Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Thất nghiệp nhiều quá!

Thất nghiệp nhiều quá!
Thạc sĩ toán học đi bán sim điện thoại, tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm ôsin, cử nhân sư phạm chạy bàn quán cà phê… Nguồn nhân lực trình độ cao đang bị lãng phí và bán rẻ khắp nơi
Thanh Hóa là một cái nôi hiếu học của cả nước nhưng vừa qua, con số gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp khiến nhiều người giật mình. Tình trạng này cũng đang phổ biến tại Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Quảng Nam...
Bi đát cử nhân
Sinh ra ở vùng quê nghèo khó của một xã miền núi huyện Như Thanh - Thanh Hóa, Đỗ Thị Trang tốt nghiệp loại khá ngành báo chí tại Hà Nội trong niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, ra trường đã 3 năm, Trang vẫn loay hoay kiếm việc. “Sau khi làm đủ mọi nghề, từ bán cà phê, nhân viên nhà hàng, quán bia, phát tờ rơi…, cuối cùng tôi đành về quê bán hàng tạp hóa giúp mẹ vì không trụ nổi ở thủ đô” - Trang cho biết. Cũng rơi vào tình cảnh khó khăn như Trang, Lê Thị Huyền (ngụ huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa), tốt nghiệp Học viện Ngân hàng với tấm bằng loại khá nhưng lại đang làm thu ngân cho một quầy tạp hóa để kiếm tiền nuôi sống bản thân và... chờ thời.

Ông Trần Phi Hùng (thị xã Châu Đốc - An Giang) buồn bã với tấm bằng ĐH của con gái ông- chị
Trần Thị Mỹ Hạnh- cử nhân quản trị kinh doanh đang thất nghiệp. Ảnh: THỐT NỐT
Nỗi thất vọng, tự ti cũng hiện rõ trên mặt Trần Thị Hoa (SN 1990, ngụ huyện Quế Sơn - Quảng Nam). Tốt nghiệp loại khá Trường ĐH Luật TPHCM, Hoa nộp hồ sơ xin việc vào VKSND tỉnh Quảng Nam, MTTQ TP Đà Nẵng và gõ cửa khắp các văn phòng luật sư ở Đà Nẵng nhưng tất cả đều trả lời đã đủ người. “Người ta tuyển dụng nhân sự khá dè dặt nên cơ hội cho những cử nhân như tụi em rất ít” - Hoa than thở. Hiện Hoa đang làm thêm cho một cơ sở chế biến thủy sản, mỗi ngày được 70.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống trong lúc chờ việc đúng chuyên ngành.
Tại tỉnh An Giang, nhiều gia đình lâm vào cảnh bi đát vì đã bán đất, vay nợ cho con học ĐH. Ông Trần Phi Hùng (ngụ xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc - An Giang) lôi từ trong tủ ra tấm bằng tốt nghiệp ĐH của cô con gái Trần Thị Mỹ Hạnh. Để cho con gái có đủ tiền lên TPHCM học, ông Hùng đã cầm cố 7 công đất ruộng. Bây giờ, túng bấn quá, vợ lại bệnh nặng trong khi con gái tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh  từ năm 2011 nhưng nộp đơn xin việc vào cơ quan nào ở địa phương cũng đều bị từ chối. Một trường hợp đáng thương khác là em Nguyễn Kim Tiền, tốt nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp năm học 2008-2012. Gặp chúng tôi khi đang chạy bàn cho một quán cà phê tại TP Long Xuyên - An Giang, Tiền cho biết em từng làm công nhân cho một công ty giày da nhưng phải bỏ ngang vì không đáp ứng được yêu cầu. “Em rất lo vì trong quá trình đi học, em có làm đơn xin vay vốn. Nếu sau 3 năm ra trường mà không trả được nợ thì sẽ chịu lãi suất đến 120%” - Tiền nói.
Đó mới chỉ là một trong số ít những cử nhân thất nghiệp mà chúng tôi đã gặp bởi đa số đều rời bỏ địa phương, lên các TP lớn tìm việc. Nói như cử nhân Đỗ Xuân Tùng (huyện Quảng Xương - Thanh Hóa) thì ở quê “ê chề lắm” vì bố mẹ đã đầu tư cho bao nhiêu tiền ăn học, giờ chẳng lẽ ngồi chơi, ăn bám gia đình, lại bị hàng xóm dè bỉu.
Thạc sĩ cũng xất bất xang bang
Khi gặp Lê Huy V. (quê huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa), chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất vả, tủi hổ của những thạc sĩ thất nghiệp. Là sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), V. từng được cử đi thi Olympic Toán quốc gia và đoạt giải khuyến khích. Vậy mà ra trường từ năm 2008, V. mang hồ sơ đi khắp nơi nhưng không nơi nào nhận. Thất vọng, V. học lên cao học và hoàn thành chương trình vào năm 2011. Cũng từ đó đến nay, thạc sĩ V. phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ làm gia sư đến bán sim điện thoại. Mới đây, V. may mắn xin được vào dạy hợp đồng ngắn hạn cho một trường cấp 3 ở một huyện miền núi với mức thù lao ít ỏi, không có bảo hiểm, trợ cấp và điều quan trọng nhất là chẳng thấy tương lai. 
V. tâm sự: “Nhà có 3 anh em, bố mất từ năm em học lớp 4. Thương mẹ, em luôn cố gắng học thật giỏi. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, em vẫn chưa lo được cho mẹ một cái gì. Gia đình lại thuộc hộ nghèo, đi học, mẹ đều vay mượn hết, giờ còn trả chưa hết nợ”.
 

Anh Lê Văn Đ. (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
đã hơn 1 năm nhưng vẫn đang phải chạy bàn quán nước ở TP Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN
Nhiều thạc sĩ do không tìm được công việc phù hợp đã chấp nhận ở nhà làm nội trợ. Trần Liên (quê huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa), tốt nghiệp ĐH, chờ dài cổ không xin được việc nên thi cao học. Xong chương trình, kể từ ngày có bằng thạc sĩ, Liên cũng không tài nào xin được việc. Trong lúc thất nghiệp, có người đến hỏi cưới, Liên đồng ý và nay ở nhà nuôi con. Một trường hợp khác là N.T.T (SN 1985, ngụ TP Đà Nẵng), lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành ngữ văn của ĐH Huế đã gần 2 năm nay nhưng vẫn sống nhờ vào bố mẹ. T. đã gõ cửa khắp các trường ĐH, CĐ ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để xin làm giảng viên nhưng chẳng nơi nào chịu nhận.
 
Nghệ An ngừng thu hút cử nhân khá, giỏi
Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An vừa thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy đến đầu năm 2013, có 11.569 người đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa tìm được việc làm. Trong đó có 1 thạc sĩ, 3.047 cử nhân ĐH, 4.042 người có trình độ CĐ. Ngày 26-12-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn 9328/UBND-TH gửi Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị về việc tạm dừng thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi.
Kỳ tới:  Lệch pha cung - cầu
THỐT NỐT - TUẤN MINH - BÍCH VÂN
http://nld.com.vn/2013041009542174p0c1002/that-nghiep-nhieu-qua.htm

10/04/2013 22:08

Ai thất nghiệp về Đà Nẵng, mua chiếc xe đap, cái bếp than, buổi sáng chạy lên chợ đầu mối Cẩm Lệ, mua khoai lang. Chiều qua biển Mỹ Khê nướng khoai lang bán... Đà Nẵng tui nhiều kỹ sư công nghệ thông tin không có việc làm đành làm nghề này nuôi sống bản thân và gia đình
Thích Câu Cá
105
10/04/2013 22:11

Cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ được người đời gọi là "thầy", còn trung cấp hoặc nghề gọi là "thợ". Mà ở Việt Nam mình "thầy" nhiều quá rồi, chắc nhiều hơn cả "thợ" nên lấy đâu ra việc làm cho mấy "thầy" làm! Nói chung là do "tầm nhìn"
Bèo dạt mây trôi ...
48
10/04/2013 22:21

Thời này chỉ có chân dài cổ cao mặn mà là đắt sô, không lo thất nghiệp, không có việc này thì lập tức có việc khác, mà toàn là việc có thu nhập ... mơ ước! Hihihi...!
That nghiep
41
10/04/2013 22:23

Tại sao không cơ quan nào thống kê, đánh giá coi lãng phí tiền của do sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Và trách nhiệm này thuộc về ai. Trong khi xã hội đang khuyến khích học tập, trường ĐH,CĐ mọc lên như nấm, mọi người đổ xô kiếm lấy tấm bằng. Vậy mà... Trời có thấu
Hữu Trí
36
10/04/2013 22:26

Phải chi mấy bạn thạc sĩ này có chút chất giọng và được đào tạo bằng công nghệ "lăng xê" thì đâu có đến nỗi phải đi bán sim ĐT, một tháng chỉ cần 1 cát-sê là cũng có mấy ngàn USD, tha hồ mà xài.
Dân Trí
92
10/04/2013 22:29

Sao các thạc sĩ, cử nhân không thử về Trà Vinh xin việc, đó là nơi cực kỳ trọng dụng nhân tài, TN Trung cấp mà đã được ngồi ghế phó phòng rồi đó.
Cái Cò
183
10/04/2013 22:31

Tham nhũng tràn lan, đầu tư công thiếu hiệu quả, tiền ngân sách chui vào túi riêng biến thành vàng, đô, đất... cất trữ mà không hề tái đầu tư để tạo việc làm, tạo ra của cải sản phẩm cho xã hội.
Người thành phố
114
10/04/2013 22:31

Học xong tốt nghiệp loại ưu mà xin vào cơ quan nhà nước là khó lắm à nghen, nhất là ở quê, hay có tình trang gửi gắm, bảo lãnh con anh hai, cháu anh tư... Nói chung chính sách thu hút nhân tài của các địa phương còn trồi sụt quá! Chỉ tội cho nền hành chính nước ta còn nhiều kẻ ăn không ngồi rồi, làm không được việc mà cứ lãnh lương đều đều, một sự lãng phí nhân tài và chất xám!
Philipp
23
10/04/2013 22:31

Các nhà chức trách nghĩ gì về việc này nhỉ? Hay họ vẫn thờ ơ? Ngay cả tôi cũng có rất nhiều bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, mà cũng thấy rất khó khăn, chật vật kiếm tiền sinh sống mưu sinh... Vậy còn bao nhiêu con người khác nữa, không biết họ sống, mưu sinh bằng cách nào. Căng quá....các bác ơi...
nguyễn văn kỷ
24
10/04/2013 22:34

Ở VN, tỉnh nào cũng có trường đại học, nhiều chương trình học từ chính quy, liên thông... chỉ nghĩ đến lượng không nghĩ đến chất. Thậm chí ngành y hiện nay cũng cần xem lại trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
aka
27
10/04/2013 22:38

Nói chung là đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, học đã tốn tiền, bây giờ đi xin việc cũng phải tốn tiền, mà có khi gấp 3 lần tiền học trong 4 năm cơ chứ. Tôi có thằng bạn tốt nghiệp đại học ngân hàng loại khá, ba mẹ nó có quen người trong ngân hàng, vậy mà muốn vào làm lính lương 4-5tr thôi thì đã được ra giá 300tr. Thế là gia đình đành lấy 300tr cho con làm ăn sướng hơn. Chạy trường, chạy chức-- giờ đến chạy việc luôn. Khi đi thi đại học thì được ưu tiên vùng sâu..vùng xa... nhưng khi đi xin việc thì diện COCC hoặc money first.
Tèo
57
10/04/2013 22:38

Nhiều anh, chị cử nhân, thạc sĩ nghĩ mình học cao nên chỉ muốn làm ở những nơi lương cao đãi ngộ tốt nên mới thất nghiệp thôi. Nói thật người có tinh thần cầu tiến thì khỏi cần học nhiều họ vẫn thành công và vững vàng trong xã hội!
Bùi Đức Lộc
7
10/04/2013 22:45

Trường ĐH mọc lên như nấm sau mưa. Thí sinh không đặt điểm chuẩn thì được tuyển vào lớp "chất lượng cao" với học phí cao ngất ngưỡng. Hàng trăm ngàn gia đình nông dân bán cốt, lột xương để con có tấm bằng ĐH với bất cứ giá nào, với bất cứ nghề gì để rạng danh gia đình, rạng danh dòng họ. Mấy ai biết rằng sau khi lấy được tấm bằng ĐH với chi phí gần trăm triệu đồng và 4 năm ngồi trên giảng đường con em họ trở thành người thất nghiệp và phải tha phương cầu thực không dám về quê vì xấu hổ. Mùa thi sắp đến xin các bạn trẻ và gia đình nông dân có con sắp tốt nghiệp PTTH hay bình tâm suy nghĩ để không đi vào ngõ cụt vừa tốn tiền của, vừa lãng phí thời gian và sức lực.
Thực tế là như vậy!
33
10/04/2013 22:56

Chuyện thất nghiệp sau khi tốt nghiệp thì không phải là mới nữa. Vì sao học sư phạm, ra trường và thất nghiệp? Vì tỉnh nào cũng có Cao đẳng SP, rồi nâng cấp lên ĐH, rồi đào tạo từ xa, tại chức nữa. Ai cũng là thầy mà học sinh thì có giới hạn, GV công tác cũng 30 năm mới về hưu trong khi năm nào cũng có cả 10 ngàn giáo sinh tốt nghiệp. Vì sao học kinh tế thất nghiệp? Vì cha mẹ đang làm ngân hàng thì con đã có 1 xuất vô đó rồi, vô đó làm ở phòng quỹ trước rồi cho con đi học trung cấp ngân hàng. Như vậy học xong 12 đã có việc làm tốt, lương thưởng cao. Ngân hàng tuyển đại học, thạc sỹ làm gì vì phải ưu tiên "con em trong ngành". Vì sao thạc sỹ thất nghiệp? Vì nhà nhà học cao học, người người học cao học. Mà học thạc sỹ, tiến sỹ là để nghiên cứu khoa học, để làm ở trường ĐH, cao đẳng. Trong khi những nơi này là cơ sở giáo dục, đủ người từ lâu rồi, cũng ít nhất làm 30 năm mới về hưu nên coi như không có việc làm.
cao thủ
27
10/04/2013 22:59

Anh nào thất nghiệp mà có bằng đại học chuyên về "khẩu nghiệp" thì nên xin vào làm bưu điện ngồi le lưỡi cho thiên hạ quẹt "keo" dán tem!
Le Tuan Anh
1
10/04/2013 23:13

Theo thống kê của các cơ quan thì tình trạng thất nghiệp hàng năm giảm đều. Chắc là chỉ vài trường hợp cá biệt thôi.
Kim
5
10/04/2013 23:34

Chịu khó đi bán khoai lang nướng như vị nào khuyên và chờ thời thôi chứ biết sao giờ?
phạm trí
10
10/04/2013 23:54

Cứ làm việc chung với mấy anh này thì biết họ tài giỏi cỡ nào. Cả ngàn người thì chắc chỉ có vài người là đạt chất lượng.
Tèo vt
5
11/04/2013 00:05

Vợ tôi: thạc sĩ lịch sử, 3 năm mới xin đi dạy hoc được đó. Trong 3 năm thất ngiệp đó, các bác thấy mệt mỏi không. Khổ tâm lắm. Tất cả là "tiền" thôi. Sau đó là may mắn nữa.
Trần Lạc Quan
4
11/04/2013 00:17

Đừng trách xã hội ko tạo việc làm cho bạn. Không xã hội nào lại đi "cam kết" việc làm cho hàng triệu con người mà đó là sự chọn lọc khách quan của nền kinh tế. Các bạn sinh viên, kể cả thạc sĩ nước ta chỉ chăm chăm lo học kiến thức thôi, còn kỹ năng ngoại ngữ, tin học...thì chỉ cố cho đạt đầu ra là xong. Nếu bạn thật sự tài giỏi thì ở giai đoạn nào của nền kinh tế bạn vẫn tìm được việc dù đúng hay ko đúng chuyên ngành với mức lương khá tốt. Em gái tôi chỉ đang học tại chức ngoại ngữ buổi tối thôi nhưng khả năng giao tiếp thuần thục, một tháng thu nhập hơn 10 triệu dù làm bán thời gian, còn hơn cả tôi là giáo viên. Nói thế để thấy đừng trưng ra bằng khá hay giỏi ở đây. Nói thật chứ để đạt loại khá ko có gì là khó trong môi trường ĐH hiện nay ở VN.
Nguyễn Thành Luân
0
11/04/2013 01:11

Đây là tình hình chung của thế giới mà các quốc gia khác vẫn đang bế tắc. Vấn đề là những ý tưởng mang tính đột phá từ chính sách vĩ mô trong lúc này từ bộ ngành, chính phủ của VN sẽ như thế nào. Các còm ai có cao kiến gì không đưa ra để mọi người tham khảo rồi tập hợp lại trình lên để lãnh thưởng xem coi nào. Mọi người không nhanh chóng đưa ra ý tưởng là tui đi lãnh thưởng à nhen !
AN HÒA
1
11/04/2013 03:13

Đây là hệ quả đào tạo đại học tràn lan cả công và tư mà không có một kế hoạch lâu dài cho nguồn nhân lực quốc gia, đưa họ về đúng vị trí ngành nghề thực trình độ học vấn mà họ đang có, đã đến lúc bộ GD ĐT nên thay đổi phân luồng đúng trình độ của từng cá nhân tuyệt đối trong giáo dục đào tạo nhà nước không kinh doanh mà chỉ làm vai trò hổ trợ, phân loại để kích thích nhân tài cho đất nước, thà đào tạo ít mà chất lượng còn hơn đào tạo đại trà, dẫn đến tình trạng thầy không ra thầy thợ không ra thợ như hiện nay.
Mekong
3
11/04/2013 03:23

Cung quá lớn nên đây là hệ quả tất yếu. Hiện nay Topica đào tạo trực tuyến loại hình đào tạo từ xa sao không thấy cơ quan nhà nước mình gỡ bỏ?
Hoàng Năm
7
11/04/2013 06:03

Thanh Hóa "con số gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp", Nghệ An, Thái Bình, Nam Định... tổng cộng lên hàng trăm ngàn, thế mà lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Đội ngũ cán bộ đang bị già hóa lại đề xuất kéo dài tuổi quản lý... .
Chí Phèo
8
11/04/2013 06:05

Qua đây tôi muốn gởi lời nhắn đến các phụ huynh học sinh cùng các em rằng: "Hãy chọn cho mình một nghề thích hợp nhất" để ra trường là kiếm sống chân chính ngay là được...
bạn đọc
7
11/04/2013 06:08

Chỉ có mấy anh nhà báo là còn có tí sự đồng cảm thôi. "Thương thay con cuốc giữa trời/ dẫu kêu ra máu biết người nào hay"
7 Chĩa
11
11/04/2013 07:04

Học ĐH, tốt nghiệp đi xin việc, mức lương khởi điểm 3tr5, chê bèo, đói...Tốt nghiệp ĐHSP ra trường đi dạy cấp 3 lương khởi điểm hệ số 2.1 quy ra chưa đến 3tr- mừng húm vì có việc làm. Việc làm trong thời buổi khó khăn này không khó kiếm nhưng đừng chê bỏ vì cho lương bèo, hãy thể hiện tài năng từ những công việc thấp nhất, lương bèo nhất rồi sẽ nên danh. Có nhiều bạn hay so sánh với những bạn khác rồi mãi mãi cứ vác đơn đi xin việc.
Râu rầu
5
11/04/2013 07:09

Nhìn đâu cũng có Đại học, ở quê tôi thì nhà nào cũng ráng cho có sinh viên, đậu trường nào cũng làm liên hoan vài ba mâm ăn mừng và nhận...phong bì, số sinh viên đó nằm trong báo cáo của xã, nhà trường, phòng, sở giáo dục. Sau đó họ thất nghiệp thì chả ai thèm quan tâm.
Nguyên Trí
10
11/04/2013 07:18

Bằng cấp Cử Nhân,Thạc sĩ mà làm gì!? Thời buổi nay: Nhất thân, nhì thế tìm "Ghế" có ngay!

10
11/04/2013 07:27

Thất nghiệp ở đâu chứ với con em các ngành kho bạc, NH, điện lực, dầu khí, xăng dầu... vốn lương ít lậu nhiều thì công việc chờ sẳn đó bạn à. Mấy em đó chỉ kiếm cho ra bằng là có việc làm ngay. Không tin báo cứ làm một cuộc điều tra là ra ngay
Thanh Thanh
9
11/04/2013 07:29

Thì chuyên tu, tại chức, từ xa... nhưng là con ông, cháu cha họ chiếm hết chỗ rồi, còn đâu chỗ cho chính quy, thạc sĩ?
Nam Trung
11
11/04/2013 07:30

Xót xa quá! Đất nước cải cách giáo dục đã hơn 30 năm nay, đội ngũ quản lý từ cấp Bộ GD-ĐT đến sở, phòng toàn là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, qua báo cáo thành tích thì với những con số đẹp vô cùng, hết phong trào này, rồi đến phong trào nọ và rồi cuối cùng hôm nay nhìn lại là thế này đây. Đọc bài báo mà thấy đắng lòng quá!
Tiến sỹ phổ cập
7
11/04/2013 07:32

Thực ra vấn đề không phải là thạc sĩ hay cử nhân thất nghiệp, số lượng người thất nghiệp từ trước đến nay lúc nào cũng quá nhiều, chẳng qua bây giờ trường đại học vừa nhiều vừa dễ dãi, ai cũng có thể là cử nhân, thạc sĩ, trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề thì vắng tanh vắng ngắt. Ngành xây dựng chẳng hạn, kiếm một công nhân lành nghề có đào tạo khó vô cùng, mai mốt có bài báo "kỹ sư đi phụ hồ" cũng chẳng có gì lạ.
Tiến sỹ phổ cập
1
11/04/2013 07:35

Hay những anh em thất nghiệp thử mở trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm xem sao !
nguyendung@gmail.com
7
11/04/2013 07:37

Phải nói là lạm phát cử nhân, kỹ sư. Qua đây cũng dễ hiểu vì sao có nạn chạy công chức 100 triệu ở Hà Nội, cán bộ ở Sở NN và PTNT Nghệ An lại đông đảo sếp đến thế. Một điều nghịch lý là Bộ Lao động TBXH đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về nâng tuổi nghỉ hưu, chẳng khác nào làm tình hình thất nghiệp tăng mạnh. Đúng là botay.com
Hồ
12
11/04/2013 07:47

HẬU QUẢ CỦA VIỆC QUẢN LÝ YẾU KÉM, THAM NHŨNG TRÀN LAN. BUỒN LẮM THAY.
Photocopy SUKA
8
11/04/2013 07:56

Tớ 2 bằng thạc sĩ. Đang làm nghiên cứu sinh phải đi làm photocopy nè.
Nhân
7
11/04/2013 08:05

Ôi, chuyện thường ngày ở huyện mà! Người nghèo mỗi khi có con đậu đại học là gánh nỗi lo học phí. Nhưng điều đó chưa là gì cả, khi ra trường giá cả xin việc..." ôi sao mà đắc thế!" Bán cả gia sản không đủ để con cái được việc, liệu có việc rồi sự phân biệt "chung ít, chung nhiều" còn bị xếp ghế khác nhau...lắm chuyện quá. Còn chuyện tuyển sinh không phù hợp với sử dụng nhân lực đào tạo thì tréo ngoe nhau... Nhà nước xài sang thật, đào tạo ra cử nhân, kỹ sư, giáo viên...rồi bỏ chơi vậy !
Tiến sĩ giấy .. nháp
7
11/04/2013 08:31

Hậu quả của việc đào tạo tràn lan, không có quy hoạch, không kiểm soát về chất lượng. Hiện nay, số lượng các trường đại học nhiều vô số kể, nhiều trường chủ yếu kinh doanh giáo dục, mở đủ loại hình đào tạo. Thạc sĩ nhiều như lá, còn cử nhân, kỹ sư thì nhiều hơn cả lá ! Không thất nghiệp mới lạ !
kyky
10
11/04/2013 08:35

Đừng tủi thân, đồng cảnh ngộ như các bạn sẽ đông lên nhanh chóng thôi.
AT
5
11/04/2013 08:37

Thật lãng phí! Lãng phí ngân sách đào tạo của nhà nước, lãng phí tiền của, công sức của gia đình và bản thân người học. Trách nhiệm thuộc về ai?
Thanh Liêm
8
11/04/2013 08:43

Sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều, nhà cửa bình dân thì quá thiếu, cao cấp thì quá thừa. Đó là cái giá phải trả cho việc thiếu kế hoạch và kiểm soát!
Nguyễn Nghĩa
5
11/04/2013 08:54

Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là rất bình thường. Tôi nhận thấy đất nước chúng ta quá nhiều trường đại học, chính vì vậy ai không có bằng đại học mới là chuyện lạ. Cử nhân rất nhiều quá thất nghiệp là đúng thôi.
Đặng Hồng Quân
11
11/04/2013 09:00

Vậy mà còn nhiều ý kiến "Tăng tuổi nghỉ hưu". Đề nghị Nhà nước cân nhắc kỹ.
người HN
4
11/04/2013 09:02

Để thoát khỏi thất nghiệp chúng ta nên làm như người TBN, BĐN là xuất ngoại tìm việc làm thôi. Ở Việt Nam có các con đường ra nước ngoài tìm việc làm như sau: Nếu bạn có khả năng tài chánh thì đi du học sinh, tu nghiệp sinh sau đó tìm cách kiếm việc làm và định cư lại. Nếu bạn có người thân đang có cơ sở làm ăn nước ngoài, bạn có thể nhờ họ giúp đỡ việc làm dài hạn qua hình thức HDLĐ cá nhân với sự chấp nhận của sở Tư Pháp 2 nước. Đi XKLD, HTLĐ bằng hình thức này bạn cũng cần số tiền ban đầu nhưng sau đó bạn chắc chắn sẽ trả lại được nợ, một số ngành tuyển dụng lao động đến 40 tuổi nên cơ hội kiếm việc và thời gian lao động được kéo dài. Hiện nay người miền Trung đang XKLD chui sang các nước Campuchia, Lào, TháiLan bằng con đường du lịch, cứ mỗi tháng họ ra cửa khẩu để gia hạn lại visa, hình thức này không được ổn định cho lắm nhưng cũng giải quyết được số lượng lớn lao động đang thất nghiệp hiện nay. Khi đói thì đầu gối phải bò thôi, khi bạn thất nghiệp thì chỉ có mình tự cứu mình thôi, đừng trong mong vào người khác. Bình tỉnh để có sự lựa chọn sáng suốt nhé, chúc các bạn thành công. Mình cũng đang thất nghiệp nên chia sẻ với các bạn lối thoát, có thể chưa phù hợp đối với bạn nhưng coi như góp ý để các bạn tham khảo.
Trong Quach
10
11/04/2013 09:04

Học và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Các cử nhân, thạc sỹ chưa chắc ứng dụng được 1% kiến thức vào công việc. Do vậy cần phải đổi mới cách dạy, cách học. Người học phải hiểu rõ hai từ "học vấn",
Tran nguyen Hoang Nhi
13
11/04/2013 09:06

Nếu bạn thực sự có tài thì thiếu gì việc phù hợp với bạn, bạn vào các trang web tìm việc, họ vẫn rao tuyển nhưng quan trọng là bạn có đáp ứng được yêu cầu của họ không? Tôi đã từng chứng kiến những công ty đa quốc gia vào các trường đại học tuyển dụng nhưng sau vòng sơ tuyển, có mấy ai đáp ứng được yêu cầu của họ đâu. Mấu chốt là tài của bạn ở mức nào (không phải cứ có bắng ĐH, CH) là đủ. Bạn hãy nhìn lại mình và cố lên, sẽ không lo thất nghiệp.
Vũ Cự Bì
8
11/04/2013 09:08

Xin có 2 ý kiến: Các bạn học hành như thế nào, chuyên môn nghề nghiệp của bạn có áp ứng nhu cầu thị trường hay không? Nơi bạn nộp xin tuyển dụng có cho bạn cơ hội cạnh tranh công khai hay không?
thuonghoaingannam
75
11/04/2013 09:09

Cái gốc vấn đề hiện nay là "mọi người Việt Nam có một ông quan trong bụng", thầy nhiều hơn thợ, mà thầy cũng không không thực sự ra thầy.
Thanh Năm
10
11/04/2013 09:26

Xu hướng chung mà. Luật sư tập sự và mới ra nghề cũng CHẠY LUNG TUNG, nhiều người cũng bỏ nghề.
thaodan
18
11/04/2013 09:29

Thời buổi này là "nhất hậu duệ nhì quan hệ, ba tiền tệ, còn lại thì..mặc kệ".
Tư Sầu
22
11/04/2013 09:30

Mấy chục ngàn doanh nghiệp phá sản, cả xã hội không có bao nhiêu việc làm, người cũ còn bị thất nghiệp thì làm gì có chỗ cho người mới? Đất nước muốn giàu mạnh thì phải SX ra thật nhiều của cải. Trong khi hiện tại SX ì ạch, của cải vật chất làm ra không được bao nhiêu, cách làm giàu hiện nay chủ yếu là người nầy nghĩ cách móc túi người khác, sau khi móc hết túi người khác thì sẽ xuất hiện một thiểu số cực giàu và một đại đa số cực nghèo. Chính điều nầy sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy cho XH.
Nam
24
11/04/2013 09:32

Sao tốt nghiệp đại học - thạc sĩ mọi người lại thích xin vô cơ quan Nhà nước? Sao không xin vô một cty nào khác mà cứ bám vô Nhà nước vậy? Cty nước ngoài, cổ phần ... sao không xin hay năng lực thật không có hoặc kiêu ngạo, làm chảnh.
Dân Trí
2
11/04/2013 10:16

MỘT PHẦN TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO.
Minh Thoa
3
11/04/2013 10:45

Khi mà nạn COCC vẫn tồn tại thì lối đi nào dành cho các cử nhân? Trình độ trung cấp như bà trưởng phòng gì đó ở Trà Vinh là một ví dụ cụ thể.
Người Nhà Quê
3
11/04/2013 10:56

Theo tôi, đây là vấn đề nóng của xã hội mà một phần là do cơ chế gây ra, không cần bằng cấp, chỉ cần quan hệ tốt là có chỗ làm trong bộ máy nhà nước, nên các bác cần xem lại trách nhiệm của mình về việc tuyển chọn công chức, viên chức.
Bảo Ngọc
1
11/04/2013 11:01

Muốn có việc làm thì phải nghĩ tới 3 yếu tố: chuyên môn (chương trình đào tạo và văn bằng), kỹ năng và thái độ. Hoàn cảnh kinh tế hiện nay việc ít, người nhiều mà các em chỉ có tấm bằng không thôi, lại thiếu kỹ năng (ngoại ngữ, vi tính, giao tiếp) hoặc thái độ chưa tốt thì hành trình tìm việc còn dài. Các em cũng không nên bi quan mà phải cố gắng tự trau dồi các kỹ năng để có thêm cơ hội trong các đợt phỏng vấn. Chọn việc làm ngắn hạn, thời vụ trong khi tìm việc dài hạn cũng là 1 cách tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, vì vậy đừng ngại hay tự ti khi mình khởi nghiệp không may mắn như bạn bè. Tấm bằng tốt nghiệp chỉ là bắt đầu, còn sự nghiệp là cả một hành trình dài đòi hỏi ý chí và nỗ lực không ngừng.
Thanhnp
10
11/04/2013 11:10

Các bạn đừng quá bi quan, như thế mới chứng tỏ dân trí của dân ta là rất cao, đến những người lao động bình thường cũng đã tốt nghiệp đại học và cao học. Hy vọng việc đào tạo thế này sẽ giúp chúng ta "sánh vai với các Cường quốc năm Châu". Bài này rất cần để các vị Giáo dục đọc và ngẩm nghĩ.
Người trong cuộc
2
11/04/2013 11:26

Tỉnh nào nhiều trường đại học thì nơi đó kỹ sư, cử nhân "thừa" càng nhiều. Hậu quả của việc cho phép nâng cấp, mở trường ĐH ồ ạt. Điều đáng nói là những ngành nghề nóng và rất oai như "kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, .." có số lượng cử nhân lớn nhất. Chủ trương xã hội hóa đào tạo là thế này chăng. Ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí "xót xa" này?
Sấm Sét
2
11/04/2013 11:38

Phải chăng nên giảm tuổi hưu để các bạn trẻ có cơ hội thay thế việc làm.
Giao su
1
11/04/2013 11:42

Thành tích của Bộ Giáo dục - Đào tạo là phát triển được thành hàng trăm trường đại học. Có tỉnh nào chưa có trường đại học không nhỉ? Chất lượng thì khỏi nói, tốt nghiệp đại học loại khá viết đơn xin việc sai chính tả tùm lum, viết câu/đánh máy thiếu chủ ngữ/vị ngữ... Nói chung là bó tay với chất lượng giáo dục VN rồi.
Miền Tây Quê Tui
2
11/04/2013 12:17

Đọc bài báo mà thấy buồn cho các bạn, buồn cho thực tại xã hội.
PVDH
1
11/04/2013 12:20

Có lẽ do bất cập trong tỷ lệ "cung - cầu" nên mới xảy ra hiện tượng này. Có quá nhiều cử nhân, thạc sỹ ... so với những công việc hay vị trí cần những bằng cấp này - tôi không dùng từ "những trình độ này" vì chắc gì những người mang bằng cấp đó đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trình độ ấy. Còn nếu họ giỏi, thì họ có thể tự nghĩ ra việc mà làm, chả cần thụ động chờ người khác đem đến cho.
thái tuấn
3
11/04/2013 12:38

Ngày xưa , đói nghèo thật sự nhưng lại chan chứa niềm tin vào tương lai, còn bây giờ có nghĩ đến tương lai thì chỉ thấy....buồn. Sao thế nhỉ, có điều gì không ổn ở đây, mong các bác chỉ giáo cho em, em đang 7 nghiệp đây.
Nguyễn Văn Long
5
11/04/2013 12:51

Nhìn vào thực trạng bây giờ càng thấy chán. Nói hoài vẫn vậy thôi!
Ôi tiền nợ sinh viên
5
11/04/2013 13:23

Thất nghiệp, tiền trả nợ sinh viên đâu mà trả. Mong học để thoát nghèo. Nghèo vẫn hoàn nghèo!
Phuoc Tan
3
11/04/2013 13:24

Cử nhân quản trị kinh doanh ra trường làm nhân viên kinh doanh cho công ty 6 tháng không bán được một xu doanh thu cho doanh nghiệp, trong khi chi phí cho nhân viên ngày một tăng. Công ty tôi đăng tuyển nhân viên kinh doanh thiết bị điện - tự động trên VietNamWork và kiemviệc đã 03 tháng nay, không tìm ra một ứng viên ưng ý! Thật không hiểu được, người thất nghiệp thì nhiều, công ty tìm nhân lực thì tìm không ra. Giới trẻ bây giờ mong hưởng thụ, không chịu khó, không chịu học hỏi, làm việc thì không chịu nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, thử hỏi làm sau không thất nghiệp cho được.
ông chín Paris
0
11/04/2013 13:38

Cục đường sắt đang cần người...lau đường ray xe hỏa!
Bác Ba Phi
4
11/04/2013 15:01

"...Đỗ Thị Trang tốt nghiệp loại khá ngành báo chí tại Hà Nội trong niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, ra trường đã 3 năm, Trang vẫn loay hoay kiếm việc..." Xin lỗi chị Trang và gia đình, thực tế không ít cử nhân Ngữ văn-Báo chí viết một bài báo ko xong, sai chính tả, ngữ pháp tùm lum thì làm sao tìm được việc. Nếu chị Trang thật tài, ngồi nhà thôi cũng có thu nhập đều đều. Nếu không ngại, chị vui lòng liên hệ Ba tui (potayok@gmail.com) sẽ chỉ cách kiếm tiền tại nhà, bảo đảm ko dưới 3 triệu mỗi tháng.
Hoàng
0
11/04/2013 15:02

Mình tốt nghiệp Sư phạm làm 6 năm vẫn bị nhà trường đuổi vì không có 1 biên chế. Mình thấy phải nỗ lưc hơn. Bây giờ Cử nhân ra trường đi phỏng vấn hỏi 30% của 15 ngàn mà không trả lời được. Thiết nghĩ phải thay đổi giáo dục để doanh nghiệp và nhà trường có thể kết nối cho sinh viên.
lê minh phúc
0
11/04/2013 15:16

Đó chỉ là ý kiến 1 chiều. Các bạn thử đóng vai người đi tìm đối tác thử xem, khó tìm người lắm. Ai cũng muốn mì ăn liền. Tôi cũng đang tìm đối tác để hợp tác bán hàng qua mạng, đầu tư là lâu dài. Mới vào làm tôi chỉ trả lương cộng tác là 2 triệu, 1 tháng sau đó nếu kinh doanh thành công thì sẽ tính hoa hồng theo sản phẩm. Thế mà các đối tác của tôi luôn muốn lương cao, cộng tác thì ít. Mô hình mới mở, làm sao tôi trả lương cao được?
Sáu Thật
1
11/04/2013 15:54

Thừa thầy thiếu thợ. Ai cũng muốn làm thầy, làm ông mà chẳng ai chịu làm lao động công nhân thì xã hội nó sẽ ra làm sao hả Trời !
Pipi
0
11/04/2013 16:22



Tòa soạn: Im lặng là "bỏ phiếu trắng" hoặc "không thích" đó bạn.


hoahong
0
11/04/2013 16:31

Thời bao cấp đào tạo đại học ít thì cơ quan tuyển cao đẳng, trung cấp, thời đầu mở cửa đào tạo đại học vừa phải thì các cơ quan tuyển đại học, thời kỳ đại học nở rộ như bây giờ thì các cơ quan tuyển thạc sĩ, còn tương lai thì tuyển tiến sĩ , đây chính là quy luật tiến bộ của xã hội, có gì đâu mà các bác la lối dữ vậy!!! Bộ Giáo dục không có lỗi trong trường hợp này , tất cả đều phù hợp với quy luật và trình độ xã hội . Các bạn trẻ ra trường nên năng động và làm chủ đời mình, tự tin tiến thân, cống hiến.
Nông dân
1
11/04/2013 16:33

Cái vụ này hệ quả tất yếu của những chính sách cách đây 5 năm. Ngành nghề, trường học mọc lên như nấm sau mưa. Vừa rồi có con em làm hồ sơ chuẩn bị thi ĐH có nhờ mình tư vấn dùm. Mình ra nhà sách mua cuốn "Những diều cần biết về tuyển sinh...". Ngoài bìa tác giả ghi "SƯU TẦM". Bó tay. Còn trường học ngành học thì khỏi nói luôn. Không biết trường nào là trường nào, rối rắm,...Thôi đành chọn trường SPKT với Bách khoa thi cho nó lành.
Minh Quang
3
11/04/2013 16:53

Cần phải coi lại năng lực của mình hơn. Bài viết có nêu học báo chí mà thất nghiệp thì tôi cũng bó tay. Năng lực không có thì làm sao ai dám nhận? Đừng đổ thừa đào tạo dư thừa, mà là năng lực các bạn không có, kỹ năng không có, dù có học giỏi thì đó chỉ là lý thuyết. Do đó ra trường thất nghiệp là phải rồi.
Lê Giang
0
11/04/2013 18:52

Những người trẻ, có học mà còn thất nghiệp mà các bác già còn muốn kéo dài tuổi về hưu thì lạ thật.
Lê Văn Việt
0
11/04/2013 19:02

Thật thương cho họ - những chất xám thật sự bị lãng quên ...
dương
0
11/04/2013 20:27

Đơn giản vì đại học thì cũng 3,7 loại ...Trước khi trách xã hội hãy tự trách mình.
tu-ha
2
11/04/2013 20:30

Tui nói thiệt tình!. Bây giờ thất nghiệp là cử nhân tương lai gần là thạc sĩ và kế tiếp sẽ là tiến sĩ. Sở dĩ tui tiên đoán vậy là vì đa số khi thất nghiệp, tranh thủ thời gian, những người này đi học tiếp để kỳ vọng dễ kiếm việc hơn với mảnh bằng cao hơn mà họ quên đi tình trạng lạm phát bằng cấp hoặc chuyện thầy thừa thợ thiếu hiện nay. Những người ít bằng cấp, nghề nghiệp động tay động chân dễ kiếm việc hơn là một thực tế. Ít ai nhận thức được câu " Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" chỉ cần học vừa đủ để tìm cho mình một nghề phù hợp năng lực và tiếp thu, phát triển thành thạo nghề mình chọn lựa.
Bác Gấu
2
11/04/2013 21:00

Có 3 nguyên nhân : 1.Do khủng hoảng kinh tế : trong 3 năm qua do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế Việt nam , các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng cạnh tranh thì phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động ,các doanh nghiệp lớn buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh ,tái cơ cấu tập trung vào mảng kinh doanh nào có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận , chính vì vậy việc tuyển thêm nhân lực trong thời điểm này là việc rất khó nhất là đối với nhưng sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm .2.Việc đào tạo tại các trường Đại học ,cao đẳng chưa sát với thực tế : việc học ở trường và thực tế công việc đi làm khác xa nhau ,sinh viên sau khi tốt nghiệp cần phải bổ túc thêm một số kỹ năng chuyên môn 6 tháng đến 1 năm mới có thể bắt tay vào làm việc độc lập ,mà trước đó họ không hề được giảng dạy trong 4-5 năm ở Đại học.3.Đối với bản thân các bạn sinh viên : đừng vì những mỹ từ : Thạc sỹ , nhân tài ,bằng đại học ,sinh viên khá giỏi ,... để các bạn tự ảo tưởng về mình sau khi tốt nghiệp để rồi thất vọng khi đối mặt với thực tế. 1 tấm bằng Thạc sỹ vẫn chưa đủ để có một công việc đâu mà còn phải bổ sung thêm nhiều kỹ năng nữa ,mà những kỹ năng này các bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu ,tự học thêm ,đi làm thêm khi còn đang đi học. Học là một chuyện nhưng công việc tương lai làm gì lại là một chuyện khác.Không phải cứ tốt nghiệp kế toán là phải cứ xin vào công ty làm kế toán. Xin vài chỗ không được lại kêu thất nghiệp.
annhung
0
11/04/2013 22:12

Ngành GD Việt Ta quá tệ Lý do ,1 Đào tạo bừa bãi không định hướng.2 Có lượng kg chất .3 Bôi trơn để có bằng..... Tôi thấy con tôi đi học viết toàn sai chính tả nhưng vẫn có điểm cao , kg biết Thầy cô chấm bài kiểu gì ? Tôi đi họp phu huynh trọng tâm là ngành GD khoán cho trường phải đạt chỉ tiêu là 90%-95% trong năm học thật là buồn cười. Dạy học và đi học thi lấy bằng như là làm công ăn theo sản phẩm .Bởi vậy nến KS,BS,TS.ThS ...v...v đầy đường nhưng cái đầu thì rất ít chữ...
linh nguyễn
1
11/04/2013 23:01

Đâu phải chuyện chỉ xảy ra ở những tỉnh nhỏ .Ở tphcm và hà nội bây giờ cũng thất nghiệp đầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét