Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Việt Nam đang chuyển trục về phía Hoa Kỳ

Việt Nam đang chuyển trục về phía Hoa Kỳ
Carl Thayer - Trong một động thái chưa từng có, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi thăm Hoa Kỳ. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ đến thăm Washington từ ngày 6 đến 9 tháng 7 để đánh dấu kỷ niệm hai mươi năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Trọng là chưa có tiền lệ bởi vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức viếng thăm Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam bằng phương cách "diễn biến hòa bình" thì tại sao Tổng thống Obama lại tiếp đón tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?
Gs Carl Thayer
Nguồn tin ngoại giao cho biết Việt Nam đã vận động để có được chuyến đi này và nghi thức tiếp đón đã là một điểm trở ngại. Phía Việt Nam muốn Tổng Bí thư Trọng phải được Tổng thống Barack Obama nghinh tiếp tại Nhà Trắng. Điều này tạo ra một trở ngại về nghi lễ vì Tổng Bí thư Trọng không có đối tác trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ.

Các nguồn truyền thông cho biết, Tổng Bí thư Trọng sẽ được Phó Tổng thống Joe Biden nghênh đón trong Nhà Trắng, sau đó Tổng thống Barack Obama sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận. Có tin đồn rằng Trọng có thể hội kiến với bà Hillary Clinton.

Năm 2013 Tổng thống Obama và người đồng cấp phía Việt Nam của ông là Trương Tấn Sang đã ký một Hiệp định về Đối tác toàn diện. Đây là tài liệu nền tảng quan trọng cho quan hệ song phương. Đầu năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã ký một Hiệp định Tầm nhìn chung tại Hà Nội với đối tác của ông là Đại tướng Phùng Quang Thanh, đặt ra mười hai lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong tương lai.

Cuộc gặp gỡ giữa Obama và Trọng là quan trọng vì cả hai nhà lãnh đạo này sẽ rời khỏi chức vụ của mình trong năm tới. Bất kỳ mối hiểu biết nào đạt được trong chuyến thăm của Trọng lần này sẽ đặt nền tảng cho quan hệ Mỹ-Việt khi quá trình thay đổi lãnh đạo diễn ra ở cả hai nước.

Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ mười hai của mình vào đầu năm 2016. Đại hội này sẽ thông qua chính sách chiến lược quan trọng cho năm năm tiếp theo. Thật là ý nghĩa kể từ khi dàn khoan HY981 tạo nên cuộc khủng hoảng hồi tháng năm đến tháng bảy năm ngoái, một số thành viên của bộ Chính trị ĐCSVN đã đến thăm Hoa Kỳ, bao gồm cả Phạm Quang Nghị (bí thư thành uỷ Hà Nội) và Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ thực hiện một chuyến thăm bên lề tới Washington sau khi xuất hiện tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ tại New York. Theo một số tin đồn khác, Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng có khả năng thực hiện một chuyến thăm.

Trong một nỗ lực minh chứng một hệ thống chính trị thường có những quyêt định bất nhất của của Việt Nam, các nhà phân tích nước ngoài đã thừa nhận sự tồn tại của hai phe bảo thủ và cải cách trong Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Trọng thường được mô tả như một người có tư tưởng bảo thủ, ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem như là một nhà cải cách, đang tìm kiếm quan hệ an ninh và kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Dũng còn đang được đồn đoán là sẽ tìm kiếm vị trí Tổng Bí thư đảng tại Đại hội toàn quốc năm 2016.

Có lẽ sự sắp xếp giữa các phe phái trong Bộ Chính trị là phức tạp và nhiều sắc thái hơn. Các cá nhân đều có vai trò trong cuộc dàn xếp. Ví dụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một đối thủ của Dũng, được cho là cùng phe với Trọng. Sang thường xếp vào phe thân Trung Quốc. Nhưng giới ngoại giao phương Tây, những người hiểu Sang lại báo cáo rằng ông rất hay chỉ trích Trung Quốc.

Có khả năng là sự sắp xếp giữa các phe phái là phức tạp hơn. Việc ai trong Bộ Chính trị là thân Trung Quốc hay thân Mỹ cũng không rõ ràng. Nhiều khả năng là họ có sự khác nhau trong việc đánh giá và quản lý mối quan hệ với các cường quốc sao cho không tổn hại đến quyền lợi quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam không thể chọn người láng giềng và một sự thật lâu dài của chính sách an ninh quốc gia Việt Nam là làm sao để tránh những căng thẳng thường trực trong quan hệ với Trung Quốc. Trong quan hệ với các nước lớn, Việt Nam theo đuổi một cách tiếp cận đa phương, bao gồm không chỉ Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn cả Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.

Trên nền tảng này, trong việc phát triển quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, ít nhất có hai câu hỏi lớn phát sinh: Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao ? Có thể tin rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện hết các cam kết của mình? Nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà phân tích an ninh quốc gia Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đến gần với nhau bằng tổn thất của Việt Nam.

Sự việc này sẽ diễn ra như thế nào trong quan hệ với Hoa Kỳ? Việt Nam cần tiếp cận với các thị trường Mỹ, nơi có thặng dư thương mại khổng lồ. Đây là các cân bằng quan trọng cho mối thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Nhưng những người chủ trương Việt Nam nên tăng cường quốc phòng và hợp tác an ninh với Hoa Kỳ bị phản đối bởi những người cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bằng cách sử dụng nhân quyền và tự do tôn giáo như một đòn bẩy để thúc đẩy "diễn biến hoà bình", biến Việt Nam từ nhà nước độc đảng sang một nền dân chủ đa đảng.

Những đảng viên lo sợ phản ứng của Trung Quốc trước các gia tăng nhỏ bé trong quan hệ Mỹ-Việt hùng hồn truy vấn các đồng đảng ủng hộ việc xích gần hơn với Mỹ: Mỹ đã làm gì cho Việt Nam? Và họ đã trả lời câu hỏi cho riêng mình bằng cách chỉ ra sự phân biệt đối xử trong việc bán vũ khí của Mỹ và những gì họ cảm nhận từ sự thất bại trong việc giải quyết "di sản chiến tranh" – Chất độc Da cam và xử lý các vật liệu nổ sau chiến tranh.

Hai vấn đề này đã nhiều lần được đề cập đến trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Việt Nam.

Nói cách khác, Hoa Kỳ phải chứng minh ý định tốt của mình bằng cách tháo gỡ tất cả hạn chế của Nghị Ðịnh Kiểm Soát Mua bán Vũ Khí Quốc Tế (ITAR) trong việc bán vũ khí cho Việt Nam. Hiện tại, chính sách của Mỹ cho phép bán vũ khí có tính chất phòng thủ cho Việt Nam - chủ yếu là liên quan đến an ninh hàng hải và xây dựng năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam - trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Trong khi Mỹ đang giải quyết các điểm nóng “Chất độc Da cam” và hỗ trợ trong việc xử lý các vật liệu chưa nổ, một số thành viên còn muốn nhìn thấy những nỗ lực mạnh hơn và tài trợ tốt hơn.

Các vấn đề này được đề cập trong chuyến thăm của Bộ trưởng Carter đến Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi chấp dứt tất cả các hạn chế về việc bán vũ khí và tách việc bán vũ khí ra khỏi các vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, việc Việt Nam trả tự do cho Lê Thanh Tùng, một nhà đấu tranh nổi tiếng, trước chuyến thăm của tổng bí thư Trọng là một món quà đút lót cho phía Hoa Kỳ.

Cuộc viếng thăm tới Washington và gặp gỡ với Tổng thống Obama của tổng bí thư Trọng sẽ được phía Việt Nam nhìn thấy như sự công nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị Việt Nam. Chuyến thăm của Trọng sẽ đặt tiền lệ cho những chuyến tiếp theo của các nhà lãnh đạo đảng từ Việt Nam. Ở một số mức độ nhất định, chuyến thăm của Trọng xoa dịu những nhà bảo thủ trong đảng - nếu Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam bằng phương cách "diễn biến hòa bình" thì tại sao Tổng thống Obama lại tiếp đón tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng và các thành viên khác của Bộ Chính trị đến Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ họ trong các đánh giá của mình về xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương và quan trọng hơn: trong các đánh giá của họ về việc liệu Mỹ có thể được xem là một đối tác đáng tin cậy. Những đánh giá này sẽ được đưa vào chính sách chiến lược quan trọng, được soạn thảo và phê duyệt bởi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ mười hai.

Hai kết quả chính từ cuộc gặp giữa Trọng và Obama có khả năng định hình mối quan hệ song phương trong tương lai: cam kết của Việt Nam với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận tiến triển, gia tăng thương mại quốc phòng (với việc loại bỏ tất cả các hạn chế còn lại trong ITAR). Việt Nam cũng sẽ hài lòng nếu Tổng thống Obama tuyên bố sẽ thực hiện lời hứa hẹn cố gắng hết sức mình để đến thăm Hà Nội trước khi chấm dứt nhiệm kỳ của ông.

Carl Thayer/The Diplomat
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
(FB Lê Quốc Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét