Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Đất đai, nguồn gốc giàu có của quan nước Việt

Đất đai, nguồn gốc của sự giàu có
04/12/2018 LTS. Đất đai là nguồn gốc của mọi sản xuất, các quốc gia khác nhau sẽ có những chính sách khác nhau về phát triển đất để khai thác tối đa lợi ích từ đất nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Việt Nam trong bối cảnh đất đai thuộc sở hữu toàn dân, pháp luật về hoạt động trao quyền sử dụng từ Nhà nước cho người sử dụng đất, đặc biệt là cho các chủ thể kinh doanh bất động sản sẽ phải quan tâm đến những vấn đề gì để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội?

Từ phải: Luật sư Trương Thị Hòa, TS. Ninh Thị Hiền và nhà báo Nguyễn Thế Thanh cùng dẫn chuyện tại buổi ra mắt sách ngày 18.11. Ảnh: Thanh Tuyền. 
Để trả lời phần nào câu hỏi này, ngày 18.11 tại Đường Sách TP.HCM, TS. Ninh Thị Hiền đã có buổi ra mắt sách, giới thiệu công trình nghiên cứu: “Pháp luật về trao quyền sử dụng đất từ nhà nước cho các chủ thể kinh doanh bất động sản tại Việt Nam”. Người Đô Thị trích giới thiệu bài viết của TS.Trần Quang Huy (Phó hiệu trưởng phụ trách Đại học Luật Hà Nội) nhận định về nghiên cứu này. Tựa bài do Người Đô Thị đặt.

Cuốn sách là một công trình công phu có nhiều ý tưởng khoa học dựa trên nền tảng các học thuyết vững chắc về kinh tế, chính trị và pháp lý thịnh hành ở Việt Nam và các nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Có thể khẳng định rằng, tác giả có vốn kiến thức lý luận khá đa chiều, cách tiếp cận về viết đề tài luận án không theo cách truyền thống. Những điểm nổi bật của công trình nghiên cứu là:


Một, cuốn sách là một công trình khoa học nghiêm túc, có giá trị học thuật rất cao, vận dụng nhiều học thuyết tại các nước có nền kinh tế phát triển, các lý thuyết tại Việt Nam. Một khối lượng tài liệu bằng tiếng Anh được khảo cứu nghiêm túc để đối chiếu với quan điểm và học thuyết đang thịnh hành ở Việt Nam, qua đó có so sánh pháp luật, kinh nghiệm pháp luật của các nước tiên tiến có những quan điểm về phương thức trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh, góp phần phản biện các chính sách và pháp luật hiện hành ở Việt Nam.

Hai, công trình có sự phân tích, đánh giá cấu trúc tương đồng và khác biệt về quyền sở hữu đất đai của các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc để thấy rằng, quyền sở hữu toàn dân hay chế độ sở hữu đất công không phải là biệt lập ở Việt Nam, vấn đề là các nước khác nhau có quan niệm khác nhau về phương thức trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh không tương đồng với nhau. Lấy kinh nghiệm nước ngoài và cho rằng đó là các kinh nghiệm có cơ sở khoa học để luận thuyết với phương thức trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh ở Việt Nam là một cách tiếp cận hay.

Ba, tác giả làm rõ bản chất của việc trao quyền sử dụng đất là sự chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho các chủ thể sử dụng với mong muốn là hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các bên, không phải nhu cầu của một vài nhóm lợi ích. Một cuộc chuyển giao quyền sử dụng đất theo quy trình dân sự, mà ở đó sự cải cách là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm thu một lượng địa tô phù hợp nhất để nhà nước thể hiện quyền sở hữu toàn dân về mặt kinh tế.

Bốn, tác giả luận án sử dụng lý thuyết địa tô để phân tích một cách rành rọt các hình thức biểu hiện về mặt kinh tế của quyền sở hữu đất đai. Vậy nên, quyền sở hữu đó có thể quan niệm khác nhau ở từng quốc gia nhưng vấn đề hiệu quả sử dụng đất phụ thuộc rất lớn đối với phương thức trao quyền cho chủ thể sử dụng đất để kinh doanh. Ở góc độ này, tác giả đã có những phát hiện quan trọng khi cho rằng, việc cho thuê đất bằng hợp đồng hành chính dường như không đúng với lý thuyết về địa tô của Marx.

Năm, rất hiếm có ai đó nói về việc trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh thông qua ba quy trình - quy trình chính trị, quy trình hành chính và quy trình dân sự. Các cụm từ và quan niệm đó là những vấn đề rất mới, khác với các quan niệm truyền thống ở Việt Nam.

Công quyền nếu không được giám sát sẽ lạm quyền và tha hóa quyền lực, các tham nhũng ở Việt Nam thường gắn liền với tài sản quan trọng là đất đai, nhà ở từ cấp trung ương đến địa phương.

Sáu, tác giả làm rõ các phương thức trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể kinh doanh, không dừng lại chỉ thông qua việc giao đất, cho thuê đất, mà lập luận chặt chẽ các phương thức khác như: công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để sử dụng đất có hiệu quả tốt hơn, thông qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để dịch chuyển quyền sử dụng đất đến cho chủ thể kinh doanh thực sự có nhu cầu và năng lực tài chính nhằm thực hiện dự án, cũng như dịch chuyển thông qua hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng quỹ đất, tạo sự phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng có lợi cho nhà nước, xã hội, mặt khác tạo quỹ đất đưa vào kinh doanh cho doanh nghiệp triển khai dự án.


Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 cán bộ dưới quyền vừa bị Cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố do sai phạm trong quản lý khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Zing

Bảy, hoạt động giám sát trao quyền sử dụng đất không phải là ý tưởng rất mới song lại rất quan trọng nếu như có sự vào cuộc của các cơ quan công quyền từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các tổ chức mặt trận ở trung ương, địa phương, của tổ chức kiểm toán, cơ quan tư pháp và đặc biệt sự giám sát của nhân dân bằng các hình thức pháp lý nhất định.

Thực ra, công quyền nếu không được giám sát sẽ lạm quyền và tha hóa quyền lực, các tham nhũng ở Việt Nam thường gắn liền với tài sản quan trọng là đất đai, nhà ở từ cấp trung ương đến địa phương. Cho nên quy trình chính trị minh bạch, quy trình hành chính được giám sát chặt chẽ sẽ mở đường cho quy trình dân sự tiến đúng lộ trình của xã hội và kinh tế thị trường. Đề xuất tăng cường giám sát trao quyền sử dụng đất, hạn chế sự lạm quyền sẽ góp phần làm minh bạch cơ chế trao quyền sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay.

Các quan điểm khoa học của tác giả trong cuốn sách là một công trình tham khảo chuyên sâu cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, những người tham gia hoạch định chính sách tìm hiểu kỹ pháp luật đất đai. Các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn thấy qua nghiên cứu của công trình về chính sách áp dụng hiện nay đối với phương thức trao quyền sử dụng đất, từ đó nhận diện được các sơ hở trong xây dựng chính sách và áp dụng chính sách, nhằm điều chỉnh có lợi nhất cho lợi ích nhà nước và xã hội, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai và kinh doanh bất động sản.



Pháp luật về trao quyền sử dụng đất từ nhà nước cho các chủ thể kinh doanh bất động sản tại Việt Nam do NXB CAND xuất bản, NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật - Chi nhánh tại TP.HCM và Công ty Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) độc quyền phát hành tại phía Nam.

TS. Ninh Thị Hiền hiện là trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền (TP.HCM), đang tham gia giảng dạy tại một số trường đại học ở TP.HCM. Bà được cấp bằng tiến sĩ luật học năm 2018 tại Đại học Luật TP.HCM; chương trình tiến sĩ nghiên cứu tại Đại học tự do Brusselles (Bỉ); từng là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.

TS. Ninh Thị Hiền cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: Giao dịch và giải quyết tranh chấp giao dịch về quyền sử dụng đất do PGS-TS. Đỗ Văn Đại làm chủ biên; sách bình luận khoa học Nhận diện tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, tập 1 do TS. Đặng Thanh Hoa làm chủ biên... và có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật uy tín.

TS. Trần Quang Huy
https://nguoidothi.net.vn/dat-dai-nguon-goc-cua-su-giau-co-16370.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét