Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Sáp nhập Bộ TC & Bộ KH-ĐT: Vẫn còn nhiều tranh cãi!

Tôi ủng hộ quan điểm của TS Vũ Quang Việt trong bài này là chuyển Bộ Kế hoạch & Đầu tư thành Hội đồng cố vấn kinh tế theo mô hình của Mỹ, đồng thời giải tán nhóm tư vấn lăng nhăng hiện nay của Thủ tướng. Đám tư vấn này toàn bọn lăng nhăng ăn theo, nói leo lãnh đạo và dùng oai lãnh đạo để kiếm chác danh và lợi riêng; cầm đầu lại là thằng khốn nạn đã dám thẳng thừng tuyên bố: BOT không ảnh hưởng tới người nghèo.
Sáp nhập Bộ Tài chính & Bộ Kế hoạch-Đầu tư: Vẫn còn nhiều tranh cãi!
2021-06-29 
“Hội đồng cố vấn, dù có giữ tên là Bộ Kế hoạch hay Bộ Kinh tế, chỉ có nhiệm vụ liên quan đến chính sách, chủ yếu phân tích đánh giá chính sách cũ, dự thảo, phác thảo chính sách mới cho Thủ tướng. Phác thảo, dự thảo chỉ có thể thành chính sách khi được Quốc Hội thông qua. Các Bộ khác làm chuyện thực thi, hoặc kiểm soát việc thực thi chính sách trong các lĩnh vực chuyên biệt của mình từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giao thông, thương mại, tài chính v.v..”
Trụ sở của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư
Kế hoạch sáp nhập Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính đang trở thành vấn đề thời sự mặc dù việc này đã được bàn từ cách đây nhiều năm. Câu chuyện này nóng trở lại khi Bộ Nội vụ cho biết sẽ trình xin ý kiến Hội nghị Trung Ương 3 về việc sáp nhập hai bộ trong đầu tháng 7 để rồi trình lên Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 7. RFA ghi nhận ý kiến nhiều chiều từ các chuyên gia về vấn đề này.

Nên hay không nên?

Câu chuyện sáp nhập 2 bộ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (KH&ĐT) đã được đề cập tới ngót 10 năm nay. Dù chưa công bố đề xuất chi tiết việc sáp nhập hai bộ nhưng Bộ Nội vụ được báo chí Nhà nước trích lời cho biết  lý do hợp nhất là vì hai bộ này có nhiều liên quan về chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực vốn tài chính, cấp vốn đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công cũng như về lĩnh vực hoạt động liên quan đến các dự án đầu tư, cấp vốn đầu tư và quản lý vốn đầu tư…

Do đó, việc hợp nhất, theo Bộ Nội vụ, là sẽ khắc phục được các chồng chéo về chức năng và hoạt động, đảm bảo sự liên thông giữa các yếu tố: tài chính và đầu tư cũng như tinh gọn được bộ máy.

Tuy nhiên trong một trao đổi với RFA, GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, cơ quan tiền thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lại cho rằng bộ hai bộ này có chức năng, nhiệm vụ khác biệt. Ông nói:

Hầu như chẳng có nước nào đi sáp nhập một ông Tổng tham mưu về kinh tế, lo về chiến lược (là Bộ KH&ĐT- PV) với ông Bộ Tài chính – một ông chuyên về thu chi ngân sách cho Chính phủ. Tôi phản đối việc nhập hai Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính”.

GS Nguyễn Mại cho rằng, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới và đang hướng đến mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì Bộ KH&ĐT có một nhiệm vụ quan trọng và không thể thay thế đó là tham mưu cho Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng để các hoạt động cải cách mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.

000_Hkg10180877.jpg
Việc sáp nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Đề án Cơ cấu Chính phủ khóa XV dự kiến được trình lên Quốc hội vào cuối tháng 7 này. Ảnh: AFP

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào cuối năm 2017, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận hai bộ dù cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ KH-ĐT là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính là làm về phân bổ nguồn lực cho chi thương xuyên. Do đó, ông Dũng lúc bấy giờ cũng khẳng định nhiệm vụ của hai bộ không chồng chéo.  

Không giống với ý kiến nói trên của lãnh đạo và cựu lãnh đạo bộ KH&ĐT, một số chuyên gia độc lập mà RFA có dịp trao đổi cho rằng tuy chức năng nhiệm vụ chính về cơ bản khác nhau nhưng trên thực tế, không ít hoạt động của hai bộ có sự trùng lắp.

Trong đó, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích:

Theo tôi, chức năng nhiệm vụ của hai bộ có nhiều điểm trùng lắp với nhau, đặc biệt liên quan tới vấn đề quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Chính vì thế có khái niệm mà người ta gọi là ‘ngân sách kép’ – có nghĩa là khoản chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước về mặt tài chính thì do Bộ Tài chính quản lý nhưng về mặt thực tế chi đầu tư, kể cả khâu phân bổ cho đến quản lý đầu tư có các nguồn từ ngân sách Nhà nước, thậm chí các nguồn có tính chất ngân sách Nhà nước như các khoản tín dụng ưu đãi hay ODA thì do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Do đó nó nảy sinh ra bất cập trong quản lý ngân sách Nhà nước.” 

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, gần đây, Bộ KH&ĐT bắt đầu tham gia nhiều hơn và được giao quản lý khu vực doanh nghiệp (DN), đặc biệt khu vực DN ngoài nhà nước trong khi đó Bộ Tài chính lại quản lý tài chính DN nhà nước. Theo ông, việc quản lý của nhà nước đối với DN bị phân tách như vậy cũng gây khó khăn cho việc tạo một môi trường bình đẳng chung cho các DN. Ông nói tiếp:

Đối với DN, hiện nay cấp phép đầu tư, quản lý đầu tư của khu vực DN ngoài nhà nước và khu vực nhà nước là hai chủ thể khác nhau. Vì thế, nếu không có sự phối hợp giữa hai bên thì DN sẽ chịu thiệt hại vì chính sách sẽ vênh nhau và không bình đẳng giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước”

Cùng quan điểm với với TS Vũ Đình Ánh, một chuyên gia đồng thời là lãnh đạo một viện nghiên cứu kinh tế (không muốn tiết lộ danh tính) cũng khẳng định với RFA rằng“có khá nhiều sự chồng chéo” giữa hai bộ, đặc biệt là về nợ công, đầu tư công; chồng chéo về cải cách DN nhà nước.

Cũng theo chuyên gia này, ngoài việc tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi phí vận hành thì việc sáp nhập hai bộ sẽ giúp các kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam gắn kết tốt hơn với kế hoạch về tài chính, đầu tư công và do đó đảm bảo được tính “nhất quán và thông suốt”.

“Hai bộ có liên lạc khi làm kế hoạch nhưng đôi khi không chịu nhau. Bộ KH&ĐT có thiên hướng muốn tài chính phải phục vụ phát triển còn Bộ Tài chính thì muốn phải chặt chẽ, đảm bảo ngân sách không bị thâm hụt. Nghĩa là một bên muốn mở rộng đầu tư, bên kia muốn thắt chặt” – chuyên gia này nói.

000_Hkg10114708 (1).jpg
Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư không ít khi có quan điểm khác biệt trong đầu tư công. Ảnh AFP chụp một đoạn đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai ngày 1/11/2014

Ông cũng cho rằng việc sáp nhập hai bộ cũng có lợi cho DN vì khi đó DN sẽ chỉ phải giao dịch với một đầu mối.

Ông ví dụ liên quan đến đầu tư công, nếu việc sáp nhập hai bộ diễn ra thì DN nhà nước muốn cơ cấu lại hay muốn đầu tư ra nước ngoài thì chỉ cần báo cáo một bộ thay vì cả hai bộ như hiện nay.

Chuyện sáp nhập Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phải xuất phát chung từ lợi ích quốc gia. Nó liên quan tới câu chuyện về Nhà nước và doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung – TS Vũ Đình Ánh

Nỗi lo siêu bộ, siêu sở

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong đầu tuần này, lo lắng rằng tuy việc sáp nhập có thể giúp đạt mục tiêu giảm số bộ nhưng chức năng, nhiệm vụ của các bộ mới “sẽ tăng và tăng rất lớn”.

Ông giải thích ở VN, các bộ trưởng không chỉ làm chính sách mà còn phải quản lý toàn bộ lĩnh vực chính sách của mình, vì vậy, bộ trưởng hay được gọi là “tư lệnh ngành”. Ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ… số lượng bộ ít hơn mà vẫn vận hành trơn tru vì các bộ trưởng không phải làm tư lệnh ngành mà chỉ chịu trách nhiệm về việc hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Việc quản lý và thực thi chính sách do các cơ quan hành chính - công vụ đảm nhận.

Do đó, ông Dũng cho rằng, nếu mô thức quản trị không thay đổi, sáp nhập các bộ lại với nhau sẽ rất khó khăn, và nhiều khi “tổng lợi ích chưa chắc đã là số dương”. Theo ông, giải pháp hợp lý hơn sẽ là “điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để tránh trùng lặp”.

GS Nguyễn Mại, trong trao đổi với RFA cũng lo ngại về nguy cơ “biến bộ” sau sáp nhập trở thành “siêu bộ”. Ông cho biết:

Nhập hai cái đó [hai bộ] rồi thì chẳng biết ông nào làm được bộ trưởng để có thể xử lý một lúc hai chuyện tày đình như vậy”- GS Nguyễn Mại nói.

Bàn về giải pháp cho Bộ KH&ĐT, GS Nguyễn Mại cho biết ông ủng hộ gợi ý của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc phát triển bộ này thành Ủy ban Cải cách và Phát triển hay Bộ Kinh tế Chiến lược và Phát triển, tập trung vào chuyên môn xây dựng chính sách chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác dự báo và đối phó khủng hoảng.

Tôi rất đồng tình với nguyên Thủ tướng, giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một lần làm việc với Bộ KH&ĐT từ năm 2020 đề xuất Bộ KH&ĐT nên tập trung vào hướng đi giống như Ủy ban Cải cách và Phát triển lo về những chuyện cơ chế chính sách chiến lược, bỏ hết các chuyện hành chính sự vụ để chuyển sang Bộ chuyên môn. Toàn bộ Bộ KH&ĐT lo chiến lược dài hạn, trung hạn, kế hoạch hàng năm, lo dự báo, lo đối phó với bên trong và bên ngoài về cái khủng hoảng –những cái này bây giờ đối với nước nào cũng rất cần thiết”. – ông nói với RFA.

Những kinh nghiệm từ Mỹ

TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc trong một trao đổi với RFA cuối tuần qua cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo mô hình Hội đồng cố vấn kinh tế của Mỹ cho bộ KH& ĐT để có thể phát huy nhiệm vụ  phác thảo chiến lược và chính sách kinh tế cho toàn quốc gia của Bộ hay cơ quan này.

Council_of_Economic_Advisers.png
Con dấu của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ. Nguồn: Executive office of the President/Wikimedia Commons

Theo ông lợi ích của mô hình này là phân biệt rõ nhiệm vụ đánh giá và dự thảo chính sách cũng như nhiệm vụ thực thi và kiểm soát việc thực thi chính sách. Ông giải thích:

“Hội đồng cố vấn, dù có giữ tên là Bộ Kế hoạch hay Bộ Kinh tế, chỉ có nhiệm vụ liên quan đến chính sách, chủ yếu phân tích đánh giá chính sách cũ, dự thảo, phác thảo chính sách mới cho Thủ tướng. Phác thảo, dự thảo chỉ có thể thành chính sách khi được Quốc Hội thông qua. Các Bộ khác làm chuyện thực thi, hoặc kiểm soát việc thực thi chính sách trong các lĩnh vực chuyên biệt của mình từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giao thông, thương mại, tài chính v.v..”

Về hướng xử lý đối với các bộ phận không liên quan nhiều tới việc đánh giá, xây dựng chính sách của bộ KH&ĐT, TS Việt gợi ý Việt Nam nên xem xét chuyển các bộ phận này sang cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Riêng với tổng cục có tính chuyên môn chuyên biệt như Tổng cục Thống kê, ông Việt cho rằng nên để độc lập vì nếu nằm ở bộ nào thì cũng chỉ liên quan về mặt hành chính.

Về Cục Đầu tư nước ngoài và vấn đề FDI, theo ông Việt, Việt Nam có thể tham khảo mô Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) độc lập của Mỹ. Ủy ban này mang tính liên bộ, trong đó có đại diện Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại…, nhằm xem xét các dự án có liên quan đến an ninh quốc gia.

Các công ty nước ngoài phải tự xem xét, rồi nộp đơn xin cứu xét, nếu thấy rằng hoạt động của mình có liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu không liên quan thì không cần nộp đơn còn nếu có liên quan mà trốn tránh thì CFIUS có thể ra quyết định dừng hoạt động khi cần.

“CFIUS được đặt tại Bộ Tài Chính, không thuộc bộ này nhưng Bộ trưởng Tài chính là Chủ tịch Ủy ban”, ông cho biết.

Đối với mảng Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Bộ KH&ĐT đang phụ trách, ông cũng cho rằng có thể chuyển sang Bộ Tài chính vì ODA làm tăng thu ngân sách nên nếu mục đích hỗ trợ của nước ngoài không thật cụ thể thì việc phân phối và kiểm soát nó là thuộc bộ Tài chính.

Đối với các đơn vị còn lại ông cho rằng các cục như Cục quản lý đấu thầu và Cục quản lý đăng ký kinh doanh… có thể thu nhỏ và chuyển sang Bộ Công thương. Riêng Cục Phát triển doanh nghiệp, ông gợi ý có thể xem xét xóa bỏ vì những thông tin hỗ trợ DN như thông tin về ngành nghề, thị trường…. có thể do Tổng cục Thống kê thu thập và cung cấp, giống như mô hình cơ quan Thống kê về dân cư và kinh tế của Mỹ.

 “Quản lý đấu thầu công vừa mang tính nghiệp vụ tài chính, vừa mang tính đánh giá chuyên sâu về nghiệp vụ đối với người. Ở Mỹ, có luật về cạnh tranh thầu đúng đắn, và thực hiện thầu và chỉ áp dụng cho công trình công cộng và tài sản công. Chính bộ chuyên ngành như xây dựng, nông nghiệp, giao thông sẽ có trách nhiệm kêu thầu về các dự án công của mình. Chỉ cần dựa vào luật và các quy định hiện hành, các cơ quan chính phủ hoặc DN không trúng thầu có thể kiện nếu hoạt động đấu thầu có biểu hiện gian dối, hối lộ…và các DN gọi thầu cũng có thể kiện nhà thầu nếu không thực hiện thầu đúng hợp đồng. Vì thế, không nhất thiết phải duy trì Cục quản lý đấu thầu. Bộ Công thương có thể có một tổ thường xuyên theo dõi về luật hay qui trình đầu thầu để kiến nghị thay đổi khi cần là đủ” – TS Vũ Quang Việt

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/merger-of-mpi-and-mof-still-controversial-06292021174028.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét