Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã đạt được chủ đích

Chuyến đi Mỹ của TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
Chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN đã không đem lại thành quả cụ thể nào trên thực tế. Nhưng dường như cả Hoa Kỳ và Việt Nam cũng chỉ mong muốn đạt được chủ đích riêng cũng như chung đối với Trung Quốc. Chủ đích của Việt Nam là muốn dùng cuộc gặp gỡ với Hoa Kỳ để cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn áp Việt Nam, thì Hà Nội không thể tiếp tục trung thành với Bắc Kinh được nữa, mà buộc lòng phải ngả theo Hoa Kỳ, để có “đồng minh” hùng mạnh, khả dĩ ngăn chặn, đẩy lùi được tham vọng xâm lăng của các đồng chí Trung Quốc.
Tổng thống Obama và Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng
tại phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, ngày 7/7/2015.
Chuyến đi Hoa Kỳ của phái đoàn cấp cao đảng và nhà nước Việt Nam do Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) dẫn đầu đã diễn ra và kết thúc êm thắm, sau ba ngày (từ ngày 7 đến ngày 10-7- 2015). Sau đây là một số nhận định của chúng tôi về chuyến đi mà giới báo chí quốc tế cho là “có tính lịch sử” này.

NHẬN ĐỊNH 1: Việc tiếp đón Ông Nguyễn Phú Trọng tuy không long trọng bằng nghi thức đón tiếp thường dành cho một nguyên thủ quốc gia, nhưng cũng đủ làm hài lòng Tổng Bí Thư đảng CSVN.

Do nhu cầu thực tế, chính quyền của Tổng Thống Barrack Obama, đã vận dụng triệt để chủ nghĩa thực dụng của người Hoa Kỳ, nên đã vượt qua nghi thức ngoai giao vốn có và bỏ qua lập trường và quan điểm chính trị xưa nay của một nước dân chủ bậc nhất đối với các chế độ độc tài các kiểu, trong đó có chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị tại Việt Nam.

Vì chủ nghĩa thực dụng, chính quyền Obama đã đón tiếp Ông Nguyễn Phú Trọng một cách long trọng, tuy ông không phải là quốc trưởng, nhưng có thực quyền cao nhất, để lôi kéo Việt Nam đi vào quỹ đạo chiến lược “Xoay trục về Châu Á của Hoa Kỳ”.

Tuyên bố về tầm nhìn chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã ghi lời của Tổng Thống Obama, rằng “Rõ ràng đã có một lịch sử khó khăn giữa hai nước chúng ta trong thế kỷ 20 và vẫn tiếp tục có những khác biệt đáng kể trong triết lý chính trị và hệ thống chính trị giữa hai nước chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng nhờ nỗ lực của các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng ở Mỹ, và cũng như của các nhà lãnh đạo ở Việt Nam trong nhiều năm qua, những gì chúng ta đã chứng kiến là sự xuất hiện một mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, làm lợi cho nhân dân hai nước."

NHẬN ĐỊNH 2: Chuyến đi Hoa Kỳ của Ông Nguyễn Phú Trọng diễn tiến theo một kịch bản được hai bên soạn thảo rất kỹ lưỡng, nhờ đó đã có hiệu quả thực tiễn là loại trừ hay giảm thiểu được sức phản kháng của những chống đối từ nhiều phía.

Những người Mỹ gốc Việt chống cộng đã đòi chính phủ Obama phải đặt vấn đề tôn trọng nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu Hà Nội phải trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt đàn áp đối lập, cho thành lập các công đoàn tự do… như những điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ giúp Việt Nam cộng tham gia TPP hay giải tỏa hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Yêu sách này đã được 9 Dân biểu liên bang hậu thuẫn qua một thư gửi Tổng Thống Obama trước khi gặp Tổng Bí thư Đảng CSVN.

Để thỏa mãn yêu sách này, trước ngày ông Nguyễn PhúTrọng đến Washington, Tổng thống Obama đã tiếp xúc riêng tại Tòa Bạch Ốc với đại diện một số chính đảng và một số cá nhân có thành tích chống cộng để tham khảo, ghi nhận yêu sách của họ. Sau đó Thông cáo do Tòa Bạch Ốc đưa ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Đảng CSVN hôm 7/7 cho biết vấn đề TPP, vấn đề nhân quyền và hợp tác quốc phòng sẽ được thảo luận bàn đến bên cạnh vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hôm 7-7-2015, trước Tòa Bạch Ốc vẫn có nhiều người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối TPP nếu hiệp định này không bao gồm những yêu cầu của phía Mỹ, đòi phải có thêm các biện pháp tốt hơn để bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

Như chứng tỏ có sự quan tâm, trong buổi họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama cho biết hai bên đã thảo luận thẳng thắn về một số khác biệt chung quanh vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo và ông cho là những căng thẳng này có thể được giải quyết song phương và đa phương. Đáp lại, ông Nguyễn Phú Trọng nói đây là một trong những vấn đề “vướng mắc” đã được thảo luận “trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.”

Về phía Trung Quốc là nước đang có những hành động ngang ngược xâm lấn Biển Đông gây tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam, thì chăm chú theo dõi cuộc gặp gỡ Obama-Nguyễn Phú Trọng và sẵn sàng phản ứng nếu thấy có dấu hiệu bất lợi. Hơn ai hết Bắc Kinh hiểu rằng chính những hành động “bắt nạt” Việt Nam của họ đã là động lực thúc đẩy Hà Nội ngày càng đến gần Washington hơn để được bảo vệ.

Biết thế nên người ta thấy Hoa Kỳ và Việt Nam đã tỏ ra thận trọng trong ngôn từ dùng trong các văn kiện khi đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, tránh không nhắc đến tên Trung Quốc để tránh phản ứng bất lợi. Do đó Trung Quốc đã chỉ phản ứng yếu ớt, chiếu lệ qua một vài cơ quan ngôn luận không chính thức của đảng cộng sản Trung quốc, như tờ Hoàn Cầu Thời Báo…)

Chính vì vậy, Tổng thống Obama ngay từ đầu khi đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong cuộc gặp gỡ chỉ nói xa gần có tính nguyên tắc, rằng "Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và khắp châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế để đảm bảo sự thịnh vượng và tự do hàng hải, vốn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế to lớn diễn ra trong khu vực, tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới.”

Tổng Bí thư đảng CSVN trong cuộc gặp Tổng thống Obama cũng chỉ nói “vấn đề trên Biển Đông có những việc làm trái với pháp luật quốc tế, với thỏa thuận của các nước ở trong khu vực, và cũng bày tỏ quan điểm quan ngại về tình hình các diễn tiến mới trên Biển Đông.” Ông Trọng không dám nêu đích danh Trung Quốc.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung sau cuộc gặp cấp cao này cũng đã ghi nhận về vấn đề Biển Đông: Việt Nam và Hoa Kỳ nhấn mạnh nhu cầu cần bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng, bảo đảm luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, đồng thời phản đối các hành vi trấn áp, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai nước tái khẳng định các tranh chấp biển đảo phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cùng lúc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

NHẬN ĐỊNH 3: Thành quả chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN là gì?

Theo chúng tôi, chuyến đi Hoa Kỳ của phái đoàn Nguyễn Phú Trọngvừa qua không đạt được thành quả cụ thể nào trên thực tế, có chăng là những gì được thỏa thuận ngầm giữa đôi bên nhưng không được công bố. Tất cả những gì được công bố chỉ là những thành quả trên nguyên tắc (trong Tuyên Bố về tầm nhìn chung Mỹ-Việt hay những phát biểu của các nhà lãnh đạo hàng đầu Mỹ - Việt), chỉ thể hiện ước muốn chung và riêng, bầy tỏ thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của đôi bên, vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của hai nước Hoa Kỳ và Việt Nm.

Thật vậy, những gì Washington và Hà Nội muốn đạt được qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có giá trị như một bản ghi nhớ; nó chỉ tạo cho mọi người cảm tưởng rằng mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã có những bước phát triển tốt đẹp sau 20 năm bình thường hóa quan hệ và mối quan hệ này đã đi vào một bước ngoặc quan trọng, có thể dẫn đến chuyển biến tích cực trong nội tình Việt Nam. Những người lạc quan thì có hy vọng sau chuyến đi này, đảng CSVN sẽ “phản tỉnh tập thể” chuyển đổi theo chiều hướng tích cực có lợi cho dân cho nước về đối nội cũng như đối ngoại. Nhưng những người đa nghi thì cho rằng sau chuyến đi này, đảng CSVN có thể chỉ lùi một bước chứ không chuyển đổi gì cả.

Về kinh tế Việt Nam mong muốn được Hoa Kỳ hậu thuẫn cho gia nhập TPP. Nhưng có trở ngại là Hà Nội phải có những cải thiện về nhân quyền một cách rõ rệt trong tương lai, thì mới được Hoa Kỳ hậu thuẫn cho gia nhập TPP. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, Ông Nguyễn Phú Trọng đã không đưa ra một phương cách rõ rệt để loại bỏ trở ngại này. Trái lại ông chỉ ghi nhận và hứa hẹn sẽ cùng Hoa Kỳ giải quyết và đưa ra những luận điệu quen thuộc để biện minh cho việc bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến.

Vì vậy, phía Việt Nam chỉ nhận được những tuyên bố lạc quan của Tổng Thống Obama, rằng “Đây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận của hai nước quanh viễn kiến của chúng tôi cho một mối quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi đã thảo luận về TPP và tiềm năng to lớn của một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao mà sẽ nâng cao những tiêu chuẩn lao động, những tiêu chuẩn về môi trường và có tiềm năng tạo nên tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng to lớn cho cả người Việt Nam và người Mỹ.”

Nhưng giá trị hiện thực của những lời tuyên bố này vẫn còn ở phía trước, với kết quả trong tương lai phải hội đủ một số điều kiện ắt có. Thí dụ như ngay sau chuyến đi này, phía Việt Nam phải khởi sự trả tự do cho 125 người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù theo danh sách Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng như một gợi ý, tiếp theo là việc ngưng ngay các hành động bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động khởi động một tiến trình “chuyển đổi” thích hợp qua chế độ dân chủ pháp trị về mặt pháp lý (sửa đổi Hiến pháp, điều chỉnh luật lệ) cũng như thực tế (điều chỉnh cơ chế, tổ chức, nhân sự điều hành từ trung ương đến các địa phương)

Tóm lại, chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN đã không đem lại thành quả cụ thể nào trên thực tế. Nhưng dường như cả Hoa Kỳ và Việt Nam cũng chỉ mong muốn đạt được chủ đích riêng cũng như chung đối với Trung Quốc. Chủ đích của Hoa Kỳ là muốn cho Bắc Kinh thấy rõ quyết tâm ngăn chặn các hành động xâm lấn Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng hậu thuẫn, liên kết, bảo vệ Việt Nam nói riêng, các quốc gia nhỏ yếu khác trong vùng đã và đang bị Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu nói chung. Chủ đích của Việt Nam là muốn dùng cuộc gặp gỡ với Hoa Kỳ để cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn áp Việt Nam, thì Hà Nội không thể tiếp tục trung thành với Bắc Kinh được nữa, mà buộc lòng phải ngả theo Hoa Kỳ, để có “đồng minh” hùng mạnh, khả dĩ ngăn chặn, đẩy lùi được tham vọng xâm lăng của các đồng chí Trung Quốc.

Người ta hy vọng rằng, nếu hiểu được chủ đích đó của Hoa Kỳ và Việt cộng, Trung Quốc sẽ ngưng ngay các hành động xâm lấn trái phép Biển Đông, để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển đảo theo luật pháp quốc tế trong một hội nghị quốc tế, nhằm chấm dứt căng thẳng có thể dẫn đến xung đột quân sự, gây bất ổn trong khu vực và đe dọa nền hòa bình thế giới.

Thiện Ý (VOA)
http://www.voatiengviet.com/content/chuyen-di-my-cua-ong-nguyen-phu-trong/2861380.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét