Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Toà án VN 'không nhân danh công lý'

Toà án VN 'không nhân danh công lý'
Trong buổi làm việc với cán bộ tòa án nhân dân tối cao hôm 15/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người. Câu nói này bộc lộ đằng sau đó cả một vấn đề to lớn của hệ thống tư pháp.
Câu nói của Chủ tịch Sang bộc lộ ra một vấn đề của tư pháp Việt Nam
Có một điều ít người biết đó là lâu nay tòa án chưa bao giờ đem ‘công lý’ đến cho mọi người. Đây chỉ là lối nói ẩn dụ muốn gây sự chú ý, và vấn đề cũng đáng phải chú ý thật vì: Từ ‘công lý’ hoàn toàn vắng bóng trong nền tư pháp Việt Nam.

Có thật vậy không?

Tìm hiểu qua gần trăm bản án và quyết định của tòa án thì thấy không có một từ ‘công lý’ nào.

Tìm hiểu một số bản cáo trạng của viện kiểm sát và bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra thì cũng không thấy từ ‘công lý’.

Xét một số văn bản luật quan trọng quy định việc xét xử thì thấy: Bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính đều không có từ công lý.

Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự hay luật tổ chức tòa án cũng không có từ công lý.

"Dường như có một sự mặc cảm tâm lý gượng gạo không được tự nhiên khi sử dụng từ công lý"

Do không có điều kiện để khảo sát hết, nhưng hình như từ ‘công lý’ không được sử dụng trong các văn bản tư pháp, từ kết luận điều tra, cáo trạng đến bản án đều không dùng từ công lý.

Thực tế trong 9 năm hành nghề luật sư, đã làm việc tại hàng trăm phiên tòa và không biết bao nhiêu buổi làm việc với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tôi đều không thấy họ nhắc đến hai từ ‘công lý’.

Nhưng vì sao từ công lý lại không được nhắc đến trong các văn bản tố tụng và hiếm khi được nói ra từ miệng các cán bộ tư pháp thì hình như mọi người đều chưa nhận ra lý do.Ngoài xã hội thì sao?


Tòa án thuộc hệ thống tư pháp 'không được quyền' mạnh hơn bên hành pháp

Xem xét báo chí thì thấy cũng ít khi sử dụng từ công lý hoặc có bài nhắc đến thì hóa ra là những sự vụ chẳng lấy gì làm lớn lao hay nghiêm túc.

Những bài báo viết về các vụ án đa phần chỉ viết một chiều không công tâm khách quan, lời lẽ thì nặng phần đả kích nên khi từ công lý được nhắc đến thì lại thấy kệch cỡm sáo rỗng.

Dường như có một sự mặc cảm tâm lý gượng gạo không được tự nhiên khi sử dụng từ công lý.

Những cơ quan ngôn luận lớn như Đài truyền hình, đài tiếng nói đôi khi cũng lớn tiếng kêu gọi thực thi công lý nhưng là trong các vụ kiện quốc tế khi Việt Nam đòi bồi thường về chất độc màu da cam hay các vụ kiện về cá basa.

Người dân khi có việc liên quan tới tòa án thì cũng chẳng bao giờ thấy nói đến công lý. Trong đời sống thường nhật nếu có ai nhắc đến công lý thì luôn kèm theo sự cảm thán.

Chẳng thế mà trong đời sống đã có một câu nói tới nay đã thành quen thuộc đó là: Công lý chỉ là một diễn viên hài.

Câu nói đã phản ánh sự thất vọng đối với nền tư pháp vắng bóng công lý song cũng kết hợp với yếu tố hài để xoa dịp nỗi oán thán vì trong làng nghệ sĩ hài Việt Nam có một người tên là Công lý.

Vậy phải chăng nền tư pháp Việt Nam không có khả năng đem lại công lý?

Điều đó không hẳn đúng, nhưng rõ ràng có một sự rất bất bình thường khi từ công lý bị chối bỏ không được sử dụng trong nền tư pháp.

Điều này có liên quan thế nào với việc hệ thống tòa án lâu nay hoạt động yếu kém biểu hiện qua các tệ trạng như xử án oan sai, tình trạng chạy án, nhận hối lộ, nhũng nhiễu đương sự bằng cách kéo dài thời gian giải quyết án.v.v.

Nữ thần công lý

Chúng ta biết rằng hệ thống pháp luật Châu Âu với một lịch sử lâu đời đã tạo nên biết bao thành tựu cho nhân loại, trong đó nhiều khái niệm, hình tượng và chế định pháp lý giờ đã trở thành phổ quát cho toàn thế giới.

Nhiều khái niệm và chế định pháp lý của pháp luật Việt Nam là sản phẩm vay mượn từ hệ thống pháp luật Châu Âu.


Tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử nhưng tòa án ở Việt Nam thì không
Nhưng có những hình tượng pháp lý mặc dù đã là phổ quát nhưng lại gặp khó khăn khi du nhập vào Việt Nam, ví như hình tượng Nữ thần công lý.

Nữ thần công lý là hình tượng một người phụ nữ có một dải băng che mắt mang ý nghĩa tránh sự chi phối ảnh hưởng từ bên ngoài để giữ sự công tâm khách quan, một tay cầm cán cân để phân định đúng sai phải trái, tay kia cầm thanh gươm biểu tượng của quyền uy tòa án.

Nữ thần công lý có nguồn gốc từ thời văn minh La Mã, là hình tượng tín ngưỡng mang yếu tố tâm linh được tôn vinh và hy vọng đem đến công lý cho con người.

Niềm tin công lý theo đó xuất phát từ niềm tin tôn giáo, là thuộc tính tâm hồn được khơi nguồn từ một thực thể mang tính thần thánh, trong khi đó ở Việt Nam chính thể hiện tại là vô thần.

Đây là chướng ngại lý giải vì sao hình tượng nữ thần công lý không được phổ biến ở Việt Nam và từ ‘công lý’ không được nhắc đến trong nền tư pháp.

Nhân danh gì?

Hệ thống tòa án được thiết kế trên cơ sở học hỏi hệ thống tòa án Phương Tây, nhưng một số khái niệm hay hình tượng do không phù hợp nên khó vận dụng vào Việt Nam như hình tượng nữ thần công lý.

Điều này dẫn đến là khi bị khuyết thiếu những thành tố để cấu thành nên một hệ thống hoàn chỉnh thì người ta đã xoay sở để có được thành tố phù hợp đắp vào chỗ còn thiếu.

Ví như vấn đề tòa án xét xử nhân danh cái gì?

Tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử nhưng tòa án ở Việt Nam không nhân danh công lý, thay vào đó tòa án nhân danh nhà nước hay nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhưng sự bù đắp kiểu này lại gây ra những bất cập mà nếu mổ xẻ ra sẽ cho thấy những điều vô lý.

Nếu tòa án nhân danh nước cộng hòa thì không ổn, vì đất nước mặc dù cao quý nhưng không có tinh thần, không có tâm hồn nên đất nước không được cho là thực thể có khả năng đoán định đúng sai đem lại công lý.

Nếu nhân danh nhà nước thì cũng không ổn, vì nhà nước chỉ là sản phẩm công cụ của con người, có thể trở thành một bên đương sự đối trọng với người dân.

Trong hệ thống pháp luật đã có một luật là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vậy khi Nhà nước có sai phạm và trở thành một bên đương sự thì làm sao Nhà nước vừa là người phán quyết đem lại công lý vừa là đương sự được?
Hệ thống tư pháp là sản phẩm vay mượn từ bên ngoài nhưng các chế định pháp lý đã bị uốn chỉnh sao cho phù hợp với thực tế trong nước, nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau nó trở thành một hệ thống không hoàn chỉnh.

Bài toán khó

Nhà nước đã nhận ra những điều bất cập của hệ thống tư pháp nên đã có chủ trương sửa đổi cải cách tư pháp và Chủ tịch nước là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước yêu cầu tòa án phải mang lại công lý cho mọi người, đây có thể là một ẩn ý sâu xa chứa đựng một chủ trương lớn.

Theo đó trách nhiệm nặng nề được giao cho tòa án làm sao hóa giải các mâu thuẫn để đưa hình tượng nữ thần công lý vào hệ thống tư pháp vốn không theo tôn giáo nào.

Tức là nội hóa một triết thuyết pháp lý quan trọng của thế giới.

Nhưng tòa án có thể biến khó thành dễ bằng việc sử dụng chữ ‘công lý’ trong các bản án để đem ‘công lý’ đến cho mọi người.

Nếu muốn tòa án còn làm được gì hơn thế, đem đến công lý thực chất cho mọi người thì phải nâng cao vị thế chính trị và mở rộng quyền hạn pháp lý cho tòa án.

Nhưng vấn đề là một khi tòa án lớn quyền thì lại là mối đe dọa đối với các chủ thể khác.

Lâu nay quyền tư pháp yếu hơn rất nhiều so với quyền hành pháp.

Chính phủ đã thụ hưởng sự an toàn từ một nền tư pháp yếu.

Nền tư pháp đã rất kém trong việc đảm bảo công lý và xử lý tội phạm.

Chủ trương cải cách tư pháp đã có nhưng việc này khó thể thành công nếu vẫn chối bỏ ‘công lý’ và quyền tư pháp vẫn bị kìm giữ trong tình trạng yếu kém như lâu nay.

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài tham gia Diễn đàn BBC Tiếng Việt
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công chính từ Hà Nội.
(BBC)

1 nhận xét:

  1. Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, bất cứ nhà nước nào cũng chỉ là công cụ của một giai cấp (giai cấp nắm quyền thống trị về mặt kinh tế), tức là công cụ của giai cấp thống trị (cả bóc lột và không bóc lột). Theo lí luận đó thì nhà nước CHXHCNVN chính là công cụ của giai cấp thống trị ở Việt Nam (cụ thể hơn ở đây là của giai cấp công nhân, những người cộng sản thường nói quá đi là của toàn thể nhân dân lao động) nhưng thực chất là công cụ của một giai cấp đặc quyền, đặc lợi (ta gọi là nhóm lợi ích). Cho nên, khi tòa án tuyên nhân danh nhà nước CHXHCNVN thì cũng nên hiểu là họ nhân danh lợi ích của nhóm đặc quyền đặc lợi để kết án thôi. Điều đó giải thích tại sao đối với những người phạm những tội chống lại trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích của nhóm này thường bị tòa tuyên những bản án bất công.

    Trả lờiXóa