Việt Nam có thể gia nhập mạng lưới an ninh tập thể Mỹ, NATO sắp vào Biển Đông?
VietTimes -- Việc Mỹ tuyên bố xây dựng một mạng lưới an ninh tập thể là vấn đề cực kỳ quan trọng và sẽ có ảnh hưởng hết sức sâu rộng đến môi trường ổn định ở khu vực, đặt ra cho Việt Nam cách tiếp cận mới trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh hiện nay. Lê Thọ Bình - /Thứ Ba, ngày 7/6/2016 - 08:02
Ông Trần Việt Thái: "Những vấn đề gì mà 10 nước
ASEAN đồng thuận thì Trung Quốc không làm gì được".
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) chia sẻ như vậy với VietTimes.
Mỹ xây dựng một mạng lưới an ninh tập thể
Theo ông thì Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Diễn đàn Shangri-La) lần thứ 15 vừa kết thúc có những điểm gì đặc biệt so các hội nghị trước đây?
- Hội nghị Shangri-La lần thứ 15 này có 3 điểm đặc biệt. Thứ nhất, tại Diễn đàn Shangri-La lần này Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đưa ra một thông điệp rất quan trọng. Đó là Mỹ đang xây dựng một mạng lưới an ninh tập thể (collective security network) mới -- mạng lưới an ninh dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi (a principled security network). Có thể nói đây là vấn đề sẽ có những ảnh hưởng hết sức sâu rộng đến môi trường ổn định ở khu vực. Nó đặt ra cho Việt Nam chúng ta cách thức tiếp cận mới đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Đây là một làn sóng mới mà bản chất của mạng lưới này là vấn đề an ninh tập thể. Việt Nam chúng ta có tham gia mạng lưới này không? Nếu có, thì tham gia ở mức độ nào? Tham gia như thế nào để có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta? Đấy là những vấn đề mà các cơ quan chức năng phải nghiên cứu để tham mưu cho đường lối đối ngoại, công cuộc bảo vệ đất nước chúng ta trong thời gian tới.
Thứ hai là thông điệp của Bộ trưởng quốc phòng Pháp và Bộ trưởng quốc phòng Canada cho thấy họ sẽ tham dự tuần tra chung, nhất là Bộ trưởng quốc phòng Pháp nói rất rõ là Pháp sẽ vận động châu Âu cùng tuần tra, tăng cường thực thi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) trên biển Đông, vì Pháp cho rằng nếu UNCLOS không được tôn trọng ở Biển Đông thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các vùng khác như Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Những tuyên bố này cho thấy đang có một xu hướng mới, quan trọng, là tới đây, vấn đề Biển Đông có nguy cơ vượt ra khỏi “tầm tay” của ASEAN. Chúng ta thấy NATO đã can dự vào rồi. Pháp tuyên bố như vậy cho thấy châu Âu cũng sẽ can dự vào.
Diễn đàn Shangri-La lần này cho thấy một xu thế mới trong vấn đề Biển Đông, đó là các nước lớn ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình khu vực. Qua đây cũng đặt ra vấn đề quan trọng là ASEAN phải nhanh chóng có biện pháp để giữ vai trò của mình ở khu vực, nếu chậm chân và không cùng một tiếng nói, rất có thể sẽ bị gạt ra bên rìa “cuộc chơi”.
Điều thứ ba hết sức quan trọng, đó là xu thế đấu tranh đòi tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế đang thắng thế. Qua Hội nghị Shangri-La, về vấn đề Biển Đông, chúng ta thấy các nước lớn đều kêu gọi, yêu cầu phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đá Su bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp
Hội nghị lần này cho thấy hơn lúc nào hết vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề toàn cầu. Khối G7 ra tuyên bố quan tâm đến khía cạnh toàn cầu. Rồi NATO cũng ra thông điệp. Pháp đã đi vận động châu Âu... Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng. Từ những xu hướng và những chuyển động mới như vậy chúng ta sẽ phân tích và vạch ra những giải pháp phù hợp nhất trong việc bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
ASEAN phải làm gì để giữ vai trò?
Nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam tỏ rõ sự cứng rắn về lập trường liên quan Biển Đông. Phải chăng đây là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc tham gia mạng lưới an ninh tập thể (collective security) do Mỹ xây dựng mà ông vừa nói ở trên?
- Bài phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rất thực chất, nói đúng bản chất của vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và xu hướng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời qua đó cũng truyền đi một thông điệp rõ ràng là Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung của quốc tế, nhưng Việt Nam cũng không để bị đe dọa và làm mọi cách để bảo vệ tổ quốc mình khi cần thiết.
Thưa ông, như ông vừa nói, “các nước ASEAN phải nhanh chóng có biện pháp để giữ vai trò của mình ở khu vực”. Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa bao giờ ASEAN tìm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc một số nước lớn trong khối như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipine nên tách ra khỏi khối này và thành lập liên minh khu vực để cùng nhau bảo vệ quyền lợi của mình. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không đồng ý với quan điểm như vậy. Thực ra ASEAN rất quan trọng. Thứ nhất, là như chúng ta đều biết, sự đồng thuận nhất trí trong ASEAN dựa trên từng vấn đề chứ không đồng thuận trên mọi vấn đề cùng một lúc. Thứ hai, ASEAN ngày càng hội nhập đa dạng hóa, đa phương hóa, nên ASEAN cũng bộc lộ một vài yếu điểm dễ bị bên ngoài tác động vào. Điều quan trọng hiện nay là trong ASEAN cần có những nhân tố có tính dẫn dắt những vấn đề quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế.
Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam chúng ta cần có tiếng nói lớn hơn để cùng với những nước như Indonesia, Singapore… tạo thành lực lượng chính dẫn dắt để phát huy vai trò của ASEAN ở khu vực cũng như trên trường quốc tế. Nói cho cùng thì ASEAN vẫn rất quan trọng, vì nó là một diễn đàn, một cơ chế để chúng ta chia sẻ quan điểm, tạo lập lòng tin lẫn nhau.
Tôi đã làm việc ở Bắc Kinh một thời gian, tôi thấy rằng những vấn đề gì mà 10 nước ASEAN đồng thuận thì Trung Quốc không làm gì được. Đến nay ASEAN cũng đã xây dựng được một lập trường chung gồm 6 điểm liên quan đến vấn đề Biển Đông. Vì vậy tôi cho rằng không cần thiết phải xây dựng một liên minh ngoài ASEAN. Điều quan trọng là chúng ta dẫn dắt vai trò trong ASEAN như thế nào để tạo được tiếng nói đồng thuận.
Lập ADIZ: Còn lâu mới thực hiện được!
Trước khi Hội nghị Shangri-La diễn ra, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc sẽ tuyên bố việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, nếu cần thiết. Trong khi đó, trước khi tham dự Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 8 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Trung Quốc và coi đây là “hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực”. Người ta có cảm giác như hai “võ sĩ” đang “gầm gừ” để thị uy nhau trước khi vào sàn đấu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thuần túy về mặt kỹ thuật thì, có thể nói, Trung Quốc chưa thể thực hiện được việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Biển Đông rất rộng lớn, muốn kiểm soát được thì phải có đủ các phương tiện hiện đại và tối tân như radar và máy bay. Nếu Trung Quốc muốn làm điều này thì họ phải có đủ sức và phương tiện kỹ thuật (đó là chưa nói đến việc cộng đồng quốc tế có để họ làm hay không) để “khống chế” được hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Khu vực phía Bắc thì hiện nay họ có nhiều cơ sở hơn và có thể lập được, đặc biệt trùng với khu vực Hoàng Sa. Còn khu vực phía Nam thì hiện nay Trung Quốc chưa đủ năng lực về mặt kỹ thuật. Vì vậy, việc Trung Quốc nói sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông là ngầm “nắn gân” các nước theo kiểu: “Các anh” không cẩn thận là “tôi” làm thật đấy! Bên cạnh đó cũng cho thấy lập ADIZ trên Biển Đông là tham vọng có thật của Trung Quốc. Nhưng họ có làm được hay không lại là chuyện khác.
Còn việc Mỹ tuyên bố cứng rắn rằng, “Mỹ xem việc Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông là hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực” có phải chỉ là “nắn gân” Trung Quốc trước khi tham dự Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ- Trung lần thứ 8 tại Bắc Kinh hay không thì còn phải có thời gian để kiểm chứng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter cùng hai người đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani và Hàn Quốc Han Minkoo bày tỏ tình đoàn kết tại Đối thoại Shangri-La 2016
Quan điểm của tôi cho rằng đây là một “cuộc chơi” và hai bên đang tìm cách “nắn gân” nhau, những nước nhỏ cần phải tỉnh táo và phải đủ tỉnh táo để nhìn thấy đâu là thực, đâu là ảo.
Philippines thắng kiện sẽ tạo ra tiền lệ tốt
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở Hà Lan sẽ ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” vào cuối tháng 6 này. Theo ông, Philippines có thắng kiện không và tình hình khu vực Biển Đông sẽ thế nào nếu Philippines thắng kiện?
-Trong số 15 điểm mà Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên PCA, thì PCA đã chấp nhận 7 điểm. Tức là PCA nói họ có thẩm quyền về 7 điểm. 8 điểm còn lại thì Philippines phải giải trình chi tiết hơn. Nếu có được chấp nhận thì chắc chỉ có một điểm nữa được chấp nhận mà thôi. Như vậy, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng, ít nhất thì Philippines cũng sẽ thắng kiện 7/15 điểm. Nhưng điều quan trọng là, trong đó có một số điểm đảo ở Biển Đông. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý, có tác động sâu rộng tới các tuyên bố chủ quyền của các nước có liên quan.
Đồng thời việc PCA phán cho Philippines thắng cuộc sẽ thực sự tác động rất sâu rộng về trật tự pháp lý ở khu vực và tác động rất mạnh về mặt chính trị và đối ngoại trong quan hệ không chỉ của các nước lớn, mà giữa các nước lớn với khu vực và giữa các nước khu vực với nhau. Hiện tại, cũng đang phải nghiên cứu và chưa rõ tòa họ sẽ phán theo hướng nào, nhưng nói chung, tới đây, khi họ đưa ra phán quyết rồi thì chúng ta cũng phải nghiên cứu rất kỹ xem áp dụng vào trường hợp của Việt Nam thì như thế nào để từ đó chúng ta tính bước đi cho có lợi nhất.
Trung Quốc là một nước lớn, thành viên của Hội đồng bảo an LHQ, thành viên của một Công ước mà họ lại không tuân thủ nó thì là điều không thể chấp nhận được. Có thể nói Trung Quốc đang ở “thế kẹt”. Tuy nhiên họ sẽ phản ứng và có những hành động cụ thể như thế nào thì chúng ta phải chờ xem và phân tích rõ hơn để từ đó có ứng xử cho phù hợp.
Theo ông thì, nếu Philippines thắng kiện có tạo tiền lệ cho các nước khác trong khu vực kiện Trung Quốc tiếp không?
- Cái đó phải đợi xem, Indonesia đang dọa kiện, Malaysia cũng đang dọa kiện.
Vậy, còn Việt Nam chúng ta thì sao, thưa ông?
- Quan điểm cá nhân tôi là Việt Nam chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đàm phán phân định biên giới trên bộ, phân định ở Vịnh Bắc Bộ. Chúng ta có rất nhiều bài học trong việc “chơi” với Trung Quốc. Vì vậy, đến lúc cần thiết chúng ta sẽ có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước chúng ta. Hãy cứ tin là như vậy!
Trung Quốc sẽ không ngồi yên?
Trung Quốc sẽ có hành động như thế nào, nếu Philippines thắng kiện, chắc chắn họ sẽ không ngồi yên?
- Chắc chắn là Trung Quốc sẽ có phản ứng, trước mắt sẽ phản ứng với Philippines. Chúng tôi dự báo sẽ có hai khả năng. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ trả đũa về kinh tế, thương mại. Thứ hai, họ sẽ trả đũa trên thực địa.
Về kinh tế thì chưa rõ là Trung Quốc sẽ “trả đũa” như thế nào. Cái này còn phải chờ xem, vì vào năm 2012, khi Trung Quốc lấn chiếm ở Scarborough, Trung Quốc đã trả đũa Philippines vụ chuối. Tuy nhiên, vụ này Philippines không những không bị thiệt hại mà lại còn thắng lớn. Chuối Philippines không vào được Trung Quốc, nhưng lại mở ra một thị trường lớn, tiềm năng hơn là Nhật Bản và Mỹ.
Lần này nhiều khả năng họ sẽ phản ứng trên thực địa là chính. Ví dụ như họ sẽ đưa tàu lấn sâu vào bãi cỏ mây, rồi họ chèn ép ngư dân.v.v. Tuy nhiên cái này phải tiếp tục theo dõi thêm, vì cái “ông” Tàu lắm “chiêu trò” lắm.
Còn quan điểm của chúng ta là rất rõ ràng, chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế và, vì vậy, chúng ta tôn trọng những phán quyết của PCA.
Xin cám ơn ông!
http://viettimes.vn/the-gioi/viet-nam-co-the-gia-nhap-mang-luoi-an-ninh-tap-the-my-nato-sap-vao-bien-dong-60443.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét