Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Nguyên tắc phân chia ngân sách giữa TW và ĐP

Nguyên tắc phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương
TS. Vũ Quang Việt, 3/11/2016, (TBKTSG) - Thể chế kinh tế vừa phải bảo đảm sự phát triển chung cho cả nước (qua phân chia quyền và đối trọng trong việc quyết định các chính sách kinh tế), vừa phải bảo đảm việc phát triển đồng đều (bằng việc phân bổ lại nguồn lực do lợi thế về tự nhiên mang lại từ vùng có lợi thế sang vùng ít lợi thế), đồng thời phải bảo đảm tính chủ động phát triển của địa phương.
Một phần của thể chế được phản ánh qua nguyên tắc phân chia giữa trung ương và địa phương về trách nhiệm và quyền thu thuế. Có nhiều cách thực hiện việc này, nhưng tựu trung là có hai cách cơ bản:

Một là, phân bổ nhiệm vụ. Ví dụ ở Mỹ, chính quyền địa phương có trách nhiệm về giáo dục, chính quyền liên bang có trách nhiệm về bảo vệ an ninh quốc gia; chính quyền liên bang có trách nhiệm đảm bảo an ninh nội địa liên quan đến tội phạm mang tính liên bang, chính quyền bang có trách nhiệm đảm bảo an ninh trong nội địa bang. Trên cơ sở đó, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương có chính sách thu thuế riêng để thực hiện trách nhiệm của từng cấp chính quyền. 

Cũng chính vì thế, các bang và ngay địa phương, để tạo cạnh tranh, thu hút người tài và đầu tư, đã có chính sách giảm thuế. Tất nhiên, vì có trách nhiệm đã ghi rõ, chính quyền bang hay địa phương không thể xóa bỏ thuế để hoàn toàn không có nguồn thu theo cái được gọi là “chạy đua xuống đáy”.

Hai là, ngân sách do trung ương thu và sau đó phân bổ xuống địa phương.

So sánh phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương ở Mỹ và Việt Nam


Việt Nam cơ bản nằm trong nhóm hai. Thuế và suất thuế là do Nhà nước trung ương quyết, nhưng với một số loại thuế, địa phương được giữ lại 100%. Phần trung ương thu giữ 100% gồm thuế xuất nhập khẩu, thu từ doanh nghiệp do trung ương quản lý, thu từ bán tài nguyên (như dầu khí, đất đai...). Phần còn lại gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp không do Nhà nước quản lý được phân chia giữa trung ương và địa phương.

Nhìn một cách tổng quát tỷ lệ thu thuế, phí ở Việt Nam so với GDP là 20%, nhưng trước đây cao hơn, tính trung bình từ năm 2010-2014 là 23,4%, thấp hơn nhiều so với Mỹ là 31% (xem bảng 3). Tuy nhiên chi ngân sách của Việt Nam lại rất cao, lên tới 34% GDP vào năm 2014, tương đương với Mỹ. 


Nếu so với các nước khác trong khu vực, thu ngân sách của Việt Nam cao bằng các nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, và cao hơn nhiều các nước có mức thu nhập tương tự như Ấn Độ (9,4%), Philippines (14,4%) (xem bảng 4). Tỷ lệ thu của Việt Nam như vậy là rất cao, khó có thể tăng hơn nếu không muốn tạo ra ảnh hưởng xấu cho khu vực tư nhân.

Về phân phối giữa trung ương và địa phương, tỷ lệ dành cho địa phương giữ lại 100% rất thấp, như ở TPHCM chỉ có 6% tổng thu ở thành phố (xem bảng 5). Rất tiếc số liệu ngân sách không cho thấy rõ phần thu tổng hợp các địa phương được giữ lại 100%.


Nếu kể thêm phần được phân chia thì tỷ lệ địa phương được giữ là 36,2% tổng thu khi tính chung cho cả nước và sau khi phân bổ từ trung ương về địa phương, địa phương được hưởng tới 63,8% tổng thu cả nước (xem bảng 2).

Tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng ở Việt Nam là 63,8% tổng thu này, cao hơn Mỹ rất nhiều; ở đó tỷ lệ địa phương được hưởng là 49%. Đây là điều đáng ngạc nhiên, vì người Mỹ tự coi là một quốc gia mà địa phương có rất nhiều quyền hạn so với trung ương.


Nguyên tắc phân chia thu ngân sách giữa trung ương và địa phương: vấn đề ở Việt Nam

Luật Ngân sách năm 2015 ghi “Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao” (điều 9) nhưng thu ngân sách mà địa phương có thể chủ động ở mức độ nhất định lại rất ít, như đã nói ở trên là 36,2% tổng nguồn thu (xem bảng 2). Phần này phản ánh tổng hợp tất cả các địa phương. Nó gồm hai phần: phần địa phương được giữ lại 100% và phần được phân theo tỷ lệ.

Xem xét số liệu ở TPHCM sẽ nói lên thực trạng:

Phần TPHCM được giữ lại 100% chỉ bằng 6% tổng thu.

Phần thu ở TPHCM mà trung ương được hưởng 100% gồm thu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do trung ương quản lý, thuế xuất nhập khẩu, thu dầu khí thô, chiếm tới 53,1% số thu ở thành phố (trong phần thu của trung ương này, thu thuế xuất nhập khẩu chiếm 63% và thu từ DNNN do trung ương quản lý chiếm 12%). Như thế, phần thu của trung ương cao là dễ hiểu vì hàng hóa xuất nhập khẩu qua TPHCM rất nhiều, không như các thành phố không có cảng (hay như các tỉnh có hoạt động khai thác dầu khí, thì dầu khí là thuộc tài sản quốc gia).

Phần phân chia giữa trung ương và địa phương ở TPHCM là 41% cũng rất lớn, tuy vậy, tỷ lệ phân chia thay đổi, giảm từ 30,2% xuống 26,2% khi so sánh năm 2014 và năm 2010 (xem bảng 6). Điều này có vẻ chứng tỏ rằng việc phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương tại TPHCM có tính linh hoạt không phản ánh một chế định ổn định.

Theo luật, nguyên tắc phân bổ ngân sách theo tỷ lệ phải được giữ ổn định và không thể thay đổi nếu không được Quốc hội thông qua.

Khi tỷ lệ phân chia được định sẵn, điều này có nghĩa là thuế suất mà địa phương đánh trên các hoạt động kinh tế ở địa phương hoàn toàn tùy thuộc vào thuế suất mà trung ương quyết. Sự ổn định về tỷ lệ phân chia có thể cho phép địa phương chủ động tăng giảm suất thuế ở địa phương bằng cách tăng giảm tỷ lệ phân chia giữa trung ương và địa phương để phát huy quyền chủ động của họ, nhằm khuyến khích các hoạt động kinh tế ở địa phương, kể cả các hoạt động mà địa phương đặc biệt muốn phát triển.

Hệ thống thuế và phân bổ ngân sách ở Úc

Khác với nhiều nước theo hệ thống liên bang (Mỹ, Canada, Đức), Úc có hệ thống thuế khá tập trung. Chính phủ liên bang quản lý gần như tất cả các loại thuế chính như thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (Úc gọi là GST), thuế tài nguyên, xuất nhập khẩu.

Mục đích thu thuế là để:

(1) Tài trợ cho các dịch vụ công: giáo dục, y tế, giao thông công cộng, an ninh/quốc phòng, cơ sở hạ tầng và hành chính...

(2) Thực hiện các chính sách kinh tế xã hội vĩ mô: chính sách tài khóa, ổn định vĩ mô, chính sách dân số (khuyến khích sinh con, trợ giúp các gia đình có con nhỏ, khuyến khích phụ nữ đi làm), chính sách phát triển cộng đồng, viện trợ quốc tế...

(3) Đảm bảo bình đẳng xã hội thông qua hệ thống an sinh, bảo hiểm, trợ cấp người nghèo...

Nguyên tắc bình đẳng xã hội được đưa vào hệ thống thuế qua thuế lũy tiến “progressive taxation”, nghĩa là người giàu phải đóng góp nhiều hơn người nghèo. Bên cạnh đó, nó còn được thực thi qua nguyên tắc tính bình đẳng về tài khóa “Horizontal Fiscal Equalisation” (HFE) giữa các bang, đảm bảo san sẻ tiền thuế giữa các bang giàu và bang nghèo. 

Horizontal Fiscal Equalisation của Úc được một ủy ban liên chính quyền (gồm chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang tham gia) đưa ra một công thức tính khá phức tạp dựa vào dân số, thu nhập, và các yếu tố ngân sách khác.

Tiền thuế liên bang rót về cho các bang được chia thành hai gói. Gói thứ nhất cho những mục tiêu cụ thể, ví dụ chi một khoản ngân sách nhất định cho giáo dục hay xây dựng hạ tầng. Ngân sách này rót từ liên bang nên phải được quốc hội liên bang phê chuẩn và phục vụ cho các kế hoạch, chỉ tiêu quốc gia (liên bang). Gói thứ hai là tiền thuế không ràng buộc, nghĩa là bang có toàn quyền quyết định sử dụng phần tiền này cho các mục đích nội bộ của mình. Gói thứ hai được phân bổ theo nguyên tắc HFE với công thức định trước và minh bạch.

Các bang có quyền đánh một số loại thuế/phí nhỏ như thuế trước bạ, thuế đất, thuế bảng lương (payroll tax - khoảng 4-5% bảng lương của các doanh nghiệp lớn)... Họ cũng có một số nguồn thu khác ngoài thuế như tiền bán đất đai, tài sản, tiền cho thuê tài sản, lợi nhuận từ các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bang.

Các chính quyền địa phương (local government - là chính quyền cấp 3, cấp thấp nhất trong hệ thống nhà nước Úc) thường chỉ có ngân sách từ bang rót xuống, thuế nhà đất, phí dịch vụ và các khoản tiền phạt hành chính.

Giống các nước liên bang, vai trò tài khóa của các bang ở Úc rất lớn vì họ có nhiều quyền tự chủ. Dù hơn nửa ngân sách do liên bang rót xuống nhưng họ vẫn chịu trách nhiệm chính với cử tri về các vấn đề chi tiêu.

TS. Lê Hồng Giang
http://www.thesaigontimes.vn/153392/Nguyen-tac-phan-chia-ngan-sach-giua-trung-uong-va-dia-phuong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét