Vinashin, Vinalines và bài toán đại cục!
Bùi Hoàng Tám, Dân trí
Không có một ngành hàng hải đủ mạnh, chúng ta không thể phát triển kinh tế. Không có một ngành hàng hải hùng mạnh, chúng ta không thể đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.Vụ việc xảy ra tại Vinashin và Vinalines dường như đã “chuyển nhịp” với phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinalines ngày 16/12 vừa qua. Đây là một tổn thất, không phải nói chính xác là một trang bi thương của ngành hàng hải Việt Nam.
Nó không chỉ nhấn chìm một khối tài sản không lồ, đẩy hàng vạn người lao động vào chốn nghèo khó, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm nền kinh tế Việt Nam non trẻ, đầy chông gai thách thức vào bờ vực phá sản mà còn gây mất niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Nó đã phá nát cả một chủ trương đúng đắn, một chiến lược có tính lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc phát triển kinh tế biển đồng thời cũng là công cụ bảo vệ Tổ quốc.
Mức án 20 năm với Phạm Thanh Bình và cả mức án tử hình vừa tuyên đối với Dương Chí Dũng có lẽ cũng chỉ mang ý nghĩa răn đe là chủ yếu. Còn số tiền đổ sông, đổ bể thì chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
Song, không vì sự đổ vỡ này mà làm thay đổi một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 09 - NQ/ TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng… với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước”.
Đây là một chủ trương đúng và có tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng về đường lối phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Một đất nước 3.200 km bờ biển không thể không là quốc gia biển và không thể không có một ngành hàng hải phát triển.
Cách đây nhiều thế kỉ, cha ông chỉ có thuyền gỗ, buồm nâu còn chinh phục Hoàng Sa, Trường Sa thì không có lý gì chúng ta không có những con tầu vượt đại dương.
Không có một ngành hàng hải đủ mạnh, chúng ta không thể phát triển kinh tế. Không có một ngành hàng hải hùng mạnh, chúng ta không thể đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Có lẽ điều mà người dân mong muốn là một chương mới cho sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam. Việc này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước mà còn tạo thế cho một sức mạnh cần có để luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bài học từ sự đổ vỡ của Vinashin và Vinalines chắc chắn cho chúng ta nhiều kinh nghiệm xương máu. Song, không vì thế mà làm hỏng một chủ trương lớn.
Chỉ còn 6 năm nữa là đến mốc năm 2020, chúng ta tin rằng một chủ trương lớn có tính đại cục về chiến lược biển Việt Nam sẽ được điều chỉnh thích hợp để không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn là công cụ thiết thực bảo vệ Tổ quốc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét