Có hay không sự bất thường ở cụm công trình 1.000 tỉ ở Vĩnh Phúc?
Tác giả: Hoàng Yến
Liên quan tới việc Vĩnh Phúc xây dựng Văn Miếu trị giá 271 tỉ có quá nhiều ý kiến phản đối thì cũng ngay tại tỉnh này đã mạnh tay “chi bạo” cho nhà hát, quảng trường với trị giá gần 1.000 tỉ đồng / Vĩnh Phúc ký xây dựng các “công trình nghìn tỷ” chỉ trong… 1 ngày
Theo tìm hiểu thì dự án phần 1 của công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc có mức đầu tư lên tới 105,8 tỉ đồng và thi công khá nhanh trong thời gian 2 tháng từ 28.11.2012 đến 28.1.2013. Đây là một dự án được tỉnh Vĩnh Phúc ký hợp đồng xây dựng với Công ty cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ đô. Với văn bản 1627/SXD-HTKT thì dự án này được chia thành 2 phần. Phần 1 là xây dựng quảng trường phía Bắc đường Hai Bà Trưng được nhà đầu tư bàn giao cho Sở xây dựng vào ngày 28.1.2013 và bắt đầu thanh toán vào ngày 4.2.2013. Các lần thanh toán tiếp theo vào các ngày 8.2.2013 và ngày 3.6.2014.
Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng và đằng sau dự án này còn có nhiều dấu hỏi chưa được giải đáp
Riêng dự án thành phần 2- Khu công viên phía Nam đường Hai Bà Trưng được nhà đầu tư bàn giao cho Sở Xây dựng vào ngày 9/10/2013; bắt đầu thực hiện thanh toán cho Nhà đầu tư vào ngày 18/10/2013. Các lần thanh toán tiếp theo vào các ngày 04/11/2013, 27/6/2014, 23/8/2014. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 280 tỉ đồng (dự án thành phần 1 là 105,8 tỷ đồng và dự án thành phần 2 là gần 174,2 tỉ đồng).
“Việc thanh toán vốn đầu tư cho Nhà đầu tư đều phù hợp với quy định tại thông tư 166/2011/TT-BTC ngày 27/11/2011 của Bộ Tài chính. Lần thanh toán đầu tiên đều sau khi Nhà đầu tư hoàn thành công trình, bàn giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” – văn bản này khẳng định.
Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới thì đây là dự án thực hiện theo hợp đồng BT (là hợp đồng xây dựng, chuyển giao), hợp đồng này chỉ được nhà nước thanh toán khi công trình được hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao. Nhưng điều đáng chú ý thì tại tỉnh Vĩnh Phúc doanh nghiệp thực hiện dự án BT này lại có “tiền tươi, thóc thật” khi hoàn thành một hạng mục nào đó hoặc một phần của dự án khi cần có vốn đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự án được các cấp có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt là gần 280 tỉ đồng, nhưng sau đó lại được chia tách ra thành 2 thành phần để thực hiện và thanh toán theo kiểu ‘cuốn chiếu’. Tất cả những hạng mục này đã được doanh nghiệp thực hiện trong khoảng thời gian̉ 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013 – ngày bàn giao). Ngay sau đó, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc – đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư. Trong văn bản ngày 1/2/2013 do bà Dương Thị Tuyến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký duyệt cho thấy, khối lượng hoàn thành mới đạt trên 74,9 tỷ đồng, tức là chưa đạt khối lượng với tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là trên 105,8 tỷ đồng.
Chính vì sự việc này có thể thấy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch thanh toán cho nhà đầu tư từ khi chưa hoàn tất nghiệm thu các dự án mà trong tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng đây là dự án trọng điểm của tỉnh nhưng với hạng mục công trình khổng lồ lại thi công trong thời gian ngắn, quyết toán rất nhanh chóng khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên và đặt ra nhiều câu hỏi.
Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc được hoàn thành nhưng đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa biết giao cho ai để sử dụng vận hành sao cho hợp lý
Cũng trao đổi với báo chí, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều cho rằng do khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và ngân sách hạn hẹp nên phải lựa chọn hình thức BT để xây dựng, nhưng khi xây dựng thì lại luôn thanh toán một cách nhanh chóng kể cả khi hạng mục chưa hoàn thành.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới khi gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Chúc – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay “Hiện nay việc xây dựng công trình nhà hát và quảng trường đã hoàn thiện và đây cũng chính là điều mà tỉnh đang hướng tới để người dân hưởng những phúc lợi xã hội thật tốt. Về việc bàn giao cho ai hoặc doanh nghiệp nào quản lý và vận hành nhà hát thì tỉnh vẫn chưa tính đến và cũng chưa biết giao cho ai để quản lý(?!)”
Khi liên lạc với ông Bùi Minh Hồng – Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì được trả lời là ông đang bận họp sẽ trả lời báo chí sau.
Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc “ưu ái” cho doanh nghiệp thực hiện dự án BT đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao Nghị định 108/2009 của Chính phủ và Thông tư 166 của Bộ Tài chính chỉ rõ khi dự án hoàn thành được nghiệm thu bàn giao thì Nhà nước mới được phép thanh toán cho Nhà đầu tư, nhưng UBND tỉnh vẫn bỏ qua quy định để phân bổ kinh phí trả ngay cho nhà đầu tư? Tại sao Nhà nước có vốn nhưng vẫn đi lựa chọn hình thức đầu tư BT, để phải tính lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp, liệu đằng sau những quyết định mau mắn này có ẩn chứa gì hay không?
Theo VietNamNet đã đưa tin ngày 7.6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh làm rõ nhiều điểm bất thường tại một số dự án thực hiện theo hợp đồng BT (Xây dựng-chuyển giao) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, một số người nguyên là cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc đã có đơn tố cáo tới một số cơ quan phòng chống tham nhũng TƯ về việc có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn như: Dự án xây dựng nhà hát Vĩnh Phúc, đường vào khu đô thị Đầm Vạc, Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc…trong số này có nhiều dự án thực hiện theo hình thức BT và được tỉnh ưu ái cho một số ít doanh nghiệp trên địa bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét