Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Nơi phụ nữ không dám lấy chồng

Nơi phụ nữ không dám lấy chồng
PN - Bên những ngôi nhà xiêu vẹo, không ít đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương của cha mẹ, những đôi mắt buồn của thiếu nữ trở nên u uất hơn khi không còn tin vào trai bản. Tang tóc vẫn bao phủ bản Poọng khi những cái chết được báo trước lần lượt về với đất Giàng trong sự bất lực của người sống.
Con gái nơi đây không dám lấy chồng vì sợ HIV
Tận cùng nỗi đau
Ngược gần 300km, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được bản Poọng (xã Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa). Đã 10 năm qua, bản Poọng không còn sức sống của một vùng đất trù phú với núi rừng, sông nước, không còn những tiếng cười đùa mà chỉ còn những tiếng thở dài ai oán. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Tam Chung, khoảng bảy năm trở lại đây, toàn xã có gần 80 người chết vì HIV/AIDS, riêng bản Poọng có trên 40 người.

Trong căn nhà trống huơ trống hoác ven sông, anh Hoàng Thanh Tâm, cán bộ thôn nghẹn ngào kể về nỗi đau tận cùng mà người dân bản Poọng phải chịu đựng suốt hơn 10 năm qua. Nguyên nhân dẫn đến sự tang tóc ở nơi này là vào những năm 90, trai bản bắt đầu đi về các vùng Son Bá Mười (Bá Thước), Cẩm Thủy, Thường Xuân… để tìm các bãi đào đãi vàng với hy vọng đổi đời. Bẵng đi một thời gian, không những không thực hiện được giấc mơ đổi đời mà họ trở về quê còn mang theo mầm mống của căn bệnh quái ác HIV/AIDS, cùng với các tệ nạn ma túy, mại dâm.

Cả bản Poọng có 87 hộ dân với 398 khẩu thì đã có tới 64 hộ nghèo. Anh Tâm cho biết, bản giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ, trai tráng và phụ nữ trong bản cứ chết dần vì HIV. Có gia đình tới bốn người chết.

Trong ngôi nhà lụp xụp, cụ Hà Thị Vưn (80 tuổi) vẻ mặt lúc nào cũng sầu não. Ở tuổi gần đất xa trời mà cụ vẫn phải kiếm cái ăn cho hai đứa cháu chưa đầy 10 tuổi. Cụ bảo, đó là hậu quả của căn bệnh HIV, bố mẹ chúng nó đã chết cả rồi. Giờ còn hai đứa, không biết rồi nó có như bố mẹ chúng không nữa.

“Cứ hỏi, tại sao “con” HIV lại khủng khiếp như vậy, nó đã cướp đi biết bao nhiêu trai, gái trong bản. Có tuần có đến ba người chết thì thật không thể tưởng tượng được. Nhưng những đứa trẻ thì vẫn phải lớn lên, chúng phải ăn, phải sống. Đứa nào bị nhiễm “H” (HIV) thì đành chịu thôi. Cứ kệ đi, rồi cũng qua”, bà Vưn than thở.

Từ ngày bố mẹ nó mất, dường như Thường (cháu bà Vưn) trở nên lì lợm hơn. Trò chơi duy nhất của Thường là trườn trên đống cát, thỉnh thoảng nó nhìn về phía xa xăm. Không ai nói ra, nhưng người dân bản Poọng này đều cho rằng bố mẹ Thường chết vì “H” thì trong người nó giờ cũng đang có con “H” đi theo nên họ không cho con cái mình đến gần Thường. “Nhìn thấy cháu lủi thủi một mình mà tôi chết lặng. Chỉ mong sao trong người cháu không có con HIV như bố mẹ nó để mọi người đừng xa lánh, để nó còn chơi được với bạn bè trong bản”, bà Vưn nghẹn ngào nói.

Thấy có người lạ đến nhà, Thường chạy về đứng nép sau cánh cửa nhìn vào. Tôi bước tới chìa tay về phía Thường, như một phản xạ tự nhiên cháu co rúm người lại lẩn tránh. Từ sâu trong ánh mắt của đứa bé tám tuổi là sự tủi thân khi sống lạc lõng giữa cộng đồng.

Lấy chồng vừa sợ, vừa run

Sau cái nắng yếu ớt cuối chiều, trời mưa tầm tã như muốn cuốn trôi cả bản làng của người Thái xuống dòng sông Mã đỏ ngầu, chảy xiết. Mỗi ngày trôi qua với chị Hoàng Thị Kết (SN 1981) là mỗi ngày chất chứa những nỗi đau. Mỗi đêm nằm mơ thấy người chồng đã chết 5 năm trước, chị chỉ muốn buông xuôi, rồi nhìn ba đứa con đang ngủ ngon, chị lại nhủ lòng mình phải sống để nuôi các con ăn học tử tế. Chị bảo chị không dám đi bước nữa. Chồng chị chết không phải vì HIV, nhiều khi chị nghĩ cũng muốn lấy chồng để có người đàn ông lúc tắt lửa tối đèn nhưng vì căn bệnh HIV đang tiềm ẩn khắp nơi trong bản nên chị sợ lấy phải một người bị HIV thì cuộc đời chị và những đứa con cũng coi như hết. Theo thống kê của cán bộ bản, đến nay bản Poọng có khoảng 30 người phụ nữ góa chồng.

Chị Kết kể, những người có chồng không dám đi bước nữa đã đành. Cả con gái ở bản lớn lên cũng chẳng dám đánh cược với mạng sống của mình. Chúng nó bảo lấy chồng sợ “H” lắm. Vì vậy mà con gái bản Poọng đến tuổi cập kê đều thoát ly sang bản khác, xã khác lấy chồng. Nhiều đôi trai gái yêu nhau, đến với nhau mà vẫn nơm nớp lo sợ.

Em Lương Thị Hoa (15 tuổi) bảo, bố mẹ gả em cho một trai bản. “Em cũng yêu người ta, nhưng em sợ lắm vì con trai hay bị HIV. Hơn nữa nhà chàng trai này có người anh chết vì căn bệnh này cách đây vài năm. Giờ bản thân em cũng không biết phải như thế nào nữa”, Hoa tâm sự.

Chia tay bản Poọng, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa, các cụ già thì đầy nỗi ưu tư, không biết tương lai của những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào.

Lâm Nguyên

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hóa là huyện vùng cao biên giới, được xem là điểm nóng về ma túy, HIV của các huyện phía Tây Thanh Hóa. Số người nhiễm HIV/AIDS của huyện Quan Hóa là 597 người, tổng số người nhiễm HIV/AIDS đang quản lý tại địa phương là 393 người, với 284 người đang điều trị ARV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét