Nhật mở cửa thu hút lao động: Việt Nam có thể mất người giỏi
14/12/2018 - Liệu việc nhiều lao động sang các nước làm việc như vậy là vui hay cần đặt vấn đề ngược lại: Nếu cứ đưa lao động chất lượng cao ra nước ngoài làm việc hết thì liệu chúng ta có còn nguồn nhân công để phát triển đất nước hay không? Liệu tham vọng đưa VN vào nhóm nước có thu nhập trung bình khá có thành hiện thực khi chúng ta không có lao động giỏi, tay nghề cao?(PL)- Người lao động từ Việt Nam có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản và được bảo lãnh gia đình sang sống tại đất nước mặt trời mọc. Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự luật mới cho phép mở rộng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài và có hiệu lực từ tháng 4-2019. Chương trình này dự kiến sẽ hút hàng trăm ngàn lao động có tay nghề cao của các nước đến Nhật làm việc lâu dài trong 14 ngành nghề, trong đó có lao động Việt Nam (VN). Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp về tác động của chương trình này đến nguồn nhân lực trong nước cũng như bài toán phát triển nguồn nhân lực lâu dài tại VN.
Sẽ đến lúc Việt Nam cũng thiếu lao động
. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng việc Nhật mở cửa thu hút lao động giỏi, có tay nghề cao là cơ hội tốt cho người lao động nước ta. Quan điểm của ông thế nào?
+ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: Tôi cho rằng việc chính phủ Nhật Bản mở cửa cho lao động nước ngoài là tốt, do nhu cầu nội tại phát triển đất nước của họ. Nhưng qua đó họ cũng gửi thông điệp đến các nước đang xuất khẩu lao động (XKLĐ) những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm và phát triển đất nước.
Bởi thiếu hụt lao động cũng là câu chuyện đặt ra cho nhiều nước, đặc biệt là những nước bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số như VN. Do đó chúng ta cần bình tĩnh.
. Ý Thứ trưởng muốn nói chính sách mới của Nhật Bản sẽ tác động đến nhân sự tại VN, nhiều người lao động giỏi sẽ đổ xô đi làm việc tại Nhật Bản dẫn đến nguồn nhân lực tại nước ta sẽ thiếu hụt?
+ Thực tế hiện tại công ăn việc làm tại nước ta có thể thiếu nhưng về lâu dài thì việc giữ chân lao động để đảm nhận những vị trí công việc có hàm lượng chuyên môn cao là rất cần thiết.
Ví dụ, ở Nhật hiện nay có nhiều doanh nghiệp bị phá sản do không có lao động. Trung Quốc cũng có nhiều bài học như thế khi có những khu vực nghèo khó do lao động dịch chuyển sang những nơi khác làm việc. Kéo theo đó nhiều TP xây dựng để rồi trở thành TP “ma” vì không có lao động làm việc.
Ngay tại VN, việc dịch chuyển lao động ra thành thị cũng để lại khu vực nông thôn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều nơi thiếu những thanh niên lao động độ tuổi sung sức nhất để làm việc. Câu chuyện VN thiếu hụt lao động 10-15 năm tới cũng có thể xảy ra như nước Nhật lúc này.
Người Việt sang Nhật làm việc ngày càng tăng. Trong ảnh: Một thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại công ty của Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN
Người giỏi đi hết, lấy ai làm việc
. Nhiều năm nay số lượng lao động trong nước đi các nước không ngừng tăng, riêng năm ngoái là 134.000 người. Ông có bình luận gì về những con số này?
+ Điều này có nghĩa là câu chuyện XKLĐ cũng cần phải tính lại. Nhiều người đặt vấn đề đưa càng nhiều lao động chất lượng cao sang các nước càng tốt. Nhưng vấn đề đặt ra là đưa bao nhiêu lao động VN xuất khẩu là vừa.
Cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động nhưng cũng có 400.000 người ra khỏi thị trường lao động. Vậy trong 800.000 lao động còn lại, mình đưa 300.000 hay 400.000 hay nhiều hơn đi XKLĐ?
Liệu việc nhiều lao động sang các nước làm việc như vậy là vui hay cần đặt vấn đề ngược lại: Nếu cứ đưa lao động chất lượng cao ra nước ngoài làm việc hết thì liệu chúng ta có còn nguồn nhân công để phát triển đất nước hay không? Liệu tham vọng đưa VN vào nhóm nước có thu nhập trung bình khá có thành hiện thực khi chúng ta không có lao động giỏi, tay nghề cao?
. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để vừa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động muốn ra nước ngoài như Nhật làm việc, vừa đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước?
+ Như tôi đã đề cập, việc Nhật mở cửa là tốt do nhu cầu của họ và tất nhiên VN luôn tạo điều kiện để các công ty XKLĐ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Song cần tỉnh táo để đánh giá thấu đáo, đa chiều chứ không đánh giá theo chiều thuận lợi, vì lao động có kỹ năng tốt nước ta cũng rất cần. Thực tế các doanh nghiệp tuyển dụng than phiền khó tuyển lao động tay nghề cao.
Do đó, về lâu dài bài toán XKLĐ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Đừng tham vọng rằng hằng năm đưa 300.000-400.000 lao động đi xuất khẩu. Năm nay hoạt động XKLĐ ước đạt mục tiêu 140.000 người ra các nước làm việc, các năm tới có thể gia tăng thêm 20.000-30.000 lao động là vừa.
Tìm cách giữ chân người giỏi
Ông Hoàng Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nero, kể trong những chuyến công tác đến Nhật ông quan sát và rút ra một số bài học về giữ chân người giỏi, có tay nghề cao.
Cụ thể, cũng là nhân viên người Việt nhưng sau một thời gian ngắn được phía Nhật đào tạo, huấn luyện thì những người này trở nên thuần thục các kỹ năng và thái độ làm việc tích cực, kỷ luật. Ngược lại, cũng con người đó khi ở VN do không có phương pháp đào tạo, huấn luyện bài bản nên họ không có tay nghề tốt.
Để khắc phục tình trạng trên và để giữ nhân tài, ông Hùng cho rằng quan trọng là tạo được môi trường làm việc tốt, đồng hành với họ, khuyến khích và giúp đỡ họ phát triển. Có như thế người lao động mới cảm thấy được tôn trọng và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Đổ xô sang Nhật làm việc
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hơn 130.000 thực tập sinh VN đang làm việc tại Nhật Bản. Lao động VN chủ yếu làm việc ở các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử, điều dưỡng, may mặc, điện tử...
Có thời điểm người lao động được trả lương lên tới 40-50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt, tiết kiệm được khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng để gửi về cho gia đình. Chính vì vậy, nhiều người lao động Việt đã đổ xô tìm cơ hội để đi làm việc tại Nhật Bản.
|
PHONG ĐIỀN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét