Hà Nội tụt 15 bậc về xếp hạng cạnh tranh / Công bố chỉ số PCI 2012
Năm thứ 8 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư và kinh doanh ở các địa phương. Tâm sự bên lề lễ công bố hôm 14/3, đại diện một tỉnh vừa bị tụt hạng than thở, năm nào đi dự công bố PCI về cũng "toát mồ hôi".
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tụt hạng nhiều nhất năm nay, từ vị trí thứ thứ 7 năm ngoái, sang năm nay rơi một mạch xuống đứng thứ 35. "Tôi cũng không hiểu tại sao Hà Tĩnh bị tụt hạng, dù tỉnh nhà tự thấy đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện môi trường kinh doanh", ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh nói.
Theo ông Sơn, năm vừa rồi Hà Tĩnh còn đưa các tiêu chí chấm điểm PCI vào các chương trình hành động trong tỉnh. Đơn vị nào bị đánh giá điểm thấp là phải làm kiểm điểm, có khi còn ảnh hưởng đến kết quả phân loại cuối năm. "Làm nhiệt tình như thế nhưng đến khi nhìn thấy kết quả PCI sáng nay chúng tôi rầu hết cả lòng", ông Sơn than thở. Ông nói thêm: "Sau buổi công bố hôm nay, chắc tỉnh tôi lại phải họp hành nhiều để tìm ra nguyên nhân để còn được tăng điểm năm tới".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao giải cho các tỉnh có thành tích đặc biệt trong Lễ Công bố PCI 2012 sáng nay. Ảnh: TB |
Không chỉ tỉnh bị tụt hạng đau đầu, mà những địa phương được tăng hạng, hay đang trong nhóm điểm cao cũng mệt không kém. Ông Edmund Malesky, Giáo sư của trường Đại học Duke (Mỹ), đồng thời là Trưởng nhóm Nghiên cứu PCI cho biết ông đã nghe nhiều lãnh đạo tỉnh "than" rằng lên hạng đã khó, để giữ vững thứ hạng càng khó hơn.
Ông Mai Thanh Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kể lại, từ khi bảng xếp hạng PCI mở ra năm 2005 đến năm 2009, tỉnh ông luôn nằm trong Top 12, có lúc lên xếp thứ 3 như năm 2006. Tuy nhiên đến năm 2010, tỉnh rơi một mạch xuống thứ 20, và hạ xuống thứ 38 năm 2011. "Ngay sau đó, tỉnh tôi đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo tìm ra nguyên nhân, thực hiện nhiều biện pháp làm hài lòng các doanh nghiệp", ông kể. Kết quả là năm nay, Bình Định quay lại xếp thứ 4, và là tỉnh có bước nhảy vọt lớn nhất.
Nhiều vị lãnh đạo tỉnh cũng tỏ ra băn khoăn không hiểu tại sao nhiều địa phương kém phát triển hơn mình, ví dụ như Lào Cai lại luôn xếp thứ hạng cao. Tính đến 2012, tỉnh này đã bốn năm liên tiếp đứng trong Top 3 của bảng xếp hạng.
Lý giải vấn đề này, ông Edmund Malesky cho rằng không phải cứ tỉnh nào cơ sở hạ tầng tốt, xuất phát điểm cao là khiến doanh nghiệp hài lòng. Cách đánh giá của PCI dựa trên 9 tiêu chí như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai hay tính minh bạch... Theo ông Edmund Malesky, phương pháp này nhằm nhấn mạnh rằng dù địa phương gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, xuất phát điểm, nhưng họ vẫn có thể cải thiện được mình. Còn như TP HCM hay Hải Phòng, dù có nền tảng tốt nhưng lại bị xếp hạng thấp vì không biết tận dụng lợi thế, thậm chí tụt nhiều hạng như Hà Nội năm nay.
Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư, họ cho biết chỉ số PCI không phải là căn cứ duy nhất để họ đưa ra quyết định kinh doanh. Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc thích đầu tư ở đâu hơn, Lào Cai xếp thứ 3 hay tỉnh Bình Dương vừa tụt 9 bậc xuống thứ 19, ông Gaurav Gupta, Giám đốc General Motors tại Việt Nam cho biết ông không căn cứ vào điểm PCI của một năm. "Thay vào đó chúng tôi phải nhìn vào xu hướng lâu dài. Ví dụ như Bình Dương vừa tụt hạng, nhưng chúng tôi nhìn thấy những sáng kiến mà họ đã tiến hành trong nhiều năm liên tiếp", ông phát biểu.
Tương tự, ông Edmund Malesky cũng lý giải tại sao điểm số trong một năm đánh giá không thể hiện được đầy đủ năng lực của tỉnh. Ví dụ như Hà Tĩnh, ông nói, trong năm 2011, Hà Tĩnh nhảy vọt từ vị trí 37 lên xếp thứ 7 do tỉnh này có lãnh đạo mới. "Với lãnh đạo mới, giới doanh nghiệp tỏ ra lạc quan hơn, nên chấm điểm tỉnh cao. Tuy nhiên sang năm 2012, họ nhận thấy những kỳ vọng của mình trước đó không được đáp ứng, nên chấm điểm thấp. Đó là lý do Hà Tĩnh lại rơi xuống gần mức cũ trong bảng xếp hạng PCI 2012", ông Malesky nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những chuyên gia góp ý cho ban nghiên cứu PCI, cho rằng chỉ số PCI cũng chỉ phản ánh một phần bức tranh môi trường kinh doanh. "Ví dụ có những tỉnh lâu nay ít có cải thiện, bỗng nhiên sang năm nay đưa ra những cải tiến nhỏ, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cảm thấy mừng lắm rồi và cho điểm cao", ông Cung lý giải. Trong khi đó, có những địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thì dường như giới doanh nghiệp cũng đòi hỏi cao hơn, ông nói tiếp.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung và nhiều chuyên gia khác cũng nhất trí rằng bảng xếp hạng PCI vẫn là một trong số những hàn thử biểu đáng tham khảo nhất hiện nay đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là bảng xếp hạng thường niên, được Phỏng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện cùng Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại châu Âu.
Năm nay, ban nghiên cứu PCI thực hiện khảo sát với 8.053 doanh nghiệp, trong đó có 1.540 doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng lấy mẫu ở các tỉnh không giống nhau. Ở những tỉnh có nhiều doanh nghiệp, ban nghiên cứu lấy nhiều mẫu hơn. Ví dụ ở Hà Nội, VCCI thực hiện khảo sát với 257 doanh nghiệp, còn ở Lào Cai khảo sát với 93 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được mời khảo sát sẽ chấm điểm tỉnh mà họ đang hoạt động trên 9 tiêu chí, bao gồm chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
|
Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét