Phép thông công và vạ tuyệt thông là gì ?
1) Hiệp thông:
Hiệp thông (hoặc thông công) là một danh từ được sử dụng trong Kitô giáo để chỉ về mối quan hệ giữa tín hữu với Thiên Chúa và giữa những người trong Hội Thánh với nhau.
- Ý nghĩa thuộc linh: hiệp thông là sự giao tiếp giữa Kitô hữu với Thiên Chúa, được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội và thờ phượng. Nhưng mối quan hệ này là ở bên trong tâm linh của mỗi cá nhân với Thiên Chúa. Nếu ai phạm những tội trọng mà không chịu ăn năn, xưng tội để được tha thứ mà vẫn tiếp tục sa vào tội lỗi thì mối quan hệ của người đó với Chúa sẽ bị chia cắt.
- Ý nghĩa thuộc thể: Hiệp thông là mối quan hệ giữa các Kitô hữu với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa với nhau như điều mà Chúa Giêsu dạy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Phúc âm Gioan 15:12).
Đối với Giáo hội Công giáo Rôma, hiệp thông còn mang ý nghĩa là mối quan hệ về tổ chức trong Giáo hội. Một người bị mất đi sự hiệp thông khi bị một án phạt vạ tuyệt thông, khi ấy, người này bị khai trừ khỏi giáo hội và không được tham dự vào bất kỳ hoạt động thờ phượng nào của giáo hội.
2) Rút phép thông công
Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.
Có hai hình thức vạ tuyệt thông:
Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.
- Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
- Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
- Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
- Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
- Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
- Linh mục giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
- Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
Trong bảy qui định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hóa giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.
Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.
Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:
- Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác
- Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích
- Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị
Sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.
Nguồn:
Vạ tuyệt thông – Wikipedia tiếng Việt
http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%A1_tuy%E1%BB%87t_th%C3%B4ng
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_th%C3%B4ng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét