Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Đề xuất chậm về hưu cho một loạt đối tượng có chức có quyền

Sao càng ngày càng lắm đề xuất oái ăm thế nhỉ:

V.V.THÀNH
TT - Việc xây dựng nghị định hướng dẫn điều 187 của Bộ luật lao động về tuổi nghỉ hưu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy Bộ Lao động - thương binh và xã hội chưa trình Chính phủ mà đang tiếp tục nghiên cứu. 
Bà Phạm Thị Hải Chuyền (bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết như trên khi trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 1-3.
Xung quanh quy định nâng tuổi nghỉ hưu: tránh đặc quyền đặc lợi
Cũng theo bà Hải Chuyền, Bộ luật lao động đã quy định một số trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn (ba đối tượng gồm: người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và các trường hợp đặc biệt), nhưng “một số” đó cụ thể gồm những ai thì lại đang có rất nhiều góc độ tiếp cận, vì vậy bộ sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia để đưa ra các phương án phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Duy Cường (Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hiện nay đã có một số đối tượng được kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên diện khá hẹp, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và trong thời gian kéo dài thêm thì người đó không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chỉ riêng cán bộ nữ từ cấp thứ trưởng được kéo dài thời gian làm việc mà giữ nguyên chức vụ quản lý. Như vậy, theo đề xuất ban đầu của các bộ liên quan, diện đối tượng kéo dài thời gian làm việc có thể được mở rộng tới cấp vụ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước... Vì chưa có dự thảo nghị định chính thức nên chưa thể làm rõ việc người làm công tác quản lý thuộc đối tượng kéo dài thời gian làm việc thì tiếp tục giữ chức vụ hay không, tuy nhiên “mọi người đang hiểu theo hướng tiếp tục, bởi vì đã quy định chức danh quản lý mà kéo dài thì đương nhiên vẫn được quản lý”.
Bà Hải Chuyền nói: “Bộ LĐ-TB&XH hiện nay đang tiến hành một số công việc để triển khai việc xây dựng dự thảo nghị định này, trong đó có việc xin ý kiến của Ban Tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn có ý định xin thêm ý kiến của Thường trực Chính phủ, rồi nếu cần thiết thì báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng”.
Bước đầu có hai phương án về lộ trình kéo dài tuổi nghỉ hưu, một là mỗi năm kéo dài thêm một năm, hai là kéo dài ngay thêm năm năm. Phương án thứ nhất được cho là đảm bảo thuận lợi hơn trong việc thực hiện, còn phương án thứ hai lại đảm bảo tận dụng được tối đa nguồn nhân lực có trình độ, tuy nhiên phương án kéo dài ngay thêm năm năm lại có tác động mạnh đến việc quy hoạch cán bộ, vấn đề việc làm. Các bộ liên quan nghiêng về thực hiện theo phương án thứ nhất.

V.V.THÀNH
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/536164/lanh-dao-tap-doan-kinh-te-duoc-de-xuat-cham-ve-huu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét