Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Khi nào chúng ta biết ngừng kiếm tiền để hưởng thụ ?

Khi nào chúng ta biết ngừng kiếm tiền để hưởng thụ ?
Năm nay nghỉ tết mình không đi đâu. Không ra nước ngoài cũng không đi xuyên Việt. Ngồi nhà hết viết dự án, đề án theo hợp đồng với cơ quan chính phủ và doanh nghiệp lại chuyển sang soạn bài giảng cho môn học mới, chấm các bài thi cho sinh viên. Nghỉ giải lao thì xem mạng và viết bài cho Blog. Đói thì ăn. Khuya hơn 12h đêm mới đi ngủ... Một vòng tuần hoàn hôm nào cũng thế. Nhiều lúc nghĩ thấy cuộc sống bây giờ thật vô vị, vô bổ. Mà bảo mình đi chơi, đi du lịch, kể cả trở lại Mỹ hay châu Âu, mình cũng chán rồi, cũng cảm thấy vô vị, vô bổ. Đến tuổi này mọi người hay bảo chỉ nên ACCC thôi, tức là nên Ăn Chơi Chờ Chết thôi.

Lao động thì ra tiền, mà kiếm nhiều tiền để làm gì ? Các bạn đọc Blog và FB này của tôi chắc đều là loại kiếm tiền dễ dàng nên mới rảnh rỗi và có thời gian vào xem tin và viết bình luận. Kiếm dễ dàng đến mức đủ rồi thì tại sao vẫn tiếp tục kiếm ? Kiếm đến bao giờ ? Nhiều giáo viên trường tôi sang tuổi 80 vẫn miệt mài giảng dạy và nghiên cứu khoa học; ham thích là một phần nhưng thu nhập cũng là một động lực quan trọng. Kiếm để làm gì trong khi sức khỏe và hưởng thụ là điều quan trọng nhất đối với người già ? Vậy nên câu hỏi khi nào thì chúng ta nên ngừng kiếm tiền và bản thân tôi có thoát được cảnh của các giáo viên già trong trường tôi không luôn luôn rất khó trả lời.

Sách báo và bài viết trên mạng đã nói rất nhiều rằng khi bạn qua tuổi 50 – 60, bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa, và bạn cũng không thể mang đi những gì bạn đã có được. Vì thế sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến kiếm tiền và dành dụm.

Bởi thế, họ khuyên bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch, mua sắm thứ bạn thích và cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến nhận lại.

Tôi đồ rằng hầu hết những người khuyên như vậy đều là những người không kiếm được nhiều tiền. Còn khi đã kiếm được nhiều tiền, cảm thấy vui vẻ, thì họ sẽ tiếp tục kiếm tiếp chứ khó có thể dừng lại.

Thêm nữa con người chỉ tồn tại khi con người hoạt động. Dừng lại nghỉ ngơi sẽ trở nên trì trệ, và nhanh đi vào cửa tử.

Họ còn khuyên đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được cho các con cháu, vì bạn không hề muốn chuyển giao lại cho những kẻ sống ký sinh, những người đang nóng lòng chờ đợi ngày chết của bạn. Vậy toàn bộ di sản của người xưa chúng ta đang được thụ hưởng nếu họ không để lại cho chúng ta thì chúng ta có thấy hợp lý không ?

Đấy là những băn khoăn của mình. Còn dưới đây là ý kiến phổ biến trên mạng:

Bạn không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào, bởi vì khi chúng ta trở về với cát bụi rồi thì ta không còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa.

Thời gian mà các bạn sống vui vẻ trên đời, thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ chấm dứt.

Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái, bởi lẽ chúng có số phận riêng của chúng, và chúng sẽ tìm được, chắc chắn là như vậy, con đường của chúng trong cuộc đời.

Chớ làm nô lệ cho con cái bạn. Hãy giữ quan hệ với chúng, yêu thương chúng và giúp đỡ chúng khi chúng cần, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho chúng.

Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Hãy nghĩ đến việc nghỉ hưu sớn nhất khi bạn có thể và bằng lòng với cuộc sống.

Đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn. Đa phần, chúng đều yêu quý cha mẹ, nhưng chúng quá bận với công việc và những ràng buộc khác mà chúng cần quan tâm nhiều hơn.

Cũng có những đưa con bất cẩn, chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả lúc bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn chết sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của bạn.

Nói chung, con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của chúng.

Vì thế ,sau tuổi 50-60 bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ. Rất có thể là tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết.

Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền? Bao nhiêu thì đủ? Một trăm ngàn? Một triệu? Mười triệu?

Từ hàng ngàn hecta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày; từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn: một chỗ ngủ, một chỗ nghỉ ngơi, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp.

Với chừng ấy thời gian mà bạn cần một chỗ ở, một số tiền để ăn, để mặc và một số vật dụng cần thiết khác … thế là bạn đã sống tốt rồi. Chỉ cần sống vui vẻ hạnh phúc là được.

Gia đình nào cũng có vấn đề, bất luận là ở chế độ xã hội nào.

Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính, Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn, hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất, mà hãy đi chơi nhiều hơn, đến các bar, kể cả đi du lịch nước ngoài.

Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn, ai hạnh phúc hơn, ai khỏe mạnh và sống lâu hơn.

Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi. Nó chẳng giúp gì cho bạn, mà trạng thái tinh thần không tốt còn đẫn đến bệnh tật.

Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định, và hãy xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc.

Với chừng ấy thời gian bạn sống khỏe mạnh và vui vẻ, bạn hãy lên cho mình một kế hoạch, rồi nóng lòng chờ đợi những ngày tiếp theo.

Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày mất đi. Một ngày có dù chỉ một giây phút vui vẻ là một ngày được lợi. Một tâm hồn lạc quan thì chữa khỏi bệnh tật nhanh chóng.

Nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa, bởi nó không quen biết bệnh tật …

Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt; hãy di chuyển ,ra ngoài thường xuyên, đi dưới nắng mặt trời, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất, và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm 30-40 năm với thể lực và sức khỏe dồi dào.

Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn.

Và đừng quên bạn bè. Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài, hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản: chịu khó nghe và đừng ngắt lời; hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng; hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại; hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối; hãy tha thứ chứ đừng trách cứ, và đã hứa thì không được quên.

Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn. Chúc bạn có một cuộc sống dài lâu và đầy đủ!

Những lời khuyên như vậy các bạn thấy có hợp lý, có thỏa đáng không ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét