Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Thu nhập, thu nhập đủ sống và thu nhập rất đủ sống

Thu nhập, thu nhập đủ sống và thu nhập rất đủ sống
Vật nhi bất tề, bất tề nhi tê (Muôn vật vốn không bằng nhau, không bằng nhau mới là bình đẳng thật sự) - Trang Tử
Ở cấp độ đời sống thường ngày, có một cái gì đó mơ hồ nhưng luôn luôn ám ảnh người Việt Nam, tạo ra một cảm giác rằng quốc gia của họ có một nét gì đó được tổ chức rất khác với những quốc gia láng giềng trong khu vực. Khác ngay cả với Liên Xô trước kia và Trung Quốc, những quốc gia theo đường lối XHCN. Đó là cách trả lương cho cán bộ công nhân viên trong hệ thống các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước: lương thường không đáp ứng đủ những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhưng thu nhập thì lại không hề kém một chút nào, thậm chí là rất cao so với năng suất và công sức lao động mà những người đi làm bỏ ra.
Vậy nên khi Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ triển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ” thì kết quả khảo sát mới đây gần 2.000 cán bộ công chức tại 10 địa phương và 5 bộ trong năm 2012 thì có vẻ là một sự thực rất đỗi hiển nhiên mà ai đã từng đi làm cán bộ nhà nước cũng cảm thấy được: 79% cán bộ công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời. Nền của lương tối thiểu người đi làm nhà nước được xem xét hiện đang là 1.050.000 đồng/tháng.
Số liệu tiếp theo đầy lý thú, nhưng bắt đầu tạo sự băn khoăn về độ tin cậy. Trước tiên là tính chất của thu nhập ngoài lương đó: hơn 50% cho biết đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp, hơn 60% từ nguồn tiết kiệm các khoản chi theo định mức khoán, hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hay quỹ riêng của đơn vị, gần 5% từ các nguồn biếu tặng và 40% là từ các nguồn thu khác. Tính chất của các nguồn thu xem ra đều hợp lý và hợp pháp, nhất là khi các nguồn biếu tặng chỉ có khoảng 5% số người trả lời khẳng định là có tương xứng với tỷ lệ cán bộ quản lý có thể cung cấp dịch vụ hữu ích cho những người có việc cần đến.

Số liệu tiếp theo nữa về mức thu nhập ngoài lương đặt dấu hỏi khó về độ lớn thực sự của thu nhập ngoài lương: 82,7% có thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương, 11,1% bằng khoảng 50% đến 100% lương, 2,1% cao hơn nhưng tối đa không quá 5 lần, 0,2% bằng 5-10 lần, 0,2% cao hơn 10 lần và 3,6% không trả lời. Xem ra ở nhóm có thu nhập cao trên 10 lần thì trần trên, theo khai báo, sẽ có lương khoảng tối đa 10 triệu theo hệ số cao nhất là khoảng 8 lần về tay nghề và 1,5 lần về chức vụ nhưng thu nhập khó có thể vượt mức 100 triệu đồng một tháng.

Với những kết quả như vậy, sẽ rất khó để nói là thu nhập của cán bộ đi làm chúng ta là hợp lý hay không hợp lý, hợp pháp hay không hợp pháp, có lạm dụng hay không lạm dụng vị trí công tác và có tham nhũng hay không tham nhũng. Tổ chức quốc tế OXFAM vừa có hội thảo chia sẻ và thảo luận kết quả nghiên cứu về quyền lao động trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Theo họ, mức lương đủ sống (Living Wage) cho người lao động Việt Nam là 5,42 triệu đồng/ tháng.

Đầu tiên là mức lương đủ sống. Nếu xét một người vừa tốt nghiệp đại học ra, độc thân, có việc làm tại một cơ quan nhà nước thì lương chính thức sẽ chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, thu nhập ngoài lương ở các cơ quan có khả năng thường 500.000-1.000.000 đồng/tháng. Còn nếu họ đi làm cho doanh nghiệp tư nhân thì sẽ có khởi đầu 3,5- 4 triệu đồng/tháng. 3,5 triệu là mức tối thiểu để sống ở Hà Nội, không có tích luỹ gì. Cánh cửa nhà nước vì vậy sẽ đóng cửa với những người nghèo, những người từ nông thôn lên, những người không có nhiều quan hệ và những người không có bằng đại học vì họ không sống được với đồng lương nhà nước trả trong khi chờ đợi đến lúc có thu nhập ngoài lương. Và đầu vào của tổ chức bị sai lệch vì định hướng cơ quan toàn đại học bắt nguồn từ đây. Ở đây tính chất không hợp lý nhưng hợp pháp của thu nhập là rõ ràng.

Sau 6 năm làm việc họ sẽ có lương khoảng 3 triệu, ngoài lương 1,5 triệu. Vẫn ở dưới mức đủ sống nếu họ lập gia đình và họ có 1 con. Họ bắt đầu tìm thêm thu nhập ngoài lương bằng đủ mọi cách: đi học thạc sỹ, lấy thêm bằng cấp và, nhất là, tận dụng vị thế của công việc mình làm. Vì thế giáo viên thì dạy thêm cho chính các học sinh của mình, bác sỹ nhận phong bì từ các bệnh nhân mà họ phải chữa bệnh theo chức trách... Đấy là những gì rất hợp lý vì ai cũng phải sống. Hợp pháp nếu họ bỏ lao động ra và nhận về thu nhập thêm.

Sau 10 năm đi làm chúng ta sẽ quan sát thấy sự tách tốp: những người có thu nhập thêm nhờ tay nghề của mình và những người nhờ vị trí và chức vụ của mình. Và từ thời điểm này quả thật không ai quản lý được thu nhập của công, viên chức nữa xét cả về tính hợp lý lẫn tính hợp pháp. Những người đi làm bằng tay nghề nghiêm túc nhất chắc cũng có lúc tận dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất của cơ quan và, nhất là, thương hiệu của cơ quan. Còn những người kiếm thêm nhờ vị trí của mình thì những ai được việc thường nhận được ít hơn so với công sức họ bỏ ra, trong khi những ai không được việc thì bắt đầu nhũng nhiễu; với thời gian những ai được việc sẽ giảm hứng thú làm việc, còn những ai không được việc lại có hứng thú vô bờ bến với công việc mình làm. Chảy máu tay nghề cao từ đây, bôi việc ra để ai cũng dính vào một tý cho có thu nhập ở đây và lạm dụng, tham nhũng cũng bắt đầu từ đây.

Và cứ thế bắt đầu sự phi lý tăng tốc của lương và thu nhập nước ta. Tại hội thảo góp ý kiến của các ban ngành về dự án thực hành luật tiết kiệm do đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM tổ chức hôm 16/4 có đưa ra con số: lương một thứ trưởng hơn chục triệu đồng một tháng nhưng chi phí chiếc xe công ông này đi gấp 3 lần: trả lương tài xế, tiền xăng, phí bảo trì... Còn nếu tính cả tiền mua xe và lãi suất theo ngân hàng nữa chắc lên tới 5 lần (?). Và nếu có ai bảo thu nhập của một vị thứ trưởng chỉ có lương hẳn mọi người cười bò: lương đúng là thế nhưng thu nhập là bao nhiêu thì, tiếc quá... hiện chưa có nghiên cứu nào cụ thể về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Cho nên, xem ra thu nhập cho người làm công ăn lương của chúng ta đang có vấn đề và đang tạo ra vấn đề cho toàn bộ hệ thống hành chính quá đỗi bất cập của chúng ta.

Đầu tiên là mức lương đủ sống không được tính đúng trong khi lạm phát lại quá cao: trong quá khứ, những năm 80 thế kỷ trước, có lúc lên tới hơn 700% và mới đấy, năm 2008 lên trên 20%. Do lương không tính đúng nên người lao động không có sự tôn trọng cần thiết và cần có đối với lao động của mình, đối với cơ quan của mình và, nhất là, đối với người quản lý của mình.

Tiếp đó phải thấy rõ tính cào bằng của tiền lương Việt Nam: các hệ số lương chênh nhau khoảng 0,2 lần và quy định 3 năm không có khuyết điểm lớn đương nhiên được tăng lương không phản ánh được sự đóng góp thực của người lao động. Những người lao động có năng lực, chủ lực của bất cứ hệ thống nào dù công hay tư, không hài lòng với thu nhập từ lương. Hệ quả tất yếu là họ có thu nhập ngoài lương. Và hiệu quả của hệ thống bị sụt giảm và bị huỷ hoại theo mức độ bất hợp lý giữa thu nhập và đóng góp.

Cuối cùng là khi người làm công ăn lương của nhà nước phải sống dựa vào thu nhập thì tính hợp pháp của các khoản ăn chia có được từ cơ quan: thương hiệu, cơ sở vật chất, tính đặc thù của dịch vụ cung cấp, nguồn ngân sách có thể nhận được và phân phát được... sẽ là câu hỏi rất lớn. Nhất là khi nó xoá nhoà đi sự hợp pháp giữa nhu cầu người đi làm bỏ lao động ra phải sống được, với sự bất hợp pháp của sự nhũng lạm và tham ô.

Từ những gì đã thấy ở trên, có thể thấy rằng nếu bảo tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm thì điều đó là đúng. Nhưng nếu không có sự xem lại về hệ thống trả lương và tạo ra thu nhập trong bộ máy nhà nước của chúng ta thì có lẽ những gì chúng ta bàn về cải cách hành chính, về chống tham nhũng, về lập ra các ban để giám sát việc chống tham nhũng... có lẽ cũng vẫn đúng, nhưng chỉ ở mức hô hào mà thôi.
Phạm Bích San
http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/thu-nhap-thu-nhap-du-song-va-thu-nhap-rat-du-song

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét