Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

800 tỷ của Tập đoàn Dầu khí “đổ ra sông bể”?

800 tỷ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đổ ra sông bể”?
ANTT.VN – Không riêng gì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc trước đó NHNN tuyên bố mua lại Oceanbank với giá 0 đồng sẽ cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà; Tập đoàn Đại Dương và Công ty TNHH VNT bị thiệt hại tổng cộng hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư tài chính.

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tài chính của PVN,
 OGC, VNT, Đầu tư và Xây dựng Sông Đà sẽ "đổ ra 
sông bể"? (Trích: Báo cáo quản trị Oceanbank 2014)
Trước đó, ngày 25/04/2015, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank (OJB), đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank. Theo đó, với giá 0 đồng, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của Oceanbank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

Theo lý giải, việc trực tiếp mua lại cổ phần này giúp NHNN chủ động tái cơ cấu OceanBank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của ngân hàng này sang các tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

“Toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại ngân hàng này sẽ được đảm bảo” – NHNN khẳng định.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là vế của các khách hàng cũng như hệ thống các TCTD, còn các cổ đông của Oceanbank, họ sẽ ra sao?

Thông tin trong Báo cáo Quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương năm 2014 cho thấy, tính đến 31/12/2014, Oceanbank đang có tổng số vốn điều lệ (VĐL) là 4.000 tỷ đồng, trong đó có 4 cổ đông lớn sở hữu trên 5% VĐL, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC): 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty TNHH VNT: 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà: 26,61707 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,65%.

Như vậy, với việc “NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của Oceanbank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này” thì rõ ràng các cổ đông lớn nêu trên cũng đã “trắng tay” hoàn toàn sau thương vụ.

Có nghĩa, với quyết định mua lại OJB với giá 0 đồng của NHNN, khoản vốn đầu tư 266 tỷ đồng Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà; 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); 800 tỷ đồng của OGC; 800 tỷ đồng của VNT bỗng hóa “không cánh mà bay”.

Khoản thiệt hại tài chính khổng lồ trên chắc chắn sẽ gây ra “cú shock” không nhỏ cho hoạt động của những công ty này trong thời gian tới. Chưa hiểu cá nhân, đơn vị nào sẽ phải đứng ra gánh chịu trách nhiệm cho những khoản đầu tư “một đi không trở lại” nêu trên?

Ninh Giang
http://antt.vn/800-ty-cua-tap-doan-dau-khi-viet-nam-do-ra-song-be-018580.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét