Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Khi ảnh hoa hậu, ảnh bác sĩ đều… ‘gây bão’

Khi ảnh hoa hậu, ảnh bác sĩ đều… ‘gây bão’
Hữu Tri - VNN - Đằng sau mỗi bức ảnh, mỗi clip, mỗi câu chuyện… được chia sẻ trên mạng ảo là những con người, những số phận rất thực.
Từ ảnh bác sĩ đến ảnh hoa hậu
Cách đây không lâu, hình ảnh một vị bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh để… hỏi bệnh rõ hơn đã trở thành một đề tài tranh luận nóng trong xã hội. Trên Internet, đặc biệt là Facebook, bức ảnh được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng đa phần đều lên án vị bác sĩ. Chưa dừng lại ở đó, các ý kiến còn đào sâu vào vấn đề y đức và được nâng tầm lên thành một vấn đề… nhức nhối của ngành Y nước nhà.

Điều khá lý thú là rất ít người đặt vấn đề về tác giả của bức ảnh, mục đích của người chụp bức ảnh trên. Thậm chí, họ cũng chẳng cần đợi xác minh thông tin, cũng như nghe người trong cuộc đính chính. Trước mắt, với một bức ảnh mập mờ, thông tin một chiều, họ cứ tiếp tục “ném đá” vị bác sĩ cái đã.

Và đến lượt bệnh viện nơi bác sĩ này công tác, chưa biết ai đúng, ai sai, trước sóng dư luận, đã họp Hội đồng kỷ luật. Vị bác sĩ chuyên khoa 1, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh kia đã tự nguyện xin từ chức và chịu hình thức kỷ luật cắt 1 năm không được thưởng bổ sung thu nhập, đồng thời kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc trước toàn thể Bệnh viện.

Tiếp đó, một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hoa hậu Kỳ Duyên nằm ngủ với dáng vẻ có phần vô tư trên khoang thương gia của máy bay cũng trở thành tâm điểm dư luận. Hình ảnh riêng tư này được đăng tải và chia sẻ trên MXH với tốc độ “tên lửa” và nhận được không ít những bình luận thiếu tích cực. Nào là hoa hậu phải giữ hình ảnh, nào là người của công chúng phải có tư thế mọi lúc, mọi nơi, kể cả… khi ngủ.

Nếu như việc bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh nhân, xét ở góc độ tác phong, quy tắc công việc là thiếu chuẩn, thì hình ảnh một hoa hậu đang ở trạng thái vô thức tự nhiên là điều hết sức bình thường, rất con người. Hơn thế nữa, đây là vấn đề thuộc về đời sống cá nhân và quan trọng nhất, việc cô ngủ ra sao nào có ảnh hưởng đến… hòa bình thế giới.

Cứ tin xấu là… a lô xô

Đây là một xu hướng khá phổ biến hiện nay. Điều này có thể thấy rõ khi mỗi tin tức, hình ảnh có chiều hướng tiêu cực vừa mới xuất hiện trên MXH thì nó ngay lập tức như mồi ngon cho các cư dân mạng thỏa sức “thể hiện quan điểm”.

Khi ấy, một cộng đồng trở nên sôi sục, mải mê ném đá, không cần quan tâm liệu điều đó có làm sai lệch vấn đề, gây tổn hại đến một cá nhân, tổ chức nào không. Mới đây thôi, việc một nữ sinh phải tự tử do không chịu được áp lực khi bị bạn trai tung clip riêng tư lên mạng có lẽ cũng đủ là một lời cảnh tỉnh về hậu quả hữu hình nghiêm trọng từ thế giới ảo.

Bấy lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin mang tính chất tiêu cực về xã hội đã trở nên quá quen thuộc. Tin tức mang tính chất tiêu cực về vấn đề lương y của bác sĩ, hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ… đã không còn xa lạ đối với người đọc.

Điều này dần tạo thành “nếp hằn” trong hình dung của nhiều người về nghề Y, về bác sĩ, khiến cho khi có bất cứ sự vụ liên quan nào xảy ra, suy luận tiêu cực sẽ là lựa chọn đầu tiên của nhiều người. Còn nhớ, vụ việc bác sĩ “từ chối mổ cho nhà báo” cũng từng gây bão trên MXH, rất may sau đó qua những luồng thông tin có trách nhiệm khác, vị bác sĩ mới được minh oan.

Sự soi mói khá nổi trội trong tính cách người Việt, cộng với những suy nghĩ rập khuôn được định hình bởi các thông tin tiêu cực là yếu tố khiến nhiều người dễ dàng lên án, chỉ trích ngay cả khi chưa nắm đầy đủ thông tin. Có thể nói đây là nguyên nhân lớn đằng sau những bức ảnh đầy tranh cãi trong thời gian qua.

Ngày nay, với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng Internet trở nên hết sức đơn giản. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xác định tính đúng sai, hợp lý của thông tin lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Không gian mạng là ảo, nhưng sức mạnh của nó giờ đây ngày càng trở nên hữu hình hơn bao giờ hết. Đằng sau mỗi bức ảnh, mỗi clip, mỗi câu chuyện… được chia sẻ trên mạng ảo là những con người, những số phận rất thực. Hiểu rõ điều đó để nhắc nhở mình làm một “cư dân mạng” trách nhiệm chưa bao giờ là thừa.

http://phuocbeo.blogspot.com/2015/06/khi-anh-hoa-hau-anh-bac-si-eu-gay-bao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét