Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Dùng mạng xã hội càng nhiều, hạnh phúc càng ít

Dùng mạng xã hội càng nhiều thì hạnh phúc càng ít nên bài học rút ra ở đây là dùng mạng xã hội càng ít thì các bạn sẽ càng hạnh phúc. Điều này có đúng ở VN ta không nhỉ ? Trong xã hội dân chủ văn minh, thông tin công khai minh bạch nên không cần dùng mạng xã hội, người dân vẫn biết đủ thứ, vẫn thông minh, làm việc tốt. Ngược lại ở VN ta, báo chí và các phương tiện thông tin chính thống toàn bị định hướng chính trị nên không phản ánh đúng sự thật, thậm chí lừa bịp dân. Nếu không vào mạng xã hội thì người dân có biết sự thật xã hội là gì không, có bị ngu dần đi không ? Tuy nhiên, theo tư duy toán học, từ mệnh đề trên, chúng ta có quan hệ nhân quả ngược lại: Càng ít hạnh phúc thì càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội!. Ví dụ vợ chồng giận nhau thì mỗi người một điện thoại cả đêm nghiền Facebook... Quan hệ này có vẻ đúng, vì vợ chồng giận nhau chẳng ai xem tivi hay báo lá cải của nhà nước cả. Đêm thì hàng quán đóng cửa, bạn bè ngủ cả, giận nhau không ngủ được thì chỉ còn Facebook để tâm sự.
Thời lượng sử dụng mạng xã hội càng nhiều, càng giảm hạnh phúc
Dân trí - Một người đang hăng say làm việc miệt mài bỗng chốc có thể buồn não lòng khi thấy người khác đăng ảnh tung tăng đi du lịch, mà có khi ảnh đó là ảnh cũ cả năm trước rồi. Tưởng rằng vào mạng xã hội để xả stress đôi chút mà thành ra lại cảm thấy bực bội đâu đâu…
Mạng xã hội chỉ phản ánh một phần của cuộc sống, chứ không phải tất cả cuộc sống. Người ta chỉ đăng lên mạng những hình ảnh long lanh, tươi đẹp, xa hoa... để “khoe” với người khác về sự xinh đẹp, giàu có, mãn nguyện của mình chứ mấy ai đăng những góc khuất, góc xấu. Bởi vậy, mỗi khi vào mạng xã hội, chúng ta lại tự động nảy sinh sự so sánh giữa cuộc sống tuyệt vời trong ảnh của người khác với cuộc sống thực tế “chán òm” của mình và cảm thấy bất mãn, bất lực về bản thân.

Bậc thầy tâm linh người Ấn Độ Osho cho rằng “so sánh là căn nguyên của đau khổ” - nếu như vậy thì vào mạng xã hội là một trong những cách thức nhanh nhất để con người ta nảy sinh sự so sánh, tức là nảy sinh căn nguyên của đau khổ.

Mỗi ngày ai trong chúng ta cũng có trong tay 24 tiếng đồng hồ để sử dụng. Tính sơ sơ khoảng 8 tiếng đồng hồ là thời gian trung bình chúng ta làm việc kiếm sống hàng ngày, khoảng 10 tiếng dành cho thời gian ăn, ngủ và nghỉ ngơi, vậy thì chúng ta được tự quyết định cách sử dụng thời gian của mình trong 6 tiếng còn lại.

Nếu có thể tự quyết về cách sử dụng thời gian của mình, ai dại gì chọn cách để mình giảm hạnh phúc? Thế nhưng theo một kết quả khảo sát gần đây, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Như vậy, giới trẻ Việt Nam đang dành một lượng lớn thời gian vào mạng xã hội để rồi bị nảy sinh cảm giác so sánh - “căn nguyên của đau khổ”.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman cho rằng, sử dụng thời gian là yếu tố khả thi nhất quyết định hạnh phúc. Nếu vào mạng xã hội khiến người ta nảy sinh cảm giác so sánh, không hài lòng về bản thân, vậy thì có các cách gì khác sử dụng thời gian để mang lại hạnh phúc?


Các nhà khoa học đề xuất rất nhiều hoạt động giúp con người hạnh phúc như dành thời gian cho một sở thích có ý nghĩa, ở bên những người mình yêu quý, giúp đỡ người khác/làm hoạt động tình nguyện, các hình thức giải trí như đọc một cuốn sách hay, nghe những bản nhạc yêu thích, tập luyện thân thể, ra ngoài thiên nhiên…

Nguyên Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét