Trung tâm biểu diễn nghệ thuật John F. Kenndy
Trung tâm này nằm cạnh khách sạn Watergate (bến đò) nổi tiếng, do vụ nghe lén của Tổng thống Nixon, ngay bên bờ sông Potomac êm đềm.
Kennedy Center. Ảnh: HM
Chiều qua, sau giờ làm việc, tôi thăm Kennedy Center – Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật mang tên John F. Kennedy, Tổng thống Mỹ bị ám sát năm 1963. Trung tâm này nằm cạnh khách sạn Watergate (bến đò) nổi tiếng, do vụ nghe lén của Tổng thống Nixon, ngay bên bờ sông Potomac êm đềm.Đứng trên tầng thượng có thể bao quát toàn bộ khu Georgetown, phố cổ như hàng Đào hàng Ngang của Hà Nội, ngắm sông Potomac và khu bảo tồn đảo Roosevelt, phía đông thấy nhà tưởng niệm Lincoln, tháp bút chì, xem máy bay lên xuống mỗi phút một chuyến trên sân bay nội địa Ronald Reagan.
Sân thượng rất rộng, đông khách ngắm cảnh. Thấy một đôi tỏ tình, người tò mò đứng xem rất đông và hoan hô sau khi chàng quì xuống trao nhẫn và cầu hôn trong cảnh chiều tà xuống dần.
Rộng gần 7000 m2, kiến trúc “vuông thành sắc cạnh”, na ná cung hữu nghị Việt – Xô, Trung tâm được mở cửa ngày 8-9-1971, hàng năm có khoảng hai triệu người tới xem 2000 các vở kịch, bước nhảy nghệ thuật, múa ballet, nhạc cổ điển, jazz, nhạc dân tộc. Khoảng 400 sô diễn miễn phí cho người ít tiền về văn hóa Mỹ và thế giới. Ballet Bolsoi của Nga chiếm một chỗ đứng khá vững ở đây.
Nhớ có lần một bạn tặng cái vé đi xem ballet, mình chơi cái quần gin và áo cộc tay đến. Vừa tới cổng soát vé thấy các ông áo smoking, các bà váy dài tha thướt như trong phim Chiến tranh và Hòa Bình, vội chuồn thẳng. Từ đó, ai tặng vé vào Trung tâm Kennedy là mình…lảng.
Tòa nhà với mấy tầng liên thông nhau, có các phòng hòa nhạc, biểu diễn, vé vào cửa tùy show, có những buổi vé cả ngàn đô la. Lúc tôi ở đó, ngoài hành lang có biểu diễn nhạc dân tộc châu Phi, trống kèn rộn rã, nhảy múa đa sắc mầu. Ai muốn vào xem cũng được.
Ca nhạc dân tộc châu Phi. Ảnh: HM
Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi sản xuất các chương trình truyền hình về nghệ thuật, các họa sỹ trẻ và tài năng đưa tranh đến triển lãm.
Trung tâm hoạt động dựa vào hợp tác giữa chính phủ và tư nhân cùng đóng góp, do bán vé, cho thuê mặt bằng để biểu diễn, hội họp. Đây là nơi bận rộn nhất ở vùng DC.
Ý tưởng xây dựng trung tâm có từ năm 1933 do đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đưa ra, vì bà muốn có một nơi giúp những nghệ sỹ thất nghiệp có nơi biểu diễn và kiếm sống do cuộc đại suy thoái năm 1929 gây ra.
Sau nhiều lần bàn cãi, thậm chí có dành phòng nhỏ ở Thư viện Quốc hội cho mục đích này, nhưng chẳng đi đến đâu. Mãi tới năm 1958, sau bao nhiêu tranh cãi, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký quyết định xây dựng.
Trong đó có nói rõ, phải quyên góp được từ 10-15 triệu đô la trong 5 năm đầu tiên, phần còn lại khoảng 10 triệu do chính phủ liên bang chịu. Đây là lần đầu tiên chính phủ chi tiền cho mục đích văn hóa, vì ở Mỹ, hầu hết những trung tâm kiểu này hầu hết do tư nhân tài trợ và vận hành. Nhà tưởng niệm Washington, Jefferson, Jamestown, là những ví dụ điển hình, tư nhân hơn nhà nước.
KTS đưa ra một mô hình giá thành khoảng 50 triệu đô, gấp đôi so với dự toán ban đầu. Sau nhiều lần sửa đi sửa lại, giá đội lên 61 triệu đô la. Nhưng sau khi quyết toán thì giá cuối khoảng 70 triệu, như vậy cánh cao bồi cũng làm ăn ẩu, đội giá liên tục.
Thật buồn cười, kể từ năm 1959, ba năm đầu tiên đi quyên góp được mỗi khoản bé tý là 13.425 USD. Nhưng do Tổng thống Kennedy quan tâm, bà vợ Jackie tích cực cùng với bà Mamie Eisenhower, phu nhân của Eisenhower, đôn đáo khắp nơi, nên đã thu được khá tiền.
Trong khoảng 70 triệu đô, Quốc hội đóng 43 triệu để xây dựng, bao gồm 23 triệu là tiền ngân khố, 20 triệu do bán trái phiếu. Ngoài ra, tư nhân đóng góp khá lớn. Ford Foundation đóng 5 triệu, các đại gia nhưn J. Willard Marriott, Marjorie Merriweather Post, John D. Rockefeller III, and Robert W. Woodruff, cũng đóng góp không nhỏ. Dòng họ Kennedy góp 500.000 đô.
Chính phủ Italia, chẳng hiểu vì hữu nghị viển vông, cũng tặng 3700 tấn đá mable do nhà “nuôi được”, để lát toàn bộ sảnh, giá 1,5 triệu đô. Mình đi trên sảnh thấy đá mable Italia khá đẹp và bền.
Năm 1964, Trung tâm này được tên thành J. F. Kennedy sau vụ ám sát năm 1963 ở Dallas.
Từ lúc có ý tưởng về một trung tâm văn hóa (1933), mãi tới năm 1971, nghĩa là gần 40 năm,Trung tâm Kennedy mới chính thức đi vào hoạt động. Nhưng đã vận hành thì ra tiền, ngày càng đẹp hơn.
Tôi đến vào ngày thứ Sáu, sau giờ làm việc, thấy người đông đúc, nhiều nhóm ăn mặc rất sang trọng chắc vừa xem ballet hay ca nhạc xong. Nhà hàng trên tầng thượng đông nghẹt người, định thử ly café xem giá nhưng không còn chỗ.
Tỏ tình trên sảnh tầng thượng. Ảnh: HM
Có lẽ trung tâm văn hóa này hái ra tiền. Những ai mua trái phiếu nửa thế kỷ trước nay chắc đang ở thế giới bên kia. Trung tâm vẫn gửi tiền ảo cho con cháu đốt vàng mã và gửi báo cáo hàng năm :)
Bạn nào du lịch đến DC, nên thăm Trung tâm Kennedy vào lúc hoàng hôn, mặt trời lặn ở phía cầu Key và phố cổ Georgetown, bên cạnh đó là Habour View café lúc nào cũng kín chỗ. Nếu chọn tầng thượng để tỏ tình và trao nhẫn cưới cũng là điều tuyệt vời.
Dạo bên sông Potomac, nhờ Tố Hữu viết về Morrison tự thiêu chống chiến tranh Việt Nam dù thi sỹ chưa biết DC tròn méo ra sao
…Emily con ơi
Trời sắp tối rồi
Cha không bế con về được nữa…
Một lần thăm nước Mỹ, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đi dọc bờ sông Potomac. Chỉ có điều bức ảnh chụp Chủ tịch Triết là cạnh hồ hoa anh đào Tidal Basin, cũng thông với Potomac nhưng cách bờ sông khoảng…2km. Còn chỗ tự thiêu chẳng biết ở đâu, nhưng nếu bên bờ Potomac phía Virginia, cũng phải đi thêm cỡ từ Bờ Hồ đến … Chợ Bưởi.
Các báo đăng bài về thủ đô Hoa Kỳ, nhớ nhờ Cua Times thẩm định tin và ảnh :)
HM. 28-6-2014
Phía bắc Kenndy nhìn về DC,. Ảnh: HM
Khách sạn Watergate. Ảnh: HM
Ngắm Virginia. Ảnh: HM
Lincoln Monument. Ảnh: HM
Các thiếu nữ xinh đẹp. Ảnh: HM
Nụ cười sau trao nhẫn. Ảnh: HM
Sảnh phía đông. Ảnh: HM
Watergate hotel và Georgetown. Ảnh: HM
Habour Cafe. Ảnh: HM
Chiều tà trên Georgetown. Ảnh: HM
http://hieuminh.org/2014/06/28/trung-tam-bieu-dien-nghe-thuat-john-f-kenndy/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét