Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Sẽ xóa trạm BOT gần cầu Vàm Cống

Tuyệt vời. Sẽ xóa bỏ được 1 trạm BOT. Chúc mừng ace lái xe Cần Thơ và Miền Tây Nam Bộ. Tuy người dân sẽ được lợi, nhưng nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra mua lại; chắc chắn giá mua sẽ cao hơn nhiều so với số tiền thực được doanh nghiệp bỏ ra. Như vậy, trước mắt các bên đều vui vì vụ việc được giải quyết, nhưng về lâu dài, toàn dân hoặc riêng dân Cần Thơ, sẽ phải è cổ đóng thêm thuế cho cách giải quyết này. Cuối cùng chính dân là người thiệt nhất, chỉ có doanh nghiệp câu kết với quan tham, giải quyết kiểu gì chúng cũng có lợi. Chúng chỉ không có lợi khi nhà nước tổ chức thẩm định lại toàn bộ chi phí chúng đã bỏ ra xem có đúng đã chi phí như đã báo cáo không hay là khai tăng nhiều lần so với chi phí thực sự đã bỏ ra.
Sẽ xóa trạm BOT gần cầu Vàm Cống
12/11/2019 - Bộ Giao thông Vận tải thống nhất xóa trạm BOT T2 đặt sai vị trí trên quốc lộ 91, sau hơn 5 tháng ngừng thu phí vì bị tài xế phản ứng. Dự án BOT quốc lộ 91B sẽ được mua lại bằng vốn ngân sách của TP Cần Thơ hoặc Trung ương, hoặc cả hai nguồn, Bộ Giao thông Vận tải thông báo kết luận của thứ trưởng Nguyễn Nhật ngày 12/11.

Trạm BOT T2 dừng thu phí từ ngày 25/5. Ảnh: Cửu Long.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, phương án xả trạm T2 chờ tuyến tránh TP Long Xuyên (dự kiến hoàn thành năm 2020) là không khả thi vì thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT quốc lộ 91 kéo dài trên 30 năm; kế hoạch trả nợ sẽ bị phá vỡ, phía ngân hàng không đồng thuận.

Để có căn cứ báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị liên quan quyết toán lại dự án, xác định lại thời gian thu tiền. Đặc biệt là quyết toán đoạn quốc lộ 91B mà Công ty cổ phần đầu tư BOT quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã bỏ kinh phí đầu tư; tính toán phương án hỗ trợ từ nguồn ngân sách.

Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ sẽ nghiên cứu, báo cáo UBND TP Cần Thơ phương án tiếp nhận, quản lý và bảo dưỡng tuyến quốc lộ 91B sau khi được bàn giao. 

UBND tỉnh An Giang cũng gửi văn bản để Bộ Giao thông Vận tải có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận trong thời gian sớm nhất...

Hồi tháng 7, Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang gửi văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư để có tiền trả nợ ngân hàng.

Trường hợp không được chấp thuận, nhà đầu tư đề nghị Chính phủ hỗ trợ 880 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng và chi phí làm quốc lộ 91B 480 tỷ đồng). Khi đó, dự án chỉ thu phí tại trạm T1.

Công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 gồm hai phân đoạn: 28 km quốc lộ 91 và 16 km quốc lộ 91B. Tổng vốn đầu tư dự án trên 1.651 tỷ đồng. Chủ đầu tư được thành lập bởi liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO.


Vị trí trạm BOT T2. Ảnh: Thanh Huyền.

Để hoàn vốn, chủ đầu tư đặt hai trạm thu phí, gồm T1 và T2. Trong đó, vị trí đặt trạm T2 (giáp ranh với An Giang) từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành hôm 19/5, do các xe qua cầu đã "đụng" trạm thu phí.

Ngày 25/5, trạm T2 dừng thu phí, chờ phương án giải quyết từ cấp trên.

Cửu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét