Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

CHUYỆN XÔNG ĐẤT

CHUYỆN XÔNG ĐẤT
Từ xa xưa, người Việt ta đã có phong tục xông đất (hay còn gọi là đạp đất) đầu năm, với mong muốn đem lại may mắn, hạnh phúc, bình an… cho gia đình trong năm mới. Theo tục lệ, giờ “xông đất” được tính bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới bắt đầu đến, vị khách đầu tiên bước chân vào nhà sau giao thừa sẽ được coi là sứ giả may mắn mang theo những điều tốt lành đến cho gia đình chủ nhà.
Người xưa luôn tâm niệm nếu gặp được người xông đất tốt thì làm ăn tấn tới, mọi chuyện tốt lành, còn không may gặp người xông đất xấu thì sẽ gặp xui xẻo trong mọi việc. Vì thế, các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến nhà đầu tiên trong ngày Tết Nguyên Đán.

Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Đối với người làm quan và người theo con đường khoa học thì họ sẽ chọn người xông đất có tuổi hợp với mình và người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình họ. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều, người được chọn xông đất chỉ cần khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận.

Mỗi thời mỗi khác, hiện nay việc chọn người xông đất đầu năm có sự cầu kỳ hơn, phải chọn lựa kỹ càng từ nhiều yếu tố như: hợp tuổi, vận hạn năm qua tốt đẹp, có nhân phẩm tốt, tính tình hòa nhã, xởi lởi, thật thà, con cái đông đủ (có trai, có gái), mặt mũi sáng sủa, thân hình đầy đặn, không có tang...

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gia chủ không tìm được người phù hợp thì chính người thân trong gia đình sẽ tự xông đất. Họ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa thì trở về xông đất nhà mình; khi về họ cũng mang theo những cành lộc đầu xuân tựa như mang tới điềm lành và hy vọng cho ngôi nhà của mình.

Hôm qua mình mới chính thức đi thăm, chúc Tết một số anh em, bạn bè, đồng nghiệp cũ. Tình cờ gặp một anh người miền Nam cũng đến chúc tết anh bạn thân của mình. Nghe anh kể chuyện chúc xông đất ở Nam Bộ Tết năm nay mà tức cười. Mình xin trích lược một câu chuyện anh ấy kể.

Vợ chồng Ba Nguy thuộc vào hạng “rớt mồng tơi”. Thông thường, hễ kẻ bần hàn thì thường khép nép, đi đứng rụt rè, ra vào lễ phép. Trong bàn tiệc thì ăn chẳng dám gắp miếng ngon, uống chỉ dám từng hớp nhỏ. Ba Nguy cũng không ngoại lệ.

Tết đến, anh bàn với vợ, dù cả năm ăn mắm ăn muối gì cũng phải ráng mà mua cho được con gà để “Tết” ông bà nhạc, chứ “đã bao năm mình “làm thinh” hoài, coi sao được!”.

Thế là sáng mồng một, anh tranh thủ đến nhà ông bà nhạc sớm. Dù có con gà trống oai phong tiếp sức, nhưng cái nghèo nặng nề quá nên dũng khí xem ra không tăng được bao nhiêu. Ông nhạc thì vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng cố hữu với “thằng rể bất tài” nầy.

Sựng rựng một lát, thấy không ai hỏi han, không ai để ý đến sự hiện diện của mình. Anh thấy tay chân thừa thải quá! Bộ ván gõ bóng lộn, và cái nền gạch mát lạnh như cũng chẳng muốn tiếp anh. Mặt anh nặng xuống. Ở thì nhục, mà về thì cũng ngại. May sao Bảy Phúc, chồng chị Hai, bạn “cột chèo” với anh, cuối cùng cũng đến, giọng rang rảng:

- Ủa, Dượng Ba đến chúc tết Ba sớm dữ ha?
Với giọng điệu khá mỉa mai, nhưng cũng hơn, vì còn có người biết rằng mình là người chứ không phải khúc gỗ, khúc cây!

Người giàu có khác, chức to có khác. Ăn to nói lớn, và tự nhiên đến nỗi mang cả giày dính đầy đất vào nhà. Ông nhạc thờ ơ “hứ’ một tiếng, trả lời cho chàng rể quý:
- Mới tảng sáng nó đã vác mặt tới rồi…

Về nhà Ba Nguy khóc, kể lại cho vợ, vợ anh cũng khóc. Anh tức tửi thốt lên:
- Phải chi để con gà lại cho các con ăn còn hơn, lại khỏi mang nhục!

Vợ anh lấy tay áo quẹt nước mắt, quẹt mũi:
- Má em đâu? Má thương anh lắm mà!

- Không thấy, mà không dám hỏi!

Thật tội cho cái lỗ miệng của kẻ bần cùng. Dường như trời sanh ra nó cốt để lùa cơm, ực nước!

Anh thề không đến nhà ông nhạc nữa, trừ khi ông chết. Nhưng ổng lại không chết mà đàn bò của ông lại bị lở móng, long mồm, và lần lượt bị làng xã bắt đem chôn! Và anh cũng phải bị mất lời thề: Anh không muốn đến, nhưng ông nhạc buộc phải đến để... nghe ổng chửi:

- Mầy là Nguy. Mồng một Tết mầy xông đất nhà tao, mầy thấy tai hại chưa?

Anh Ba đứng như cây khô để nhận mọi bão táp từ cái tên Nguy cúng cơm của mình! Mặt nặng buồn, nhưng lòng lại thấy dễ chịu, vì nay ông nhạc đã còn biết anh là người nên dùng tiếng người để nói với anh, dù những lời đó không êm ái gì. Vẫn còn hơn ngày đầu năm, ông xem anh là cái bàn, cái ghế không hơn!

Bà nhạc:
- Tội nghiệp con nó mà ông! Vậy chớ nó đâu có lại nhà mấy chủ bò khác mà bò của họ cũng chết hết vậy? Cái nầy là “dịch” chứ nào phải xông đất, xông điếc gì!

Năm sau, Bảy Phúc, ông rể quý là người đến nhà ông nhạc đầu tiên vào ngày mồng một. Người giàu, lại mang tên Phúc mà xông đất thì hết chỗ chê! Nhưng kỳ cục thật! Năm đó đến phiên trại heo của ông nhạc lại bị lở mồm long móng! Vườn tiêu, vườn điều của ông cũng “tiêu điều” vì nạn bọ xít, bọ rầy. Ông lại bịnh nặng liên miên, có khi thở chẳng ra hơi nhưng dù vậy hôm nay vẫn còn đủ sức chửi gằn từng tiếng:
- Đ.M thằng đó nó hại tui. Mồng một mà nó lại vác mặt đến, thì làm sao làm ăn nên thân nên hình gì! Cái thằng Nguy nầy, nó muốn đời tui tàn mạt như nó chắc?...

Bà nhạc:
- Ủa? Năm nay thằng Nguy nó đâu có tới nhà ông. Thằng Phúc mà. Ông quên rồi sao?

Ông nhạc nạt:
- Bà biết gì! Nó là Ba Nguy, Ba Nguy thì... ba năm mới hết nguy! Trời, phải chi hôm đó thằng Bảy Phúc đến sớm. Những tận bảy năm được hưởng... phúc.

Bà nhạc cười méo miệng. Bà biết tỏng ông chồng lúc nào cũng bênh vực thằng rể tiền nhiều chức lớn. Không biết nói để chọc ông chồng chơi hay là bà muốn nói một sự thật hiển nhiên:

- Thứ ba là nói con Ba nhà mình; chứ thằng Nguy nó thứ mười đó ông ơi!

Dù bị cơn suyễn làm mệt, nhưng ông cũng đủ sức trừng mắt, đập mạnh tay xuống giường:
- Bà còn trù ẻo nữa! Ba năm là tui đủ chết rồi!

Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc”. Không sai. Vợ chồng Ba Nguy làm ăn ngày càng khấm khá, như dòng sông đã mệt mỏi qua hết khúc thác ghềnh, giờ thảnh thơi chảy trong miệt đồng bằng sông Cửu Long thênh thang, êm ả. Đến năm thứ tư, tính từ khi được ông nhạc mời qua để chửi về việc đã làm đàn bò ông chết, thì anh 
Ba Nguy đã giàu sang mút chỉ!

Lại có câu “lên voi xuống chó”. Cũng đúng. Bảy Phúc, cột chèo của anh thất thế, bị kỷ luật, cuộc đời xuống dốc như xe đổ đèo!

Ba Nguy tuy giữ lời thề, những vẫn tròn hiếu đạo. Mỗi tháng anh đều bảo “sắp nhỏ” về biếu ông ngoại, bà ngoại đúng mười triệu để bà ăn trầu, ông hút thuốc! Trầu nầy chắc của cô Tấm têm, nhưng thuốc điếu chứ nào phải thuốc phiện đâu mà bị xem là chơi trội khoe giầu !

Chị Ba thường khuyên chồng nên bỏ qua chuyện cũ, và nên sắp xếp về thăm cha mẹ vợ. “Tụi nhỏ nó nói ông bà ngoại nhắc anh hoài”. Anh ậm ự cho qua. Nhưng rồi đến ngày đầu năm con Mèo, tự dưng bốc lên, anh đánh liều quyết định đến nhà ông nhạc “xông đất”.

Bữa tiệc đầu năm thật vui. Vợ con anh, nhất là anh, được 
ông nhạc xem như thượng khách. Vợ chồng Bảy Phúc dù không phải đầu tàu đến sớm, nhưng cũng có mặt, nhưng xem chừng năm nay anh ta ít nói hơn, ăn nói dè dặt hơn, không chém gió quyết liệt và cũng không bàn chuyện làm ăn với “ông già”, cũng không còn “dzô, dzô” xôm tụ như bốn năm trước. Rượu cạn ly không dám rót. Cứ nâng lên nhưng nhớ đến phận mình đã xuống chó thì lại đặt xuống; phải chờ “tới tua” và chờ ông nhạc giục vài lần mới dám uống! 

Những biểu hiện thay đổi khá đột ngột nầy của Bảy Phúc làm anh Nguy ngài ngại, suy ngẫm: Tiền bạc và bộ vó giàu sang của anh đã khai tử cái tên Nguy của thằng Nguy mạt rệp năm nào! Buồn rầu, anh lặng lẽ hớp một miếng rượu, gắp một miếng thịt “đưa cay”. Khổ nỗi, mấy bà xắt thịt ra sao mà nó kéo cả dây, không chịu lìa ra! Bảy Phúc có dịp “giúp” thằng em cột chèo, đưa đũa phụ rứt mà cũng không được. 

Cuối cùng Ba Nguy chơi luôn vào chén, và chắc lưỡi:
- Không biết sao hồi trước tôi gắp miếng thịt sao mà nó cứ rớt lên rớt xuống, cả bữa không được miếng nào. Còn bây giờ, chỉ gắp một cái mà nó lại dính cả chùm !!!
.............

Hồi sau kể tiếp, giờ mình phải làm việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét