Con buôn và con cưng
Đinh Hồng Kỳ, Doanh nhân 2/5/2019 - Khi tôi học cấp một ở Hà Nội, vào thập niên 70, người bác làm ở Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur đi công tác Bulgaria mang về một chiếc áo “bu-dông” ngoại rất đẹp. Tôi hăm hở diện chiếc áo vô cùng xa xỉ đó đến trường và lập tức bị lũ bạn quây lại. Một số chỉ tay vào mặt tôi, hét lên: “Ê, thằng con nhà giàu!”, và chúng tránh xa “thằng nhà giàu”. Ngay hôm sau, chiếc áo khoác “tội lỗi” không còn được đụng đến.
Đinh Hồng Kỳ, Doanh nhân
Trong trí óc non nớt của tôi khi ấy, "nhà giàu" là một từ mang lại cảm giác đáng sợ, là một tội lỗi rất ghê gớm, thậm chí còn hơn cả ăn trộm hay phá hoại. Và trong nhiều năm trưởng thành sau đó, tôi chứng kiến nhiều người, hoặc cố tình khai "ba đời bần nông" trong lý lịch, hoặc hãnh diện vì có cụ, ông, bà là bần cố nông.Nhưng bây giờ, khi ngồi bên một số bàn tiệc, tôi không nghe ai vỗ ngực tự hào ba đời bần cố nông nữa. Có anh đại gia lớn tiếng "xưa ông tôi là địa chủ" hay chính trị gia nọ bảo "cụ trong họ là lý trưởng thời Pháp" với vẻ đầy hãnh diện. Thay đổi nhận thức xã hội đã đi một bước dài trong thái độ đối với người có tiền, cũng như người kinh doanh và tạo ra của cải.
Những năm đất nước vừa Đổi mới, tôi tốt nghiệp đại học và được ra nước ngoài. Ở xứ người, tôi thực sự thấm thía sâu sắc cái hèn của sự nghèo, và động lực "thoát hèn" đó đã theo tôi nhiều năm. Tôi cùng cha mẹ gây dựng một doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi đã làm việc miệt mài trong hơn 30 năm để rồi được chính phủ công nhận là thương hiệu quốc gia.
Tôi đã rất mừng vì nhận thức của Chính phủ đối với người làm kinh tế tư nhân theo năm tháng cũng thay đổi rõ rệt. Từ lúc chỉ được công nhận hợp thức là thành phần nhỏ bé "ăn theo" trong nền kinh tế, thậm chí nhiều người làm kinh tế tư nhân bị gọi là con buôn, bị coi thường với bao xì xầm, xét nét thì nay được xếp ngang hàng với doanh nghiệp nhà nước - "con cưng" một thời được định vị là quả đấm thép của nền kinh tế - ở nhiều hoạt động.
Nhưng gần 30 năm sau khi doanh nghiệp tư nhân được "cởi trói", nhận thức xã hội đối với khối này chưa thật sự công tâm. Nhiều người vẫn kỳ thị, ganh ghét "bọn nhà giàu", đâu đó người ta vẫn hỉ hả về sự thất bại, cơ nhỡ của các doanh nhân nổi tiếng, sự đổ vỡ trong quan hệ gia đình của những người sáng lập nên thương hiệu lớn.
Trong hoạt động, tôi không biết khi nào doanh nghiệp tư nhân mới thoát được tâm lý luôn phải chứng minh mình vô tội khi làm việc với cơ quan quản lý. Chưa phải đã hết những cảnh anh cán bộ hải quan hay chị quản lý thuế nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp như bác sỹ đi tìm vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài xã hội, không ít gia đình không muốn cho con làm việc trong các công ty tư nhân dù lương tháng 10, 20 triệu đồng. Thay vào đó, họ chạy vạy cả nửa tỷ để lo lót cho con vào nhà nước với mức lương tháng 4 triệu đồng. Nhận thức đó không chỉ phương hại đến nền kinh tế mà còn tạo ảnh hưởng lệch lạc đến nhận thức của cả một thế hệ tương lai. Đạo đức xã hội cũng dần đi xuống từ sự méo mó này.
Sự bất công bằng còn chuyển sang hình thức khác. Người ta từng nói nhiều về sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay cuộc cạnh tranh đó đã chuyển sang hình thái mới là cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân thuần túy với các doanh nghiệp tư nhân khoác áo nhà nước; hoặc với các doanh nghiệp tư nhân sân sau của các chính trị gia nắm quyền lực trong một khái niệm bị chỉ đích danh là "chủ nghĩa tư bản thân hữu" hay quan hệ "lợi ích nhóm" để thao túng chính sách, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Khi tôi trò chuyện với các đối tác của mình ở Mỹ và Canada, họ chia sẻ, giới doanh nghiệp tư nhân thành đạt ở đây rất được chính phủ bảo vệ, nhận được sự tôn trọng đặc biệt của xã hội và dân chúng. Tỷ phú người Mỹ David Tepper từng gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng năm 2015 cho bang New Jersey, Mỹ vì ông quyết định rời nhà và chuyển hoạt động kinh doanh từ bang này sang Florida. New Jersey bị khủng hoảng ngân sách chưa từng có bởi mất đi nguồn thuế thu nhập cá nhân vài trăm triệu USD mỗi năm của ông.
Nhưng tại Việt Nam, chưa phải tất cả mọi người nhận thức được rằng, nhiều nguồn phúc lợi công như đường xá, hạ tầng, trường học, y tế... mà họ đang hưởng đến từ nguồn thu thuế, có đóng góp không hề nhỏ từ các hoạt động của khối kinh tế tư nhân, từ thuế thu nhập của các vị "nhà giàu". Nhóm doanh nghiệp tư nhân là chủ lực của nền kinh tế, tạo thu nhập, cung cấp việc làm, tạo chuyển biến trong thói quen của mọi người và đời sống kinh doanh. Họ đáng nhận được nhiều hơn sự hợp tác công tâm và tích cực của giới công quyền, sự ghi nhận và tôn trọng của toàn thể xã hội.
Chúng tôi cũng mong nhà nước tập trung tạo ra khung pháp lý kiến tạo để xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thực sự cầu thị trong việc ứng dụng công nghệ để điều hành đất nước, tiêu diệt tham nhũng, bài trừ tiêu cực trong quản trị hành chính và đón nhận một cách tự nhiên làm sóng thay đổi công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu. Trên "hạ tầng mềm" đó, doanh nghiệp tư nhân có thể cùng chính phủ đón những con sóng cơ hội lớn từ bên ngoài.
Và không riêng phía nhà nước và cộng đồng, bản thân khối doanh nghiệp tư nhân cũng cần thay đổi nhận thức: chấm dứt việc kinh doanh bằng quan hệ với quan chức. Có những "nhà giàu" cần học cách tôn trọng pháp luật và lợi ích cộng đồng hơn, tuân thủ nghiêm túc việc đóng thuế, làm giàu bằng tri thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong quản trị và hội nhập với sân chơi toàn cầu hóa.
Từ đó, họ mới ứng dụng công nghệ phù hợp và tuân thủ bảo vệ môi sinh, hướng tới xây dựng doanh nghiệp bền vững. Có thế, "nhà giàu" mới được trọng thị, kinh tế tư nhân mới trở thành người dẫn đầu, "con buôn" có thể trở thành con cưng.
Đinh Hồng Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét