Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Làm công chức có sướng nữa không?

Làm công chức có sướng nữa không?

Đang giữa lúc công chức kêu than về lương thấp so với “dân làm ngoài” thì đùng một cái, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản, khiến nhân viên thất nghiệp còn công chức nhà ta vẫn ung dung cứ như thể: cơ chế thị trường khó mà đụng đến “lông chân” mình được. Đang tủm tỉm cười sướng cái lũ “bỏ nhà nước ra làm ngoài” thì đùng một cái lại chấn chỉnh tác phong, theo dõi kiểm tra gắt gao…thế là lại tạm chấp dứt những chuỗi ngày nhàn nhã mà vẫn có lương: đi làm chính là phụ, còn việc làm thêm mới là chính.
Giới công chức hơi chủ quan, không tu tỉnh ngay từ khi có các quy định chi tiết, nghiêm cẩn về việc hiếu như không lắp kính trên quan tài và đám cưới không quá 300 khách. Bởi những quy định trên như lời mở đầu đánh tiếng rằng: giới công chức đang được “đưa lên trang nhất” để chỉnh đốn, vì dù sao họ cũng là bộ mặt của các cơ quan công quyền.
Mà đã là “mặt tiền” thì phải tươi tỉnh, niềm nở, ân cần bất kể việc nhỏ nhặt nhất, như thế, chưa cần làm gì đã tạo nên lòng tin của người dân là có gì khó, cán bộ công chức đều nhiệt tình giải quyết, chưa chắc đã làm được nhưng cũng khiến dân an ủi rằng họ cũng đã cố hết sức. Ấy vậy, mà ngay cả sự cố gắng hình thức như thế mà các công chức nhà ta cũng chả buồn làm, thì đúng là vừa không nghe lời “cấp trên” lại vừa là công bộc của dân nhưng coi thường dân. Thế thì đúng là phải chỉnh đốn thật!
Việc đầu tiên là phải giám sát giờ làm việc bằng cách lắp camera theo dõi, hoặc đi thị sát tình hình các quán cà phê vào “giờ cao điểm” lúc 9 – 10h sáng xem các công chức đang tận tụy làm gì trong đó. Kết quả cũng khá khả quan. Chỉ riêng một buổi sáng, Bí thư tỉnh ủy và Giám đốc Sở Nội vụ của tỉnh Quảng Bình “vi hành” đến 7 quán cà phê trong TP. Đồng Hới đã bắt gặp 15 cán bộ, công chức đang ngồi “làm việc” sai địa điểm. Sau chuyến khảo sát này, các quán cà phê tại Đồng Hới vào giờ hành chính… buồn thiu.
Những tưởng công chức trong giờ làm không ngồi ngoài quán nữa thì sẽ ngồi ở cơ quan, nhưng theo ông Phạm Minh Chu - Phó giám đốc Nội vụ tỉnh Phú Yên, kiểm tra đột xuất  7 cơ quan, thì phát hiện 5 cơ quan đơn vị có nhiều cán bộ nghỉ phép không đúng thủ tục. Đặc biệt, theo thông tin trên VTC News cho hay, đoàn kiểm tra còn đến Hội Đông y tỉnh Phú Yên và UBND phường 9, TP. Tuy Hòa, cũng không thấy một bóng người. Nói vậy mới biết Hội Đông y tỉnh mà cũng thuộc đội ngũ cán bộ công chức, được trả lương thì quả là nhân dân gánh trên vai số lượng công chức nặng quá.
Chuyện công chức rủ nhau nghỉ “cả dàn” đi vắng không tiếp dân để đi đám ma như UBND phường 1, TP. Đông Hà, Quảng Trị, hay đi liên hoan mừng sếp mới tiễn sếp cũ như Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long… cũng đã là hình ảnh bình thường trong mắt người dân. Vì thế, từ ngày 6/4, tỉnh Trà Vinh đã áp dụng “biện pháp mạnh” đối với những cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc, trong bữa ăn trưa của ngày làm việc hoặc tiếp khách ở quán rượu bia, làm việc riêng trong giờ hành chính mà không được sự cho phép của thủ trưởng... sẽ bị xem xét kỷ luật.

Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, lần thứ hai trở đi có thể bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, hoặc hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, nặng thì sẽ buộc thôi việc hoặc cắt hợp đồng lao động. Ngay cả người đứng đầu cơ quan cũng sẽ bị liên đới nếu để cán bộ vi phạm đến lần thứ ba, và như thế rất có thể vì thành tích của chung, chúng ta sẽ “bao che” cho nhau.


Việc tỉnh Quảng Trị mới đây kiên quyết bêu danh các cán bộ, công chức đi trễ về sớm, không đảm bảo kỷ luật cơ quan lên truyền hình để dân cả tỉnh biết đang khiến dư luận xôn xao. Tiếp nối cách làm của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Gia Lai cũng đang học tập để tiến hành ghi hình các công chức, viên chức “ăn cắp giờ công” phát trên sóng truyền hình.
Có thể nói, giờ đây nhất cử nhất động gì của công chức cũng dễ dàng “bị tố cáo” bởi một ủy ban đi kiểm tra bất thình lình, hoặc cũng có thể là cái cớ tốt cho công chức “tố cáo” nhau nếu muốn chơi xấu. Cuộc sống của công chức ở cơ quan không còn dễ chịu như trước nữa, đã qua rồi cái thời sáng đến pha trà đàm đạo, chán lại kéo ra quán cà phê, gần trưa lại kéo nhau về xem qua công việc của ngày hôm trước, ăn trưa, ngủ chiều đến gần giờ về lại xem qua công việc của buổi sáng, thế là kết thúc một ngày làm việc, và ngày mai lại tiếp diễn như thế (như trong câu chuyện mà đạo diễn Lê Hoàng mới “phóng tay” gần đây). Nghe thì có vẻ nhàm chán, nhưng than ôi, nhàm đến thế rồi mà nào có được yên thân, sắp tới, công chức nhà ta lại phải tập đóng kịch ra vẻ chăm chỉ làm việc và dễ khổ sở vì mắc bệnh của “đáy lòng” do ngồi ỳ ra một chỗ quá nhiều.
Trên thực tế, chấn chỉnh hình thức với công chức thì rồi cũng mãi mãi chỉ nhận lại được sự hời hợt vỏ ngoài. Bởi nằm sâu trong tiềm thức của công chức, họ làm việc chính không phải để sống mà chỉ cần tồn tại cho có danh, cái nuôi sống họ là dùng danh kiếm tiền ở việc phụ. Nếu hoán đổi được chính phụ ở đây, hoặc tốt nhất là thu về một mối, khiến công chức có lợi ích, có đam mê, đảm bảo cuộc sống, kiêu hãnh với công việc mình làm thì chẳng cần phải kiểm tra gắt gao, chính công việc sẽ khiến công chức phải tự chấn chỉnh bản thân. 
 Toàn Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét