Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Khi ấy tôi thấy rõ thiện chí của ông Nguyễn Cơ Thạch’

Khi ấy tôi thấy rõ thiện chí của ông Nguyễn Cơ Thạch’
“Trong thời gian tôi làm phiên dịch ở Việt Nam thấy rõ thiện chí của ông Nguyễn Cơ Thạch. Ông đã có tư tưởng gác lại quá khứ hướng tới tương lai, dù Mỹ đã gây chiến tranh ác liệt chống lại Việt Nam” – ông André Sauvageot.
Ông Andre Sauvageot (bìa phải) phiên dịch cho phái đoàn của TNS John Kerry 
sang Việt Nam, trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ, năm 1992. Ảnh tư liệu
LTS: Ông André Sauvageot từng có khoảng thời gian dài góp sức vào việc hàn gắn và phát triển quan hệ Việt - Mỹ, từ vị trí phiên dịch cho các phái đoàn Mỹ, chuyên viên phụ trách hồi hương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến uỷ viên Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ. Tiếp theo loạt bài Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông.

Năm 1992, sau những nỗ lực không mệt mỏi của Đại tướng John Vessey, Đặc phái viên của Tổng thống Ronald Reagan về vấn đề POW/MIA (tù binh và người Mỹ mất tích), phía Mỹ đã cử TNS John Kerry dẫn đầu một phái đoàn tới Việt Nam. Được biết, lúc đó ông là người phiên dịch cho phái đoàn này. Và đây có phải là công việc đầu tiên đánh dấu sự trở lại Việt Nam của ông kể từ sau năm 1975?

André Sauvageot: Vâng, trong hành trình bình thường hoá quan hệ hai nước, tôi là phiên dịch cho các trưởng đoàn Hoa Kỳ sang Việt Nam với mục đích đạt được sự hợp tác của phía Việt Nam nhằm tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Trưởng đoàn đầu tiên là ông Richard Armitage - Thứ trưởng bộ Quốc phòng, phụ trách Quốc tế sự vụ trong lĩnh vực an ninh. Lúc bấy giờ Chính phủ Mỹ chỉ thị ông Armitage không nên thảo luận bất cứ vấn đề gì ngoại trừ tìm kiếm lính Mỹ mất tích. 

Tuy nhiên, ông Armitage rất thông minh, đã lịch sự, kiên nhẫn và lắng nghe hết các vấn đề từ phía Việt Nam nêu ra. Ông đặc biệt lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Người tiếp theo là đặc phái viên của Tổng thống Reagan, ông Vessey được phép thảo luận ngoài vấn đề tìm kiếm binh lính mất tích. Hai bên cùng thảo luận nội dung mang tên “Sáng kiến Vessey”. Một trong những hoạt động là tổ chức cho bác sĩ sang Việt Nam mổ miễn phí cho trẻ em Việt Nam bị hở môi, hở hàm ếch. 

Sau đó là ông John Kerry khi ấy là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại, Thượng nghị viện, kiêm Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt đảm trách việc quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.

Trước đó tôi đã 2 lần làm phiên dịch cho phía Mỹ trước năm 1975. Có hai thời điểm mà tôi vẫn nhớ.

Đó là lúc đơn vị tác chiến của Mặt trận Giải phóng miền Nam mời tôi tham gia ở Tây Ninh. Khi đó, quân đội Hoa Kỳ đã gửi 5 sĩ quan và yêu cầu không được mang súng tới một địa điểm để Việt Nam và Hoa Kỳ cùng thảo luận thủ tục, thời điểm Việt Nam có thể giao lại 3 lính Mỹ đã bị bắt giữ.

Một thời điểm khác là lúc tôi được bổ nhiệm làm phiên dịch cho trưởng đoàn Mỹ là Trung tướng Woodward. Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên đã gặp ở Sài Gòn sau khi Hiệp định Paris được kí kết. Bốn bên đã họp 60 ngày với mục đích thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris. 

Tôi còn biết, từ đầu những năm 1980 ông đã hoạt động tích cực góp phần vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

André Sauvageot: Giai đoạn 1989 – 1991, Chính phủ Mỹ bổ nhiệm tôi làm trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ (tại Thái Lan) về Đông Dương sự vụ. Nhiệm vụ là phân tích chính trị và kinh tế của Việt Nam.

Từ đó, tôi theo các phái đoàn Mỹ thăm Hà Nội để làm cố vấn và phiên dịch viên cho họ. Đó là cơ hội tốt để chia sẻ tích cực về Việt Nam lúc họ đến Thái Lan hay Hà Nội.

Tôi nhớ một lần, lúc họp với ngài Đại sứ Mỹ, có hai thượng nghị sĩ đã hỏi tại sao Việt Nam vẫn “ngoan cố” không chấp nhận giải pháp chính trị cho Campuchia như Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc đã sẵn sàng.

Tôi đã giải thích, không có nước nào có tư cách để nói Việt Nam là “ngoan cố” vì Việt Nam muốn giải pháp chính trị tại Campuchia hơn ai hết. Việt Nam là nước duy nhất trên Trái đất đã hi sinh xương máu để cứu Campuchia thoát nạn diệt chủng.

Giai đoạn 1991 - 1992, tôi là cố vấn khu vực cho Kế hoạch Hành động toàn diện (CPA) liên quan đến “thuyền nhân” Việt Nam, những người không được phép tái định cư tại Mỹ và các nước khác. Tôi đã thường xuyên thăm các trại tị nạn của người Việt tại Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines để giải thích về CPA và chính sách của Việt Nam nhằm giúp họ hồi hương, mau chóng tái hòa nhập khi trở về Việt Nam. 

kinh tế, bình thường hóa, Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Việt Nam, Mỹ, an ninh, chính sách, Trung Quốc, quốc tế, đoàn kết
Ông Andre Sauvageot (ngoài cùng bên phải) và 
Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng. Ảnh: Tuần Việt Nam

Giai đoạn 1993 - 2003, tôi là trưởng đại diện tổ chức General Electric (GE) tại Việt Nam. Lúc đó chúng tôi đã trúng thầu để bán động cơ máy bay; là cầu nối cho Hàng không Việt Nam thuê được 3 chiếc máy bay Boeing B767-300ER; đạt được nhiều hợp đồng bán thiết bị năng lượng như tua bin khí, tua bin hơi, tua bin nước và các loại máy phát điện. 

Tôi nhiều lần đại diện cho GE để trình bày cho tiểu ban Thương mại, Ủy ban Tài chính, Quốc hội Mỹ các lý do GE đề nghị Quốc hội nên hỗ trợ nỗ lực của (các) tổng thống Mỹ để mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam.

Để có thể làm được cầu nối như vậy, hẳn ông rất am hiểu tình hình nội bộ của Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về những thành công chúng tôi đạt được?

André Sauvageot: Theo tôi đánh giá, Việt Nam đã thành công ở nhiều mặt như:

Về bình đẳng nam, nữ, Việt Nam khá hơn Mỹ đấy. Ví dụ, trong Quốc hội Việt Nam, có 25% đại biểu là nữ, trong khi Quốc hội Mỹ mới được 20%. Quốc hội Việt Nam không bao giờ thông qua luật đàn áp nữ giới như một số tiểu bang của Mỹ. 

Về dân tộc thiểu số, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, ước tính khoảng 13% tổng dân số, nhưng thường chiếm tới 15 – 17% số đại biểu trong Quốc hội, và nhiều người giữ vị trí lãnh đạo cao.

Tôi còn biết ông dành nhiều tình cảm ngưỡng mộ với các vị lãnh đạo Việt Nam như Tổng bí thư Đỗ Mười, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch…?

André Sauvageot: Tổng bí thư Đỗ Mười đã làm hết sức mình để cải thiện quan hệ với Mỹ. Ví dụ, sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton đã bỏ luật cấm vận Việt Nam, và công ty của tôi (GE) gửi phái đoàn cao cấp, đứng đầu là Phó chủ tịch GE đã bố trí thì giờ quý báu tham gia thảo luận do tôi phiên dịch.

Trong thời gian làm phiên dịch ở Việt Nam, tôi thấy rõ thiện chí của ông Nguyễn Cơ Thạch. Ông có tư tưởng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, dù Mỹ đã gây chiến tranh tàn khốc chống lại Việt Nam. 

Từng là ủy viên Hội đồng thương mại Việt – Mỹ, nhìn lại 20 năm qua, ông thấy Việt Nam thay đổi thế nào?

André Sauvageot: So với 20 năm trước, giờ Việt Nam thay đổi rất nhiều. Các bạn đã làm theo đúng tinh thần tại Chương II, Điều 15 của Hiến pháp, như “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp tục cải cách để kinh tế tiếp tục phát triển. Việc kiểm soát  nào cũng phải đúng mức.

Thách thức hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt là cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Ông có chia sẻ gì với Việt Nam?

André Sauvageot: Nếu có thời gian, thì có thể nói nhiều về việc này. Tất cả các nước đều mong đạt được quan hệ tốt với Trung Quốc, miễn sao Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các nước xung quanh, chọn chính sách sống chung hoà bình, chấm dứt hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác.

Hành động đó là vi phạm Công ước LHQ về luật biển UNCLOS (năm 1982). TQ đã phê duyệt 1996 nhưng vi phạm thường xuyên.

Việt Nam cần phải gắn bó với các nước xung quanh như Philippines, Malaysia và Indonesia để đàm phán với TQ. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên mời một số nước lớn có uy tín cùng tham dự để tăng cường sự chung tay, chung sức. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Câu này không chỉ đúng trong đối nội mà còn luôn đúng cả trong đối ngoại.

Giờ đây, thông điệp mà nhiều người hướng tới trong dịp 20 năm kỷ niệm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là “cùng nhìn về tương lai”. Vậy theo ông, những điều cần làm tiếp theo là gì để hai nước thực sự trở thành bạn hữu?

André Sauvageot: Hãy tiếp tục con đường chúng ta đang đi.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh
(Tuần Việt Nam)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/247581/-khi-ay-toi-thay-ro-thien-chi-cua-ong-nguyen-co-thach-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét