Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Hiện trạng các mỏ dầu đang khai thác của Việt Nam

Hiện trạng các mỏ dầu đang khai thác của Việt Nam
Hằng năm, các mỏ dầu này cung cấp ra thị trường hàng chục triệu tấn dầu thành phẩm. 
Mỏ Bạch Hổ
Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất trên thềm lục địa nước ta, là nguồn cung cấp dầu chủ yếu cho Việt Nam hiện nay, nằm phía đông nam, cách bờ biển Vũng Tàu 145km. Mỏ có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn và được khai thác thương mại từ giữa năm 1986.
Đơn vị khai thác mỏ này là Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Mỗi ngày Vietsovpetro khai thác được từ mỏ này 38.000 tấn dầu thô, chiếm đến 80% sản lượng dầu thô của Việt Nam.
Dầu thô Bạch Hổ thuộc loại phẩm chất tốt, dễ lọc, gọi là "dầu ngọt", vì nó chứa ít chất lưu huỳnh, tác hại mài mòn dụng cụ rất thấp, giá bán rất cao trên thị trường quốc tế.
Từ mỏ này có đường ống dẫn khí đồng hành vào bờ cung cấp cho nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố, nhà máy điện Bà Rịa và Trung tâm điện lực Phú Mỹ cách Vũng Tàu 40 km. Mỏ Bạch Hổ hiện đang khai thác bằng chế độ tự phun, góp phần không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, theo thống kê, sau hơn 20 năm, sản lượng dầu thô Bạch Hổ đang giảm mạnh. Năm 2009, sản lượng dầu thô khai thác được vào khoảng 5,4 triệu tấn nhưng con số này chỉ là 3,81 triệu tấn vào năm 2012. Dự kiến, năm 2013 sẽ khai thác khoảng 3,43 triệu tấn dầu thô.

Mỏ Sư Tử Đen

Mỏ Sư Tử Đen có độ sâu 52m nước, thuộc lô 15.1 thềm lục địa Việt Nam, trong vùng biển Vũng Tàu. Sư Tử Đen được phát hiện vào tháng 8/2000 và được Công ty Cửu Long JOC đưa vào khai thác từ ngày 20/10/2003.
Cửu Long JOC là công ty liên doanh điều hành chung tại Việt Nam được thành lập theo hợp đồng Dầu khí lô 15-1 ký ngày 16/9/1998 giữa bên Việt Nam là Tổng công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí (PVEP, thuộc PVN, tỷ lệ 50% cổ phần) với các công ty nước ngoài gồm: Công ty dầu khí ConocoPhillipsCuu Long Limited (UK - 23,25%), Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC - 14,25%), Công ty SK (Hàn Quốc - 9%) và Công ty Geopetrol (Monaco – 3,5%).
Ước tính sản lượng khai thác ban đầu vào khoảng 60.000 thùng dầu/ngày. Phục vụ việc khai thác mỏ Sư Tử Đen là tàu dầu Cửu Long M/V 9 có sức chứa 1 triệu thùng dầu và có thể xử lý 65.000 thùng dầu/ngày. Sau 1 năm triển khai hoạt động khai thác dầu tại mỏ Sư Tử Đen, Cửu Long JOC đã khai thác được trên 27 triệu thùng dầu thô (tương đương 3,6 triệu tấn) và đạt doanh số xuất khẩu kỷ lục 1 tỷ USD.
Tuy nhiên theo Cửu Long JOC, sản lượng tại mỏ này hiện chỉ còn 50.000 thùng ngày và mức sản lượng này có thể duy trì trong một hoặc hơn một thập kỉ tới.

Mỏ Sư Tử Vàng

Sư Tử Vàng, nằm gần mỏ Sư Tử Đen là mỏ dầu được phát hiện vào ngày 23/10/2001 và được công ty Cửu Long JOC đưa vào khai thác ngày 14/10/2008. Sản lượng khai thác dự kiến là 65.000 thùng dầu/ngày.
Đây là mỏ dầu lớn thứ 2 của Cửu Long JOC và là mỏ lớn thứ 4 ở Việt Nam. Ngày 19/11/2008, tại Hà Nội, Công ty Cửu Long JOC đã tổ chức lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Sư Tử Vàng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý mở 2 sân bay trực thăng tại mỏ này để phục vụ cho việc thăm dò và khai thác dầu khí.


Mỏ Sư Tử Trắng
Mỏ Sư Tử Trắng được phát hiện vào ngày 19/11/2003, nằm ở góc Đông Nam lô 15-1 thềm lục địa Việt Nam, ở độ sâu 56m nước, cách đất liền khoảng 62km và cách Vũng Tàu khoảng 135km về phía đông. Theo khảo sát, trữ lượng của mỏ này đạt khoảng 300 triệu thùng dầu thô và 3-4 tỷ m3 hơi đốt.
Ngày 14/5/2012, tại công trường chế tạo Cảng Hạ lưu PTSC, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC tổ chức lễ hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt khối thượng tầng giàn khai thác Sư Tử Trắng do Công ty Cửu Long JOC là chủ đầu tư.
Ngày 15/11/2012, Cửu Long JOC đã đón nhận dòng khí đầu tiên của mỏ Sư Tử Vàng. Hiện việc khai thác dầu tại mỏ này đang được tiến hành.

Mỏ Sư Tử Nâu
Mỏ Sư Tử Nâu được Công ty Cửu Long JOC công bố phát hiện vào ngày 1/9/2005 tại Lô 15-1 thềm lục địa Việt Nam. Đây là kết quả của giếng khoan thăm dò đầu tiên tại cấu tạo Sư Tử Nâu, được khoan từ ngày 26/7 đến 27/8/2005 và bắt đầu thử vỉa đầu tiên tại móng từ ngày 27/8 đến 1/9.
Tháng 8/2010, Công ty Cửu Long JOC cho biết phát hiện thấy dầu khí tại tập cát E, tầng Oligocene tại mỏ này. Theo Cửu Long JOC, sau mũi khoan thử vỉa tại tầng móng lẫn tập cát E, dầu đã phun trào tại tập cát E với dòng phun tự nhiên là 3.000 thùng/ngày. Hiện Công ty tiếp tục khoan thẩm lượng xác định trữ lượng của mỏ Sư Tử Nâu và có các quyết định đầu tư giàn khoan để khai thác thương mại. Mặc dù mỏ Sư Tử Nâu đã được phát hiện từ năm 2005 nhưng trong gần 5 năm qua, việc khoan thăm dò tìm dầu khí tại khu vực này vẫn còn hạn chế.

Mỏ Đại Hùng
Mỏ Đại Hùng là một mỏ dầu thô và khí đốt đồng hành nằm tại lô số 5-1 ở phía tây bắc bồn trũng Trung Nam Côn Sơn (thềm lục địa Việt Nam) trên vùng biển đông nam biển Đông Việt Nam. Mỏ này được phát hiện vào năm 1988. Vào năm 2006, mỏ Đại Hùng được đánh giá là có trữ lượng dầu khí tại chỗ mức 2P xác suất 50% là 354,6 triệu thùng (tương đương 48,7 triệu tấn) dầu; 34,04 tỷ bộ khối (tương đương 8,482 tỷ m³) khí và 1,48 triệu thùng (tương đương 0,19 triệu tấn) condensate.
Năm 1999, sau khi Petronas Carigali Overseas (Malaysia) rút khỏi Đại Hùng, mỏ này được giao cho Vietsovpetro. Liên doanh đã thành lập xí nghiệp Đại Hùng để tiến hành các công việc khai thác. Năm 2003, Zarabenzheft (Liên bang Nga) là đối tác của PVN trong liên doanh, Vietsovpetro cũng tuyên bố rút lui, PVN được giao tiếp tục đầu tư thăm dò và khai thác mỏ này. Đến đầu năm 2003, sản lượng khai thác được ở mỏ Đại Hùng là 3,327 triệu tấn dầu, 1037 triệu m³ khí đồng hành.

Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét