Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

"Sốc nặng" khi nhìn hóa đơn tiền điện tháng 6

"Sốc nặng" khi nhìn hóa đơn tiền điện tháng 6
Ngày hè nắng nóng đã đến. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Mới đây nhiều người dân liên tục chia sẻ hình ảnh hóa đơn, thông báo của điện lực vì số điện và tiền điện tháng 5 và tháng 6 tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước đó.
“Tháng 6 nhà tôi có dùng điện nhiều hơn tháng 5 nhưng tôi nghĩ không nhiều đến mức gấp đôi. Hai đứa bé ban ngày gửi nhà ông bà để 2 vợ chồng đi làm. Điều hòa chỉ bật 1 chiếc 9.000 BTU, 3 chiếc quạt. Các thiết bị chiếu sáng hay máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện cũng vẫn dùng như trước vậy mà tiền điện tăng gấp đôi. Trong khi đó các năm trước cao nhất chỉ khoảng 900.000 đồng tiền điện”, chị Linh cho hay.

Tương tự, gia đình anh Quyết (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng “choáng váng” khi tiền điện tháng 6 của nhà anh phải trả cao hơn tháng 5 là gần 2 triệu đồng.

Cụ thể, nếu như tháng 5, số tiền điện anh Quyết phải trả là 3,3 triệu đồng thì sang tháng 6, anh nhận được thông báo số tiền anh phải đóng là 5,2 triệu đồng cho 1.726 kWh.

“Nhà tôi cũng nhiều đồ nhưng nếu dùng hết công suất thì từ trước đến nay chỉ hết từ 3-4 triệu tiền điện. Tháng này có lắp thêm 1 chiếc điều hòa 12.000 BTU có chức năng tiết kiệm điện ở phòng khách, bật 8 tiếng/ngày và mới dùng vào giữa tháng mà tăng gần 2 triệu đồng”, anh Quyết phân tích.

Cùng chung thắc mắc về tiền điện tháng 6, chị Huế (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, các tháng trước gia đình chị chỉ dùng hết 400-500.000 đồng tiền điện nhưng tháng 6 bỗng dưng “nhảy vọt” lên gấp 3 lần.

“Tháng 5 cũng nắng nóng, lượng điện nhà tôi dùng không khác gì tháng 6 nhưng tiền điện chỉ 470.000 đồng, tháng 4 cũng chỉ 593.000 đồng. Vậy mà sang tháng 6 lên gần 1,4 triệu đồng trong khi nhà tôi chỉ dùng thường xuyên 1 chiếc điều hòa và 1 tivi”, chị Huế nói.

Theo chị Huế, nếu so sánh cách tính tiền điện thì tháng 5 nhà chị dùng hết 233 kWh, phải trả 473.000 đồng, chia ra chỉ vào khoảng 2.000 đồng/kWh. Tuy nhiên sang tháng 6, nhà chị dùng hết 518 kWh nhưng tiền điện lên 1.379.825 đồng, tức là gần 2.700 đồng/số. Trong khi lượng điện tiêu thụ chỉ tăng 2,2 lần thì số tiền nhà chị phải trả tăng hơn 2,9 lần.

Theo nhiều ý kiến, nguyên nhân tháng 6 lượng điện tiêu thụ nhiều hơn các tháng trước phần lớn là do thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ hè nên lượng điện tiêu thụ của các thiết bị như điều hòa, quạt điện tăng cao. Ngoài ra, cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang cũng là lí do khiến tiền điện tăng đột biến.

Hiện tại, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc. Theo cách tính lũy tiến mới thì nếu người dân dùng điện ở bậc 1, tức là từ 0-50 kWh đầu tiên chỉ phải trả 1.678 đồng/kWh nhưng nếu dùng từ 401kWh trở lên thì phải trả đến 2.927 đồng/kWh.



Trao đổi với PV, ông Lê Việt Hùng – Phó Trưởng ban Truyền thông, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm nên các thiết bị làm mát được sử dụng thường xuyên, liên tục đã làm lượng tiêu thụ điện tăng mạnh.

Trong đó lượng tiêu thụ điện của điều hòa chiếm từ 40-60%, thậm chí đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Ngoài ra, việc tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục cộng với cách tính giá điện bậc thang là nguyên nhân khiến tiền điện tháng 6 tăng cao hơn so với các tháng trước đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét