Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Vắc-xin Trung Quốc: Của cho không bằng cách cho

Đoạn cuối hay: Người Việt Nam có câu “Của cho không bằng cách cho”. Qua chuyện này mới lại thấy, với cách cho như vậy, Trung Quốc thể hiện sự trịch thượng, kiêu căng và láo xược của Bắc Kinh. Mới thấy đúng là vì sao người Việt Nam không thể thân thiện được với Trung Quốc. Hay nói như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: “Những bạn nào hay biện minh cho Tàu thì đây là cơ hội để nhìn lại quan điểm của mình nghen. Họ không tử tế gì với Việt Nam đâu; họ càng ngày càng hành xử giống như các quan chức thực dân.”
Vắc-xin Trung Quốc: Của cho không bằng cách cho
Hoài Đông 2021-06-28 - 
Ngoại giao vắc xin của Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng vắc-xin ngừa COVID-19 do nước này sản xuất sẽ trở thành “hàng hóa phổ thông toàn cầu”, Bắc Kinh đã tham gia vào quảng bá sản phẩm của mình trên khắp thế giới nhằm nâng cao hình ảnh “mềm”, thiện chí và uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế.
Hình minh hoạ: Đại sứ TQ ở Hà Nội, Hùng Ba, trao tặng 500.000 liều vắc-xin của hãng Sinopharm (TQ) tặng Việt Nam hôm 20/6/2021 ở sân bay Nội Bài, Hà Nội. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM

Trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành, Trung Quốc đang cố gắng thể hiện như một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm với “chính sách ngoại giao vắc-xin” và tìm cách triển khai vắc-xin đến các khu vực khác như châu Phi, châu Á và Nam Mỹ…

Trên thực tế, chính sách ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc giúp “làm đẹp” hình ảnh của chính phủ nước này trong mắt cộng đồng quốc tế nói chung, cũng như giúp đoàn kết với các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) nói riêng. Ví dụ, Ngoại trưởng Algeria Sabri Boukadoum đã gửi lời cảm ơn Trung Quốc vì đã viện trợ vắc-xin, đồng thời khẳng định hết lòng ủng hộ BRI. Chiến lược ngoại giao vắc xin của Trung Quốc thậm chí còn phục vụ lợi ích chính trị trong nước khi làm hài lòng nhân dân thông qua mức độ hiệu quả của biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại nhà, cũng như hỗ trợ các nước khác.

Bắc Kinh cũng cho biết ưu tiên sẽ được dành cho các nước sông Mekong - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - và hứa rằng Philippines sẽ được tiếp cận nhanh chóng, trong khi các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe sẽ nhận được khoản vay 1 tỷ đô la Mỹ để mua vắc-xin.

Container chở vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc đến Santiago, Chile hôm 28/5/2021. Reuters

Có thật là viện trợ?

Thế nhưng “chính sách ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc lại bị thất bại tại Việt Nam, quốc gia láng giềng thân thiết “mười sáu chữ vàng, bốn tốt” của Trung Quốc.

Trung Quốc vốn coi Việt Nam là nước “nằm trong vùng ảnh hưởng” của họ từ lâu. Hai quốc gia này có những lịch sử phức tạp trong quan hệ của đôi bên. Trung Quốc là quốc gia cộng sản đã trợ giúp cho chính quyền cộng sản Việt Nam trong nhiều năm chống Pháp, nhưng Trung Quốc cũng đã tấn công Việt Nam trên đất liền năm 1979 và nhiều lần khác trên biển.

Quan hệ Việt - Trung gần đây ngày càng trở nên lạnh nhạt do các hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông. Chính vì vậy, mặc dù lẽ ra Việt Nam là quốc gia được ưu tiên trong “chính sách ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc, nhưng trên thực tế Việt Nam lại là quốc gia hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất ở Đông Nam Á không muốn lệ thuộc vào vắc-xin của Trung Quốc.

Đa số người dân Việt Nam ngày càng có tâm lý căm ghét Trung Quốc bởi các hành động hung hăng, côn đồ của họ trên biển Đông, điều đó dễ dẫn tới tâm lý ghét cả vắc-xin của Trung Quốc. Gần đây, một bài báo trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Lương Nguyễn An Điền cũng chỉ ra lý do người Việt Nam không muốn vắc-xin từ Trung Quốc. (1)

Người xếp hàng chờ tiêm vắc-xin của hãng AstraZeneca ở Hải Dương hôm 8/3/2021. Reuters

Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Việt Nam đang bối rối trước sự lây lan ngày càng rộng, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người ở đất nước này. Trong bối cảnh đó, vắc xin là giải pháp duy nhất hiệu quả để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Chính quyền Việt Nam đã cầu viện sự giúp đỡ vắc-xin của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trước tình hình đó, Nhật Bản đã viện trợ lần đầu cho Việt Nam 800.000 liều vắc xin AstraZeneca, lần hai là một triệu liều. Sự viện trợ này không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào.

Bắc Kinh cũng tuyên bố “viện trợ” cho Việt Nam 500.000 liều vắc-xin Vero Cell. Vero Cell là vắc-xin của công ty dược phẩm Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình COVAX mua để giúp các nước tiếp cận với vắc xin một cách công bằng. Chính phủ Việt Nam đã tổ chức nguyên một chuyến bay và lễ đón nhận để tỏ lòng trọng thị sự “viện trợ” này của Trung Quốc.

Sau khi nhận, Bộ Y tế Việt Nam cho biết sẽ phân bổ 500.000 liều vắc xin này cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật chín tỉnh và Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Trong số này, Lào Cai nhận 17.300 liều, Lạng Sơn nhận 121.000 liều, Quảng Ninh 230.000 liều, Nam Định 1.700 liều, Thái Bình 1.400 liều, Điện Biên 28.000 liều, Cao Bằng 60.000 liều, Lai Châu 6.000 liều, Hà Giang 34.000 và Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (để kiểm định và lưu mẫu) 600 liều. (2)

Nhiều người dân Việt Nam đã công khai lên tiếng là họ sẽ không chấp nhận vắc-xin này, cho dù dịch bệnh có ra sao đi chăng nữa. Do chính phủ Trung Quốc chỉ chấp nhận hộ chiếu vắc-xin cho những người sử dụng vắc-xin Trung Quốc nên chính phủ Việt Nam đã phân phối tiêm cho ba nhóm là người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới. Như vậy, về thực chất, rất nhiều trong số vắc-xin này dùng cho những người Trung Quốc đang ở Việt Nam. 

Điều đó cho thấy thực sự “viện trợ” của Trung Quốc thế nào. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Australia) có nêu rõ trên Facebook cá nhân là “Trời ơi! Họ dùng y bác sĩ của mình cứu người của họ, vậy mà họ và báo chí VN nói là 'donate' (biếu).”

Bỗng dưng muốn … chửi

Nhưng cũng chưa hết, bỗng dưng, ngày 25.6, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết: “Đại sứ quán Trung Quốc phàn nàn Việt Nam đã không dành tiêm chủng cho kiều dân TQ như đã hứa và ra hẳn thông cáo về việc này” (3). Đại sứ quán Trung Quốc còn nói là Việt Nam đã thất bại, không giữ lời hứa. Đồng loạt các báo chí tiếng Anh đã đưa thông tin này, trong khi phía Việt Nam không được báo trước về chuyện này.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam đã viết trên Facebook: "Tặng là trân quí, nhưng tặng là tặng. Cứ muốn hỏi, sao lại không rạch ròi ra, trong 500.000 liều đó, bao nhiêu cho Việt Nam, bao nhiêu cho Trung Quốc. Để còn cảm ơn cho đúng số lượng: Tức là, không hẳn Trung Quốc đã tặng Việt Nam trọn vẹn ngần ấy liều, như công bố. Rồi khi có thắc mắc gì đó, chưa biết đã làm gì với các cơ quan Việt Nam, để đến nỗi Đại Sứ Quán Trung Quốc đã vội dùng đến việc ra thông cáo và công bố lên báo chí những sự phàn nàn như vậy.”

Người Việt Nam có câu “Của cho không bằng cách cho”. Qua chuyện này mới lại thấy, với cách cho như vậy, Trung Quốc thể hiện sự trịch thượng, kiêu căng và láo xược của Bắc Kinh. Mới thấy đúng là vì sao người Việt Nam không thể thân thiện được với Trung Quốc. Hay nói như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: “Những bạn nào hay biện minh cho Tàu thì đây là cơ hội để nhìn lại quan điểm của mình nghen. Họ không tử tế gì với Việt Nam đâu; họ càng ngày càng hành xử giống như các quan chức thực dân.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/chinese-vaccine-donated-in-a-domineering-way-06282021141934.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét