Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Tàu đến, Tây đi - lợi bất cập hại

Tàu đến, Tây đi - lợi bất cập hại
Gia Minh 22/4/2016 - Tiền bạc không có quốc tịch nhưng lại có sức công phá dữ dội. Du khách Trung Quốc mang lại ngoại tệ ngày càng nhiều cho chúng ta và cũng đang gây ra không ít chuyện chướng tai gai mắt trong sinh hoạt hàng ngày.

Khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam. Ảnh T.L
(TBKTSG) - Sau 15 năm nền kinh tế mở cửa, xã hội Trung Quốc xuất hiện một tầng lớp trung lưu mà chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể, trong đó có nhu cầu du lịch nước ngoài nhất là khi có sự khuyến khích của nhà nước.

Từ vài ba triệu người vào thời buổi ban đầu, chủ yếu đi du lịch các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, mấy năm sau là các nước châu Âu và Mỹ, đến nay du khách Trung Quốc đã có mặt khắp nơi trên trái đất kể cả vùng Nam cực.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) trong bản báo cáo mới nhất công bố ngày 28-3 vừa qua cho thấy hơn 120 triệu khách du lịch Trung Quốc đã chi ra 215 tỉ đô la Mỹ để đi du lịch nước ngoài trong năm 2015, tăng 53% so với năm 2014.

Trước đó theo phúc trình của Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc, chi tiêu ở nước ngoài của du khách nước này năm 2010 chỉ mới ở mức 48 tỉ đô la Mỹ và năm tiếp theo đã là 55 tỉ đô la. Như vậy mới thấy nhu cầu du lịch của lớp nhà giàu mới Trung Quốc ngày càng tăng và là một tiềm năng lớn mặc dù chi tiêu của họ rất thấp so với du khách các nước.

Tuy nhiên, mặt trái trong câu chuyện này là ý thức du lịch của đa số người Trung Quốc rất kém, cư xử thiếu văn minh, không chỉ gây nhiều phiền toái ở các nơi họ đến, mà còn là nỗi nhức nhối cho Chính phủ Trung Quốc.

Qua phản ánh của các đối tác du lịch, chính quyền Trung Quốc cảm thấy xấu hổ vì không ít công dân của mình có tác phong khiếm nhã khi du lịch nước ngoài. Hàng loạt vụ tai tiếng như vẽ bậy lên các tượng đài cổ Ai Cập và các hành vi khác làm mất thể diện quốc gia được phản hồi khiến Tổng cục Du lịch Trung Quốc hồi năm ngoái cho biết sẽ tập hợp danh sách du khách Trung Quốc hành xử kém văn hóa ở nước ngoài để thông báo cho cảnh sát, hải quan và ngân hàng nhằm khắc chế tệ trạng này.

Theo Tân Hoa Xã, Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã liệt kê một danh sách dài những hành vi được gọi là “không tôn trọng xã hội” như lúc nào cũng to tiếng ồn ào, khạc nhổ và tiểu tiện nơi công cộng, phơi quần áo và ăn uống bừa bãi ở sân bay, ăn cắp phao cứu sinh, gây thiệt hại cho tài sản tư nhân, đánh bạc, phô diễn tình dục...

Việt Nam cũng là một điểm đến đáng kể của du khách Trung Quốc và cũng là nơi hội tụ tất cả thói hư tật xấu như những gì mà ngành du lịch Trung Quốc đã nhìn ra. Thời điểm cao nhất vào năm 2014, số du khách Trung Quốc đến nước ta gần 2 triệu người, con số này có sụt giảm trong năm 2015 do ảnh hưởng “thời tiết chính trị” nhưng vẫn là nguồn thu quan trọng đối với ngành du lịch nước ta.

Trong khi ngành du lịch tỏ ra lạc quan về nguồn du khách Trung Quốc trong năm nay thì những người làm du lịch lại có một nỗi lo là sinh hoạt của những người láng giềng Trung Quốc ngày càng tạo nên một sự phản cảm đáng kể đối với du khách các nước khác, đặc biệt là khách Âu Mỹ, khách Nhật, Hàn Quốc vốn có nếp sống văn minh và một ý thức về du lịch cao hơn.

Tiền bạc không có quốc tịch nhưng lại có sức công phá dữ dội. Du khách Trung Quốc mang lại ngoại tệ ngày càng nhiều cho chúng ta và cũng đang gây ra không ít chuyện chướng tai gai mắt trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này không chỉ khiến người dân địa phương bất mãn mà còn tạo một không gian văn hóa thiếu trong lành dưới mắt du khách các quốc tịch khác. Hậu quả là một số không nhỏ các du khách lâu nay tìm đến các thành phố biển của chúng ta để nghỉ ngơi nay đã dần vắng bóng.

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ghi nhận thực tế của giới làm du lịch địa phương ở Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né cho thấy hiện nay khoảng 70% du khách nước ngoài là từ Trung Quốc, họ đi theo các tour hàng trăm người đang tràn ngập các khu du lịch và khách sạn với nếp sinh hoạt mang tính đặc thù của từng nhóm du khách. Nhiều nơi chính quyền địa phương phải giải quyết những xung đột do du khách Trung Quốc gây ra. Phải chăng đây là bài toán nan giải của người làm du lịch dưới áp lực kinh doanh trong điều kiện không thể có nhiều thứ cùng một lúc?

Đặt vấn đề trong một bối cảnh lớn hơn lại có thêm điều đáng lo. Đó là liệu rồi đây du khách Trung Quốc có tạo ra một “hiệu ứng lệ thuộc” khi bỗng nhiên vì một lý do nào đó, các hợp đồng đưa khách vào nước ta giảm mạnh, thậm chí bị hủy bỏ. Khi ấy ngành du lịch sẽ ứng phó ra sao. Chúng ta đã có kinh nghiệm về hiệu ứng lệ thuộc như vậy trong buôn bán nông sản với người Trung Quốc thời gian qua, thế nhưng với ngành du lịch thì hậu quả sẽ nặng nề gấp trăm ngàn lần hơn nếu chẳng may rơi vào hiệu ứng lệ thuộc tương tự.

Không biết trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch, chính phủ đã nghĩ đến tình huống này chưa?

http://www.thesaigontimes.vn/145271/Tau-den-Tay-di---loi-bat-cap-hai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét