Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Sapa sương mù và viễn mộng

Sapa sương mù và viễn mộng
Hỷ LongNhà nước đã xây dựng các trạm quan sát tốn cả chục tỉ đồng để khách du lịch có thể đứng ngắm xuống những ngôi nhà đang tỏa khói, nghèo xác xơ, dưới bản Tả Van. Doanh thu từ việc bán vé cho du khách cũng không nhỏ. Và hình như đời sống bà con trong bản càng nghèo, càng mông muội, thì ngành du lịch càng có cớ để mở tour, cho du khách được “mục kích sở thị” đời sống nguyên thủy thì phải?! Gió và sương lạnh, con đèo từ bản về lại thị trấn dài thăm thẳm. Dường như một trận gió huyễn hoặc vừa thổi qua!
Chiều qua phố Cầu Mây, Sapa
Sapa không còn dấu ngựa trong sương mù, không còn âm vọng đại ngàn một thuở, có chăng chỉ còn lại trong ký ức của người H.Mong, người Dao Đỏ, người Thái Trắng. Nhưng Sapa còn nhà thờ đá, còn những con dốc chao nghiêng qua thị trấn và bản làng hiu hắt.

Tôi trò chuyện với một người cùng ngồi uống chè xanh trong quán cóc ở bên hông chợ.

“Anh sống ở đây lâu chưa?”.

“Nếu tính cả đời các cụ tổ thì chắc cả gần ngàn năm”.

“Anh thấy Sapa thế nào?”

“Ồ, càng ngày càng giàu và đẹp. Nhưng chỉ với người Kinh, người có chức có quyền và có tiền, chứ với một thằng H.Mong như tôi thì không. Mất hết rồi, giờ mình cũng như vật nuôi làm kiểng của họ í mà!”

Sapa lúc 7 giò sáng.



Thị trấn sương mù…

Từ Hà Nội, mua một vé tàu lửa cao tốc với giá 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, có khi lên đến một triệu đồng (tùy vào thị trường chợ đen), sau đó lên tàu, ngủ một đêm, sáng mai nghe tiếng còi tàu hụ lúc 6h sáng; mặc thêm áo ấm, phụ nữ choàng khăn len, còn đàn ông thì bước ra ga và rít một điếu thuốc. Cái lạnh se sắt, không giống như Hà Nội. Nếu đi nhằm mùa Thu thì vừa bước ra khỏi toa tàu đã bắt gặp những cây bàng lá đỏ đang vặn mình trút lá.

Nếu mệt thì vào một phòng trọ hay khách sạn nào đó ở Lào Cai để nghỉ ngơi, nếu đi một mình thì phóng ngay lên chuyến xe buýt chật chội chạy thẳng Sapa. Lòng vòng qua mấy con phố, qua cầu Cốc Lếu bắc qua sông Nậm Thi; song song với cầu Cốc Lếu là cầu cửa khẩu Việt – Trung và cầu tàu lửa Việt – Trung. Sau đó xe rẽ hướng đèo Hoàng Liên Sơn, con đèo dài nhất Việt Nam, hình như cũng là dài nhất Ðông Nam Á, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, với độ dài gần 50km.

Chợ Sapa




Xe sẽ đi vòng qua một cái hồ tựa như hồ Xuân Hương ở thành phố Ðà Lạt, sau đó đi vào khu trung tâm. Xe dừng ở đầu phố Cầu Mây và du khách tự đi tìm phòng. 

Một đời sống khác hiện ra trước mắt. Những quán nướng, những người H.Mong bán hàng đêm, những cặp khách du lịch đi trong sương lạnh, những tiệm tắm thuốc của người Dao Ðỏ, những vườn cải ngồng và những luống hoa hồng…

Khách sạn ở Sapa dường như phòng nào cũng có lò sưởi và một bó củi để bên cạnh, cùng với một hộp quẹt diêm. Giá mỗi bó củi 30,000 đồng (tương đương $1.5). Sáng sớm ra đứng trước balcon chụp hình thị trấn sương mù; những ống khói từ các mái nhà bên cạnh giống như những chàng thủy thủ cổ tích đang căng mắt cùng với biển mù sương.

Chừng 7h sáng, bước xuống phố thì bạn sẽ hiểu rằng có một Sapa khác đang oằn mình giữa cái Sapa hiện đại, đầy tiện nghi.

Người Dao Đỏ bán hàng thổ cẩm về khuya ở SapaHàng nhái thổ cẩm do Trung Quốc sản xuất cũng được bày bán rất nhiều




Sự hiện đại, tiện nghi, và xa hoa, ở Sapa chỉ tập trung ở những con phố trung tâm. Ở đây, ngoại trừ bó củi trong lò sưởi có giá 30,000 đồng thì đụng vào đâu cũng xanh mặt nếu chưa có sự chuẩn bị trước. Một bữa ăn cho hai người, nếu gọi chừng ba món như cá suối, thịt nai xào sả (thực ra là thịt nghé, tức trâu con) và sườn lợn (heo) nướng tẩm mè, thêm canh và cơm thì giá thấp nhất cũng 500 ngàn đồng. Khá ngon, và sang trọng, ngược hẳn với một Sapa thực.

Nói đến Sapa thực, phải nói đến hai quán cơm có giá 10 ngàn đồng một dĩa, nằm cách 2 cây số, ngoại vi thị trấn. Sapa không rộng mấy, đứng đầu phố gọi to thì cuối phố nghe giống như Hội An. Trong những con hẻm, trong chợ Sapa, cũng như ngoài lề đường phố Cầu Mây, một đời sống vất vả của người H.Mong, Thái Trắng, Dao Ðỏ hiện ra rất rõ nét.

Một Sapa khác…

Gần như các mặt hàng hái lượm từ rừng già như: mật ong rừng, lan rừng, lõi cây pơ mu, lũa cây la hán tùng, các loài chim lạ, gà rừng, khoai tây, sắn, măng rừng… và đậu xanh của người Thái, nếp, xôi bảy màu, cơm lam, quả kiwi… đều có mặt ở đây.

Hỏi thăm một người Dao Ðỏ rằng làm sao chị có quả kiwi để bán, thì chị trả lời: “Quả kiwi ở đây trồng nhiều lắm, nó ngọt lắm. Anh ăn thử đi rồi biết”.



Rau củ quả ở Sapa do người Dao Đỏ bánCơm lam và mật ong rừng

“Thế mật ong rừng và các loại kia cũng là hàng mình tự kiếm để bán hay là mua đi bán lại vậy chị?”.

“Ồ, những thứ này mình đi kiếm chứ. Trong nhà có ba người thì chia nhau, hai cha con nhà nó đi kiếm trong rừng, tôi ở nhà đi bán. Có như vậy mới đủ sống chứ. Mua cái gì cũng nhờ vào mấy chỗ này chứ ở đây có gì để sống đâu!”.

“Ðể có chừng này thứ, anh và cháu tốn bao lâu thời gian, và chị kiếm được bao nhiêu?”.

“Ồ, tốn thời gian lắm, cả tuần hai cha con mang cơm lam vào rừng để tìm, mình bán thì kiếm được vài trăm, may lắm thì triệu đồng. Nhưng chừng đó là quá quý rồi chứ đi bán đồ lưu niệm thì mình không có khiếu ăn nói nên bán không được, còn làm rẫy thì cả năm dư chừng một trăm ngàn đồng, làm sao mà sống nổi!”.

“Mỗi tuần kiếm được gần triệu đồng là số tiền lớn hay nhỏ so với gia đình chị?”.

Những con dốc chằng chịt dây điện ở Sapa

“Nó quá nhỏ mà cũng quá lớn. Quá nhỏ bởi nếu ra chợ mua đồ thì đi cái vèo liền mà chẳng có thứ gì cho ra hồn. Còn quá lớn vì đâu phải tuần nào cũng kiếm được gần một triệu vậy. Một năm chỉ có hai mùa là sáu tháng để đi rừng, mà trong hai mùa đó, mình đi chừng mười chuyến thôi. Ði một tuần phải nghỉ một tuần mới lại sức chứ!”.

“Chị mới nói cơm lam, có phải là cơm trong ống tre bán ở các nhà hàng?”.

“Ðúng rồi, nhưng cơm lam ở nhà hàng thì người ta nấu sai rồi, tôi thấy người ta nấu cơm trước, sau đó nhét vào ống tre để nướng cho cháy sém giống như cơm niêu ở các tiệm cũng làm vậy. Còn cơm lam gốc thì phải bỏ gạo thơm vo thật sạch, đổ cùng với nước vào ống nứa và đốt lửa nấu, phải xoay đều ống nứa để tránh cháy khét một bên và sống một bên, lửa cũng vừa thôi. Cơm lam gốc thì mang đi cả tuần nếu không mở ra thì không bị thiu. Còn cơm lam nhà hàng thì để hai ngày nó thối hoắc rồi!”.

Những em bé H.Mong đi thu hoạch cây ngô trên đường về bản Tả Van



Tạm biệt chị bán mật ong rừng, chúng tôi vào thăm bản Tả Van. Sắp vào bản thì gặp một trạm bán vé, mỗi người 20 ngàn đồng, để vào thăm bản. Không có hướng dẫn viên. Chẳng có gì ngoài một bản làng nghèo khổ, heo hút, với đời sống trồng trọt, hái lượm, không hái lượm thì đi bán hàng lưu niệm hoặc bồng con đi xin, người nào có chút chữ thì đi làm khách sạn, hay phiên dịch.

Gặp mấy đứa nhỏ chạy theo nài nỉ mua hàng lưu niệm, tôi mua mấy món, gọi là mua ủng hộ chứ cũng chẳng biết để làm gì vì chắc chắn khi về khách sạn tôi sẽ vứt nó đi. Bởi chúng là hàng Trung Quốc làm nhái hàng truyền thống của đồng bào thiểu số và bỏ mối cho những đứa bé đi bán. Khi nghe tôi hỏi về ước mơ lớn lên sẽ làm gì, các bé gái đều trả lời là ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch. Còn các bé trai thì lắc đầu, không biết sẽ làm gì, chúng chỉ ước mơ lớn có được cô vợ người trong bản. Nghĩa là cha mẹ của chúng đang lo lắng cho chúng vì sợ lớn lên chúng cũng ế vợ như nhiều chàng trai H.Mong hiện tại, các cô gái H.Mong không chịu lấy trai làng, tìm ra phố và có cô còn kiếm được cả chồng Tây nhờ làm hướng dẫn viên du lịch.

Bản Tả Van nhìn từ trên cao

Trên đường về, tình cờ tôi ghé lại một trạm quan sát trên lưng đèo. Nhà nước đã xây dựng các trạm quan sát tốn cả chục tỉ đồng để khách du lịch có thể đứng ngắm xuống những ngôi nhà đang tỏa khói, nghèo xác xơ, dưới bản Tả Van. Doanh thu từ việc bán vé cho du khách cũng không nhỏ. Và hình như đời sống bà con trong bản càng nghèo, càng mông muội, thì ngành du lịch càng có cớ để mở tour, cho du khách được “mục kích sở thị” đời sống nguyên thủy thì phải?!

Gió và sương lạnh, con đèo từ bản về lại thị trấn dài thăm thẳm. Dường như một trận gió huyễn hoặc vừa thổi qua!

http://baotreonline.com/sapa-suong-mu-va-vien-mong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét