Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Đã đến lúc cần bỏ qua chỉ số GDP

Đã đến lúc cần bỏ qua chỉ số GDP
Tạp chí Nature 505, 283-285 (16 tháng Một, 2014), Trích từ BookHunter
Robert F. Kennedy đã từng nói rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ta biết “mọi thứ trừ những thứ đáng giá trong cuộc sống”. Chỉ số này được một nhà kinh tế học người Mỹ Simon Kuznets phát triển theo yêu cầu của chính quyền liên bang những năm 1930.
Thời đó, người ta không có cách nào để biết được chính xác thì nền kinh tế đang tốt lên hay xấu đi, tất cả chỉ là quan điểm cá nhân của các chuyên gia. Tuy vậy ngay từ trước khi Liên Hợp quốc yêu cầu các quốc gia thu thập dữ liệu để tính GDP, Simon Kuznets đã sớm lo ngại về việc GDP có thể bị lạm dụng và khiến mọi người nhầm lẫn mức độ nhộn nhịp của các hoạt động kinh tế với sự thịnh vượng thật sự của các quốc gia.


GDP chủ yếu đo đạc được tổng khối lượng giao dịch kinh tế diễn ra trên thị trường, và hoàn toàn không tính đến những yếu tố như hệ quả xã hội của hoạt động kinh tế gây ra, hậu quả với môi trường và chênh lệch giàu nghèo. Nếu một tập đoàn dùng GDP là kim chỉ nam để hành động, ta sẽ có thể dự đoán được tập đoàn đó sẽ theo đuổi chiến lược tối đa doanh thu thuần, mặc cho lợi nhuận có thể bị giảm sút, hiệu quả lao động không đảm bảo, phát triển không bền vững và mất đi khả năng nhạy bén với các cơ hội mới. Đó là một phương cách phát triển không bền vững (ví dụ điển hình là trường hợp của Enron). 

Tuy vậy từ sau thế chiến thứ 2, GDP trở thành chỉ tiêu theo đuổi chính của gần như tất cả các quốc gia trên thế giới.(1) Ở thời đó, tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao, các hoạt động kinh tế bị đình trệ; phát triển kinh tế và tăng thu nhập là yếu tố cần thiết để giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội, ngăn ngừa một cuộc chiến có thể tái bùng nổ. Tuy vậy, hiện trạng của thế giới ngày nay khác xa với tình hình của những năm 1944, thời điểm mà GDP chính thức được công nhận và sử dụng rộng rãi qua hội nghị diễn ra ở Brentton Woods.

Những hạn chế của GDP hiện tại đã được mọi người biết đến tương đối phổ biến. Phát triển kinh tế dẫn đến khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nhưng phần lớn tài sản làm ra lại được phân chia rất mất cân đối, là nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn và tệ nạn xã hội, nhất là các vấn đề về đạo đức.(2) Các hoạt động như chiến tranh, các thiên tai, dịch họa gây rất nhiều mất mát và ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhưng nó lại giúp GDP tăng trưởng, vì nhu cầu tái thiết và tái xây dựng sau những biến cố đó là rất cao (ví dụ như thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico 2010 hay siêu bão Sandy năm 2012 đều giúp GDP của Mỹ tăng lên không ít). Cho đến tận những năm gần đây, chúng ta cũng không có cách gì để biết được thực sự thì xã hội đang tốt lên hay xấu đi, giống như với tình trạng kinh tế những năm 1930 vậy.

Tuy vậy, hiện tại các nhà nghiên cứu đã tìm cách phát triển nhiều cách thức tốt hơn để đánh giá chính xác về tình hình xã hội. Người ta đã bắt đầu đo đạc được những ảnh hưởng xã hội từ phát triển kinh tế, cũng như hệ quả của mất cân bằng trong thu nhập.(3) Đồng thời, những phương pháp khảo sát về tâm lý học từ các công dân về mức độ tốt đẹp của cuộc sống cũng đã được hoàn thiện cả ở khía cạnh định tính và định lượng.(4)(5) Đến năm 2015, Liên hiệp quốc đang có kế hoạch công bố các Mục tiêu phát triển bền vững, là một tập hợp của các mục tiêu toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đánh giá các giải pháp thay thế

Các chỉ số để sự phát triển của xã hội có thể chia ra làm 3 nhóm chính. Nhóm 1 tập trung vào điểu chỉnh các chỉ số kinh tế dựa trên việc tính toán thêm các thiệt hại về môi trường và xã hội. Nhóm 2 tập trung vào việc khảo sát một cách chủ quan các công dân về mức độ hài lòng với cuộc sống của họ. Nhóm 3 tập trung vào các chỉ số khách quan như nhà ở, tuổi thọ, thời gian rảnh rỗi và mức độ tham gia vào các hoạt động mang tính dân chủ.

Nhóm 1: Điều chỉnh các chỉ số kinh tế

Một chỉ số thay thế nổi bật của nhóm 1 được đề cập đến ở đây là GPI (Genuine Progress Indicator – Chỉ số phát triển chân thực) cũng được đo bằng đơn vị tiền tệ, do đó tương đối giống với GDP. Chỉ số này được tính toán chủ yếu dựa trên thói quen tiêu dùng và chi tiêu cá nhân đi kèm với hơn 20 chỉ số phụ nữa như thời gian đóng góp cho công tác xã hội, hậu quả từ ly hôn, phạm pháp và gây ô nhiễm.(6) Không giống như các chỉ số khác trong cùng nhóm 1, GPI tính đến yếu tố phân chia thu nhập : tăng thêm một đôla thu nhập với người nghèo tăng chất lượng sống hơn so với người giàu. Và khi tính đến chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo, chỉ số này cũng tính đến các vấn đề xã hội như tình trạng lạm dụng chất kích thích, tình trạng tù oan sai và tình trạng sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tinh thần.(5)

Tình hình xã hội qua GPI thể hiện một bộ mặt khác hẳn khi so với dùng GDP. Trong năm 2013, khảo sát từ 17 quốc gia chiếm hơn 1 nửa dân số toàn cầu đã cho thấy sự khác biệt lớn giữa 2 chỉ số. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1978, cả 2 chỉ số đều gia tăng tương đối đồng đều, miêu tả chất lượng cuộc sống trong giai đoạn này được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy từ sau 1978, GDP vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao, nhưng đồ thị biểu diễn GPI bắt đầu đi ngang và có phần suy giảm; do các vấn nạn về môi trường và xã hội đã kéo tụt các mặt tích cực của việc tăng GDP lại. Một vài chính phủ đã thực sự nghiêm túc trong việc dùng GPI thay thế cho GPI để đánh giá thực sự chất lượng cuộc sống đang tốt lên hay xấu đi, ví dụ như chính quyền các bang Vermont và Maryland đã sử dụng GPI thay cho GDP trong 3 năm liền.


Nhóm 2: Khảo sát chủ quan người dân

Một đại diện tiêu biểu của nhóm trên là chương trình WVS (World Values Survey – Khảo sát giá trị cuộc sống toàn cầu), đã kháo sát hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới từ năm 1981 trong 6 đợt. Một đại diện khác là chỉ số Hạnh phúc quốc gia được sử dụng ở Butan, vốn quan tâm đến 9 yếu tố của đời sống : chất lượng sống, trạng thái tâm lý, tính hiệu quả của chính phủ, sức khỏe, giáo dục, chất lượng các mối quan hệ với cộng đồng, đa dạng văn hóa, cách sử dụng thời gian và đa dạng tự nhiên.

Mặc dù phương pháp này có nhiều giá trị tham khảo về chất lượng sống, nhưng khi so sánh 2 bản khảo sát của 2 quốc gia với nhau sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về thống nhất tiêu chuẩn. Thêm một vấn đề nữa là mọi người thường không nhận thức đầy đủ được ảnh hưởng của các yếu tố quen thuộc trong đời sống với mức sống của họ, ví dụ nhiều người không coi trọng cho lắm các dịch vụ như cung cấp nước sạch hay chống sét đánh…

Nhóm 3: Tổng hợp các chỉ số xã hội

Đây là phương pháp đánh giá dựa trên cả những chỉ số khách quan và các yếu tố chủ quan. Một ví dụ đó là Chỉ số hạnh phúc toàn cầu được Quỹ Kinh tế mới phát triển năm 2006 tính bằng cách lấy chỉ số hài lòng với cuộc sống nhân với tuổi thọ và chia cho các vấn nạn môi trường. Việt Nam trong năm 2012 đã được chỉ số này xếp hạng thứ 2 thế giới do vấn nạn môi trường chưa đến mức trầm trọng như ở các nước đã phát triển và chỉ số hài lòng với cuộc sống thuộc top đầu của thế giới.

Một chỉ số khác đáng tin cậy hơn đó là Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của OECD bao gồm các yếu tố khách quan có tỷ trọng lớn như thu nhập, nhà ở, công việc, sức khỏe rồi sau đó mới đến mức độ hòa nhập cộng đồng, mức độ hài lòng với cuộc sống… Đặc biệt OECD có phát triển 1 website cho phép người dùng tự đặt tỷ trọng của các yếu tố kể trên, để từ đó đánh giá được quan điểm của công dân mỗi quốc gia khác biệt ra sao.

Rất nhiều chỉ số kể trên vẫn đang trong quá trình phát triển và cải thiện, chưa có chỉ số nào tỏ ra đủ tốt để thay thế hoàn toàn GDP nhưng khi kết hợp chúng với nhau, chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh đầy đủ hơn về sự phát triển của xã hội. File PDF đầy đủ của các phương pháp đo đạc kể trên có thể download theo link này.

Tuy vậy, chỉ đưa ra các chỉ số để đánh giá như vậy chưa thể là cách đầy đủ để có thể thay thế và loại bỏ được những ảnh hưởng của tư duy phát triển dựa trên GDP hiện nay. Một trong số những bước đi cụ thể đó là việc cho ra đời Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên hợp quốc thay thế cho Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ra đời năm 2000 tập trung chính vào xóa nghèo đói, phổ cập giáo dục phổ thông, cân bằng giới và phát triển thân thiện với môi trường. SDG cần bổ sung thêm những yếu tố mới phản ánh đầy đủ hơn về một cuộc sống hạnh phúc đi kèm với phát triển bền vững thực sự. Và mục tiêu đó có thể được bắt đầu từ năm 2015.

Người ta thường nói rằng, bạn sẽ nhận được chính xác những thứ mà bạn muốn thấy (hay muốn đo). Chúng ta cần xây dựng tương lai cũng như các tiêu chuẩn đo đạc phản ánh được những gì chúng ta muốn từ cuộc sống; thông qua kết hợp các khía cạnh khác nhau : môi trường, kinh tế, tâm lý, xã hội để tạo nên một cuộc sống chất lượng và tiến bộ. Chúng ta chưa biết rõ nó sẽ trông thế nào, nhưng gần đúng còn tốt hơn là chắc chắn sai.

____________

Tham khảo thêm:

1, Van den Bergh, J. C. J. M. J. Econ. Psychol. 30, 117–135 (2009)

2, Talberth, J., Cobb, C. & Slattery, N. The Genuine Progress Indicator 2006: A Tool for Sustainable Development (Redefining Progress, 2007)

3, Diener, E. & Suh, E. M. in Well-Being: The Foundations of Hedonic Psychology (eds Kahneman, D., Diener, E. & Schwarz, N.) 434–450 (Russell Sage Foundation, 2003)

4, Seligman, M. E. P. Flourish: A Visionary New Understanding of Happiness and Well-being (Atria, 2012)

5, Wilkinson, R. G. & Pickett, K. The Spirit Level: Why Greater Equality Makes Societies Stronger (Bloomsbury, 2009)

6, Layard, R. Happiness: Lessons from a New Science (Penguin, 2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét