Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

24/11/1859: Darwin xuất bản cuốn "Nguồn Gốc Muôn Loài"

24/11/1859: Darwin xuất bản cuốn ‘Nguồn Gốc Muôn Loài
Cho đến khi Darwin qua đời vào năm 1882, lý thuyết tiến hóa của ông đã được chấp nhận rộng rãi. Để tưởng nhớ công trình khoa học của ông, Darwin được chôn ở Tu viện Westminster (Westminster Abbey) cùng với các vị vua, hoàng hậu, và các nhân vật lẫy lừng khác trong lịch sử nước Anh. Tuy rằng những bước phát triển tiếp theo trong di truyền học và sinh học phân tử đã điều chỉnh lại nội dung thuyết tiến hóa, ý tưởng của Darwin vẫn là trọng tâm của lý thuyết sinh học.

Vào ngày này năm 1859, cuốn Nguồn Gốc Muôn Loài (tên đầy đủ: On Origin of Species by Means of Natural Selection – Về Nguồn gốc các loài qua Chọn lọc Tự nhiên), một công trình khoa học mang tính đột phá của nhà tự nhiên học Charles Darwin đã được xuất bản ở Anh. Lý thuyết của Darwin cho rằng sinh vật tiến hóa dần dần thông qua một quá trình mà ông gọi là “chọn lọc tự nhiên.” Trong quá trình này, những sinh vật có biến dị di truyền để phù hợp với môi trường sống thường có xu hướng sinh sôi nhiều hơn những sinh vật cùng loài nhưng không có sự thay đổi, từ đó làm ảnh hưởng đến tổng thể di truyền của các loài.

Darwin – người chịu ảnh hưởng bởi công trình của nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste de Lamarck và nhà kinh tế học người Anh Thomas Mathus – đã thu thập hầu hết bằng chứng cho lý thuyết của mình trong chuyến khảo sát thám hiểm dài 5 năm trên con tàu HMS Beagle vào thập niên 1830. Nhờ việc đi đến nhiều nơi khác nhau như Quần đảo Galapagos và New Zealand, Darwin có được kiến thức sâu rộng về hệ thực vật, động vật và địa chất của những vùng đất đó. Các kiến thức này cùng với nghiên cứu của chính Darwin về biến dị di truyền và giao phối khác loài (mà ông thực hiện sau khi trở về Anh) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lý thuyết tiến hóa của ông.

Thực ra, ý tưởng về tiến hóa sinh vật không mới. Nó đã được đề xuất trước đó bởi nhà khoa học Anh Erasmus Darwin – ông của Charles Darwin, và Lamarck, người mà vào đầu thế kỷ 19 đã vẽ sơ đồ tiến hóa đầu tiên, với hình dạng một cái thang đi từ sinh vật đơn bào tới con người. Tuy nhiên, phải đến thời Darwin, khoa học mới có một lời giải thích rõ ràng cho hiện tượng tiến hóa.

Darwin đã xây dựng lý thuyết về chọn lọc tự nhiên ngay từ năm 1844, nhưng ông vẫn còn thận trọng không dám công bố, bởi vì nó rõ ràng mâu thuẫn với quá trình tạo hóa được viết trong Kinh Thánh. Năm 1858, khi Darwin vẫn còn im lặng về những phát hiện của mình, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace đã độc lập công bố một bài viết tóm tắt cơ bản lý thuyết của ông. Darwin và Wallace đã có một bài giảng chung về quá trình tiến hóa trước Hội Linnean London[1] vào tháng 07/1858, và sau đó, Darwin đã chuẩn bị xuất bản cuốn Nguồn Gốc Muôn Loài.

Xuất bản lần đầu tiên vào ngày 24/11/1859, Nguồn Gốc Muôn Loài đã được bán hết ngay lập tức. Hầu hết các nhà khoa học đều nhanh chóng tán dương lý thuyết đã giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của ngành sinh học, nhưng các tín hữu Công giáo chính thống lại lên án đây là cuốn sách dị giáo. 

Tranh cãi về ý tưởng của Darwin lại càng sâu sắc hơn khi ông cho xuất bản tiếp cuốn Nguồn gốc Con người (The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex – 1871), trong đó, ông đưa ra bằng chứng về sự tiến hóa của con người từ loài vượn.

Cho đến khi Darwin qua đời vào năm 1882, lý thuyết tiến hóa của ông đã được chấp nhận rộng rãi. Để tưởng nhớ công trình khoa học của ông, Darwin được chôn ở Tu viện Westminster (Westminster Abbey) cùng với các vị vua, hoàng hậu, và các nhân vật lẫy lừng khác trong lịch sử nước Anh. Tuy rằng những bước phát triển tiếp theo trong di truyền học và sinh học phân tử đã điều chỉnh lại nội dung thuyết tiến hóa, ý tưởng của Darwin vẫn là trọng tâm của lý thuyết sinh học.

——————

[1] Hội Linnean London (The Linnean Society of London) là một hội chuyên nghiên cứu và phổ biến các thông tin liên quan đến lịch sử tự nhiên và phân loại học.

http://nghiencuuquocte.org/2016/11/24/darwin-xuat-ba%cc%89n-cuon-nguon-goc-muon-loai/

Nguồn: Origin of Species is published, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét