Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Chuyện vui buồn liên quan đến vắc xin COVID-19

Chuyện vui buồn liên quan đến vắc xin COVID-19
ĐỨC ANH 19, Tháng 06, 2021 Chuyện vui, chuyện buồn đề cập trong bài viết này liên quan đến dịch COVID-19 buộc chúng ta phải suy nghĩ không những về lợi ích quốc gia, mà xa hơn là cuộc ganh đua của các dân tộc trong một thế giới bất định, khó dự báo.

Tổng cục Du lịch cần chủ động phối hợp với các bộ có liên quan, với UBND tỉnh Kiên Giang và TP. Phú Quốc, có sự tham vấn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế hình thành “Chương trình phục hồi du lịch tại Phú Quốc” trình Chính phủ phê duyệt để sớm thực hiện. Ảnh minh hoạ: Lục Tùng

Ngày 29/5/2021, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: “Tổng thể nước ta đang kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cục bộ một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình mới, diễn biến mới của dịch bệnh phức tạp hơn đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, phù hợp, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo tinh thần chung là 'chống dịch như chống giặc', mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn”.

Chiều 17/6, Viện Pasteur TP.HCM đã tiếp nhận hơn 800.000 liều vắc xin AstraZeneca do Nhật Bản tặng. Dự kiến chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ bắt đầu ngày hôm nay 19/6, kéo dài 5-7 ngày tại khoảng 1.000 điểm. Đây là đợt tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM, khoảng 1 triệu người được tiêm là những đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Thành phố dự kiến sẽ nhanh chóng nhập khẩu thêm 5 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 60% dân số, bảo đảm miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.

Nhiều tỉnh và thành phố đã chủ động liên hệ với các đối tác nước ngoài, thông qua doanh nghiệp Việt Nam để tự nhập khẩu vắc xin COVID-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch có kết quả, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh” trong trạng thái bình thường mới.

Quỹ vắc xin phòng COVID-19 chính thức ra mắt vào tối 5/6 nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước, phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin và nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, được sử dụng cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Quỹ đã nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước đến nay đã có gần 5,5 nghìn tỷ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam. Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận xét: Việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vắc xin toàn cầu. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch".

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: "Đây là một sáng kiến hay, là điều Liên hợp quốc đã ủng hộ trong nhiều tháng nay".

Chúc mừng Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ vắc xin phòng COVID-19, bà Carollyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả là biện pháp cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bà tin tưởng Chính phủ Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong việc đẩy nhanh tiếp cận vắc xin cho người dân.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP đã thực hiện một nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về dịch COVID-19. "Kết quả cho thấy sự ủng hộ thực sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ".

Sáng kiến thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 một lần nữa thể hiện tính sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý những tình huống bất thường trong đời sống xã hội, đồng thời thể hiện lòng tin của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Cùng với một số câu chuyện vui trên đây cũng có cả câu chuyện buồn, không nên và không đáng có liên quan đến vắc xin COVID-19. Theo Báo Thanh niên, cuối năm 2020, Công ty VNVC đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 từ AstraZeneca. Lô đầu tiên 117.600 liều về Việt Nam cuối tháng 2/2021đã được bàn giao cho Bộ Y tế để triển khai tiêm đợt 1 ngày 8/3; lô thứ hai 288.000 liều về Việt Nam từ 25/5, đã “mắc kẹt” trong kho bảo quản trong 20 ngày nhưng chưa được giải quyết.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc mua vắc xin khẩn cấp chưa từng có tiền lệ, lại mua với giá đàm phán, không qua đấu thầu, do đó Bộ Y tế không thể quyết định được việc chi trả, thủ tục phân phối. Trong khi đó, Công ty VNVC lo ngại việc “mắc kẹt” 288.000 liều vắc xin nếu không được tháo gỡ thì tới đây, số lượng lớn vắc xin sẽ về dồn dập trong tổng 30 triệu liều đã được AstraZeneca cam kết cung cấp, cũng có nguy cơ bị mắc kẹt, trong khi nhu cầu phòng chống dịch rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh cần phải sáng tạo trong xử lý công việc của các bộ, khi chưa có tiền lệ thì mạnh dạn làm thử để giải quyết ách tắc, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân; huống hồ đây lai là sự việc đã có tiền lệ khi Bộ Y tế đã nhận bàn giao lô đầu tiên của Công ty VNVC, gần đây Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp có năng lực chủ động nhập khẩu vắc xin, thì tại sao lại gây khó cho công ty khi đáng ra phải khen thưởng xứng đáng vì đã sớm ký kết hợp đồng mua vắc xin từ cuối năm 2020.

Đến đây có lẽ là lúc bàn về vế thứ hai của câu chuyện: khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.

Ai đã từng tham gia quản lý nhà nước ở cấp bộ, cấp tỉnh đều nhận biết rằng, trong tình huống bình thường thì mọi việc đều diễn ra như kịch bản đã dự kiến, người lãnh đạo khá nhàn hạ khi đưa ra quyết định; chỉ trong trường hợp bất bình thường như dịch bệnh hiện nay mới đòi hỏi tính dự báo sáng tạo để đưa ra các quyết sách kịp thời, thích hợp nhằm làm chuyển động đời sống kinh tế - xã hội.

Du lịch, hàng không, khách sạn, ăn uống là những ngành, lĩnh vực chịu tổn thất nặng nề trong đại dịch, do vậy không những cần được sự hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách như giảm, miễn thuế, hoãn đóng bảo hiểm…; mà quan trọng hơn là chủ trương khôi phục các hoạt động có liên quan bằng giải pháp mới có tính sáng tạo.

Thái Lan mặc dù chịu tác động dịch COVID-19 nặng nề hơn Việt Nam nhưng luôn tìm kiếm cơ hôi với sáng kiến mới để khôi phục du lịch quốc tế, lĩnh vực đã gây thiệt hai cho nước này trên 55 tỷ USD trong năm 2020.

Từ ngày 1/7 Thái Lan sẽ cho phép du lịch miễn cách ly đến "thiên đường du lịch" Phuket trong một chương trình mang tên "Hộp cát". Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua, Thái Lan mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Điều kiện là du khách đã được tiêm vắc xin COVID-19 và không đến từ các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao. Với mô hình du lịch "Hộp cát" sáng tạo, du khách sẽ không cần dành nhiều ngày trong khu cách ly.

Chương trình "Hộp cát" Phuket dĩ nhiên phải được thực hiện dựa trên sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó nền tảng chính là tỷ lệ tiêm chủng của cư dân trên đảo đã đạt ít nhất 70% sau những nỗ lực khuyến khích người dân tiêm vắc xin, trong khi trên toàn quốc hiện chỉ hơn 5%.

Đây là lần đầu tiên có một quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc khiêm tốn như vậy thực sự mở cửa với phần còn lại của thế giới bởi bên trong sáng kiến "Hộp cát", người dân đã đạt miễn dịch cộng đồng. Các chuyên gia ước tính sẽ có khoảng 6,5 triệu du khách nước ngoài tới thăm Thái Lan trong năm nay sau khi tiến trình tái mở cửa bắt đầu.

Ông Yuthasak Supasorn, thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết: "Trong quý III, khách du lịch nước ngoài đến Phuket sẽ không phải cách ly. Trong quý IV, mô hình của Phuket sẽ mở rộng ra cho cả Phang Nga, Samui, Pattaya và Chiang Mai".

Kiến nghị với Chính phủ nên tham khảo Chương trình “Hộp cát” của Thái Lan để thực hiện trước tiên tại Phú Quốc, cũng là “thiên đường du lịch’ không thua kém Phuket, ở đó không chỉ có bờ biển đẹp với nhiều bãi cát trắng, được đầu tư nhiều tỷ USD đã hình thành cơ sở hạ tàng kỹ thuật, xã hội với nhiều khách sạn 4-5 sao, trung tâm mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, hàng ngày có thể đón nhiều vạn khách du lịch nội địa và quốc tế.

Tổng cục Du lịch cần chủ động phối hợp với các bộ có liên quan, với UBND tỉnh Kiên Giang và TP. Phú Quốc, có sự tham vấn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế hình thành “Chương trình phục hồi du lịch tại Phú Quốc” trình Chính phủ phê duyệt để sớm thực hiện. Khi dịch bệnh đã được khống chế tại các địa phương khác thì mở rồng dần, tiến tới phục hồi du lịch và các dịch vụ có liên quan.

Chuyện vui, chuyện buồn liên quan đến dịch COVID-19 buộc chúng ta phải suy nghĩ không những về lợi ích quốc gia, mà xa hơn là cuộc ganh đua của các dân tộc trong một thế giới bất định, khó dự báo.

https://nhadautu.vn/cafe-cuoi-tuan-chuyen-vui-buon-lien-quan-den-vac-xin-covid-19-d53674.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét