Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Lại đề xuất kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Cứ như hỏa mù, đưa và rồi lại rút ra, rút ra rồi lại đưa vào...Đúng kiểu "sáng đúng chiều sai sáng mai lại bảo đúng".
Lại đề xuất kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Tư Hoàng, Thứ Ba, 16/4/2013, 15:33 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” lại được đề xuất trở lại trong bản dự thảo Hiến pháp mới cập nhật, theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo Ủy ban, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục liệt kê các thành phần kinh tế như Hiến pháp hiện hành và xác định vai trò nền tảng, chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước nhằm phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng.
Việc thêm cụm từ này, Ủy ban giải thích, giúp xác định rõ vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, thể hiện bản chất của chế độ.
Vì những lý lẽ trên, Ủy ban đề nghị lựa chọn thêm phương án quy định: “Nhà nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.
Ngoài ra, Ủy ban vẫn giữ phương án không liệt kê các thành phần kinh tế vào trong bản dự thảo Hiến pháp nhằm duy trì tính ổn định của văn bản này.
Việc có đưa hay không cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vào trong bản dự thảo Hiến pháp đã gây nên nhiều tranh cãi gần đây.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, gần đây nhiều đại biểu quốc hội đề nghị đưa lại cụm từ này vào trong bản dự thảo.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ góp ý sửa đổi Hiến pháp lại cho biết, đa số ý kiến tán thành với quy định của Hiến pháp về vấn đề này, tức bỏ cụm từ này khỏi dự thảo Hiến pháp.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho biết thêm, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục xác định vai trò nền tảng, chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước nhằm phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng và thực trạng hiện nay của nền kinh tế nước ta.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” tại khoản 1, vì Việt Nam hiện đang trong quá trình đề nghị các quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường .

Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói rằng, bà hy vọng các nhà lập hiến của Việt Nam sẽ kiên trì không đưa cụm từ trên cho đến khi bản dự thảo Hiến pháp được thông qua.

Kinh tế nhà nước bao hàm doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, tài nguyên quốc doanh, ngân sách nhà nước và dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, khái niệm này thường gắn với khu vực doanh nghiệp nhà nước vốn bùng nổ trong thời gian qua, và bị cho là nguyên nhân lớn làm kinh tế Việt Nam lâm vào khó khăn.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/94774/Lai-de-xuat-kinh-te-nha-nuoc-giu-vai-tro-chu-dao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét