Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Mùa ốc gạo

Đọc và ngậm ngùi nhớ lại cuộc sống vô tư thời sơ tán ở nông thôn:
Mùa ốc gạo

Thấy tấm ảnh này trên trang của Le Van Thinh nhớ đến bài này nhưng tìm mãi trên mạng không ra. Hay là viết xong nhưng chưa in ở đâu chăng? In ở đây vậy. Mọi người đọc xả xì trét :)
Nhiều món ăn dân dã đã bước vào nhà hàng, từ con ốc bươu, con nhộng cho đến con cua, con ráy cũng đã thành đặc sản cho người nhớ quê và đi tìm khẩu vị lạ; thế nhưng con ốc gạo bé xíu của vùng biển miền Trung thì chưa thấy, mặc dù, theo khẩu vị chủ quan của người viết thì chữ “cực ngon” vẫn chưa thể nói hết cái ngon, cái ngọt của nó, ngon đến mức một vị giám đốc một ngân hàng thuộc loại lớn ở Đà Nẵng, cao lương mỹ vị Tây Tàu gì cũng đã từng nếm trải, đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Không gì có thể sánh được!”.

Có nơi thì gọi nó là ốc ngũ sắc, có người thì lại gọi một cách dân dã là ốc lể, ốc rút, ốc gạo. Ngay chuyện có nhiều cách gọi như vậy đã cho thấy con vật này chẳng có gì nổi tiếng và chính thống, ai ưng gọi thế nào cũng được, không biết đến cũng chẳng sao, nó khiêm tốn và khuất lấp trong đời sống con người đến độ chẳng ai thèm để ý đến, mặc dù trong các hố đào khảo cổ di chỉ của người cổ đại cách nay 3-4 ngàn năm đã thấy con người biết đến ốc gạo; cho đến những năm gần đây, khi ốc gạo lên máy bay vào Sài Gòn, một lon sữa bò giá một ngàn giờ lên đến 8-10 ngàn đồng thì nhiều người đã bắt đầu để ý đến chúng.

Không bao giờ là món ăn chính, ốc lể như một món quà vặt, như đĩa hạt dưa cho người nhấm nháp lúc rảnh rỗi, cho các chị ngồi chợ, cho các bác xích lô, xe thồ hoặc phu khuân vác ở bến cảng lúc chờ đợi. Nói như thế vẫn chưa đầy đủ, vị giám đốc ngân hàng đã nói, người lớn lên ở một vùng cát nghèo khó của Quảng Nam, đánh giá ốc gạo cao hơn nhiều: “Một thế hệ chúng tôi đã lớn lên nhờ nguồn đạm từ ốc gạo. Quanh năm ăn cơm độn khoai với mắm cái, năm thì mười hoạ mới có chút thịt gà, thịt heo; còn lại thì đậu phụng dằm mắm, cá thính, cá muối mặn quắn lưỡi. Chính nguồn đạm ngọt lừ của ốc gạo mà chúng tôi khôn lớn và cũng đủ thông minh chứ không phải nhờ đến những DHA hoặc An-pha 3 nào đó trong sữa bột mà gần đây người ta hay quảng cáo là giúp trẻ thông minh!”.

Có thể là vị ngọt của ốc gạo ẩn chứa một lượng đạm cao cấp nào đó giúp anh khôn lớn mà không bị suy dinh dưỡng, thế nhưng anh giám đốc ngân hàng vẫn có thể hơi cực đoan, chí ít là khoảng ốc gạo nuôi anh khôn lớn, thông minh. Ốc gạo không xuất hiện quanh năm để anh bổ sung nguồn đạm, cả năm chúng chỉ xuất hiện đúng hai tháng rồi biến mất như chưa từng có mặt trên đời. Chị Tình, người cào ốc rút ở biển Cẩm An, Hội An, nói: “Chúng sống từng đàn trong cát rất sạch ở ven biển, cào một buổi có khi được cả chục ang (mỗi ang 30-36 lon sữa bò)”. “Mỗi lon chị bán sỉ 2.000-2.500 đồng, vị chi mỗi ngày chị kiếm trên dưới 500 ngàn đồng !”. Chị Tình cười: “Nhưng mỗi năm chỉ được đúng tháng rưỡi, từ cuối tháng giêng đến giữa tháng ba âm lịch là chúng biến mất, cào lên chỉ thấy vỏ là ốc gạo nhưng sống trong đó là con bù trật”. Nghe kể thật kỹ chúng tôi mới hiểu con bù trật chính là con ốc mượn hồn, họ nhà tôm, chuyên mượn vỏ của con ốc khác để trú ngụ. Có nghĩa là sau tháng ba chúng chết hết để một lớp thế hệ mới sinh trưởng cho đến tháng giêng lại được người cào lên mang theo đậm đà hương vị biển khơi mà chúng đã tích tụ sau mười tháng biến mất.
Không biết có gì từ thượng nguồn, phù sa sông Thu Bồn khi đổ ra biển khiến tất thảy cá tôm vùng biển này ngon ngọt hơn hẳn vùng biển khác. Trước đây, người viết bài này nghĩ rằng có thể vì ưu ái vùng quê với sông Thu Bồn mà người ta nói thế chứ làm sao mà phân biệt được vị ngon của con cá nục ở biển Đà Nẵng và con các nục ở biển Hội An ? Con cá sống ở biển đâu có biên giới ? Thế nhưng khi nghe đến giá cả của các loại ốc gạo mới hiểu rằng, quả thật, phù sa sông Thu Bồn vẫn có một điều gì đó mà các con sông khác không có. Cứ như con ốc rút này mà xét, ốc Cửa Đại vào cuối vụ có thể lên đến 10 ngàn đồng mỗi lon thì ốc rút ở Huế, Nam Ô, Tam Kỳ, Quảng Ngãi vẫn chỉ 2-3 ngàn đồng mỗi lon. Khẩu vị người Quảng Nam – Đà Nẵng đủ tinh tế để chịu trả giá cao đến vậy cho món quà vặt dân dã này đủ để biết hương vị chúng khác nhau nhiều lắm. Người ta còn biết ốc Huế, Lăng Cô, Nam Ô có màu đỏ, ốc Tam Kỳ, Quảng Ngãi có màu trắng, ốc Hội An có màu xám. Vì vậy, mặc dù giá chênh lệch nhiều người bán vẫn rất khó mà đánh tráo với người sành ăn.

Thứ bảy, chủ nhật; anh giám đốc ngân hàng nọ lai may ô, quần cộc cùng vợ con và dăm ba người hàng xóm vừa chuyện trò vừa lúi húi lể ốc. Mùa ốc gạo cũng là mùa cây bưởi ra gai. Ốc gạo chỉ lể bằng gai bưởi mới ngon. Và nước chè xanh âm ấm nữa. Quả thật chưa có gì ngọt ngào và đậm đà đến vậy. Tinh hoa của biển khơi như dồn lại trong lòng con ốc bé xíu, nằm trên đầu lưỡi người mà thơm nồng hương vị của biển sâu.
Hồ Trung Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét