhất định của người dân qua thái độ dò xét, đối chiếu giữa những gì chính quyền nói và làm, nhưng tất cả đều mong muốn như chưa từng có ước vọng nào cao hơn. Một sự thay đổi cao cả!

Lịch sử đã cho thấy, chiến đấu giành quyền sống cho dân tộc là đánh đổi bằng máu xương. Nhưng đấu tranh để đạt được quyền sống tự do - bình đẳng, xứng đáng là nhân cách, là phải bằng trí tuệ, nghị lực, và bằng trái tim vượt lên trên sự ích kỷ, hẹp hòi, thiển cận. Người lãnh tụ mang tính cách thời đại ở Nam Phi – Mandela – là nhân cách gây cảm hứng toàn diện, xứng đáng để noi theo.

Có người cho rằng, hoàn cảnh Việt Nam là một cá biệt, không thể so sánh, không thể đòi hỏi gì hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đã là một đảng ưu việt không ai bằng, dù nó đang suy thoái và bầy hầy. Nó đã từng đánh Tây, đánh Tàu, đánh Nhật, đánh Mỹ, rồi lại đánh Tàu… Với bản lĩnh ấy, bây giờ thì nó đang “đánh” tham nhũng, “đánh” suy thoái trong chính bản thân mình… Sau đó ắt là đất nước sẽ phồn vinh.

Suy nghĩ như trên thì quá tối tăm và bế tắc.

Vâng, hãy cứ yên tâm rằng đó là một đảng anh hùng.

Nhưng thời đại đã khác và dân tộc thì đang có nhu cầu khác.

Dân tộc đang đòi hỏi dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc để bù lại cho đất nước 100 năm xương máu đã đổ xuống.

Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để xây dựng một “thể chế có chất lượng caomột nền quản trị quốc gia hiện đại, theo cách dùng chữ của thông điệp, cũng có thể được hiểu trong cách dùng để ứng xử tình thế chăng!

Song, nếu hiểu cách khác, thì là đáng tiếc, rằng nó là tên gọi của một hình hài sáng tạo mới. Vậy thử hỏi, Việt Nam có thể kiến tạo được điều gì vượt qua sáng tạo của lịch sử nhân loại, về thể chế chính trị hay cách quản trị quốc gia, hay bất cứ một sáng tạo nào trong mọi lãnh vực? Đã chẳng phải là: Việt Nam cần học, học nữa, học mãi đó sao? Việt Nam đang đứng vị trí tốp đầu hay tốp chót trong bậc thang xếp hạng thế giới? Hay lại rơi vào thói kiêu ngạo cộng sản? Hoặc đó chỉ là một cụm từ của giới ảo thuật?

Nếu thế thì chẳng cần nói nữa làm gì!

Đây là thời điểm của nhân dân, cũng là cơ hội thử thách khả năng chuyển hóa của Đảng.

Thật ra, ai cũng hiểu rằng đang tồn tại một thế lực không tán thành thể chế dân chủ, đang chống lại xu thế đòi hỏi dân chủ, chỉ vì sợ hãi dân chủ, sợ hãi bản thân mình, và sợ mất đi giá trị vật chất mà mình đạt được, hay giá trị tinh thần mà mình đã từng cống hiến. Và cả nỗi sợ hãi bạo lực, như chúng đã xảy ra ở sự kiện gọi là Mùa xuân Ả Rập. Tiếc thay, đó không phải là hình mẫu để so sánh, cũng chỉ là nỗi sợ hãi, nhằm bênh vực việc duy trì nguyên trạng lạc hậu.

Hành vi bạo lực đẻ ra tư duy bạo lực và ngược lại. Nelson Mandela tiếp thu tinh thần bất bạo động của M. Gandhi, thật sâu sắc khi viết trong hồi ký Con đường dài đến tự do: “Khi bước ra khỏi khung cửa dẫn đến cánh cổng sẽ đưa tôi đến với tự do, tôi biết nếu tôi không để lại sự chua xót và căm thù ở lại phía sau, tôi vẫn còn ở trong ngục tù” và “Khi tôi bước ta khỏi nhà tù, tôi hiểu nhiệm vụ của mình là giải phóng cả người bị áp bức lẫn kẻ áp bức” và “Tự do không phải đơn thuần là chặt đứt xiềng xích, mà là sống để tôn trọng và mở rộng tự do cho người khác”. Thực tiễn của Ấn Độ và Nam Phi cho thấy “thiết lập dân chủ không hề đòi hỏi một điều kiện tiên quyết nào; dân chủ có thể thành công trong mọi trường hợp và còn có khả năng đưa một dân tộc ra khỏi một tình trạng tưởng như tuyệt vọng” (Nguyễn Gia Kiểng).

Thật là mỉa mai, chúng ta đang sống trong một bối cảnh tràn ngập những điều tế nhị, từ ngữ cũng trở thành những vùng nhạy cảm, và đầy nguy hiểm! Để hiểu được thông điệp của một vị đứng đầu nhà nước là không dễ. Cách hiểu theo chiều hướng tích cực trên đây, có thể chỉ là do niềm hy vọng của người mong muốn sự thay đổi? Hoặc chỉ là tư duy của kẻ lương thiện lãng mạn? Và như thế cũng chẳng sao!

Nếu Nhà độc tài – Tổng Thống Thein Sein của Myanmar tuyên bố dân chủ hóa thể chế, mà nhân dân không hưởng ứng thì lỗi sẽ thuộc về ai? Phương chi, Việt Nam lại khó hơn, vì nhà độc tài là một tập thể vô hình, thì người dân nên càng phải quyết tâm hơn.

( II )

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dừng lại ở những ý tưởng khái quát về vai trò của thể chế dân chủ cần đổi mới, mà còn đề cập nhiều mặt cụ thể hơn, với những cụm từ có thể hiểu “nước đôi” rất cần sự thận trọng.

Nhưng điều thú vị gây hưng phấn nhất mà thông điệp đầu năm đã mở lối, chính là sinh hoạt đối thoại hay phản biện xã hội.

Thông điệp nêu: “Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Thật là quý hóa! Được lời như cởi tấm lòng. Cả nước đang mong chờ cơ chế phản biện xã hội. Nó cần thiết như cần mưa trong cơn nắng hạn. Nó sẽ làm tươi xanh lại cây lá, thay vì xác xơ trơ trụi bởi những cơn gió mùa khô khốc một chiều, từ trên dội xuống của những “hội đồng lý luận Trung ương”. Cơ chế phản biện xã hội sẽ thay thế cho bộ máy an ninh đa dạng, cho cả 900 dư luận viên ngày đêm làm điều vô bổ, cho những hình ảnh đàn áp rất xấu hổ trong cái mắt nhìn của thế giới. Nó làm vơi đi mặc cảm cho mọi người dân và sinh viên Việt Nam khi đi nước ngoài… Nó nâng cấp xã hội lên một trình độ mới, xã hội sẽ hiện diện với tư cách là một xứ sở văn minh. Nó “góp phần vào xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ”, loại bỏ những cán bộ thiếu phẩm chất, như ông Đại sứ chuyển ngân lậu, theo cách “Gởi ít quà về cho cháu”, v.v.

Trong thông điệp, Thủ tướng bày tỏ quyết tâm: “đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới”, đồng thời cũng xác định là “rất khó khăn và thách thức rất lớn”. Cái “rất khó khăn và thách thức rất lớn” này chủ yếu đến từ đâu? Từ Mỹ, Nhật, ASEAN, Trung Quốc, hay Bắc Triều Tiên? Chắc chắn họ không can thiệp, và cũng không thể can thiệp được công cuộc đổi mới, nếu chúng ta muốn. Đây cũng là một loại “mặc cảm” mà thông điệp của Thủ tướng đã nhắc đến, với ý tưởng là phải vượt lên trên. 

Phải chăng, cái thách thức rất lớn này đã đến từ một loại tư duy trì trệ dưới bóng râm lợi ích và có hệ thống đang ngự trị, và hoàn toàn mang tính chất nội bộ và cục bộ? Tuy thách thức lớnmà không thật sự lớn vì thông điệp cũng đồng thời khẳng định rằng, đây là một cơ hội để đổi mới mạnh mẽ. “Cơ hội” có nghĩa có nhiều yếu tố thuận lợi đang sẵn sàng.

Thủ tướng cũng chú ý đến ưu thế của thời đại là công nghệ thông tin, với rất nhiều điều kiện thuận lợi để trau dồi tri thức và bản lĩnh cho số đông quần chúng (Nghị định 72 thì sao?), và đó là một sức mạnh. Đặc biệt, thông điệp đã chạm đến thế hệ trẻ, với sự khẳng định vai trò trung tâm của họ, qua lời mời gọi rất đáng chú ý: “Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Vượt qua lời kêu gọi thanh niên sinh viên phải hăng hái đi vào vùng sâu vùng xa, nhiệt tình và ngoan ngoãn trong giới hạn khiêm tốn nhỏ nhoi, thông điệp khẳng định giới trẻ phải tham gia với vai trò có tính quyết định vận mệnh đất nước, vào cuộc đổi mới toàn diện về một thể chế dân chủ, xứng đáng là một thế hệ làm nên bước tiến mới mẻ, và vẻ vang của thời đại mình.

Giữa những lời nói sai và lời nói đúng, chúng ta chọn lời nói đúng. Lời nói sai, chẳng thể đem lại việc làm đúng. Lời nói đúng, việc làm có thể đúng, hoặc sai. Đó là khoảng cách giá trị của nói và làm. Chúng ta có quyền và có trách nhiệm tiếp tay cho việc làm đúng.

Tôi nghĩ rằng, các thế hệ hôm nay tham gia vào cuộc đấu tranh tăng cường dân chủ, tạo nên một thể chế lương thiện hơn, là một áp lực của tình thế, vừa là nhiệm vụ cao cả và lẽ sống, nhất thiết phải đi tới trong giai đoạn mà lịch sử đang đứng trước nhiều bất trắc của hai đầu đối nghịch, là dân chủ và toàn trị, ở tình thế “không có chỗ lùi” nữa, mà Thủ tướng đã dùng từ ngữ “vận mệnh của đất nước”. Tôi hiểu điều này có ý nghĩa nghiêm túc. Tôi xem việc đấu tranh và xây dựng cho một nền dân chủ đòi hỏi về phương diện giá trị nhân văn cao cả hơn, và toàn diện hơn cuộc đấu tranh bằng bạo lực để giành quyền sống còn. Sự phát triển của dân tộc cao hơn sự tồn vong của tư tưởng “sổ hưu”. Và sổ hưu không phải là lý tưởng của thanh niên. Vì thế, mọi thứ tương tự là không đáng kể. Chỉ cần sự bước tới. Vì cả đất nước còn chờ đợi ai, và đợi đến bao giờ?

Thế hệ thanh niên là quan trọng nhất, trong đó có thành phần sinh viên mang trách nhiệm nặng nề, nên cần đứng thẳng lên một cách trưởng thành (không có “tư duy bác-cháu” như lời xưng hô của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam), sẵn sàng cho công cuộc đổi mới toàn diện, với tấm lòng công chính, vì một thể chế dân chủ. Thể chế dân chủ quan trọng vì nó là năng lượng đầu nguồn cho mọi năng lượng phát triển. Chỉ có dân chủ và lòng yêu nước mới tạo nên sức mạnh của dân tộc.

Một trong vô vàn những câu hát của phong trào sinh viên học sinh, được cất lên trong khói lửa của đô thị Miền Nam thời kỳ chiến tranh, là tiếng lòng của nhân dân, và còn đọng mãi trong lòng nhân dân, rất đáng gởi gắm và trao tặng, vì đã 40 năm qua nó vẫn còn vang cảm xúc nội tâm mạnh mẽ, với trái tim dẫn đường của giới thanh niên, sinh viên, học sinh, không bạo lực nhưng quyết liệt: “Em đào hầm trong lòng. Em dựng nước trong tim. Hầm em sẽ chôn hận thù. Tim em sẽ nuôi tình thương. Em gọi người Việt Nam mình trong mắt. Thương ngàn năm lớn mãi giống da vàng này (Nhạc sĩ sinh viên Miên Đức Thắng, 1970).

Đầu năm, Thủ tướng viết báo, là thực hiện quyền thứ tư của công dân, là bày tỏ quan niệm và chính kiến của mình đối với độc giả, là một tính cách của bình đẳng và dân chủ, là thể hiện phong cách giao lưu của con người hiện đại. Giá như ai cũng được làm điều này mà không bị cấm đoán! Thủ tướng có khêu gợi và mở đầu cho một thời kỳ đối thoại dân chủ và giao lưu rộng rãi với nhân dân không? Nếu có, nó là giá trị lớn hơn tiếng nói xa vời, thiếu cảm xúc với nhân dân, trên các diễn đàn nội bộ Đảng, hay Chính phủ-Đảng.

Bài báo của Thủ tướng đã tiếp cận đúng vấn đề, nên đã có sức lan tỏa.

Nay thì người dân đang nhìn Thủ tướng làm, làm như điều đã nói, chắc chắn sẽ có hiệu ứng mạnh mẽ. Nói đúng, làm đúng và hiệu ứng sẽ đúng.

Đất nước đã chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh, nhân dân đã trải qua nhiều sự kiện chính trị, nên sự hoài nghi cũng là tất yếu, nhất là trong bối cảnh của môt thế chế không có yếu tố bền vững, vì chưa có nền tảng cho một xã hội dân sự, cho một nhà nước gọi là pháp quyền. Vì thế, tiếng nói của Thủ tướng giờ đây, nếu có thể được hiểu là tiếng nói đột phá thì càng đáng trân trọng, của một chính khách đáng giá trong thời đại đáng hoài nghi này.

Nói và làm phải đi đôi, nhân dân đang chờ đợi một cuộc đột phá toàn diện, và đang cần một người dẫn đầu bước lên phía trước. “Bản lĩnh đó sẽ tỏa sáng” như điều mà Thủ tướng mong muốn ở các thế hệ hôm nay.

Được đối thoại với Thủ tướng trên mặt báo là một hạnh phúc lớn, thay vì phải đối thoại không mấy vui với cái bóng của Thủ tướng trên các đường phố cùng các công cụ bạo lực. Nhưng nếu cần thì cũng phải chấp nhận.

5/1/2014

Hạ Đình Nguyên
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét