Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Lý do các Hồng y phải họp kín

Các thủ tục bầu giáo hoàng chứa đầy bí mật và hồi hộp hiện nay có nguồn gốc từ thế kỷ 13, sau những lần bầu chọn người đứng đầu tòa thánh gay go và dài dằng dặc hàng năm trời.Thuật ngữ "Mật nghị" xuất phát từ từ Latin "với một chiếc chìa khóa", nhắc đến việc các hồng y phải cách ly với thế giới bên ngoài và những con mắt tò mò, để có thể chọn được một vị giáo hoàng mà không bị các thế lực bên ngoài gây ảnh hưởng.
Từ hôm nay 115 hồng y - những người còn được gọi là các hoàng tử của Giáo hội Công giáo, sẽ không hiện diện trước công chúng. Họ vào nhà nguyện Sistine của Vatican để bầu lên người đứng đầu giáo hội gồm 1,2 tỷ tín đồ, kế nhiệm giáo hoàng Benedict.
Mật nghị hồng y bên trong nhà nguyện Sistine năm 2005. Ảnh: AP
Kể từ hôm nay, điều mà hàng tỷ người trên thế giới chờ đợi là màu của làn khói bốc ra từ ống khói nhà nguyện. Các nghi thức bầu giáo hoàng ngày nay có từ thế kỷ 13, khi việc bầu chọn này trải qua những quãng đầy gian truân.
Việc bầu giáo hoàng Gregory X tháng 9/1271, khi Giáo hội bị chia rẽ bởi các tư tưởng chính trị, diễn ra sau gần ba năm ở thị trấn Viterbo, 85 km về phía bắc so với Rome, theo Reuters. Sau hơn hai năm họp bàn liên tục mà không đi đến đâu, dân chúng địa phương bắt đầu nổi giận, họ dỡ mái cung điện nơi các hồng y tụ họp - với mong muốn để đấng tối cao có thể dự họp cùng, và giảm số lượng lương thực thực phẩm cấp cho các hồng y, để buộc họ phải phá thế bế tắc.

Điều kiện khi đó gian nan đến nỗi hai hồng y chết trong quá trình bầu cử, một vị nữa phải rời mật nghị vì quá ốm yếu. Cuối cùng các hồng y quyết định chọn Gregory.

Giáo hoàng Gregory quyết tâm ngăn chặn tình trạng bế tắc kéo dài tương tự. Năm 1274, ngài ra quy định rằng các hồng y phải được đưa vào bên trong cung điện của Giáo hoàng, trong một phòng kín có nhà vệ sinh ở gần. Việc này được tiến hành trong vòng 10 ngày sau khi giáo hoàng trước đó quá đời.

Sau ba ngày, nếu họ chưa bầu ra được giáo hoàng, các hồng y sẽ chỉ được cho ăn một bữa thay vì hai bữa trưa và tối. Sau 5 ngày, họ sẽ chỉ được cho bánh mì, nước trắng và một chút rượu vang, cho đến khi nào bầu được giáo hoàng. Tác dụng của các luật mới này được nhấn mạnh sau đó, khi mà vào năm 1294, các hồng y phải mất hơn hai năm để cuối cùng đi đến việc lựa chọn một giáo hoàng.

Thế bế tắc khi đó chỉ được giải quyết khi Hồng y người Italy Latino Malabranca tuyên bố rằng một vị tu khổ hạnh rất thánh, tên là Pietro Del Morrone, đã có sấm truyền rằng những hồng y nào mãi không quyết định được việc bầu giáo hoàng sẽ bị gặp một sự trả thù thần thánh.

Các vị hồng y lo lắng, bèn nhất trí bầu cho nhà tu khổ hạnh, và Morrone, khi đó đã ngoài 80 tuổi, hân hoan cho rằng đó chính là ý Chúa. Ngài tiến vào thành phố L'Aquila trên một con lừa và đăng quang thành Giáo hoàng Celestine V.

Nhưng rồi việc đứng đầu giáo hội dường như không phù hợp với vị tu khổ hạnh và chỉ vài tháng sau đó ngài từ chức. Đây là vị giáo hoàng cuối cùng tự nguyện từ chức trước Benedict XVI. Giáo hoàng Gregory XII cũng từ chức, nhưng không hoàn toàn tự nguyện, vào năm 1415, nhằm chấm dứt một tranh chấp với một nhân vật khác cũng đòi giữ ngôi vị đứng đầu nhà thờ. Ông là giáo hoàng mới nhất từ chức trước Benedict.

Năm 1492, lần đầu tiên nhà nguyện Sistine được chọn làm nơi diễn ra mật nghị hồng y. Từ 1878, mọi mật nghị đều diễn ra tại đây.

Trước khi từ chức, Giáo hoàng Celestine quyết định lập lại các quy định về mật nghi hồng y năm 1274, trong đó nghiêm cấm các hồng y liên lạc với thế giới bên ngoài trong thời gian bầu giáo hoàng. Và vì thế tính bí mật của Mật nghị Hồng y vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Giáo hoàng Benedict từng quy định sẽ rút phép thông công hồng y nào vi phạm lời thề giữ bí mật.

Các chi tiết nhỏ khác của Mật nghị Hồng y được tiếp tục quy định những năm sau đó. Năm 1970, Giáo hoàng Paul VI hạn chế tuổi của các hồng y được bỏ phiếu bầu là dưới 80. Theo quy định của Giáo hoàng John Paul II và điều khoản sửa đổi do Giáo hoàng Benedict ban hành, một giáo hoàng được bầu khi ông ta hội đủ hai phần ba số phiếu của hồng y đoàn, và bản thân ông ta chấp nhận kết quả bầu. Sau khi chấp nhận làm người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa La Mã, tân giáo hoàng sẽ được hỏi xem ngài muốn lấy hiệu là gì. Sau câu trả lời này, một chức sắc Nhà thờ sẽ công bố bằng tiếng La tin trên ban công Vương cung thánh đường Phero: "Chúng ta có Giáo hoàng". Thông báo cũng cho biết tên của người được bầu, cũng như hiệu mà ngài đã chọn.

Ngoài khói trắng trên nhà nguyện Sistine, năm nay, dự kiến chuông của Vương cung sẽ gióng lên báo tin về giáo hoàng mới. Trong thời đại kỹ thuật số, các nhà lập trình đã phát triển một ứng dụng giúp người dùng di động nhận được tin báo về việc có tân giáo hoàng.

Ánh Dương (tổng hợp)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2013/03/ly-do-cac-hong-y-phai-hop-kin/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét