Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Đáng thương nhất là trẻ em

Đáng thương nhất là trẻ em
Trẻ em trong bất cứ đất nước xa lạ nào cũng đều lôi cuốn cả. Các em không nghi ngại gì và khiến cho những con người xa lạ dễ dàng yêu thương các em, vì các em vẫn còn chưa thể sống mà không cần sự chăm sóc được. Các em vô tội. Ngay cả khi trẻ em da đen nấp sau chiếc váy của người mẹ lúc một người da trắng bước đến với các em, cũng như những đứa bé trong làng mạc Trung Âu sẽ làm, khi có một người da đen đến gần, thì điều đó vẫn không gây khó khăn cho quan hệ của một người nước ngoài với trẻ em của một đất nước xa lạ. 
Helgoland ở Sài Gòn 1966
Người ta cũng có thể đến với trẻ em mà không phải lo sợ, ngay cả trong một môi trường thù địch, các em vẫn còn không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, trải nghiệm và thành kiến của người lớn. Vượt qua được sự rụt rè của mình một lần rồi thì về mặt mình, các em cũng có thể tiếp cận với con người xa lạ mà không phải lo lắng gì, vì người này không có cảm giác bị các em gây hại. Và: trẻ em có nét đẹp vô tội riêng của các em, có thuộc dân tộc và chủng tộc nào đi nữa cũng vậy.

Bệnh nhân trên tàu Helgoland

Người Mỹ mua hàng thùng sôcôla và kẹo, những cái mà họ dùng một tay để phân phát cho trẻ con từ trong những chiếc Jeep và xe tải của họ, trong khi tay kia giữ khẩu súng đã lên đạn, để có thể bắn vào kẻ thù vào bất cứ lúc nào, người có thể là anh hay cha của những đứa trẻ đó. ‘Hey you’, trẻ em trên toàn Nam Việt Nam gọi bất cứ một người da trắng nào cũng vậy. Cha mẹ của các em nói rằng người Mỹ ném bom trẻ em từ ô tô của họ bằng kẹo.

Chúng tôi rất yêu thương những đứa bé của chúng tôi trên con tàu bệnh viện, những bệnh nhân nhỏ bé ốm đau, bị thương, bị bỏng và tàn tật. Do trẻ con trong một gia đình Việt Nam hầu như lúc nào cũng nhiều hơn người lớn nên theo quy luật của xác suất thì những người sống sót được khi phần lớn gia đình bị giết chết thường là trẻ em. Các em đồng thời cũng trở thành những đứa trẻ mồ côi. Tất cả những gì có thể làm được cho trẻ em Việt Nam thì cần phải làm – ở Việt Nam. Một làng trẻ em SOS dự định sẽ thành hình ở gần Sài Gòn: chính là một việc làm đúng đắn và hợp lý, dù cho người ta có nghĩ về sự đúng đắn của cấu trúc nội bộ trong những làng trẻ em SOS như thế nào đi chăng nữa.

Trẻ em, ít nhiều ngẫu nhiên, được mang sang châu Âu hay sang Mỹ để được ‘chữa trị trong bệnh viện’ hay ‘cung cấp tay chân giả’. Nhu cầu giúp đỡ mờ ảo này không có liên quan gì tới một sự cải thiện cần thiết và nhân đạo cho số phận của trẻ em Việt Nam, mà là tới việc những người Âu và người Mỹ tham gia vào trong những hành động như thế đang tìm một van xả cho sự buồn chán của chính họ, cho sự tồn tại thừa thãi của họ. 

Ở người Mỹ thì có thể là lương tâm cắn rứt cũng đóng một vai trò. Có một ‘project concern’, được người Mỹ xây dựng, những người cho rằng đó là nhiệm vụ của họ, giúp đỡ các nạn nhân vô tội của chiến tranh. Các lãnh đạo của dự án, trong đó có một chức sắc cao cấp của nhà thờ, đến thăm tôi ở Sài Gòn và xin tôi cho ý kiến về kế hoạch của họ, mang trẻ em Việt Nam sang Mỹ, và xin tôi giúp đỡ. Tôi khuyên họ hãy thành lập một tổ chức giúp đỡ ở Việt Nam và khuyên không nên cắm trẻ em vào nước Mỹ. Họ che dấu không được tốt sự thất vọng của họ, rằng tôi không hào hứng với những ý định tốt của họ, và tin chắc rằng tôi không muốn giúp đỡ họ. Nhiều tuần sau đó, họ lại đến thăm tôi và hỏi rằng hình thức tổ chức giúp đỡ nào theo trải nghiệm của tôi là cần phải xây dựng cấp thiết nhất. Hiện giờ thì chính họ cũng đã tin rằng cách giúp đỡ tốt nhất là tiến hành ở trong nước.

Tuy ở Việt Nam cũng có một con số có hạn của trẻ em bị bỏng nặng và các em luôn cần phải được ghép da qua nhiều năm liền, hay những em bị lỗi ở tim mà có thể phẫu thuật được hay mắc bệnh về mắt. Chữa trị những em này trong các bệnh viện đặc biệt ở châu Âu rồi mang trở về là điều tốt và có ý nghĩa. Để làm được việc đó thì cần phải có một bác sĩ trong nước lựa chọn những em này và đưa các em vào các bệnh viện châu Âu với những lời chẩn bệnh và chỉ dẫn phẫu thuật chính xác. Không chỉ tiền và ý tốt là cần thiết, mà cả kiến thức chuyên môn lẫn hiểu biết về hoàn cảnh ở Việt Nam.

Nhưng tất cả mọi điều khác đều là vô nghĩa. Những đứa bé này, đã mất cha mẹ và anh chị em và vì vậy mà đã cô đơn vô cùng, còn bị giật ra khỏi một môi trường quen thuộc mà trong đó người ta nói tiếng nói của các em và trong đó tất cả mọi người đều trông giống như các em, môi trường mà các em có thể ăn mặc giống như cha mẹ các em đã làm? Người ta muốn mang những đứa bé đó sang cái xa lạ lạnh lẽo của Trung Âu, nơi tất cả mọi người nhìn trừng trừng các em hay quan tâm quá lố đến các em vì các em có làn da vàng và đôi mắt hí? Xét về quan hệ giữa người với người, nền văn minh của chúng ta, với bao nhiêu thiếu sót đó, không thể thay thế sự gần gũi với dân tộc riêng của các em. Ở châu Âu hay châu Mỹ, những đứa bé đó sẽ lạc lõng rất nhiều hơn là chúng cảm thấy như thế ở Việt Nam. Sau chiến tranh thế giới vừa rồi, người ta có muốn mang trẻ con mồ côi châu Âu sang Đông Nam Á hay không?

Ở Việt Nam, những đứa bé đó là trẻ mồ côi, ở châu Âu thì các em sẽ là những đứa bé mồ côi mất gốc. Trẻ con nhanh chóng hòa nhập, nếu như môi trường xung quanh cho phép, điều này thì không chống lại việc đó. Chúng còn có thể làm gì ngoài đi tìm sự che chở, ở bất cứ nơi nào có được? Các em vẫn còn chưa đủ khả năng để một mình đối phó với cuộc đời.

Vào một buổi sáng nào đó, bác sĩ Vennema lên tàu chúng tôi. Ông bác sĩ người Canada này được giao cho nhiệm vụ xây dựng trạm chống lao của Canada ở trong vùng Quảng Ngãi và là một trong số các chuyên gia, như người ta thường hay gọi lực lượng chuyên môn người nước ngoài trong các nước đang phát triển là như vậy, hết lòng với nhiệm vụ của họ và vẫn cương quyết bám chặt lấy nhiệm vụ, mặc cho mọi khó khăn do các lý thuyết gia bên cạnh cái bàn tròn ở quê hương gây ra cho họ. Ông hoạt động đã từ nhiều năm nay trong đất nước này theo lời yêu cầu của chính phủ Canada và thuộc vào một nhóm bác sĩ của ‘Vietnam Christian Service’. 

Bên cạnh các trạm chống lao của mình, ông cũng làm việc cho khoa Nội của bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi và cho trại mồ côi. Ở đó, vào một ngày nào đó, ông tìm thấy một đứa bé trai rất quấn quít với ông, và ông cũng rất yêu thương em. Đứa bé phải được phẫu thuật, vì thế mà ông mang em vào Sài Gòn đến chỗ chúng tôi. Liệu chúng tôi có sẵn sàng mổ cho em không, ông hỏi. Em trai đó là một đứa bé dễ thương, được nuôi dưỡng tốt, có một khuôn mặt tròn, cởi mở. Người Canada đó ngồi xuống một cái ghế đẩu, cái ghế duy nhất mà chúng tôi có thể đưa ra trên những trạm khám chật chội của chúng tôi. Đứa bé đứng ở giữa hai đầu gối của ông, ngượng ngùng dựa vào chân của người bác sĩ và luân phiên nhìn chúng tôi. Rõ ràng là em rất thân quen với người bác sĩ, cái tạo cho em sự an toàn và tin cậy mà từ đó em đang tò mò quan sát môi trường xa lạ ở xung quanh. 

Trong khi bác sĩ Vennema thuật lại, ông xăn ống quần phải của em lên và tháo tất với giày của em ra. Đứa bé nhấc chân của mình lên để phụ và mở to mắt nhìn xung quanh. Sự đồng ý giản đơn giữa hai người khiến cho người ta nghĩ tới một quan hệ cha con. Đứa bé mắc chứng phù voi, cẳng chân và bàn chân phồng to lên một cách lạ thường, có nguyên nhân từ mạch bạch huyết bị nghẽn và do một loại giun tròn nhiệt đớt nhất định gây ra. Hậu quả của chứng bệnh, tức là sự phồng to lên ví dụ như ở chân, chỉ có thể được giải quyết bằng phẫu thuật. Tôi đồng ý mổ người bệnh nhỏ bé đó. Cuộc chữa trị kéo dài, vì lúc đầu chúng tôi còn phải tìm một cái giường và dọn trống nó. 

Đứa bé rõ ràng là không biết người ta đang bàn bạc về điều gì, vì em không cố đọc điều gì trên những gương mặt của chúng tôi cả. Cuối cùng chiếc giường cũng trống. Bác sĩ Vennema đứng dậy và giải thích cho em, rằng bây giờ em phải ở lại đây. Chúng tôi bất lực đứng nhìn cảnh tượng tiếp theo sau đó. Đứa bé hét to lên và bám chặt vào người bác sĩ, tuyệt vọng, rằng con người duy nhất, người gần gũi với em, bỏ em lại một mình. Các y tá phải tốn rất nhiều công sức mới dẫn em tới giường của em được.

Em bé khóc lặng lẽ một ngày trời. Vào ngày hôm sau đó, em yên lặng và khép kín, vào ngày thứ ba em bắt đầu tỏ vẻ quan tâm. Rồi em ngày càng có cảm giác như đang ở nhà, chơi đùa với những đứa trẻ khác và cuối cùng cũng quen thuộc với chỗ mới. Lần phẫu thuật diễn ra không gặp phức tạp. Người bệnh nhỏ đó, không bao giờ nói nhiều, chịu đựng đau đớn trong những ngày đầu tiên sau lần phẫu thuật mà không hề than vãn, và quan sát cuộc sống và hoạt động trong khu quanh em với đôi mắt đen. Khi cuối cùng rồi được phép đứng dậy, em lúc đầu nương nhẹ chân của mình một cách quá mức, như trẻ em thường hay làm. Nhưng chẳng bao lâu sau đó cũng vượt qua điều này. Em bắt đầu giúp các y tá thu gom chén đĩa và thích dựa vào người họ, khi có cơ hội. Tất cả đều yêu mến đứa bé trai ít nói nhưng cũng linh hoạt này, và em cũng được nuông chiều tương ứng. Sau một thời gian, em thật sự là đã thuộc về khu này.

Nhưng khi chân em lành lại hoàn toàn sau bốn tuần, chúng tôi tuy rất buồn nhưng phải cho em xuất viện, vì chúng tôi cần giường cho một bệnh nhân khác. Chúng tôi muốn mang em về Quảng Ngãi và bác sĩ Jahn, người mà đứa bé đã quen thân tương tự như với bác sĩ người Canada trước kia, bay với em vào một cuối tuần ra hướng Bắc. Bác sĩ Jahn sau này thuật lại, rằng nó đã trở thành một chuyến đi phức tạp. Họ nhầm phi trường – các phi trường dã chiến đó rất giống nhau – và xuống máy bay quá sớm, nhưng chỉ nhận ra khi chiếc máy bay đó đã khởi hành rồi. Lúc nào cũng thế trong những tình huống như vậy, ở đó cũng có một người Mỹ sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng mặc cho mọi ý tốt, mãi sáng ngày hôm sau họ mới có thể bay tiếp được. Bác sĩ của bệnh viện quân y mời ngủ lại qua đêm. Nhưng chỉ bác sĩ Jahn là có thể ngủ lại đó, đứa bé phải được mang đi nơi khác. Bác sĩ Jahn không đành lòng để đứa bé đó một mình nên cuối cùng thì cả hai ngủ trên một cái giường trong bệnh viện.

Vào ngày hôm sau họ bay đi Quảng Ngãi và tới đó vào buổi chiều. Rất đáng tiếc là đứa bé đó lại phải trở về trại mồ côi, điều mà chúng tôi không biết trước đó, và không còn có khả năng nào khác là mang em đến đó. Khi bác sĩ Jahn sau này thuật lại cho tôi nghe về lần từ giã, ông vẫn còn cảm động. Đó phải là một cảnh tượng rất đau lòng. Em bé đó lại bị một người mà em tin cậy bỏ lại và em lại tuyệt vọng bám chặt vào người đó. Lần này, theo như bác sĩ Jahn tường thuật, người ta còn chẳng buồn an ủi em nữa. Các nữ tu Công giáo người Việt đối xử không phân biệt, có lẽ là họ có quá nhiều việc và bị đòi hỏi quá khả năng.

Sau này, chúng tôi còn phẫu thuật cho một anh chàng bé bỏng với cùng chứng bệnh đó nữa. Em trai thứ hai này, có cùng độ tuổi, bị bỏ mặc. Một người Mỹ đã nhặt em ở đâu đó trên đường phố và mang lại cho chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng em mồ côi, nhưng sau một vài ngày thì người mẹ cũng lôi thôi như thế xuất hiện. Đứa bé có một gương mặt nhỏ nhắn láu lỉnh và hết sức nhanh nhẹn. Cho tới chừng nào mà em vẫn còn đi được, và sau khi mổ, em đi khắp nơi trên tàu. Các y tá lúc nào cũng chỉ nhận ra là em không có ở đó, nhưng không bao giờ nhận ra lúc em bỏ đi hay quay trở về. Em không hòa nhập vào với các bệnh nhân khác. Đối với chúng tôi thì em không tỏ vẻ nghi ngại.

(Còn tiếp)

Heimfried–Christoph Nonnemann
Phan Ba dịch
https://phanba.wordpress.com/2017/12/01/dang-thuong-nhat-la-tre-em-1/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét