Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Không thể mãi mang tiền của dân cứu doanh nghiệp


Không thể mãi mang tiền của dân cứu doanh nghiệp

SGTT.VN - Không thể dùng mãi nguồn lực của dân để cứu doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược khép lại hai ngày thảo luận sôi nổi về một năm tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, bằng nhận định như vậy.
Ngoại trừ một ý kiến của doanh nhân Vũ Hoài Bắc - chuyên gia tư vấn quản trị, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Tư vấn GHC - cho rằng doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, các diễn giả khác đã không còn hào hứng tranh luận về chủ đề này.
Cái tên Vinashin được ông Lược nhắc đến như một điển hình “tồi tệ nhất” mà vẫn không phá sản. 
Một năm trước, tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2012, những phản biện về vai trò điều tiết vĩ mô của doanh nghiệp nhà nước được cho là đã đủ sức nặng. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã không còn hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, sau nhiều tranh luận thẳng thắn. Dẫu thế, sự sốt ruột về tốc độ rùa của quá trình cải tổ khu vực này thì vẫn còn nguyên tính thời sự.
Ngay phiên thứ nhất, TS. Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra một nhận định buồn. Đó là quá trình tái cơ cấu không những chưa tạo áp lực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy mới, cách làm mới mà trái lại, có phần dung dưỡng, che chắn cho một số doanh nghiệp mà chính họ là những tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay.

Là người theo sát hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, vị viện phó CIEM này hẳn đã có trong tay những chứng cớ thuyết phục khi đưa ra nhận định nói trên, dù không có cái tên doanh nghiệp cụ thể nào được ông nêu ra sau đó.
Tròn một năm trước, tại phiên thảo luận về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2012 do ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Cung đã từng cho rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước “lời ăn, lỗ cũng ăn và dân chịu”. Khi đó, một phân tích rất gần với sự dung dưỡng, che chắn cũng được ông Cung nhấn mạnh là mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thì bộ trưởng có liên quan (có trường hợp cả phó thủ tướng) trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm có liên quan từ các doanh nghiệp đang có các sản phẩm khó tiêu thụ.
Tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2013 này, nguyên nhân của sự trì trệ, ách tắc mà ông Cung nhận định ở trên bị "mổ xẻ" quyết liệt ở các góc nhìn đa chiều hơn cũng là điều dễ hiểu.
Cho rằng quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện qua đề án và nhiều văn bản liên quan đến nội dung này nhưng theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, đề án và các văn bản ấy đã không định lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trong một nền kinh tế nhiều thành phần. Điểm cốt lõi là không áp đặt kỷ luật thị trường lên khối doanh nghiệp trên và cũng không đặt ra lộ trình các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải công khai minh bạch theo các tiêu chí của công ty niêm yết.
Việc cổ phần hoá và thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp nhà nước, theo ông Tuyển, cũng rất ít có tiến bộ. Lý do được đưa ra là do kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán, sụt giảm, nếu bán cổ phần thì nhà nước mất tiền(!)
Cổ phần hóa chậm cũng được chính phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Đoàn Hùng Viện nhấn mạnh khi đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn, tổng công ty 91 nói riêng.
Đáng chú ý là hiện vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty 91 chưa được phê duyệt đề án tái cơ cấu, ông Viện nhấn mạnh. Theo ông, nguyên nhân của sự chậm trễ thì rất nhiều, song điều đáng lo hơn chính là những nguyên nhân chủ quan của việc này có phần lớn hơn khách quan.
Doanh nghiệp tư nhân chết hàng loạt mà không doanh nghiệp nào thuộc khu vực nhà nước phá sản 
Cho rằng khu vực kinh tế nhà nước là bộ phận của kinh tế thị trường, do đó, nhất thiết phải dùng công cụ thị trường loại bỏ yếu kém của bộ phận kinh tế này thì mới có thể thắng lợi, ông Võ Đại Lược cho rằng cái giá của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn không nhỏ và phải trả không chỉ bằng tiền mà thậm chí, còn phải bằng sự phá sản của doanh nghiệp. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp tư nhân chết hàng loạt mà không anh doanh nghiệp nào thuộc khu vực nhà nước phá sản cả?" Sau câu hỏi này, cũng như nhiều vị chuyên gia khác, cái tên Vinashin được ông Lược nhắc đến như một điển hình “tồi tệ nhất” mà vẫn không phá sản. Theo tính toán của ông, hệ luỵ của doanh nghiệp này là khoản nợ 600 triệu đôla Mỹ, nếu tính lãi thêm chừng 20 năm nữa thì số tiền lên đến gần 1 tỷ đôla Mỹ. "Nếu không cho phá sản thì tiếp tục phải trả nợ, rồi phải thêm cả chi phí không nhỏ cho sự hồi sinh thì rõ ràng “không thị trường một tý nào”, ông nói.
Nhìn rộng hơn, ông Lược cho rằng chính thể chế đẻ ra khuyết tật của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tự có. Bởi vậy, cần phải tái cơ cấu nền kinh tế từ việc giải quyết “tồn kho thể chế” thì mới mong có kết quả. Mà điều này, theo ông, lại phụ thuộc vào sự đổi mới tư duy ở cấp cao.
Đặt trong mối quan hệ với sự chậm trễ của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận thêm chính doanh nghiệp nhà nước cũng chao đảo khi mà trước đây đang tập trung vào ngành nghề cốt lõi, sau đó đầu tư tràn lan, rồi bốn năm sau lại quay về... cốt lõi. Nguy hiểm hơn là các nhóm lợi ích, trong đó có cả ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, đã kịp bùng lên để cản đường công việc tái cơ cấu vốn đã rất gian nan, bà Lan quan ngại.
Khó khăn trong quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước không phải là vấn đề kỹ thuật quản trị, mà chính là vấn đề nhận thức về vai trò của khu vực này trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận xét.
Gần quan điểm với nhiều ý kiến khác, ông Lịch cho rằng cần thành lập một cơ quan ngang bộ chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của nhà nước, trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Ông Lịch cũng nhắc lại một đề nghị đã hơn một lần được nêu ra trước Quốc hội là cần khẩn trương xây dựng luật quản lý vốn kinh doanh của nước.
HÀ GIANG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét