GDP hết thời “luận anh hùng”
Sau một thời gian dài bất chấp tất cả chạy theo tăng trưởng GDP để đưa đất nước phát triển vượt bậc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu nhìn thấy toàn bộ hậu quả mà các chuyên gia kinh tế mô tả là “GDP đen” và “GDP máu”.
Một người đeo mặt nạ phòng khí độc hôm 2-5 do tình trạng
ô nhiễm tại Bắc Kinh ngày càng trở nên tồi tệ - Ảnh: Reuters
Trong hội nghị công tác tổ chức toàn quốc diễn ra tại Bắc Kinh hai ngày 28 và 29-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố mạnh mẽ: “Không thể chỉ đơn giản dựa vào tỉ lệ tăng trưởng GDP để luận anh hùng! Cần lấy mục tiêu và thành tựu thực chất trong việc cải thiện dân sinh, tiến bộ xã hội, bảo vệ sinh thái... làm nội dung đánh giá cán bộ”.Một ngày sau tuyên bố của ông Tập, giới truyền thông Trung Quốc vỡ òa bằng các bài viết tung hô việc cải cách. Giới chuyên gia nhận định rằng nó không chỉ tước đi “chiếc đũa thần” GDP trong việc đánh giá thi đua, cất nhắc quan chức, mà còn là định hướng chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc thời gian tới.
“GDP đen” và “GDP máu”
Theo cây viết bình luận Phàn Đại Úc của tờ Thanh Niên Bắc Kinh, lợi ích của người dân đã và đang trở thành vật hi sinh cho sự phát triển của chính quyền địa phương. Để thúc đẩy tăng trưởng, các ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều năng lượng, gây ô nhiễm cao từng trở thành lựa chọn số 1 của quan chức các địa phương. Họ ra sức xây dựng các công trình hình thức, rỗng tuếch, thu hút lượng lớn đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Dưới sự điều khiển của “chiếc đũa thần” này, các chính quyền địa phương điên cuồng tạo ra nhiều con số “kỳ tích”.
Tờ Thanh Niên Bắc Kinh cho biết người dân thường nói đùa rằng “ở thủ đô khó lòng nhìn thấy trời xanh” bởi lẽ “GDP đen” bao trùm bầu không khí. Vầng hào quang tăng trưởng GDP đích thực là sự tàn phá nghiêm trọng môi trường sinh thái. Các sông lớn, sông bé nước chảy đen ngòm, bầu không khí ngột ngạt trong lớp khói bụi ô nhiễm. Trong khi đó, hàng triệu công nhân Trung Quốc vắt kiệt sức trong các hầm mỏ, nhiều người dân phải bỏ mạng khi đi trên các con tàu siêu tốc phát triển thần tốc. Con số tăng trưởng tuyệt đẹp hằng năm vẫn đem lại niềm tự hào cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc vấy đầy “GDP máu”.
Báo Thanh Niên Bắc Kinh nhấn mạnh: đặc điểm của mô hình phát triển xã hội kinh tế trình độ thấp chạy theo GDP chắc chắn là một sự phát triển không cân bằng, không hài hòa, không bền vững. Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất để tạo ra GDP vào năm 2010 cao gấp 2,2 lần mức trung bình của thế giới đã cho thấy chất lượng và hiệu ứng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới.
Theo Nhật Báo Pháp Chế, sự mù quáng phát triển theo con số GDP đem lại những hào nhoáng bề mặt, nhưng ẩn giấu đằng sau đó những hậu quả khôn lường. Một nền kinh tế phát triển bên cạnh môi trường tài nguyên bị hủy hoại nghiêm trọng, một thành phố xinh đẹp bị bao phủ dưới lớp khói ô nhiễm, người dân trở nên giàu có nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng là những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt.
“Đòn bẩy vàng”
Bất kể là “GDP đen” tiêu thụ nhiều năng lượng hay gây ô nhiễm cao, hay “GDP máu” trả giá bằng sinh mạng của người dân, thì con số tăng trưởng đầy mê hoặc đã mang lại thu nhập và cơ hội việc làm cho nhiều chính quyền địa phương. Đồng thời đây còn là “đòn bẩy vàng” cho quan chức địa phương trên con đường thăng tiến.
Dưới cơ chế lấy GDP làm thước đo đánh giá năng lực của cán bộ, nhiều quan chức mù quáng hi sinh môi trường, tài nguyên và lợi ích toàn dân để cốt lấy bằng được những con số “đẹp” đánh dấu sự “phát triển vượt bậc” của địa phương. Nhiều thành phố lần lượt bị san bằng để thay bằng diện mạo mới. Đến nỗi trang Weibo của Tân Hoa xã từng bình luận rằng “con số tăng trưởng đẹp mắt ẩn chứa bao nhiêu là tình cảnh thương tâm trong việc cưỡng chế trưng thu nhà đất, đằng sau con số đó không biết bao nhiêu cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường và băng hoại đạo đức”.
Phó thủ tướng Uông Dương, thời còn là bí thư tỉnh Quảng Đông, từng hoài nghi về việc bất chấp tất cả để chạy theo GDP. “Anh xây một cái cầu, đó là GDP; tháo dỡ một cái cầu cũng là GDP; xây lại chiếc cầu đó tiếp tục là GDP. Cứ như thế với một cây cầu, anh đạt được đến ba lần GDP. Tương tự, lúc không khí và nguồn nước ô nhiễm, anh tạo ra GDP; lúc cải tạo ô nhiễm, anh lại tiếp tục tạo ra GDP” - ông Uông Dương phân tích.
Để chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa GDP và con đường hoạn lộ của lãnh đạo các thành phố nhỏ và vừa ở Trung Quốc, báo mạng Công Đoàn Trung Quốc dẫn kết quả nghiên cứu rất thú vị của ông Đặng Vĩnh Hằng - viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản thuộc Đại học Quốc gia Singapore: tỉ lệ tăng trưởng GDP cao hơn 0,3% so với người tiền nhiệm thì tỉ lệ thăng chức của quan chức tăng lên 8%; ngược lại, quan chức nào tập trung đầu tư cho dân sinh và bảo vệ môi trường, tỉ lệ thăng chức lại giảm sút thảm hại! Tại Trung Quốc, không tăng trưởng GDP đồng nghĩa với việc khó được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn.
Nhật Báo Pháp Chế nhận định: cái đích cuối cùng trong việc ra sức phát triển kinh tế không phải để tạo một môi trường sinh sống tốt đẹp, bầu không khí trong lành, nguồn nước an toàn cho người dân, mà là tỉ lệ tăng trưởng GDP. Câu nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt dấu chấm hết cho GDP trong việc lấy GDP làm thước đo để đánh giá và cất nhắc quan chức. Nhưng khi GDP “hết thời”, liệu mức độ ô nhiễm, sự thỏa mãn của người dân về các vấn đề bảo hiểm xã hội, giá nhà, y tế, giáo dục có thể trở thành tiêu chuẩn “đo” các quan chức hay không?
ĐÔNG PHƯƠNG/Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét