Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Nếu trên máy bay chỉ còn một phi công điều khiển ?

Nếu trên máy bay chỉ còn một phi công điều khiển ?
Đức TâmTrên tất cả các máy bay hàng không dân dụng, bao giờ cũng có hai phi công : Cơ trưởng, và một phi công phụ hoặc gọi phi công thứ hai. Thậm chí, trên các tuyến bay đường dài, còn có tới 3 phi công.
Toàn bộ phi hành đoàn được huấn luyện 
để ứng phó với các tình huống xấu - REUTERS
Vậy điều gì sẽ xẩy ra nếu trong hành trình bay, một phi công qua đời, chỉ còn một người điều khiển máy bay ? Tình huống này đã được trù tính và toàn bộ phi hành đoàn đều được huấn luyện để xử lý.

Thực ra, tất cả các loại máy bay hiện đại chỉ cần một phi công và họ được đào tạo để có thể một mình điều khiển máy bay. Các phi công đều được huấn luyện xử lý tình huống cất cánh và hạ cánh khi phi công thứ hai không còn khả năng làm việc.

Mặt khác, trên thực tế, khi máy bay hạ cánh, chỉ có một phi công điều khiển, còn người kia thì lo hỗ trợ, như liên lạc với bộ phận quản lý không lưu, kiểm soát, theo dõi các hệ thống máy móc trên máy bay.

Phi công thứ hai, cho dù thường gọi là phi công phụ, nhưng đây không phải là người chỉ biết ngồi nhìn cơ trưởng làm việc. Chính hay phụ, cả hai phi công đều có khả năng điều khiển máy bay cất cánh và hạ cánh. Vậy sự khác nhau giữa hai người là gì ?

Giới chuyên gia cho biết, cơ trưởng là người chịu trách nhiệm chính về an ninh, an toàn cho hành khách và phi hành đoàn, là người ra quyết định (đương nhiên vì vậy mà lương cao hơn). Việc chuyển từ phi công phụ lên thành cơ trưởng chỉ là vấn đề thâm niên, số giờ bay cao.

Như vậy, phi công có thể một mình điều khiển máy bay, nhưng quy trình bay thông thường lại đòi hỏi hai người, người này thẩm tra lại các thao tác của người kia. Nếu điều khiển một mình, phi công sẽ phải tập trung hơn và làm nhiều thao tác hơn, sức ép lớn hơn. Mặt khác, theo quy định, trong khoang lái, lúc nào cũng phải có phi công. Nếu chỉ có một mình, thì phi công không thể vắng mặt lâu, ví dụ như đi vệ sinh.

Cho đến nay, chưa có máy bay hàng không dân dụng nào có thể hạ cánh tự động, tức là không cần đến phi công. Do vậy, phải có hai phi công, đề phòng trong trường hợp một trong hai người không còn khả năng làm việc, như ngộ độc thức ăn, đau tim, hôn mê, chết.

Khi xẩy ra tình huống này, phi công còn lại phải báo ngay cho các nhân viên kiểm soát không lưu để xin hỗ trợ, máy bay được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Quyết định thay đổi hành trình bay phụ thuộc vào tình trạng máy bay và sức khỏe của phi công bị ốm. Nếu phi công bị đau tim, cần cấp cứu nhanh thì phải tìm sân bay gần nhất để hạ cánh.

Khi thay đổi hành trình bay do một phi công ốm, chết, thì hành khách sẽ được thông báo là có vấn đề kỹ thuật, chứ không bao giờ được biết là chỉ còn một phi công. Ngay cả khi báo động có bom trên máy bay, thì nội dung thông báo cũng là sự cố kỹ thuật. Trường hợp duy nhất phải nói thật để hành khách chuẩn bị là khi máy bay hạ cách khẩn cấp.

Quy định của hàng không dân dụng là trước và trong khi bay, cơ trưởng và phi công phụ dùng thức ăn từ hai nơi chế biến khác nhau cũng là nhằm tránh xẩy ra tình huống cả hai đều bị ngộ độc thực phẩm, không còn đủ khả năng điều khiển máy bay.

RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét