Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Vì sao hai ông lãnh đạo lại hỗn với dân đến thế?

Vì sao hai ông lãnh đạo lại vô trách nhiệm, hỗn với dân đến thế?
XUÂN DƯƠNG06:00 05/11/16 (GDVN) - Khi một cán bộ lãnh đạo phát biểu thành lời rằng việc làm của mình là “vì cán bộ” thì có thể thấy nói họ “vô trách nhiệm” vẫn còn quá nhẹ. Thế hệ những người thuộc loại “cổ lai hy” thời xưa thường hát bài hát có câu: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình…”.


Ảnh minh họa về cả họ làm quan (Ảnh: cand.com.vn).
Lời bài hát vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải còn có câu: “Thề noi gương Bác Hồ/ Vì nhân dân gian lao/ Trong bao năm Người tranh đấu không ngừng; Người chỉ biết có dân, ngày ngày lo sao cho toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành”.

Ngày nay, có người cũng nhắc lại điệp khúc “vì Nhân dân” nhưng sao nhân dân lại cảm thấy trớ trêu, sao lại cảm thấy người ta không chỉ giễu cợt các thế hệ cách mạng tiền bối mà còn diễu cợt cả Nhân dân, xem nhân dân như kẻ khờ bảo sao nghe vậy.
Họ tự cho mình cái quyền hạ cấp Nhân dân thành đầy tớ cho “công bộc”, thành người nai lưng ra làm để nuôi “công bộc” chứ chẳng phải ông chủ có quyền hiến định.
Một ông Phó Chủ tịch thị xã, sau vụ Formosa đầu độc biển miền Trung đã mắng Nhân dân: “biển bị đầu độc từ cái mồm của bạn”;
Còn một ông Bí thư Thị xã khác thì tuyên bố:
Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân” để biện luận cho việc ông bổ nhiệm hơn 40 chức danh lãnh đạo khi còn làm Giám đốc sở, trước khi được bố trí làm Bí thư thị xã.
Vì sao hai ông lãnh đạo thị xã, một bên chính quyền, một bên đoàn thể lại có thể dùng lời lẽ vô trách nhiệm đến thế, hỗn đến thế đối với nhân dân?
Nói “vô trách nhiệm” là sử dụng cụm từ mà Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã dùng khi phát biểu: “câu trả lời của ông Lưu Văn Bản bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp phòng là vì dân là lấp liếm, rất vô trách nhiệm". [1]
Nếu câu “do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân” đúng là của ông nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh tỉnh Hải Dương thì có thể thấy ông Bí thư thị xã Chí Linh đã không ngần ngại khi khẳng định, rằng ngày nay người ta “vì cán bộ” trước khi vì “vì Nhân dân”.
Ở đây không phải chuyện bắt bẻ về ngôn từ hay câu chữ mà xuất phát từ một quan điểm dân gian, rằng “người làm sao, của chiêm bao làm vậy”, đầu người ta nghĩ gì thì miệng người ta nói thế!
Nói các ông ấy “hỗn” chắc chắn không phải là vu vạ và cũng chẳng cần phải giải thích dài dòng bởi nhân dân đã nhận thấy họ hỗn từ lâu rồi, chỉ có điều cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra tư cách, đạo đức cán bộ có nhận thấy họ “hỗn” không thì nhân dân và truyền thông đều “sài lắc”!

Nghĩ về 27 biểu hiện suy thoái - tự diễn biến, tự chuyển hóa

Làm Bí thư thị xã, chắc hẳn ông Lưu Văn Bản phải được học hành đầy đủ và ông phải hiểu rằng mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Tuyệt đối không được phép đặt lợi ích của cán bộ, đảng viên ngang hàng hoặc cao hơn lợi ích của nhân dân (như cách phát biểu của ông Lưu Văn Bản).
Trong bài “tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích quốc gia dân tộc” đăng trên tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14/4/2016 có đoạn:
Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình mới của đất nước và thế giới đã và đang đặt ra cho nước ta nhiều cơ hội và thách thức, bài học kinh nghiệm “Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết” có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết”. [2]
Bài báo nhấn mạnh: “Thậm chí, nếu lợi ích dân tộc và giai cấp mâu thuẫn với nhau thì phải tạm gác lại lợi ích giai cấp”.
Vậy ông Lưu Văn Bản nghĩ gì khi ông lồng ghép chuyện “vì nhân dân” vào cùng với “vì cán bộ”?
Quan điểm của ông có đi ngược lại di huấn của Chủ tịch Hồ chí Minh, trái với yêu cầu của Đảng là phải “tạm gác lại lợi ích giai cấp”, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cán bộ, của đoàn thể?
Khi một cán bộ lãnh đạo phát biểu thành lời rằng việc làm của mình là “vì cán bộ” thì có thể thấy nói họ “vô trách nhiệm” vẫn còn quá nhẹ.
Không nhớ đến lời dạy của Cụ Hồ, không làm theo chỉ đạo của Trung ương, họ không chỉ “vô trách nhiệm” mà còn “thiếu trầm trọng” những kiến thức lý luận đã được học tại Học viện Chính trị Hành chính, nói theo kiểu dân gian là “thiếu văn hóa”.
Những người vừa “hỗn” vừa “thiếu văn hóa” như thế liệu có đủ tư cách, có xứng đáng làm cán bộ lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng và chính quyền cấp thị xã?
Một trong những nguyên nhân “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” đã được đề cập trong Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo đó những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên được thể hiện như:
Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. [3]

Ông Hoàng Sỹ Bình: Tiền mua đất, nhà có được do nuôi lợn, sửa xe máy, buôn tivi

(GDVN) - Ông Hoàng Sỹ Bình cho biết, khối tài sản lớn gồm nhà và đất mà ông có được hiện nay là do nuôi lợn, sửa xe máy, buôn ti vi, khám chữa bệnh cho dân...

Ông Phạm Văn Tỏ (Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương), cho biết:
Sở (Nội vụ) không phụ trách nhiệm quản lý cũng như quyết định công tác cán bộ tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bổ nhiệm cán bộ thành toàn lãnh đạo không thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ”. [4]
Hành động của ông Lưu Văn Bản liệu có nằm trong phạm vi nhận định của Trung ương, đó là “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền”…
Nếu ông Bản “buộc” phải bổ nhiệm cán bộ , nếu ông Bản không “thao túng công tác cán bộ” thì ai phải chịu trách nhiệm, nói cách khác, ông đề bạt hàng loạt cán bộ dưới sự chỉ đạo của ai, của cơ quan nào khi Sở Nội vụ tỉnh này phủ nhận liên quan đến công tác cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội?
Tại nghị trường quốc hội, một vị đại biểu cho rằng:
Nạn chạy chức, chạy quyền cứ râm ran hết khóa này đến khóa kia, nói mãi nhưng không ai làm, nói một đằng làm một nẻo khiến cử tri hết sức bức xúc.
Hành vi này không chỉ gây ra bất công lớn trong xã hội, mà còn “đẻ” ra tham nhũng”. [5]
Vậy hơn 40 công chức được đề bạt thành cán bộ lãnh đạo dưới thời ông Lưu Văn Bản là hoàn toàn do năng lực công tác, do trình độ lãnh đạo xuất sắc và đều là “người dưng” không liên quan gì đến “đồng chí này là con đồng chí nào” hay không ít người thuộc vào đội ngũ “chạy chức, chạy quyền”?
Ông nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền làm chuyến tàu vét ở phút thứ 89, ông nguyên Giám đốc sở Y tế Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình “lái tàu” ròng rã suốt 6 năm trời (từ năm 2009 đến khi ông hạ cánh vào năm 2015), ông đã “qua mặt” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để tuyển dụng 3.721 cán bộ, nhân viên (Thanhtra.com.vn ngày 5/8/2016).
Chỉ đến khi ông trở thành thường dân, người ta mới dám công khai “thành tích lái tàu” có một không hai của ông!
Ông Lưu Văn Bản khác ông Truyền bởi chưa đến lúc đi chuyến “tàu vét”, bởi chuyến tàu ông lái còn cả một chặng đường “vinh quang” phía trước, còn lâu mới đến “hoàng hôn”.
Sự “đặc sắc” của ông Bản là ông chỉ “bẻ lái” chút xíu trong giai đoạn chuyển tiếp từ Giám đốc sở sang Bí thư Thị ủy!
Những chuyến tàu “tăng bo” mà ông lái trong mấy năm mới chỉ có hơn 40 khách ở khoang vip (tức là cấp Sở) được báo Nhân Dân điểm mặt, còn hành khách tại các khoang “hàng chợ” như cấp huyện, thị xã có lên tàu “tăng bo” cùng ông thì chưa thấy nói tới.

Sở toàn lãnh đạo là tận tâm, tận lực vì dân hay chỉ kiếm lợi, vô trách nhiệm?

Có thể các ông Trần Văn Truyền, Hoàng Sỹ Bình… không biết đến Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa 12) vì Nghị quyết vừa mới ban hành mà các ông thì đã “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” sau khi được nhắc nhở rồi.
Bây giờ sau khi đã rút kinh nghiệm, các ông ấy có thể không cần “lầm lũi mà đi” nữa, còn có “ngẩng cao đầu” không thì phải chờ đến đoạn kết. 
Với ông Lưu Văn Bản thì câu chuyện lại hoàn toàn khác vì ông là đương kim Bí thư Thị ủy.
Xin gửi ông mấy dòng trong Nghị quyết của Trung ương:
Hàng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là: chương trình hành động của tập thể và cá nhân;
Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Không biết trong chương trình hành động của cá nhân những người được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo phòng có ai ghi rõ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “đưa công văn, đun nước, pha trà…” như báo Nhân Dân mô tả? [6]
Câu chuyện của ông Bí thư Chí Linh, ông Phó Chủ tịch thị xã Kỳ Anh hay “một bộ phận không nhỏ những ông khác” hé mở rất nhiều điều để truyền thông và người đóng thuế “mở mang trí tuệ”, bởi ngoài chuyện “biển nhiễm độc từ mồm dân” còn chuyện “việc báo chí đưa thông tin làm cho cán bộ hoang mang, bất an, thậm chí nghỉ việc”?
Bài báo “Chuyện như đùa ở Hải Dương” được báo Nhân Dân - “Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam” - đăng lúc gần 3 giờ sáng ngày 17/10/2016, từ thông tin trên tờ báo này các báo điện từ khác như Anninhthudo.vn, Giaoduc.net.vn, Laodong.com.vn, Vov.vn… đã có hàng loạt bài bình luận và thông tin thêm về vụ việc.
Nếu quả thật thông tin mà báo Nhân Dân và các tờ báo khác đưa ra làm cho “cán bộ hoang mang, bất an, thậm chí nghỉ việc” thì chắc chắn Ban Tuyên Giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải vào cuộc.
Còn nếu ông Lưu Văn Bản vu cáo truyền thông thì phải xử lý thế nào?
Liệu các cơ quan Tuyên giáo, Kiểm tra, Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có nên xem xét tư cách một đảng viên khi người này cho rằng báo chí - trong đó có báo Nhân Dân - “đưa thông tin làm cho cán bộ hoang mang, bất an, thậm chí nghỉ việc”?

"Bá Kiến phiên bản mới và những Chí phèo đương đại"

Khoản 4 điều 9 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2011) quy định:
Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.
Là Bí thư Thị ủy mà cho rằng báo Nhân Dân - Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa thông tin làm cho “cán bộ hoang mang, bất an, thậm chí nghỉ việc” thì rõ ràng ông Lưu Văn Bản đã làm trái điều lệ Đảng?
Tại diễn đàn Quốc hội đã xuất hiện câu hỏi “có bao nhiêu cán bộ thực sự vì nhân dân”?
Còn nhân dân thì ngàn lần không muốn những người “vì nhân dân” như ông Lưu Văn Bản.
Một cán bộ lãnh đạo vừa “vô trách nhiệm” lại không tuân thủ điều lệ Đảng liệu có quan trọng đến mức không thể thay thế?
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2016/38346/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-loi-ich-quoc-gia-dan-toc.aspx

http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Vi-sao-hai-ong-lanh-dao-lai-vo-trach-nhiem-hon-voi-dan-den-the-post172160.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét