Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Hồi ký dễ viết - khó hay

Bài này hay. Có một thực tế là nhiều người đang lạm dụng tự truyện, hồi ký như một phương tiện để quảng bá bản thân. Tôi rất ghét những ông quan chức rất to cũng viết tự truyện, hồi ký về những năm công tác của mình để khoe khoang thành tích và đánh bóng tên tuổi khi đã gần đất xa trời. Nhà nước này, chính phủ này có làm được gì có đất nước, cho nhân dân đâu, chưa kể người dân (và hầu hết các cán bộ công chức) đều mở mồm là nói 100% lũ quan to đều chỉ biết tham nhũng và phá hoại đất nước chứ công lao gì mà khoe khoang. Hồi ký, tự truyện, ai cũng có thể viết, không viết được thì thuê viết, rồi có tiền (tham nhũng) là bỏ ra in, luật pháp không cấm và cũng không ai cấm được. Có điều nếu như người viết chỉ lặng lẳng in tặng nhau thì không sao; nhưng một số người chơi trội chạy cả nhà xuất bản Hội nhà văn để xin cấp phép cho oai, rồi tổ chức cả lễ ra mắt thật hoành tráng và tốn kém, thật không ra sao cả. Lên mạng tra google mà xem sau đó có ai đọc sách của những ông quan đấy không, hầu như không có ai đọc và bình luận trên mạng. Vậy mà họ vẫn không thấy nhục. Rất may là còn có một số ông in xong không bán mà chỉ tặng (dù là có giấy phép của các nhà xuất bản danh tiếng) vì tự biết đây là loại sách "không bán được", tức là có bán cũng không ai mua. Những tự truyện, hồi ký của giới quan chức không thể gọi là văn học mà chỉ dừng lại ở việc kể những câu chuyện mà tác giả có liên quan; chúng không làm cho người đọc cảm nhận từ cuộc đời riêng của người viết mà thấy được thân phận của cả một dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng gian khổ thế nào và thể hiện bản lĩnh ra sao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong điều kiện một đất nước và một dân tộc liên tục phải trải qua hết cuộc khủng hoảng này tới khủng hoảng khác do những chính sách phát triển sai lầm của giới quan chức cấp cao lãnh đạo đất nước. Những tự truyện, hồi ký như thế, vừa không có tư tưởng và triết lý, vừa không có cái tâm của người viết, viết chỉ để khoe thành tích..., thì không thể truyền cảm hứng cho người đọc, không thể mang lại giá trị, ý nghĩa cho cộng đồng; do đó chúng chẳng có ích gì cho xã hội, chỉ làm lãng phí tài nguyên của xã hội (như lãng phí giấy mực để in). 
Hồi ký dễ viết - khó hay
SGGP 09/01/2023 Hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của đạo diễn Xuân Phượng vừa được NXB Tổng hợp TPHCM tái bản lần thứ 5. Đây là con số không phải hồi ký, tự truyện nào cũng đạt được.

Nhà văn Xuân Phượng ký tặng hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… cho bạn đọc. Ảnh: MY ĐẶNG

Năng lực của người viết

Tiền thân là hồi ký Áo dài (xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 2001), vào năm 2020, đạo diễn Xuân Phượng đã gần như viết lại để trở thành Gánh gánh… gồng gồng… Tác phẩm phần nào khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức Việt Nam trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng những trang viết đầy chất văn, đã nhận được sự yêu thích của đông đảo bạn đọc lẫn giới chuyên môn. Đầu năm 2021, tác phẩm này nhận được “cú đúp” giải thưởng từ Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM.

Trong chương trình giao lưu nhân dịp hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… được tái bản, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ lý do hội quyết định trao giải cho hồi ký này: Cái hay của Gánh gánh… gồng gồng… là từ thân phận của riêng nhà văn Xuân Phượng và bạn bè, bà đã viết nên thân phận của cả một dân tộc trong chiến tranh, một dân tộc bản lĩnh phi thường, đầy nỗi đau, cả niềm tuyệt vọng nhưng vẫn hướng duy nhất đến một mục tiêu làm sao giành được độc lập, tự do. Ngay khi được đọc tác phẩm này, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM đã quyết định trao giải vì đây là tác phẩm rất cần cho thế hệ hôm nay.

Dù thường bị xem là “văn học thứ cấp”, nhưng thực tế, ngoài Gánh gánh… gồng gồng…, nhiều tác phẩm thuộc thể loại hồi ký, tự truyện đã được vinh danh, như: Được sống và kể lại của Trần Luân Tín (Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2010, giải B - không có giải A của Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 2009), Đất K của Bùi Quang Lâm (Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2020), Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối của Huỳnh Dũng Nhân (Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2020), Hồi ức lính của Vũ Công Chiến (Tặng thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017), Cô bé nhìn mưa của Đặng Thị Hạnh (giải B Giải Sách Quốc gia năm 2022)…

Theo nhà văn Bích Ngân, thể loại phi hư cấu (hồi ký, tự truyện) luôn được xem là dễ thực hiện khi hầu như ai cũng có thể viết. Tuy nhiên, viết thì dễ nhưng để hay lại cực kỳ khó. Bởi muốn hay, ngoài trải nghiệm, vốn sống, tri thức, khả năng ngôn ngữ, khả năng chọn lọc tình tiết, tác phẩm đó phải là sự kết hợp giữa hình thức và nội dung, tính tư tưởng.

“Theo tôi, giá trị của văn chương không nằm ở thể loại, mà nằm ở giá trị thể hiện. Thể loại không thành vấn đề, quan trọng là tài năng của người thể hiện”, nhà văn Bích Ngân cho biết.

Cần một tấm lòng

Những năm gần đây, dòng sách tự truyện, hồi ký nở rộ, chỉ cần ra một cửa hàng sách nào đó, bạn đọc dễ dàng bắt gặp hàng loạt ấn phẩm kiểu này: Chạm tới giấc mơ (Sơn Tùng - MTP), Chạm (Ưng Hoàng Phúc), Từ Phú Điền đến New York (Tuyết Lan), Cảm ơn ngày thanh xuân rực rỡ (Jun Vũ), Đừng chết ở Ả Rập Xê Út (Nghiêm Hương), Đường xanh viễn xứ (Tô Giang), Đổi thay - Hành trình chạm đến ước mơ (Hồ Quang Hiếu), Muôn ánh mặt trời (Hoàng Thị Diệu Thuần), Trí Khùng tự truyện (Nguyễn Trí), Ông giáo làng trên tầng gác mái (Nguyễn Thế Vinh), Không thể gục ngã (Đỗ Mỹ Dung)… Có điều, phần lớn những ấn phẩm này không đủ sức nặng để có thể sống được lâu dài.

Và có một thực tế là, nhiều người, phần đông là giới giải trí đang lạm dụng tự truyện, hồi ký như một phương tiện để quảng bá bản thân. Nói về thực trạng này, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng: Hồi ký, tự truyện, ai cũng có thể viết được, có tiền là bỏ ra in thôi. Thành ra mình cũng không ngăn được điều đó, vấn đề này nằm ở các đơn vị xuất bản. Điều quan trọng ở đây là, câu chuyện của nhân vật có thể truyền cảm hứng cho người đọc, mang lại giá trị, ý nghĩa cho cộng đồng, nó mới đi được đường dài.

Còn theo nhà văn Bích Ngân, có những hồi ký không thể gọi là văn học mà chỉ dừng lại ở việc kể một câu chuyện mà tác giả có liên quan. Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, có những sự thật khi đưa lên tác phẩm, tác giả phải biết chọn lựa và cần đến cái tâm trong vai trò dẫn dắt. Những tác phẩm vừa thiếu khả năng kể chuyện, thiếu cả tư tưởng và cái tâm của người viết thì đều thất bại.

“Nó phải hội tụ nhiều yếu tố, bên cạnh câu chuyện cuộc đời. Cả nhân vật lẫn người chấp bút luôn phải tự hỏi mình, kể nhằm mục đích gì, cho đối tượng nào, để gửi gắm thông điệp gì. Không có cái tâm, không có tấm lòng thì không viết được hồi ký”, nhà văn Bích Ngân nhấn mạnh.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: "Một cuốn tự truyện, hồi ký được gọi là hay, theo tôi, khi độc giả đọc tác phẩm đó, thấy được cả một dòng chảy lịch sử, hiểu và đồng cảm được câu chuyện mà nhân vật mang đến. Bên cạnh đó, tác phẩm phải mang lại cho bạn đọc cảm xúc hoặc một thông điệp, một bài học gì đó. Là người làm xuất bản, tôi vẫn mong chờ những tác phẩm như Gánh gánh… gồng gồng…"

HỒ SƠN
https://www.sggp.org.vn/hoi-ky-de-viet-kho-hay-post675026.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét