Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Có lẽ phải dụ dỗ người ấy “ngã mặn” thôi...

Có lẽ phải dụ dỗ người ấy “ngã mặn” thôi...
“Cuối tuần này đám giỗ ba em, mẹ nói mời anh về chơi. Anh rảnh không?”. Thành, cậu trợ lý của tôi ngập ngừng bảo. “Vậy hả? Đi liền”- tôi mừng húm.
Cách đây hơn 2 tháng, tôi có chuyến công tác về Kiên Giang. Sáng hôm đó, làm việc xong với lãnh đạo địa phương, chúng tôi quay về Sài Gòn ngay vì tôi có hẹn đi Vũng Tàu cùng cả nhà dịp cuối tuần; nhân tiện để “coi vợ” cho tôi như lời mẹ tôi nói.

Xe đang chạy, bỗng cậu trợ lý của tôi đang ngồi cạnh tài xế quay xuống nói: “Lát nữa xe chạy ngang nhà em đó sếp. Tới đó em chỉ cho sếp coi. Bà già em nhắn về sửa lại cái chái bếp bị mưa giông làm sập mà cả tháng nay rồi em không về được. Tối qua, tự dưng em nằm mơ thấy ông già về mới lạ chớ. Chắc xong đợt này, em xin nghỉ phép về thăm bà già”.

Tôi nhìn Thành, bất chợt nghĩ, mình làm sếp mà vô tình quá, cứ bắt lính suốt ngày chúi mũi vô công việc, chẳng còn biết gì tới gia đình. Nghe đâu gia cảnh Thành cũng đơn chiếc. Mẹ cậu có 4 người con. Thành là con trai út. Hai anh chị lớn đã lập gia đình ra ở riêng, mẹ Thành ở cùng cô em gái. “Này, cô em của cậu năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”- tôi buột miệng.

Nghe nhắc tới em gái, Thành nhăn mặt: “Dạ, nhỏ Thanh năm nay 24 tuổi, ra trường đi dạy được 2 năm rồi anh. Mà nó ăn chay trường anh ơi, lần nào về nhà, nó cũng cho em ăn rau luộc chấm chao. Ăn riết ngán muốn chết, hỏng dám về luôn”. “Nè, hay mình ghé thăm bà già cậu đi”- tôi không hiểu sao mình lại nói vậy. Không ngờ, vừa nghe xong, Thành lắc đầu: “Dạ, để lần khác đi sếp...”. Tôi ngạc nhiên: “Sao vậy? Cậu vừa nói là lâu lắm không về thăm nhà kia mà?”. Thành gãi đầu: “Nhưng mà về bất tử, nhà không có gì đãi anh, em ngại lắm”. Tôi bảo nhà có gì ăn nấy, đừng làm rộn bà già. Vậy là Thành đành phải nghe lời.

Khỏi phải nói, mẹ của Thành mừng đến cỡ nào khi con trai về thăm mà lại có sếp đi cùng. Bà lăng xăng đòi đi chợ mua đồ ăn về làm cơm nhưng tôi ngăn lại: “Cháu nghe cậu Thành nói nhà mình lúc nào cũng có rau luộc chấm chao mà bác. Cháu rất khoái món này”.

Trong lúc tôi nói chuyện với bà già thì Thành mượn thêm mấy anh em hàng xóm sang phụ một tay để sửa lại cái chái bếp cho mẹ. Tôi thấy vậy cũng cởi áo, đứng xớ rớ coi có ai sai việc gì thì làm. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai dám nhờ vả tôi điều gì vì biết tôi là sếp của Thành.

“Bác coi có chuyện gì cho con làm với, nếu không lát nữa con không dám ăn cơm”- không biết làm gì, tôi nói với mẹ Thành. Bà nhờ tôi khiêng cái bàn ra sân để lát nữa dọn cơm. Tôi ngó quanh, nhà bếp đang sửa, chẳng thấy bếp núc đâu cả nhưng nghe nói dọn cơm thì trong bụng cũng yên tâm.

Tôi đang loay hoay bắc bàn ghế thì út Thanh đi dạy về tới. Thấy tôi, em trố mắt, sau đó gật đầu chào dù không biết tôi là ai. “Giám đốc của anh Tư con đó”- bà mẹ bước ra vồn vã giới thiệu. Tôi lúng túng quay vô tìm áo mặc lại rồi mới dám quay ra chào... chủ nhà. Út Thanh cao ráo, sáng sủa, ở vườn mà nước da trắng trẻo, chắc là nhờ... ăn chay. Trong lúc tôi còn đang ngẩn tò te nhìn thì Thanh đã nhanh nhẹn: “Anh ngồi chơi nghen, em vô phụ mẹ nấu cơm”.

Thì ra trong lúc mọi người sửa bếp, bà mẹ của Thành đã bưng mấy ông táo qua bên hông nhà nấu tạm. Tôi rất muốn theo ra coi Thanh nấu cơm nhưng lại không dám vì sợ người ta cho là mình đường đột. Trong bụng tôi thầm nghĩ, lát nữa nếu bữa cơm chỉ có rau luộc chấm chao thì chắc chắn mình cũng sẽ ăn rất ngon bởi mặt trời đã đứng bóng. Giờ này ở Sài Gòn, tôi đã ăn uống xong từ mấy đời...
Rồi thì cơm canh cũng đã được dọn lên khi hàng đàn kiến đang bò về quậy phá cái bao tử của tôi. Cái món rau luộc của cô út vẫn chễm chệ chiếm một vị trí quan trọng trên bàn. Tô canh rau tập tàng nấu với cua đồng. Những tảng thịt cua xếp đầy trên mặt tô bất giác khiến tôi nuốt nước bọt.


Út Thanh lại vô bếp bưng ra đĩa cá chiên thơm phức. Cá muối sả ớt. Cái mùi này dù có đi ngược gió tôi cũng nhận ra. Nhưng khi đĩa cá đặt ngay trước mặt, tôi kinh ngạc: “Trời! Cá thác lác để nguyên con làm sao ăn được? Mắc cổ chắc chết”.

Trong dĩa không phải là những con cá thác lác nuôi to tổ bố mà bây giờ ta thường thấy; cũng không phải những viên chả cá được quết nhuyễn nêm nếm rồi vo tròn trong món lẩu khổ qua mà tôi hay ăn với bạn bè mỗi lần đi nhậu; cũng không phải những miếng chả cá vàng ươm, dai dai, dòn dòn mà người ta làm từ thịt cá thác lác được nạo ra...

Trước mặt tôi là những con cá thác lác tát đìa ở vùng U Minh Thượng còn “nguyên đai, nguyên kiện”. Lại là những con cá “út ít” chỉ to bằng 3 ngón tay. Cá thác lác vốn rất nhiều xương nên xưa nay người ta phải nạo ra, bỏ hết xương rồi quết nhuyễn, sau đó mới chế biến. Còn lần này, cô giáo Thanh cho tôi ăn nguyên con cá chắc là muốn giết chết tôi đây mà!


Mọi người đã ngồi vào bàn đông đủ. Bà mẹ của Thành thấy tôi có vẻ ngại ngần khi nhìn đĩa cá chiên thì bẻ phần đuôi con cá bỏ vào chén cơm của tôi: “Cháu ăn thử coi, con út nó siêng làm chớ mắt mũi bác kèm nhèm rồi, có thấy đường, thấy sá gì đâu mà mần cá. Tụi con ăn coi vừa miệng không vì con út ăn chay nên nó có nêm mà không có nếm...”.

Tôi cắn phần đuôi cá giòn rụm. Miếng cá tan trong miệng. Vị ngọt của cá, mùi thơm của sả hòa quyện với vị cay cay của ớt khiến miếng cá chiên ngon không nói nên lời. Tuyệt nhiên không có miếng xương nào như tôi nghĩ. “Em cắt ngang mình con cá cho đứt hết xương rồi, không sợ bị mắc cổ đâu”- Thanh trấn an tôi.


37 tuổi đầu, tôi mới biết con cá thác lác có thể để nguyên cả con mà chế biến thành món cá thác lác muối sả ớt chiên thơm ngon tuyệt vời. Hồi xưa, khi còn ở quê, cá thác lác nhỏ như vầy, khó nạo thịt là mẹ tôi đổ bỏ hoặc bằm ra nấu cho mấy con heo. Thế mà bây giờ cái thứ ấy lại thành cao lương mỹ vị.

Chiều tối đó trên đường về Sài Gòn, tôi cứ nghe phảng phất mùi cá thác lác muối sả ớt chiên giòn. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng đến tô canh cua ngọt lịm, miếng cá chiên ở phần đuôi giòn rụm nhai luôn cả xương, bất giác tôi nuốt nước bọt. Rồi tôi thắc mắc, út Thanh ăn chay thì làm sao mà nêm nếm thức ăn khi nấu nướng cho mẹ? Mà cả món canh và cá chiên buổi trưa đều rất vừa miệng, nếu không nói là rất ngon... “Này, lúc nào cậu có về thăm bà già thì rủ tôi đi với nghen”. Tôi buột miệng nói ra rồi giật mình. Cậu trợ lý của tôi cười rất tươi: “Dạ, lần sau về em nhắn mẹ chuẩn bị trước, út Thanh làm đồ nhậu cũng hết sẩy luôn!”.

Trời ạ, nấu ăn không cần nếm mà ngon như vậy đã là chuyện lạ, lại còn biết làm đồ nhậu “hết sẩy” nữa... Có lẽ tôi phải nghĩ ra cách nào đó để “dụ dỗ” người ấy ngã mặn thôi...

Và cơ may sắp đến rồi. Cuối tuần này tôi lại có dịp gặp mặt người ấy. Không biết tôi có đủ dũng khí để làm điều đó hay không?

Quốc Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét