Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

(2) Vài tản mạn của Thiên Thanh Hi về cách sống

Vài tản mạn của Thiên Thanh Hi về cách sống

7. Học giao tiếp
Tôi nhìn thấy cuốn sách đầu tiên quan trọng với cuộc đời mình vào năm lớp 2 hoặc 3, nó có bìa màu đỏ, giá khoảng 27 ngàn đồng. Đó là sách của bố tôi, bố nói mượn của người khác… nhưng nó vẫn ở nhà tôi trong vài năm sau cho đến khi bị mất.
Năm tôi học lớp 5 thì bìa của nó và một số trang bên trong đã bị rách, đó cũng là lần đầu tiên tôi thử đọc nó, cuốn sách có tên “Đắc nhân tâm”. Khi đó tôi không hiểu nhiều lắm và cũng chỉ đọc một ít, đủ để nhớ đến nó, đủ để đến năm lớp 8 nhận ra được tầm quan trọng của nó và ra hiệu sách tìm mua một quyển mới, lần tái bản này có bìa là một lẵng hoa.
Tôi thực sự say mê cuốn sách này, những lời dạy trong đó thật phải, cách diễn đạt cũng rất thú vị, tôi đọc và cố gắng thực hành luôn, cứ 2 tháng đọc lại một lần. Trong khoảng thời gian từ năm lớp 8 đến lớp 10 hầu như đã thuộc nằm lòng các nguyên tắc giao tiếp trong nó.

Tôi lại tìm những sách dạy giao tiếp khác, nhưng ngoại trừ một cuốn dạy về các phép lịch sự thì cuốn nào cũng dở cả, chúng đều nói người ta phải làm gì trong giao tiếp chứ không dạy cách tư duy làm sao để giao tiếp tốt như “Đắc nhân tâm”. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn hay giới thiệu sách này với những bạn bè của mình hoặc bất cứ ai đang có ý định học về giao tiếp.

8. Kiến thức “Biết”, xây dựng phương pháp học

Càng lớn, tôi càng nhận ra có nhiều vấn đề, sự việc chưa từng gặp qua nhưng có thể nhanh chóng hiểu được nó, giải thích nó mà sau khi kiểm nghiệm thì thấy rất đúng đắn. Từ chuyện thường ngày đến phong tục tập quán, các vấn đề lịch sử, xã hội…

Tôi gọi nó là “kiến thức Biết”, dường như có một môn học, một loại kiến thức nào đó sẽ giúp tôi biết tất cả mọi thứ. Tôi gọi “Biết” là “vua của các môn học” và bắt đầu tìm tòi, lý giải cho hiện tượng này; nhưng không có kết quả, “Biết” vẫn là cái gì đó rất mơ hồ!

Năm lớp 12, tôi may mắn đọc được cuốn “Trí tuệ Khổng Tử”. Trong truyện “Ôn cũ để biết mới”, Khổng Tử dựa vào lịch sử thay đổi các triều đại, triều đại sau có nhiều cái mới nhưng kế thừa những cái hay của triều đại cũ, ông nói theo đó có thể biết các triều đại tương lai thay đổi theo hướng nào. Câu chuyện này dẫn đến một kết luận, đại ý: Học lịch sử có thể biết chuyện của 500 năm trước, từ đó biết chuyện của 500 năm sau.

Câu truyện về Khổng Tử khiến tôi bừng tỉnh, kiến thức “Biết” chính là sự ôn cũ để biết mới! Bởi mọi sự vật, sự việc luôn vận động và phát triển theo những logic nhất định, khi ta càng học nhiều, hiểu nhiều thì sẽ hình thành nên một thư viện kiến thức với nhiều cách tư duy, nắm bắt sự việc khác nhau… từ đó dễ dàng hiểu, nắm bắt và giải thích được một sự việc dù chưa gặp bao giờ, miễn sao logic hình thành và vận động của nó thuộc loại logic mà ta đã biết.

Từ đó, tôi hình thành phương pháp học tập với mục tiêu xây dựng một thư viện tư duy, thực ra đây là bước tiến triển tiếp theo của “Làm thế nào để phân biệt đúng, sai?”.

Tôi lại nhận ra việc gì cũng có mặt tốt của nó, hay ít nhất là có ý nghĩa nhất định, cần thiết trong hoàn cảnh nhất định. Các tính xấu như ích kỉ, tham lam, dùng bạo lực… cũng cần thiết như các tính tốt vậy, vấn đề là áp dụng thế nào?

Muốn giải quyết câu hỏi “Nên học chúng như thế nào?” thì phải xây dựng bước đi để học chúng, học cả những cái mà những người khác thường cho là không tốt thì càng phải thận trọng, tránh bản thân thu được cái xấu thì nhiều, lợi thì ít.

Tôi tìm được một giải pháp, đó là phải học cái tốt làm nền tảng rồi mới học đến cái kém tốt hơn. Sau đây là những nội dung cơ bản, diễn ra trong nhiều năm sau đó:

Học cách ôn tồn, nhã nhặn, tránh được xích mích trước, khi làm tốt rồi mới học cách đe dọa và sử dụng vũ lực khi cần thiết
Học cách hiểu và thông cảm với người khác trước, khi tự thấy mình ít nghi kị thì mới học cách nhận xét về người khác, bao gồm cả ý xấu và tốt
Học cách không tha thứ cho bản thân trước, khi thấy mình không còn tự bao biện cho những lỗi lầm thì mới học cách tha thứ, nhận định nguyên nhân một cách khách quan
Học cách im lặng và lắng nghe người khác nói, sau mới học cách diễn đạt (giao tiếp)

………

Nhớ lại cậu bé của nhiều năm về trước, tôi thấy thật thương mình, tôi may mắn vì đã lựa chọn đúng!

9. Những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống

Mọi người thường lấy làm thích thú khi đạt được thành quả nào đó hoặc tìm ra đáp án cho một câu hỏi; nhưng tôi thì khác, tôi thích thú khi tìm được câu hỏi hay mà không quan tâm đến đáp án. Không quan tâm đến đáp án không phải vì đáp án không quan trọng, vấn đề là, câu hỏi có giá trị thì đáp án cũng vậy, nên mấu chốt không phải là bạn sẽ có được phần thưởng nào, mà bạn cần đi trên con đường nào. Ngoài ra, câu trả lời không thể bao hàm quá nhiều sự vật, hiện tượng, nhưng câu hỏi thì có.

Nói cách khác, để hiểu một vấn đề, trước tiên phải biết hỏi đúng cách, cũng như câu chuyện về cô gái tôi sẽ kể ở phần kế, khi có 2 người con trai cùng thích cô, cô đặt câu hỏi “Tôi nên chọn ai?” mà không hiểu rằng, câu hỏi đúng phải là: “Ai chọn tôi?”.

Những câu hỏi tôi cho rằng đời người nên biết, gồm có:

Làm thế nào để phân biệt đúng, sai?
Câu hỏi này cần thiết để mỗi người tự tu dưỡng mình, nhìn nhận về thế giới quan và xây dựng cơ sở lý luận cho bản thân. Khi tìm tòi những sự vật, sự việc có liên quan, sẽ dẫn ta đến câu hỏi tiếp theo…


Tại sao? 


Đây là câu hỏi nguyên thủy của mọi câu hỏi, sâu xa mà lại bình dị nhất, nhờ nó con người tiến hóa và có được nền văn minh như ngày nay. Nó giúp chúng ta không chấp nhận cái có sẵn, mà phải luôn tìm tòi, khám phá mọi khía cạnh của vấn đề, “tại sao, tại sao?...” các câu hỏi nối tiếp nhau để bóc trần đến cùng bản chất, quá trình vận động của một sự vật, sự việc nào đó.Nếu đúng thì sao? Nếu sai thì sao?

Lại là một câu hỏi khác thể hiện sự không thỏa hiệp, không chấp nhận cái có sẵn. Khi gặp việc gì đó có vẻ ngoài đúng hoặc sai, khi những người khác đã chấp nhận nó thì tại sao bạn không thử đặt câu hỏi ngược lại? Nếu bạn đã từng nghe “mâu thuẫn để phát triển” thì đây chính là trường hợp như vậy, bạn đảo ngược vấn đề để hiểu về nó nhiều hơn chứ không nhằm mục đích biến đen thành trắng, trắng thành đen.

10. Điều gì phân biệt bạn với những người còn lại ?

Đây là câu hỏi tuyệt hay mà tôi đọc trong cuốn “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của ngài Kim Woo Chung- Chủ tịch tập đoàn Daewoo, cùng thời gian khi đọc cuốn “Trí tuệ Khổng Tử”.


Đến nay, sau 6 năm tôi vẫn không trả lời được câu hỏi này!

Nhưng câu hỏi giúp ích tôi rất nhiều, mỗi lần nghĩ về nó, tôi phải thành thật xem xét lại bản thân, so sánh mình với những người xung quanh, tìm ra điểm chung, điểm khác biệt… nếu tôi có khác biệt với người nào đó mà không nảy sinh mâu thuẫn thì tốt, nhưng nếu có thì vấn đề nằm ở đâu? Đâu là phong cách của tôi? Rõ ràng, điểm “phân biệt” này không phải ở cái tên hay ngoại hình, mà nó phải nằm ở tính cách, ở cái gì đó là “chất” riêng của tôi… cái gì đó tôi chưa tìm ra được!

Vấn đề chính ở chỗ đó!

Khi tôi tự hỏi mình khác biệt ra sao với những người còn lại sẽ dẫn đến việc tự hỏi xem đâu là chất riêng của con người mình, mình là ai, phong cách của mình là gì?… Điều này thôi thúc tôi đi tìm chính mình, hoàn thiện cái chất riêng ấy. Phải chăng đây mới là nhiệm vụ thực sự của câu hỏi?


Mỗi ngày nên dành thời gian tự suy xét bản thân, việc trải qua ta đã làm tốt hay chưa, nếu chưa tốt thì cần sửa ở đâu, tốt rồi thì có thể làm tốt hơn nữa được không?
Câu hỏi này tôi đọc trong cuốn “Đắc nhân tâm”, nó gần với quan điểm “Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” (một ngày tự xét mình vài ba điều) của Khổng Tử. Thường xuyên hỏi và trả lời nó giúp ích rất nhiều trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
Làm thế để làm gì?
Một câu hỏi rất đơn giản, nhưng mỗi khi ai đó định làm gì thì câu hỏi này giúp người ta một lần nữa xem xét lại định hướng, mục tiêu của hành động sắp diễn ra, áp dụng trong giao tiếp là rất tốt!

Người xưa dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, khi định nói gì đó, nếu bạn trả lời được câu hỏi “Nói ra để làm gì?” thì sẽ giảm thiểu những lầm lỡ rất nhiều!


11. Con người bị giới hạn bởi cái gì?

Tôi thích nhiều sách, trong đó có những sách khoa học về thiên văn, khảo cổ, lịch sử… Trong một lần đọc về sự hình thành vũ trụ, không gian và thời gian, tôi chợt đặt ra câu hỏi “Con người bị giới hạn bởi cái gì?”

Con người có bị giới hạn bởi không gian?
Từ thuở sơ khai, con người từ việc sống trong những khu vực nhất định đã khai hoang, khám phá nhiều vùng đất mới, hiện nay hầu như không nơi nào trên trái đất mà con người chưa từng đến, thậm chí ngoài vũ trụ bao la kia, chỉ cần nơi nào là vật chất, nơi ấy con người sẽ đến được!
Việc bị giới hạn trong một khoảng không gian nào đó chỉ mang tính thời điểm, vả lại, con người bao gồm thể xác và tinh thần, không gian dù chật hẹp đến mấy cũng không thể ngăn cản con người đến những nơi họ muốn, bằng cách này hay cách khác.

Con người có bị giới hạn bởi thời gian?

Có thể, vì không ai là bất tử, nhưng phạm trù đang nói đến ở đây là “con người”, là tinh thần và thể xác, là toàn nhân loại chúng ta. Trải qua hàng triệu năm để hình thành con người ngày nay, từ những công cụ lao động thô sơ đến phức tạp, đã có khả năng khám phá vũ trụ lớn lao kia. Nhìn vào cả quá trình ấy, tôi tin con người không bị giới hạn bởi thời gian. Sự giới hạn này nếu có, chỉ mang tính tương đối và ở một góc độ nhỏ, nhưng xét tổng thể thì cũng như việc bạn không bao giờ đứng yên, bởi trái đất và vũ trụ luôn chuyển động.

Vậy con người bị giới hạn bởi cái gì?
Tự xem xét bản thân, thử kiểm nghiệm lại một số trường hợp ta đã không làm tốt điều gì đó sẽ biết mình bị giới hạn bởi cái gì. Không rõ người khác cho họ bị giới hạn bởi điều gì, nhưng với tôi, giới hạn duy nhất và lớn nhất là chính bản thân tôi!

Vì lẽ đó, Phật nói: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”.

Tại sao?
Con người có bản năng như mọi loại sinh vật khác, bao gồm các nhu cầu được ăn uống, được đảm bảo an toàn, được có địa vị, được bảo tồn nòi giống. Những nhu cầu này đã thuộc về bản năng, không thể dứt bỏ nó, nó giống như hơi thở, bạn không cần tự nhủ mình phải thực hiện nhu cầu nào đó thì cơ thể bạn đã tự làm việc ấy. Người tốt và xấu chỉ khác nhau ở chỗ họ để nhu cầu trỗi dậy nhiều hay ít, cho nên, nếu quá dễ dãi với bản thân, không nhìn nhận nghiêm túc về những cái mình muốn và định làm thì bạn sẽ dễ để mất cân bằng, từ đó dẫn đến xa ngã.

Triết học Trung Quốc phân ra làm 5 nhu cầu cơ bản tương ứng ngũ hành, nhưng theo tôi chỉ có 1 nhu cầu căn bản nhất: Nhu cầu an toàn.

Từ nhu cầu an toàn mới phát sinh nhu cầu được ăn uống đầy đủ, được có địa vị, được bảo tồn nòi giống và được thỏa mãn nhục dục. Bất cứ nhu cầu gì trong cuộc sống của chúng ta đều xuất phát từ nhu cầu nguyên thủy là được an toàn, bởi thế, trong lao động, làm việc và ngay cả khi nhìn nhận lại một sai lầm nào đó, một cách vô thức, nhu cầu an toàn trỗi dậy và “bảo vệ” bạn.

Ví dụ gặp chuyện không may, xích mích với ai đó, kết quả việc làm nào đó kém… đa phần mọi người sẽ đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan, người khá hơn một chút thì chỉ ra cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan… và có lẽ chỉ 1/1000 người nhận tất cả lỗi về mình. Bởi ngay cả trong suy nghĩ, nhu cầu an toàn cũng bao bọc lấy họ, họ tránh việc nặng nhọc và cũng tránh cả những suy nghĩ công kích bản thân. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn mệt mỏi cả!

Cũng vì chúng ta quá cầu toàn, mà người xưa dạy “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân” (trước trách-xem xét bản thân, sau mới trách-xem xét người khác), hoặc “Trong đạo xử thế biết trách mình là người khôn, trách người là vụng”.

Từ đó, tôi luôn luôn thận trọng với những đòi hỏi của mình, tôi coi nhu cầu là kẻ thù và dằn vặt bản thân ghê gớm nếu như cảm thấy mình có đòi hỏi nào đó quá đáng. Mỗi khi suy nghĩ điều gì, nhất là khi mới gặp sai lầm và đang tìm ra nguyên nhân, chỉ cần tôi có một suy nghĩ giải thích hoặc biện hộ cho sai lầm ấy, ngay lập tức một luồng tư tưởng khác trong tôi gạt phắt nó đi, xóa xổ nó, tôi tưởng tượng nó giống như một vật thể, và suy nghĩ tiêu cực ấy bị nổ tung ngay trong đầu tôi vậy; tôi không cho phép mình ngụy biện và tự phản biện chính bản thân mình đến tận cùng mới thôi!
Không những chỉ trong việc xem xét mình mà bất kì việc gì khác, nhờ hai câu hỏi “Nếu đúng thì sao?” và “Nếu sai thì sao?”, tôi luôn tự hỏi và trả lời, giải đáp cho một vấn đề nào đó, nhưng khi đưa ra lời giải đáp, tôi lập tức tự phủ định nó và đưa ra lời giải đáp khác, rồi lại tiếp tục phủ định cho đến khi mọi thứ được bóc trần đến cùng, không còn gì để phủ định nữa, tìm ra được một đáp án không thể chối cãi nữa!

12. Ốc đảo ý thức

Nếu ai gặp tôi bây giờ, họ sẽ không tin hồi nhỏ tôi rất trầm tính. Tôi không bao giờ chơi đùa với đám bạn cùng lớp những trò náo nhiệt, ngại giao tiếp, dễ xấu hổ, dễ khóc vì thương cảm điều gì đó…

Nhưng tôi là người có nhiều tính cách, càng mở mình ra bao nhiêu thì tôi càng thu nhập nhiều dạng ý thức bấy nhiêu, tốt xấu đều có. Khi tốt, tôi không dám làm tổn thương nhành cây, ngọn cỏ… nhiều lần trời mưa có con cóc hay ếch nhảy vào nhà tôi cũng không ngại bẩn mà ôm nó đem thả ra ngoài trời; nhưng khi nghĩ đến việc xấu hoặc khi cảm giác căm ghét cái gì đó xuất hiện thì chỉ muốn hủy diệt kẻ địch, muốn dùng mọi khả năng để hãm hại…

Đó chỉ là một phần của cái đa nhân cách trong tôi, còn nhiều góc độ khác nữa, nhiều khái niệm khác nhau trong cùng một vấn đề.v.v. Khi đó, tôi rất đau khổ, nó khiến tôi mệt mỏi và lo lắng, nó khiến tôi cảm thấy mình khác tất cả những người khác, vì thế tôi càng xa lánh họ, tôi giống như người mắc bệnh hiểm nghèo, không dám tự cho mình quyền được sống như một người bình thường.

Từ nhỏ, tôi đã xác định ngoài tự mình dạy mình ra thì không thể dựa vào người khác, nên tôi cũng nghĩ chỉ tự mình mới chữa được bệnh của chính mình. Tôi tìm đọc những tài liệu về bệnh trầm cảm, cách chữa và thực hiện theo nó. Thực ra, không rõ tôi có mắc bệnh đó hay không hay chỉ đơn giản là tính cách của một người ít nói, nhưng việc nghiên cứu này giúp tôi có được những phương pháp rèn luyện sự tự tin rất bổ ích.

Thế rồi, một lần tôi đọc được về “ốc đảo ý thức”, là khi một người bỗng nhiên biến thành người hoàn toàn khác trong một thời điểm, sau đó lại trở lại như cũ, các nhà tâm lý học cũng gọi đây là hiện tượng đa nhân cách. Tôi tự so sánh và thấy mình không giống thế, nhưng tôi cho rằng những nhân cách trong mình chưa đủ mạnh để khiến bản thân đột ngột thay đổi, nhưng nó có tồn tại.

Điều này là tốt hay xấu?
Tính tình không ổn định thì đương nhiên xấu!
Có thể chấp nhận nó không?
Không!

Nếu trong tôi thực sự có nhiều luồng ý thức, nhân cách thì có lợi và hại gì?- Trước tiên phải tìm ra được bản chất, nhưng nếu không tìm được thì phải chỉ ra được lợi, hại trong vấn đề đó để có hướng cân bằng thích hợp. Tôi nhận ra rằng, có nhiều dạng ý thức có một cái lợi, đó là bạn dễ dàng tư duy theo nhiều cách khác nhau, không cố định; tôi có thể nghĩ theo cách nghĩ của người xấu lẫn tốt, của người nhanh nhẹn lẫn chậm chạp, của người ít nói hoặc nói nhiều, cởi mở hoặc bó hẹp… tóm lại, tôi không những không tìm cách triệt tiêu sự “hỗn độn” trong mình, mà còn giúp nó mạnh lên, hướng đó đến mục tiêu đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, cũng vì thế mà sau này tôi thường dễ hiểu và thông cảm với người khác, cảm nhận được họ mà trong tâm lý học gọi là khả năng “di tình”.

Kết hợp với việc luôn phủ định bản thân, cùng một câu hỏi đặt ra tôi luôn suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau, cái này phủ định cái kia, tìm ra điểm khác biệt trong cái chung và tìm ra cái chung trong những điểm khác biệt… với tôi, ngồi im lặng trong vài tiếng để suy nghĩ thôi cũng là một trò chơi vô cùng thú vị, tôi luôn tự tìm được bất ngờ với chính những suy nghĩ của mình!

Nếu như các nhà toán học tìm phương pháp thống nhất giữa đại số và hình học thì tôi tìm phương pháp thống nhất giữa các mặt đối lập, giữa các tính cách của con người. Tôi còn kém nên thành quả chưa được nhiều, nhưng cũng có cái lợi nếu cần hòa giải cho một mâu thuẫn nào đó, ta tìm được điểm chung thống nhất giữa hai người- hai cách nghĩ khác nhau.

Từ hồi phát hiện mình có nhiều tư tưởng khác nhau, tôi luôn tìm cách tự nói chuyện với chính mình, sắp xếp những cuộc gặp gỡ “ảo” giữa các tư tưởng ấy. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng mỗi cá tính trong tôi được biến thành một con người, tôi để chúng tranh luận một vấn đề nào đó với cách xưng hô như những con người thực. Đến năm lớp 11 thì những “con người” ấy gần như thực sự nói chuyện được với nhau, thậm chí trong khi ngủ tôi cũng nghe và nhớ được chúng đang tranh luận một vấn đề mà khi thức tôi đã nghĩ đến, để khi tỉnh dậy thì tôi chỉ cần thu hoạch kết quả.


Sang năm lớp 12 và cho đến bây giờ, sự trưởng thành hơn của bản thân và quá trình xóa bỏ các khái niệm đã “hợp nhất” những luồng tư tưởng ấy, giờ đây tôi có thể suy nghĩ và hành động theo nhiều cách khác nhau nhưng đó là kinh nghiệm và kết quả của một quá trình tư duy đa dạng, không còn tồn tại “những người” mà chỉ có “chính tôi”.


Trang gốc:
Sở thích đọc
Sở thích sưu tầm danh ngôn
Làm thế nào để phân biệt đúng, sai?
Bản chất và nghịch luận
Chọn làm người tốt hay xấu?
Tìm hiểu văn hóa phương Đông
Học giao tiếp
Kiến thức “Biết”, xây dựng phương pháp học
Những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống
Con người bị giới hạn bởi cái gì?
Ốc đảo ý thức
Hương vị cuộc sống
Xóa bỏ các khái niệm
Chuyện về 4 màu sắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét