Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Hạn chế thanh toán tiền mặt: Chưa thể muốn là được

- Dự thảo hạn chế, đi tới cấm dùng tiền mặt trong một số giao dịch lớn thiếu vắng quy định ai giám sát, ai cấm, lực lượng nào kiểm tra, thanh tra, xử lý nếu có vi phạm các quy định trên. 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt để thay thế cho nghị định 161/2006/NĐ-CP, được cho là không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bản dự thảo nghị định mới ra với các điều khoản mới, đáng chú ý như: cấm thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch: mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán; mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng: tàu bay, tàu thủy, ô tô…
Việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch lớn không chỉ lần đầu tiên được khuyến cáo, tuy nhiên khi đưa vào các quy định của Chính phủ thì đã gây ra dư luận nhiều chiều. Thực ra, nhìn vào mục tiêu của bản dự thảo nghị định mới, đó là những ý định tốt vì xưa nay, việc giao dịch bằng tiền mặt với những tài sản lớn có nhiều bất tiện và không an toàn.
Người dân mang bao tải tiền đi giao dịch. Ảnh VNE

Thực tế, những ai đã chứng kiến những cảnh mua bán như mua bán chứng khoán ở các thời điểm thị trường “sốt”, mua bán nhà, đất…mà người mua mang cả bao tải, hàng bao tải tiền đi thanh toán là thấy ngay sự bất hợp lý.

Tình trạng mất cắp, bị cướp khi mang nhiều tiền mặt đi mua bán của người dân, người đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên xảy ra. Thậm chí, đã có nhiều người mạng xảy ra chỉ vì vác tiền bằng bao tải đi mua nhà, mua xe.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo Nghị định còn cho biết, việc thanh toán bằng tiền mặt còn làm nảy sinh việc trốn thuế, gây thất thu thuế, thanh toán tiền mặt tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng…

Nhưng vì sao, người dân, doanh nghiệp… vẫn chưa ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt? Đây có lẽ chính là điều mà NHNN và các ngân hàng còn phải nỗ lực nhiều để có được sự đồng thuận. và mọi quyết định phải được nghiên cứu và ban hành trên những cơ sở hợp lý và khoa học.

Việc hạn chế, rồi đi tới cấm dùng tiền mặt trong một số giao dịch lớn đã được đưa ra. Tuy nhiên, điều làm mọi người băn khoăn là trong dự thảo lại chưa thấy các biện pháp làm cho nó có thể thực hiện được: ai giám sát, ai cấm, lực lượng nào kiểm tra, thanh tra, xử lý nếu có vi phạm các quy định trên.

Điều này là rất quan trọng, bởi vì ai cũng biết thanh toán tiền mặt là một thói quen lâu đời và Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao của thế giới. Và việc hạn chế dùng tiền mặt dù đã kêu gọi từ lâu nhưng chuyển biến chưa lớn, nhất là trong mua bán, giao dịch của dân cư.

Đi cùng với việc hạn chế dùng tiền mặt trong các giao dịch lớn, ban soạn thảo cũng đề cập tới một số biện pháp như: tăng phí rút tiền mặt, hạ hạn mức giao dịch.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này cần được giải thích và chứng minh một cách minh bạch và thuyết phục để người dân thuận lòng, DN thừa nhận đó như là một lợi ích cho chính mình. Tránh trường hợp, người dân cũng có thể nghi ngờ, phản ứng tiêu cực. Đặc biệt tránh tình trạng người dân phản ứng khi cho rằng ngân hàng tận thu dịch vụ của khách hàng.

Từ câu chuyện này nhớ lại cậu chuyện khuyến khích người dân, tổ chức dùng thẻ ATM để hạn chế giao dịch tiền mặt.

Thực sự, việc dùng thẻ ATM cho thấy nhiều tiện lợi: giảm thời gian, chi phí đi lại, an toàn hơn… và thẻ ATM trong những năm qua ngày càng được sử dụng nhiều. Nhưng trái với nhiều nước mà việc dùng thẻ ATM đã rất phổ biến, các hình thức thanh toán qua thẻ lại không phát triển kịp và chi phí đắt khiến thẻ chỉ để rút tiền mặt là chính. Chính vì thế, khi áp dụng chính sách thu phí ATM, các ngân hàng đã gặp phải nhiều phản đối từ phía khách hàng. Chính vì thế, để bảo vệ quyền lợi và giữ khách, nhiều ngân hàng đã không thu phí ngay từ đầu.

Để hạn chế được tình trạng phổ biến dùng tiền mặt trong thanh toán, nhất là với những tài sản lớn: ô tô, nhà ở, tàu bè, để các quy định ban hành ra có tính khả thi cao và đạt được mục tiêu như mong muốn… việc soạn thảo nghị định cụ thể này và cả quá trình chuẩn bị cho sự thay đổi trong thanh toán không dùng tiền mặt cần rất nhiều thời gian và rất nhiều việc phải làm.

Việc thay đổi một thói quen, tạo dựng một chuyển biến mới trong lối sống và tiêu dùng không thể dễ dàng và một sớm một chiều. Vì thế, dù rất mong muốn tạo ra những thay đổi nhưng không thể chỉ trông chờ một Nghị định hay một quy định nào mà cần nhiều nỗ lực và sự đầu tư bài bản để việc chuyển đổi đó trở thành một nhu cầu của người dân, lợi ích của DN chứ không thể vội vàng cưỡng ép.

Mạnh Quân
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/112395/han-che-thanh-toan-tien-mat--chua-the-muon-la-duoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét