Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

(1) Thông tin và số liệu để xây dựng mô hình kinh tế lượng

Vừa rồi có bạn đọc hỏi tôi tài liệu về các công cụ phân tích kinh tế vĩ mô; lục tìm trong máy tính mà không biết chúng nằm đâu. Trong quá trình tìm tự nhiên thấy bài giảng cũ dưới đây, nói về tìm và xử lý thông tin kinh tế, cũng là vấn đề được nhiều bạn quan tâm, nên tôi đưa lên đây. Một số đồ thị chắc sẽ không lên được, vậy ai cần bản đầy đủ thì gửi email cho tôi nhé. Tôi không phải là thầy giáo chuyên nghiệp mà chỉ viết lại những gì đã và đang làm để hướng dẫn cán bộ và sinh viên nên các bài giảng không được viết hoàn thiện như giáo trình. Nhiều đoạn trong bài để trống vì đã được trình bày trong bài giảng trước đó nên chỉ cần trình bày vắn tắt, không cần viết lại. Bài này dùng để giảng ở Bộ Tài chính.
THÔNG TIN VÀ SỐ LIỆU ĐỂ XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG
 I - MỞ ĐẦU:
Trong các bài từ 1 đến 4, chúng ta đã nghiên cứu những vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm cụ thể về xây dựng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô. Trong bài này chúng ta sẽ nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến tình hình số liệu ở Việt nam và kinh nghiệm thu thập, sử lý thông tin, số liệu phục vụ công tác xây dựng mô hình. Nội dung bài này gồm các phần sau:
- Nguồn thông tin ở nước ta để xây dựng các mô hình kinh tế lượng;
- Đánh giá và sử lý thông tin để đưa vào xây dựng các mô hình kinh tế lượng;
- Một số kinh  nghiệm về sử dụng phần mềm Eviews trong xây dựng các mô hình kinh tế lượng;
II - NGUỒN THÔNG TIN ĐỂ XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG
1)    Tại sao làm mô hình tài chính, nhưng phải thu thập thông tin về toàn bộ nền kinh tế quốc dân ?

- Cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là một cơ quan quản lý kinh tế tổng hợp giúp Đảng và Nhà nước hoạch định các chính sách kinh tế quan trọng nhất của đất nước. Hoạt động của Bộ Tài chính có ảnh hưởng tới mọi mặt kinh tế xã hội thông qua ban hành các chính sách và triển khai các hoạt động thu chi ngân sách. Bộ Tài chính có tham gia cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hai cơ quan duy nhất thực hiện các dự báo kinh tế vĩ mô cơ bản. Do vậy, những người làm chính sách tổng hợp tại Bộ Tài chính phải có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế đất nước và việc thu thập, sử lý thông tin kinh tế vĩ mô là hoàn toàn cần thiết. Đối với những người làm tác nghiệp hàng ngày thì có thể không cần.
- Kinh nghiệm trong nước và quốc tế đều cho thấy các chính sách kinh tế vĩ mô của toàn nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn tới các chỉ tiêu ngân sách, đồng thời các chỉ tiêu ngân sách cũng ảnh hưởng rất lớn tới phát triển toàn cục của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, nhiều chính sách ngân sách không chỉ phát huy ảnh hưởng trong nội bộ khu vực ngân sách mà còn tác động mạnh tới những khu vực khác của nền kinh tế quốc dân. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc tách rời khu vực tài chính để nghiên cứu riêng cũng như không tính đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là hoàn toàn sai lầm.
Trước đây, trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, khu vực kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng cao tuyệt đối; quan hệ tài chính, ngân sách chủ yếu là giữa các tác nhân nhà nước với nhau (doanh nghiệp, nhà nước hoặc hợp tác xã). Hơn nữa, trong thời kỳ này công tác quản lý các hoạt động ngân sách được thực hiện theo nguyên tắc hành chính, mệnh lệnh. Chính vì vậy, có thể xem xét tài chính tương đối độc lập với các khu vực khác. Điều này càng dễ dàng hơn vì thu nước ngoài chiếm tới một nửa tổng thu ngân sách và không chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế trong nước. Tuy nhiên, khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường với 98% tổng thu ngân sách là từ nội bộ nền kinh tế thì hoạt động của khu vực tài chính không thể tách rời các hoạt động chung của toàn nền kinh tế.
            - Trên thế giới, có rất nhiều mô hình chuyên phân tích chuyên sâu về hoạt động ngân sách và tài chính với hàng nghìn phương trình. Về thực chất, đó là các mô hình kinh tế vĩ mô tổng thể, riêng khối tài chính được làm chi tiết hơn, đồng thời khi tiến hành các mô phỏng, phân tích kinh tế và dự báo, người ta chỉ xây dựng các kịch bản đầu vào liên quan tới tài chính, còn các đầu vào liên quan đến các lĩnh vực khác thì coi như phát triển theo xu thế. Cách làm này vẫn giữ được tính tổng thể, tính hệ thống của mô hình và mô tả đúng các hoạt động thực của nền kinh tế, nhưng lại cho phép phân tích tập trung vào một chủ đề cụ thể.
            - Trong các mô hình kinh tế vĩ mô - tài chính rút gọn, thông thường đều có 2 khối. Khối vĩ mô gộp gồm những cân bằng kinh tế vĩ mô chủ yếu (cân bằng của hệ thống tài khoản quốc gia, cân bằng tiền tệ và giá cả, cân bằng xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế, và một vài cân bằng khác tuỳ mục tiêu của người làm mô hình). Khối tài chính gồm những phương trình chi tiết cho khối tài chính. Số phương trình trong khối vĩ mô dao động giữa 20-50 phương trình trong khi số phương trình của khối tài chính có thể ít hơn, khoảng 15-30 phương trình nếu chỉ xem xét hoạt động thu chi ngân sách. Nhưng nếu hiểu tài chính theo nghĩa phổ biến hiện nay gồm tất cả các hoạt động thu chi ngân sách, phát hành trái phiếu, tín phiếu chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng, hoạt động của kho bạc, hoạt động của hệ thống ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm, xổ số, trợ cấp và các phúc lợi xã hội, thì số phương trình có thể lên tới vài trăm.
       - Thực tế ở nước ta cho thấy, trong tất cả các mô hình kinh tế vĩ mô ứng dụng, bao giờ cũng có khối tài chính chính phủ, dù có thể với quy mô rất thấp như chỉ xác định tổng thu, tổng chi và mức thâm hụt ngân sách (3-5 phương trình). Một số mô hình có phân tích chi tiết hơn về ngân sách thì số phương trình cũng chỉ lên đến 12-15. Về bản chất, đây vẫn là những mô hình kinh tế lượng vĩ mô mở rộng cho phần tài chính vì các biến giải thích cho khối tài chính chủ yếu vẫn là các biến kinh tế vĩ mô (giá trị sản xuất hay giá trị gia tăng của các ngành được sử dụng trong các phương trình xác định thu ngân sách; tổng thu ngân sách, quỹ tích luỹ, vốn đầu tư, số lượng cán bộ nhân viên khu vực hành chính... được sử dụng trong các phương trình xác định chi ngân sách; ngoài ra có một số biến đặc thù như xuất khẩu, giá quốc tế, giá trong nước và tỷ giá trong phương trình xác định chi bù lỗ, trợ cấp cho hoạt động xuất khẩu, giá cả trong phương trình chi bù giá cho tiêu dùng...). Về cơ bản, các mô hình này tương tự như các mô hình vĩ mô rút gọn của các nước phương tây.
Tuy nhiên, ngoài khối tài chính, trong các mô hình của ta thường đều có khối tiền tệ xác định nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế trong quá trình phát triển, thậm chí có cả nhu cầu tiền tệ dùng để bù lỗ thâm hụt ngân sách trong các mô hình xây dựng trước năm 1992.
      - Trong những phân tích trên, chúng tôi nhấn mạnh đối với những người làm phân tích tổng hợp, cần có những thông tin chung về toàn nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong những trường hợp phân tích khá cụ thể, có thể chỉ cần thu thập những thông tin rời rạc, không tạo thành những cân đối vĩ mô. Ví dụ, để phân tích những nhân tố ảnh hưởng tới tổng thu ngân sách, có thể chỉ dùng một phương trình gộp hoặc một số phương trình gộp, trong đó mỗi thành phần của tổng thu ngân sách được giải thích bằng những nguyên nhân đặc thù riêng. Xem lại ví dụ trong bài phân tích lạm phát để hiểu rõ hơn cách làm đối với tài chính.
2) Nhu cầu thu thập thông tin về hoạt động của nền kinh tế và khu vực tài chính.
Nhu cầu về nguồn thông tin để xây dựng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô và mô hình tài chính là rất lớn. Các thông tin được chia làm hai loại:
+ Thông tin định tính
+ Thông tin định lượng
Chúng ta thường chỉ chú ý đến thông tin định lượng mà quên các thông tin định tính. Thực ra các thông tin định tính rất quan trọng trong xây dựng các mô hình. Chúng ta đều biết là các mô hình được xây dựng trên các lý thuyết kinh tế; trong khi phân tích các quan hệ dây truyền giải thích tiến triển của một nền kinh tế thực nào đó theo một lý thuyết kinh tế đã chọn, lại chủ yếu là phân tích định tính, sau đó mới chuyển sang kiểm định bằng số liệu, nhiều khi không cần nhiều số liệu vẫn thấy kết luận từ phân tích định tính là đúng. Mặt khác, trước khi xây dựng mô hình, đều phải thu thập những thông tin về cơ cấu vận hành của nền kinh tế hoặc khu vực tài chính để hiểu nó là cái gì, từ đó chọn cách mô hình hoá thế nào cho phù hợp nhất. Ngoài ra, để thực hiện các dự báo, phải có thông tin định tính về nhiều khả năng phát triển của các biến ngoại sinh để từ đó xây dựng được các kịch bản tốt nhất cho các biến ngoại sinh trước khi đưa vào mô hình.
Nguồn thông tin định tính được thu thập thông qua quá trình công tác và thu thập trên sách báo. Ví dụ thu thập thông tin về hệ thống thuế VAT: Nó là gì, được thực hiện như thế nào, có ảnh hưởng tới các khu vực của nền nền kinh tế như thế nào. Nếu VAT không ảnh hưởng tới nông nghiệp thì dĩ nhiên trong khi mô hình hoá, không cần thêm quan hệ này...
Với mục tiêu xây dựng các mô hình thu chi ngân sách, có thể thực hiện theo hai cách:
+ Cách 1: xây dựng một mô hình cân đối vĩ mô gộp, bao gồm 4 cân đối lớn như đã nêu trong bài 2: cân đối tài khoản quốc gia, cân đối tài chính gộp, cân đối tiền tệ và cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Sau đó mở rộng khối tài chính để đưa vào đó các chính sách cần mô phỏng, phân tích. Theo cách này, nhu cầu thông tin tương đối lớn, nhiều thông tin sẽ rất khó được thu thập, ví dụ thông tin về tiền tệ và cán cân thanh toán quốc tế.
+ Cách 2: xây dựng mô hình đơn giản hơn, phần lớn các biến nội sinh chỉ được gói gọn trong khối tài chính, giống như mô hình phân tích lạm phát trong bài 3. Khi đó tất cả các biến kinh tế vĩ mô, từ GDP đến tiền tệ, giá cả, xuất nhập khẩu, doanh số buôn bán trên thị trường... đều được coi là ngoại sinh. Như vậy, nhu cầu thông tin vĩ mô cho mô hình tài chính sẽ được rút gọn, chủ yếu dựa trên các cuốn Niên giám thống kê và thông tin riêng của ngành tài chính.
Nhược điểm lớn nhất của cách này là mô hình không đảm bảo tính hệ thống vì những mối liên hệ ngược trong nền kinh tế không được tính đến trong mô hình. Ví dụ trong mô hình, chúng ta thấy chi ngân sách thường xuyên chịu ảnh hưởng của các biến kinh tế vĩ mô, nhưng không thấy chi ngân sách thường xuyên ảnh hưởng ngược tới các biến kinh tế vĩ mô; trong khi mọi người đều biết chính sách kích cầu tiêu dùng có ảnh trực tiếp tới tổng cầu và qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và giá cả. Chính vì nhược điểm này, các mô hình đơn giảm chủ yếu được sử dụng trong phân tích nhân tử chứ ít được dùng trong dự báo. Tuy nhiên, đối với một số nền kinh tế, nếu kiểm tra các quan hệ cho thấy những ảnh hưởng của ngân sách tới nền kinh tế không lớn thì có thể dùng mô hình loại này trong dự báo ngắn hạn.
3) Thông tin định lượng nằm ở đâu ?
Về thông tin định lượng, hiện nay rất phong phú trong nền kinh tế nước ta dù chất lượng... còn khá nhiều vấn đề mà sau này chúng ta sẽ phân tích. Nguồn thông tin được thu thập theo các khối như sau:
a) Dân số, lao động và việc làm:
           - Tổng cục Thống kê
- Bộ Lao động, thương binh và xã hội
- Bộ Kế hoạch và đầu tư
            Trong niên giám thống kê có một số loại số liệu về dân số và lao động, nhưng rất ít và nhiều khi không hệ thống. Riêng số liệu về dân số, đến nay TCTK chưa xác định được chuỗi số từ năm 1989 đến nay như thế nào vì kết quả điều tra dân số năm 1999 cho thấy dân số nước ta giảm hơn 1,5 triệu người so với số liệu công bố hàng năm được tính toán dựa trên phương pháp chuyển tuổi và tỷ suất sinh đẻ hàng năm của TCTK. Hậu quả là chẳng có tài liệu công khai  nào công bố được chuỗi số liệu dân số tin cậy từ năm 1989 đến nay. Để phục vụ cho hội nghị các nhà tài trợ tháng 12/2000, Ngân hàng thế giới đã phải dùng phương pháp tính tỷ lệ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 1990 đến 2000 là 1,65%/năm, trong đó năm 1989 tỷ lệ này đã là 1,64% ... Do số liệu dân số như vậy nên các số liệu về nguồn lao động cũng không chính xác.
            Các số liệu chi tiết hơn về lao động có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu điều tra do Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, thương binh và xã hội xuất bản. Tuy nhiên, để có được một bộ số liệu hoàn chỉnh từ năm 1989 đến nay liên quan đến dân số và lao động gồm dân số, tổng cung lao động, tổng cầu lao động, lao động đang hoạt động trong nền kinh tế và trong từng khu vực, tỷ lệ thất nghiệp thành thị và tỷ lệ thời gian không có việc làm ở nông thôn, cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian thu thập, đối chiếu phân tích và lựa chọn. Các thông tin dân số, lao động chỉ theo năm, thường lấy mốc là 1/7 hàng năm.
            Bộ KH-ĐT cũng có nhiều thông tin về dân số, lao động và việc làm do TCTK và Bộ LĐTBXH cung cấp. Các chuỗi số của Bộ KH-ĐT thường có hệ thống hơn, kéo dài ít nhất cũng từ năm 1990 đến nay. Đặc biệt, các số liệu dự báo và kế hoạch được tập trung khá phong phú tại Bộ KH-ĐT.
b) Sản xuất và đầu tư:
            Thông tin về tình hình sản xuất chủ yếu được lấy từ Tổng cục Thống kê vì đây là cơ quan duy nhất làm các tính toán tổng hợp. Tuy nhiên, để có được các thông tin dự báo sản xuất thì phải đến Bộ KH-ĐT. Tình hình cũng tương tự đối với các thông tin về đầu tư. Riêng về đầu tư, có nhiều cách phân loại: theo ngành (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, và chi tiết hơn cho mỗi ngành trên); theo thành phần kinh tế (ngân sách Nhà nước, tín dụng Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Mỗi loại lại được tính theo hai loại giá: giá cố định và giá hiện hành.
Nói chung, thông tin sản xuất và đầu tư tương đối phong phú, nhưng nhược điểm lớn nhất là chất lượng. Thông tin về đầu tư của chính phủ đáng tin cậy trong khi thông tin về đầu tư của khu vực DNNN, của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài rất đáng nghi ngờ. Do đó cần thận trọng khi sử dụng trong mô hình. Đặc biệt, thông tin về tài sản cố định đến nay không có. Thông tin chi tiết về vốn ODA và FDI chỉ có tại Bộ KH và ĐT, nhưng đi vào cụ thể lại phải đến nhiều Vụ khác nhau trong Bộ.
c) Tài chính:
            Mặc dù Đảng và Nhà nước ta có chủ trương công khai hoá hoạt động ngân sách, nhưng đến nay những thông tin công khai về lĩnh vực này còn ít và chất lượng rất đáng nghi ngờ, không hiểu có phải là thông tin thật không, hay đã bị xử lý trước khi công bố. Trong một số sách xuất bản của TCTK, đã thấy xuất hiện các chuỗi số về tổng thu chi ngân sách và một số thành phần cơ bản của nó. Tuy nhiên mức độ chi tiết còn quá ít làm người lập mô hình thất vọng, nhất là chi ngân sách. Khoản chi ngân sách khác thông thường phải rất bé thì của ta lại rất cao vì trong đó chứa cả chi cho quốc phòng an ninh vẫn được coi là tối mật. Thông tin chi tiết nhất được công khai hạn chế là chi ngân sách hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
            Để thoả mãn người làm mô hình, thông thường phải sử dụng thêm các chuỗi số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới nêu trong báo cáo hàng năm của tổ chức này. Trong sách hàng năm về ngân sách của Quỹ tiền tệ quốc tế (Government Finance Statistics Yearbook) từ năm 1999, cũng đã xuất hiện số liệu về Việt nam, nhưng rất nhiều dòng còn để trống. Theo sách này năm 1999, in năm 2000, thì tổng chi ngân sách năm 1999 của ta là 73573 tỷ đồng, trong đó chi khác lên tới 41913 tỷ đồng. Dĩ nhiên như vậy độ tin cậy sẽ thấp. Ngoài ra, ngân hàng thế giới, ngân hàng phát triển châu á và liên hợp quốc cũng công bố những số liệu tài chính Việt nam, nhưng mức độ không chi tiết bằng của IMF và độ tin cậy kém vì chênh lệch quá lớn so với số liệu của TCTK.
            Khác nhau quan trọng giữa số liệu của Việt nam và IMF là tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Số liệu tỷ lệ thâm hụt ngân sách do Việt nam công bố thường rất cao trong khi số do IMF công bố lại rất thấp. Nguyên nhân là cách tính khác nhau. Theo cách tính của Việt nam, phần chi ngân sách đã bao gồm cả trả nợ gốc có giá trị tương đối lớn, trong khi trong cách tính của IMF, chi ngân sách không tính phần trả nợ gốc. Trả nợ gốc theo IMF được tính bù trừ trong phần cân đối với bên ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách.
            Số thu ngân sách của Việt nam thường bị coi là thấp dưới sự thật vì ngoài những khoản thu thực, người dân còn phải đóng thêm đủ loại tiền phục vụ dịch vụ chung mà lẽ ra nhà nước phải làm: lao động công ích, đóng tiền nghĩa vụ lao động, tiền an ninh, tiền vệ sinh đường phố, tiền xây nhà trẻ, bệnh xá, trường học, đường giao thông nông thôn, đường dẫn điện hạ thế về làng, đóng góp khắc phục hậu quả lũ lụt bắt buộc, mua công trái bắt buộc (khoán do Bộ Tài chính yêu cầu)...
            Đến nay, để lấy các số liệu tài chính, chỉ có 2 nơi: Bộ Tài chính và TCTK. Bộ KH-ĐT cũng có nhưng không chi tiết và chính xác vì thường chỉ là thông tin nhanh. Thông tin dự báo thu chi ngân sách của Bộ KH-ĐT thường cao hơn của Bộ Tài chính, nhưng theo nhiều ý kiến thì dự báo của Bộ KH-ĐT thường chính xác hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì mục tiêu của hai bộ khác nhau.
d) Ngân hàng
            Có thể nói đây là một trong những khu vực có thông tin, số liệu có vấn đề nhất ở nước ta. Nguồn thông tin chính thức là từ Ngân hàng Nhà nước Việt nam, nhưng chắc chắn đến xin thì họ không cho. Trong các Niên giám thống kê không có thông tin tiền tệ, ngân hàng. Nguồn duy nhất mà tất cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài chính phủ sử dụng đến nay vẫn là từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.
            Trên một số báo, sách, cũng có thông tin về tăng trưởng tiền tệ, tín dụng nước ta, nhưng phần lớn đều là thông tin nhanh nên không chính xác, các số liệu đều không chính thức. Đặc biệt, các thông tin cực kỳ tản mạn và đều là số tương đối nên rất khó dùng trong mô hình.
            Ưu điểm lớn nhất của nguồn số liệu của IMF là rất chi tiết và mang tính hệ thống. Số liệu năm kéo dài từ năm 1985 đến nay, số liệu quý từ năm 1988. Ngoài ra còn có số liệu hàng tháng. Tuy nhiên, dư luận phổ biến hiện này là các số liệu của IMF khác hẳn so với số liệu thật của Ngân hàng Nhà nước.
e) Tiền lương, thu nhập và thị trường nội địa
            Đây cũng là loại chỉ tiêu có độ tin cậy kém ở nước ta. Tổng quỹ lương cho khu vực hành chính sự nghiệp được lấy ở Bộ tài chính, nhưng nhiều khi rất khó kiếm. Trong bảng chi ngân  sách thường không có chỉ tiêu này. Một số chỉ tiêu khác về lương trong các ngành kinh tế, khu vực kinh tế cũng có trong niên giám thống kê hoặc trong các tài liệu điều tra của TCTK và Bộ LĐ, TB và XH. Tuy nhiên, rất khó xử lý các số liệu này vì nó vẫn không mang tính tổng thể mà chỉ đại diện cho một số khu vực, hơn nữa khi có khi không... Đặc biệt, nói là tổng quỹ lương, nhưng lại gồm cả chi cho hưu trí và nhiều đối tượng không phải cán bộ công chức. Mặt khác, lương chỉ phản ảnh một phần thu nhập của cán bộ công chức. Do đó nếu dùng tiền lương làm biến giải thích thì không chính xác.
            Thu nhập của các tầng lớp dân cư cũng là chỉ tiêu khó kiếm, có một số điều tra của TCTK tại một số điểm và được công bố trong Niên giám thống kê hoặc một số tài liệu điều tra; tuy nhiên, giống như tiền lương, số liệu rất tản mạn, không mang tính hệ thống nên không đảm bảo tính đại diện. Các hình thức thu nhập như lãi của các chủ doanh nghiệp, địa tô, cho thuê bất động sản, lãi ngân hàng... đều không có. Nói chung, sẽ mất rất nhiều công sức khi thu thập, sử lý thông tin liên quan đến tiền lương và thu nhập.
            Chỉ tiêu phản ảnh thị trường nội địa đến nay vẫn là tổng doanh số bán lẻ trên các thị trường: Nhà nước, tập thể, tư nhân, hỗn hợp và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các chỉ tiêu thị trường thường tham gia xác định tiêu dùng chính phủ, tiêu dùng của dân cư mua trên thị trường và tự tiêu dùng của dân cư.
f) Giá cả:
            Trong điều kiện kinh tế mở, giá cả gồm cả hai loại: giá trong nước và giá quốc tế. Giá trong nước được lấy từ nguồn TCTK, công bố rộng rãi trên sách báo. Tỷ giá ít thấy xuất hiện, nhưng cũng có trong một vài cuốn sách thống kê chính thức. Giá quốc tế gồm giá nhập, giá xuất cũng có trong niên giám thống kê. Tuy nhiên, giá quốc tế chỉ có giá năm. Muốn lấy giá qúy, có thể lấy tại TCTK.
g) Xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế:
            Số liệu xuất nhập khẩu tương đối phong phú và chi tiết trong niên giám thống kê, đủ cho chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, phân loại chưa được chi tiết và chưa theo các chuẩn mực quốc tế (chưa phân thành 10 nhóm ISIC); vì vậy, khó khăn khi so sánh quốc tế và nối với các mô hình quốc tế.
            Điểm khó khăn nhất trong toàn bộ hệ thống số liệu của chúng ta hiện nay là thông tin về cán cân thanh toán quốc tế. Cũng giống như thông tin tiền tệ, thông tin về cán cân thanh toán quốc tế không được công bố chính thức nên để nghiên cứu phải lấy từ tài liệu của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nếu như thông tin tiền tệ được tập hợp khá đầy đủ trong các tài liệu của IMF và tản mạn tại Ngân hàng phát triển châu á, thì thông tin về cán cân thanh toán được tập hợp khá đầy đủ trong các tài liệu của WB, IMF, UN, ADB. Điểm đáng nói nhất là thông tin thường rât khác nhau nên không biết chọn thế nào ? trong khi với thông tin về tiền tệ thì tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất chọn của IMF nên dễ so sánh, kiểm tra.
            Một điều đáng lưu ý là thông tin cán cân thanh toán quốc tế tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng khác xa so với thông tin trên sách báo, do đó cần hết sức thận trọng khi sử dụng thông tin trên sách báo.
h) Cân bằng kinh tế vĩ mô
            Cân bằng kinh tế vĩ mô bao gồm cân bằng hiện vật và cân bằng giá trị. Các số liệu của hai cân bằng này đều có trong Niên giám thống kê, tuy nhiên, nhiều khi không đủ chi tiết, ví dụ tiêu dùng xã hội hoặc tích luỹ nhiều khi không được chia chi tiết cho tiêu dùng chính phủ và tiêu dùng tư nhân. Ngoài ra các số trên niên giám thống kê thường chưa đủ đến năm gần nhất.
III - ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG NGUỒN THÔNG TIN ĐỂ XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG
Thực tế, thông tin là cơ sở quan trọng nhất trong mọi quá trình phân tích, dự báo. Nói đến phân tích, dự báo mà không nói đến thông tin là cực kỳ sai lầm. Hệ thống và chất lượng thông tin yếu kém trong quá trình chuyển đổi kinh tế là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm chất lượng của các mô hình kinh tế lượng, ảnh hưởng tới độ tin cậy của các phân tích, dự báo kinh tế và công tác kế hoạch hoá, dẫn tới các chính sách kinh tế được đề ra không chuẩn xác, kém hiệu quả. Do chất lượng thông tin kém nên rất mất thời gian để xử lý khi xây dựng các mô hình chuyên sâu hoặc kích thước tương đối lớn.
            1/ Công tác xây dựng hệ thống thông tin vừa qua:
            a) Chuyển biến rất chậm từ sử dụng hệ thống thống kê MPS (material production system) sang hệ thống thống kê SNA (system of national accounts).
            - Hệ MPS:
            * Chỉ được áp dụng trong khối các nước XHCN
            * Chỉ thống kê các yếu tố thuộc khu vực sản xuất vật chất, không tính khu vực phi sản xuất vật chất, chủ yếu là dịch vụ, trong khi khu vực dịch vụ chiếm tới trên 40% GDP.
            * Chỉ chú trọng số lượng, không coi trọng chất lượng, ví dụ đếm số đầu bò quan trọng hơn trọng lượng của từng con bò.
            * Chỉ chú trọng tới cung, không chú ý tới cầu: Coi trọng xây dựng nhà máy, xí nghiệp mà không biết nền kinh tế, xã hội có nhu cầu không, nhu cầu như thế nào. Không chú ý tới cấu tạo hữu cơ của tư bản : C/V
            - Hệ SNA:
            * Áp dụng trong tất cả các nước theo kinh tế thị trường
            * Tính toàn diện mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của toàn nền kinh tế, không bỏ qua yếu tố nào.
            * Coi trọng chất lượng hơn số lượng, năng suất hơn sản lượng.
            * Chú trọng cả hai mặt cung và cầu, trong đó nhấn mạnh mặt cầu.
            - Chuyển đổi hệ thống thông tin ở nước ta:
            * Từ năm 1990 mới bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống SNA cho nước ta,
            * Cuối 12/1992 Thủ tướng CP mới ra chỉ thị áp dụng chính thức;
            * Số liệu những năm đầu có độ tin cậy thấp nên thường xuyên bị sửa lại, số thập kỷ 80 không có. Mới chỉ làm ở mức gộp cho GDP, chi tiết hầu như chưa có.
            b) Hệ thống thông tin còn nhiều điểm yếu kém, bất cập do quá trình xây dựng hệ thống thông tin SNA mới được tiến hành chưa lâu, trình độ cán bộ thấp, vừa làm vừa học. Những yếu kém chính là:
            * Thông tin không thống nhất:
            + Khác nhau giữa các bộ, các cơ quan chính phủ và khác với thông tin của người nước ngoài nói về nước ta... về cùng 1 chỉ tiêu.
            + Không giống quy định quốc tế: cái cần đưa vào thì chưa đưa do thiếu thông tin, ví dụ khu vực kinh tế phi hình thức; cái không cần đưa thì lại đưa, ví dụ trong phân ngành của ta... Cơ cấu ngân sách, thâm hụt ngân sách
            * Thông tin có độ chính xác chưa cao:
            + Còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về phương pháp luận: Tính các chỉ tiêu giá cả, sản lượng... theo kiêu gì ? Giá trung bình tháng hay giá cuối tháng ? Trung bình trượt hay trung bình nhân ? Các thông tin xã hội rất kém chính xác.
            + Luồng thông tin được thu thập qua nhiều cấp, mỗi cấp lại tự xử lý theo phương thức riêng, không thống nhất, thậm chí phương pháp thiếu cơ sở khoa học... Do đó khi tổng hợp lại ở trung ương thì sai số trở lên rất lớn. Ví dụ sản lượng lúa = diện tích * năng suất, đo thế nào. Năm 1998, nếu cộng sản lượng lúa tất cả các tỉnh báo cáo lên thì sản lượng lúa lên tới trên 32 triệu tấn, thực tế trung ương ước chỉ đạt 29 triệu. Số công bố cuối cùng là 29,1 triệu tấn. Tương tự đối với tổng giá trị xuất khẩu, tăng trưởng GDP... Hiện nay số liệu về tăng trưởng của ta cũng rất đáng ngờ.
            * Thông tin không đầy đủ:
            + Thiếu rất nhiều chỉ tiêu phản ánh hoạt động của kinh tế thị trường, nhất là các chỉ tiêu phản ánh mặt cầu như thu nhập, tiêu dùng của dân cư, thuế, lợi tức, lợi nhuận, tiền lương, và các dự báo về nhu cầu... Thiếu rất nhiều chỉ tiêu về mặt xã hội.
            + Thông tin năm có năm không; có rất ít thông tin quý và tháng để điều hành kinh tế ngắn hạn và thực hiện các điều chỉnh chính sách nhằm hướng nền kinh tế phát triển theo quỹ đạo bền vững. Cũng do vấn đề này mà việc xây dựng các mô hình kinh tế lượng rất khó khăn.
            * Thông tin không kịp thời để phục vụ công tác phân tích, dự báo kinh tế: Điều này rất rõ trong mọi ngành, mọi cấp. Ai cũng kêu thiếu thông tin, từ thông tin về tình hình hiện nay của nền kinh tế đến dự báo nhu cầu thị trường nội địa, thị trường thế giới...
            * Thị trường thông tin bị chia cắt, không có mạng thông tin giữa các cơ quan có nhu cầu. Không có mạng thông tin toàn quốc đối với những thông tin tối thiểu. Trao đổi thông tin giữa các ngành, bộ, địa phương rất kém. Mua bán thông tin đã trở thành phổ biến nhưng do thị trường thông tin bị chia cắt, thậm chí trong nhiều trường hợp chưa công khai nên giá cả không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Trong phân tích, dự báo, mỗi nơi sử dụng nguồn số liệu riêng, không ai rõ người khác dùng số gì. Thế giới: công khai hoá tất cả các số liệu.
            c) Nguyên nhân của sự yếu kém của hệ thống thông tin:
            Có nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất phải kể tới là:
            - Nhu cầu của lãnh đạo về hệ thống thông tin chưa nhiều, lãnh đạo các cấp quen lập kế hoạch và điều hành theo cảm tính, kinh nghiệm, "bốc thuốc", chứ không quen sử dụng các công cụ hiện đại trong quản lý kinh tế. Cũng vì nguyên nhân này mà dẫn tới nhận thức, phương pháp luận về xây dựng hệ thống thông tin hầu như rất ít được quan tâm. Thậm chí có đồng chí cấp tổng cục trưởng còn phát biểu: Ai cũng biết nước ta đang có rất nhiều lao động chưa có việc làm; do đó cần gì phải điêù tra; cứ dành tiền đó để tạo việc làm. Thực tế, muốn giải quyết được vấn đề thất nghiệp, phải điều tra số lượng thất nghiệp, cơ cấu theo tuổi, giới tính, vùng, trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật,... người thất nghiệp; phải phân tích nhu cầu việc làm trong lĩnh vực gì của người thất nghiệp... thì mới đề ra được giải pháp đúng đắn để xử lý.
            - Chi phí điều tra, thu thập, xử lý thông tin đã đắt lên nhiều so với trước vì mức sống đã tăng cao. Mặt khác, chỉ ít các cá nhân, cơ quan có nhu cầu nên cầu thấp, bán thông tin không đủ bù chi phí. Thực tế, thông tin là cơ sở của mọi hoạt động kinh tế xã hội, là cơ sở hạ tầng cho phát triển. Ta đang đi vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trí tuệ, với nền kinh tế tri thức, trong đó thông tin là vật chất, là hàng hoá quan trọng nhất. Do đó, để phát triển cao, dài hạn, bền vững, nhất định phải coi công tác thông tin là quan trọng hàng đầu.
            - Phương tiện xử lý thông tin còn yếu kém. Gần đây đã nhập được nhiều máy tính và thiết bị nối mạng, song sử dụng chưa đúng mục đích nên rất lãng phí và kém hiệu quả. Phần mềm của ta cũng kém. Trong số cán bộ tin học hiện nay, chưa đến 1% có thể viết được phần mềm mới, chưa đến 10% sử dụng thành thạo các phần mềm đã có, số còn lại chủ yếu chỉ biết sử dụng máy tính để đánh văn bản.
            - Trình độ cán bộ làm tin học và trình độ cán bộ kế hoạch đối với công tác thông tin còn yếu: Chọn máy tính gì, thiết bị nối mạng kiểu gì, bố trí mạng thông tin như thế nào, chọn chỉ tiêu nào đưa vào mạng... Trên toàn quốc, hầu như chưa hệ thống thông tin nào có giá trị như một mạng thông tin máy tính thống nhất.
            2/ Yêu cầu thông tin đi kèm với các chỉ tiêu cần thu thập cho mô hình:
            Số liệu, chỉ tiêu trong hệ thống thông tin phục vụ xây dựng mô hình không những phải được tổ chức khoa học để thuận lợi khi tra cứu mà phải chứa đựng những thông tin về chính các số liệu và chỉ tiêu đó. Thường chúng ta không chú ý đến ghi lại những thông tin này. Những yêu cầu thông tin cơ bản phải đi kèm với các số liệu, chỉ tiêu này là:
            a) Phần nguồn gốc của dữ liệu:
            - Nguồn gốc số liệu: Lấy từ sách nào, tài liệu, báo cáo nào;
            - Tên cơ quan ban hành sách, tài liệu đó;
            - Tên chính xác của số liệu này trong tài liệu chính thức;
            - Khoảng thời gian có số liệu (ví dụ từ năm 1980 đến nay);
            - Số theo quý, tháng hay năm ?
            - Đơn vị đo lường: tấn, m3, triệu đồng...;
            - Số liệu được tính theo giá hiện hành hay so sánh, năm gốc là năm nào;
            b) Phần nội dung của dữ liệu:
            - Định nghĩa nội dung của dữ liệu. Ví dụ nói sản xuất 10 triệu tấn xi măng, vậy đó là các loại xi măng gì, quy đổi ra sao để cộng lại thành 10 triệu tấn. Tương tự đối với các loại đường, gạo,...
            - Khoảng thời gian thống kê dữ liệu, ví dụ tỷ giá hoặc giá trung bình của tháng hay vào ngày giữa tháng, cuối tháng ?
            c) Cơ sở cấp số liệu ban đầu:
            - Ai cấp số liệu, dữ kiện cho cơ quan trên ? Ví dụ Tổng công ty Thép cung cấp cho Bộ công nghiệp, rồi Bộ Công nghiệp cấp cho Tổng cục Thống kê để Tổng cục Thống kê xuất bản.
            - Phương pháp báo cáo  là gì ? Theo điều tra định kỳ và gửi lên hay thỉnh thoảng mới điều tra.
            - Thời gian có thể có số liệu: Ví dụ ngày 10 hàng tháng thì có số ước tính của tháng trước, ngày 20 thì có số chính thức.

(còn 2 phần nữa).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét