Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Đám cưới: Chơi hụi “văn minh”!?

Đám cưới: Chơi hụi “văn minh”!?
Đã có chơi hụi, thì tất có … giật hụi, bể hụi, mà theo quan điểm của các kinh tế gia, có thể quy đây vào “rủi ro đạo đức”. Khác với hụi thông thường, hụi văn minh không cần khế ước, không cần chứng thực, mà các khoản hoàn trả cứ gọi là đều như vắt chanh, hạn chế đến mức tối thiểu những rủi ro đạo đức. Có người hay chữ ví von rằng: “Đám cưới ngày nay, chẳng khác gì đám hụi, khác chăng là hụi văn minh mà thôi!”
Qua rồi cái thời mỗi đám cưới có thể sánh ngang một sự kiện văn hóa văn nghệ cỡ vừa, khi mà người ta xúm đen xúm đỏ quanh nhà đám, để “xem mặt” cô dâu-chú rể, để xem cái anh chàng tổ chức lém lỉnh đọc thơ có vần có điệu ca ngợi ngày trăm năm, để nghe những “cây” văn nghệ không chuyên được dịp phục vụ công chúng,… Có lẽ cái ký ức về đám cưới, mà người ta tặng nhau những thau nhôm, chậu nhựa, nồi niêu, xoong chảo (tất nhiên là đều được bọc giấy màu đỏ), đã nhạt nhòa lắm rồi, dù rằng mới đó chỉ đôi ba chục năm.

Không phải ngày nay, người ta đã hết tò mò, để “ngoảnh mặt làm ngơ” khi ngang qua những đám cưới toàn những người khăn là áo lượt, nhưng nếu ta bảo họ dừng lại mà xem, mà bình phẩm, thì e có khi bị mắng là “rỗi hơi”. Quả thế, cái không gian cộng đồng đã khép lại rất nhiều. Ngay cả ở quê tôi, một vùng nông thôn đúng chất, thì đám cưới nay cũng chỉ ai mời người nấy tới, người sơ bất quá cũng chỉ tựa cửa mà xem, chứ đâu còn cái không khí chộn rộn làng xóm, trai gái lớn bé nườm nượp kéo về hội hôn xem cưới.

Ngày nay, người ta gọi cỗ cưới là “cơm bụi giá cao”, gọi thiệp cưới là “trát”, đi ăn cưới là “trả nợ miệng”,… Sao vậy? Vì nhận được thiệp là lại phải nắn đến túi; vì đi ăn cưới, có ăn được mấy miếng đâu, mà tiền mừng thì ai dám khất; vì không muốn đi cũng cứ phải đi, bởi đó là họ hàng, là quan hệ, là ân tình, hay đơn giản là trước kia họ có đi dự (mừng tiền) đám cưới con em mình… Ma chê cưới trách, thế nên thiên hạ mới đem câu chuyện đám cưới, đi ăn cưới, mà cười với nhau; mà phê phán những “đám cưới buôn” – dịp để ông nọ bà kia thu phong bì (tiền mừng).

Thử lật ngược lại vấn đề, quanh cái phong bì mừng đám cưới (gọi tắt là phong bì), thử gạt khỏi suy nghĩ, cái định kiến tiêu cực, xem “bộ mặt thật” của nó là sao. Một cách thẳng thắn thì, hầu hết chúng ta đều lấy nó (phong bì) ra mà cười, mà chê trách; nhưng mấy ai dám nghĩ đến chuyện trả lại khách phong bì, khi người ta đến dự đám cưới con em mình? Có mâu thuẫn hay không?

Người Việt Nam mới chỉ vừa chập chững bước những bước rụt rè đầu tiên, ra khỏi cách thức và tư duy của sản xuất nông nghiệp tiểu nông; còn cái văn hóa cộng đồng cố hữu của người phương Đông, chúng ta đã được các cụ để dành cho làm “vốn” từ cả mấy ngàn năm nay. Trong cái điều kiện kinh tế và văn hóa ấy, sự tương trợ giữa các thành viên cộng đồng là hết sức cần thiết, và nó trở thành một truyền thống đẹp, nói cho lớn lao lên thì có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Vậy nên, việc chúng ta tặng nhau cái thau, cái chảo (trong điều kiện kinh tế khó khăn mấy mươi năm trước); hay nhét vào túi nhau cái phong bì (ngày nay) trong ngày cưới, ở khía cạnh này, cũng có thể coi như là một hình thức tương trợ lẫn nhau. Giữa các quá khứ và hiện tại, nó chỉ khác nhau về hình thức tương trợ: thay vì đưa cho anh/chị cái chảo, thì tôi đưa cho anh/chị tiền, để tự đi mua chảo.

Cuộc sống vốn tự nó đã có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm. Vậy nên, nếu không thể đi ngược lại với trào lưu, hoặc không thể đi lệch khỏi quỹ đạo của nó, thì chi bằng, hãy nhìn nó với con mắt dễ chịu, với một khía cạnh tích cực. Cái phong bì đám cưới cũng vậy mà thôi.

http://www.danluan.org/tin-tuc/20090304/dam-cuoi-choi-hui-van-minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét