Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Chấn hưng đạo đức cho giới trẻ: Được hay không?

Thanh niên phải rèn luyện quen với phản biện xã hội để phân biệt đúng sai để từ đó có quan điểm riêng của họ. Thế nhưng ở Việt Nam thì tất cả mọi thứ phải theo người lớn, phải theo cha mẹ, phải theo thầy cô. Kỹ năng để phản biện và biết tư duy để phân biệt đúng sai, đâu là giá trị tốt hay xấu thì Việt Nam không có. TS. Phạm Quỳnh Hương nói. Nhiều năm trước, qua những dịp trao đổi với giới trí thức tại Việt Nam, Đài RFA ghi nhận các ý kiến như của Nhà văn Nguyên Ngọc, Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Giáo sư Hà Văn Thịnh… đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến đạo đức xã hội sa sút bởi do “bệnh giả dối” mà ra, mặc dù nơi nơi tràn ngập khẩu hiệu và phong trào “học tập, làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chấn hưng đạo đức cho giới trẻ Việt Nam: Được hay không?
RFA 2019-11-20 - 
Suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam hiện nay là người ta không quan tâm đến vấn đề xã hội và chính trị mà chỉ biết đến những thú vui và những suy nghĩ bồng bột theo chiều hướng xa hoa, hào nhoáng và trở nên những con người vô cảm -Bạn trẻ Huy Jos.

Các bạn trẻ nghỉ học, đội mưa đến theo dõi 
phiên tòa xét xử Khá "bảnh" ngày 13/11/19.
Nhận thức “lệch lạc” của giới trẻ
Đại biểu Quốc hội-Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, bên lề hành lang Quốc hội vào sáng ngày 14/11 nói với báo giới rằng một số bạn trẻ thần tượng nhân vật Khá “bảnh” hay tung hô những thành phần bất hảo khác trên mạng xã hội là sự nhận thức lệch lạc.

Khá “bảnh”, một thanh niên được nhiều người biết đến trên mạng xã hội Youtube và Facebook với những đoạn video về giang hồ, vừa bị tòa án ở Bắc Ninh tuyên phạt tổng cộng 10 năm 6 tháng tù về hai tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đồng thời tịch thu gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, truyền thông trong nước cho biết Khá “bảnh” được rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam tung hô, ủng hộ và thậm chí đã nghỉ học, đội mưa đến theo dõi phiên tòa, diễn ra vào hôm 13/11.

Đài RFA ghi nhận không chỉ nhân vật Khá “bảnh” mà đông đảo bạn trẻ ở Việt Nam cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ thanh niên xâm trổ Dương Minh Tuyền khi người này cùng một nhóm “anh em ngoài xã hội” đến gia đình nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng ở Hưng Yên hồi hạ tuần tháng 3 vừa qua để giúp đỡ về tài chính và dặn dò bất kể khi nào bị bạn học hành hung, thì họ sẽ bảo vệ tuyệt đối.

Nhiều bạn trẻ tại Việt Nam còn thức khuya dậy sớm xếp hàng để chờ gặp mặt những người nổi tiếng là thần tượng yêu quý của họ là những ca sĩ, nghệ sĩ Hàn Quốc… Khi được gặp, không ít bạn trẻ đã gào thét, khóc lóc, hôn chiếc ghế của thần tượng ngồi…

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu khẳng định với báo giới rằng nhận thức như thế của giới trẻ Việt Nam, mà theo ông là “lệch lạc”, sẽ không tồn tại lâu vì đó là quy luật trong phát triển nhận thức và các bạn trẻ cần được thông cảm trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng để chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay thì cần “một cuộc chấn hưng về đạo đức, giáo dục về các thang giá trị đạo đức chân chính cho giới trẻ”.

Nguyên nhân

Bạn trẻ Huy Jos, vào tối ngày 20/11 chia sẻ với RFA với bối cảnh xã hội Việt Nam mà sự thành công được đo lường bằng nổi tiếng và vật chất thì nghiễm nhiên:
“Suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam hiện nay là người ta không quan tâm đến vấn đề xã hội và chính trị mà chỉ biết đến những thú vui và những suy nghĩ bồng bột theo chiều hướng xa hoa, hào nhoáng và trở nên những con người vô cảm.”
Anh Phạm Minh Vũ, một cựu tù nhân lương tâm, nêu lên nhận xét của anh với RFA:
“Khi chính trị có sự thờ ơ thì hiện tượng Hồ Chí Minh cũng là một nhân vật chính trị và các bạn trẻ đa số là ‘lơ’ đi. Song song đó thì các bạn muốn thể hiện với bên ngoài phải hết sức đẳng cấp và ở ngoài đường hay trên mạng xã hội thì có những hình tượng là đẳng cấp của mình, như Khá ‘bảnh’ hay thậm chí trước đây có ca sĩ phát ngôn những câu rất tục tĩu nhưng lại được sự hâm mộ của phần đông giới trẻ hoặc những lời phát ngôn về các hiện tượng xã hội ở Việt Nam mà tôi cho là vô đạo đức nhất thì lại được các bạn trẻ tôn thờ.”
Nhà xã hội học-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói với RFA rằng có 3 yếu tố tác động đến nhận thức về đạo đức của thế hệ trẻ tại Việt Nam, tính từ thời điểm đất nước “mở cửa” về kinh tế theo kinh tế thị trường mà giá trị đạo đức không còn được đặt vào vị trí hàng đầu trong mọi lĩnh vực của xã hội. Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương phân tích:
“Theo kinh tế thị trường, tức là người ta chạy theo những lợi ích về kinh tế và những lợi ích khác trên hết. Những lợi ích xã hội và đạo đức xã hội bị xếp phía sau lợi ích kinh tế. Thứ hai nữa là giáo dục trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay thì chỉ chú trọng vào giáo dục những kiến thức sách vở như toán học, vật lý…chứ còn giáo dục về khía cạnh những giá trị xã hội thì rất ít. Người ta chỉ giáo dục một cách rất chung chung là phải đùm bọc, quan tâm đến nhau thế nhưng trên thực tế những sự kiện xã hội xảy ra xung quanh thì người ta không uốn nắn ngay, mặc dù những sự kiện đấy rất ngược lại với những điều được giáo dục. Giữa giáo dục giáo điều và thực tế rất xa nhau.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhấn mạnh còn một yếu tố thứ 3 rất quan trọng là ở Việt Nam hầu như không có tư duy độc lập, hay còn gọi là phản biện xã hội:
“Thanh niên phải rèn luyện quen với phản biện xã hội để phân biệt đúng sai để từ đó có quan điểm riêng của họ. Thế nhưng ở Việt Nam thì tất cả mọi thứ phải theo người lớn, phải theo cha mẹ, phải theo thầy cô. Kỹ năng để phản biện và biết tư duy để phân biệt đúng sai, đâu là giá trị tốt hay xấu thì Việt Nam không có.”
Các vụ bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở Việt Nam.
Các vụ bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở Việt Nam. File photo
Trong khi đó, nhiều năm trước, qua những dịp trao đổi với giới trí thức tại Việt Nam, Đài RFA ghi nhận các ý kiến như của Nhà văn Nguyên Ngọc, Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Giáo sư Hà Văn Thịnh…đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến đạo đức xã hội sa sút bởi do “bệnh giả dối” mà ra, mặc dù nơi nơi tràn ngập khẩu hiệu và phong trào “học tập, làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhà giáo Hoàng Oanh, ở Hà Nội từng nhận định với RFA:
“Tất cả mọi thứ ở Việt Nam đều ở dạng 'nói vậy nhưng không phải vậy', cho nên bây giờ dạy đạo đức bây giờ học trò nó nghe nó cứ buồn cười.”
Kể từ sau ngày 30/04/1975, hệ thống giáo dục của Việt Nam tập trung vào chương trình học tập và noi gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế nhưng Chính phủ Việt Nam vào năm 2015 phải ban hành nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng với mục tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn xong và đến năm 2030 sẽ đẩy lùi được sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp thứ 16 diễn ra vào hôm 26/07/19, một lần nữa cảnh báo tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức về nhiều mặt ngày càng đông.
Theo số liệu báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có xấp xỉ 8000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật và có đến 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự. Số liệu thống kê này được ghi nhận là đông nhất so với thời gian gần đây và đa số cán bộ, đảng viên bị kỹ luật do tham nhũng. Thông tin liên quan mới nhất được truyền thông quốc nội vừa loan báo là hai ông cựu bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sẽ ra hầu tòa vào trung tuần tháng 12 tới đây vì đã nhận hối lộ lên hàng triệu đô la Mỹ.
Giải pháp nào?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một số bạn trẻ, ở độ tuổi vừa học xong trung học và chập chững bước vào đời, nói rằng trước những thông tin như vừa nêu, họ thật sự hoang mang cũng như không biết nên đặt niềm tin vào giá trị nào trong cuộc sống là chuẩn mực.
Liên quan quan điểm của Đại biểu Quốc hội-Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu là cần có một cuộc chấn hưng đạo đức cho giới trẻ Việt Nam, dù cuộc chấn hưng này là lâu dài, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng không ít người cũng có cùng quan điểm với ông Tướng Công an Nguyễn Hữu Cầu; tuy nhiên Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu vấn đề rằng ai sẽ chịu trách nhiệm để thực hiện cuộc chấn hưng đạo đức này? Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương đưa ra dẫn chứng đã có một số các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ (NGOs) tiến hành các chương trình hỗ trợ giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên Việt Nam. Nhưng:
“Tuy nhiên làm không xuể được với cả một đội ngũ hùng hậu của nền kinh tế thị trường và người ta làm bất chấp mọi thứ để chạy theo lợi ích. Thế thì rất là khó và tôi cũng không lạc quan về chuyện có thể thay đổi gì cả.”
Về vai trò của Bộ Giáo dục, thì các chuyên gia giáo dục không có niềm tin trong vấn đề chấn hưng đạo đức cho các thế hệ trẻ của Việt Nam. Nhà giáo Tô Oanh ở Bắc Giang từng than phiền:
“Tôi cho rằng Bộ Giáo Dục Việt Nam bây giờ bị nát quá rồi. Giáo dục Việt Nam xuống cấp một cách trầm trọng cho nên đạo đức xã hội bây giờ chả ra sao cả.”
Và một số không nhỏ bạn trẻ tại Việt Nam chia sẻ rằng nhờ vào internet và truyền thông mạng xã hội, họ có cơ hội nhiều hơn để tìm hiểu và học hỏi về những giá trị xã hội và đạo đức của nhân loại, cũng như họ bày tỏ chính kiến của họ về tình hình đất nước với mong cầu Việt Nam được tốt đẹp và văn minh hơn. Mặc dù vậy, họ đang phải đối diện những nguy cơ với chính quyền, thậm chí là những bản án tù như tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ qua việc làm chính đáng của mình đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét